Trên 60% doanh nghiệp Nhật Bản làm ăn “có lãi”
Ngày 14/02/2017, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) tổ chức lễ công bố “khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam”.
Kết quả cuộc khảo sát này dựa trên kết quả khảo sát thực trạng hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại dương trong năm 2016. Cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 10-11/2016. Tại Việt Nam, có 639 doanh nghiệp được khảo sát có câu trả lời hợp lệ.
62,8% doanh nghiệp Nhật hoạt động tại Việt Nam có lãi
Theo khảo sát của Jetro, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam trả lời "có lãi" chiếm trên 60% (tăng 4,0 điểm % so với năm 2015), trong khi đó, số doanh nghiệp trả lời "lỗ" là 25,1% (tăng 1,1 điểm % so với năm 2015). Nếu tính theo loại hình doanh nghiệp, trong ngành công nghiệp chế tạo, tỷ lệ các doanh nghiệp gia công xuất khẩu và doanh nghiệp không gia công xuất khẩu trả lời "có lãi" lần lượt là 59% và 62%, nằm dưới mức trung bình so với tổng thể.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, có 66,6% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng.
Theo ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện của Jetro tại Hà Nội: “Cứ 3 doanh nghiệp Nhật, thì có 2 doanh nghiệp muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. So sánh với Trung quốc là 40,1% và với các nước trong Asean, thì tỷ lệ doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng kinh doanh ở Việt Nam là cao hơn”.
Ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện của Jetro tại Hà Nội phát biểu tại lễ công bố |
So sánh với các quốc gia khác, tỷ lệ xuất khẩu 100% của Việt Nam chiếm tỷ trọng cao, khoảng 30%. Mặt khác, mặc dù tỷ trọng xuất khẩu sang Nhật Bản đã giảm từ 62,5%xuống còn 58,4% so với năm trước, tỷ lệ này (khoảng 60%) vẫn là cao khi so sánh với các nước khác.Lý do chính để mở rộng kinh doanh đó là các doanh nghiệp Nhật kỳ vọng vào việc tăng doanh thu, với 87,7% và tính tăng trưởng và tiềm năng cao của thị trường Việt Nam, với 45,9%.
Về đầu tư trực tiếp của Nhật vào Việt Nam. năm 2016, Nhật Bản tiếp tục là quốc gia đầu tư lớn thứ hai vào Việt Nam. Năm 2016, có 549 dự án được cấp phép, tăng 17,7% và số vốn cấp phép là 2.122 triệu USD, tăng 10,1% so với năm 2015.
Các ngành nghề mà các doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam, đó là: chế tạo (chiếm 22%), tư vấn (19%), phân phối và bán lẻ (19%), IT (16%), khách sạn – ăn uống (7%)...
Chi phí nhân công tăng cao làm các doanh nghiệp Nhật lo lắng nhất
Việt Nam đứng thứ 4 (63,4%) trong số 15 quốc gia được cho là có “tình hình chính trị, xã hội ổn định”. Hơn một nửa số doanh nghiệp đánh giá cao về, “quy mô thị trường, khả năng tăng trưởng” và “chi phí nhân công rẻ”.
Tuy nhiên, ông Atsusuke Kawada cũng cho biết, Việt Nam tiếp tục xếp cuối trong 15 quốc gia cho rằng “Rào cản ngôn ngữ là không đáng kể” với 9,5%.
Liên quan đến các hạng mục hàng đầu chung của toàn khu vực về “rủi ro trong môi trường đầu tư”, giống như năm trước, thứ hạng của Việt Nam tại các hạng mục đang được giảm xuống, cùng với đó là môi trường đầu tư đang được cải thiện.
Theo ông Atsusuke Kawada, có được kết quả trên là do sự quyết liệt của Chính phủ Việt Nam trong việc ban hành Nghị quyết 19 và của các bộ, ngành trong việc cải thiện thủ tục hành chính. Tuy nhiên, thời gian tới, ông Atsusuke Kawada mong muốn có sự nỗ lực hơn nữa của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh.
Trưởng đại diện của Jetro cũng cho biết, khoảng 60% doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng “Chi phí nhân công tăng cao” (58,5%), khoảng 50% doanh nghiệp chỉ ra “Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận dụng luật pháp không rõ ràng” (48,4%), khoảng 40% doanh nghiệp nhận thấy “Cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện” (44,4%) và “Cơ chế, thủ tục thuế phức tạp” (41,8%) là vấn đề rủi ro. Ngoài ra, Việt Nam xếp thứ 4 trong tổng số 15 quốc gia có “Ngành công nghiệp phụ trợ còn non kém, chưa phát triển” với 34,9%.
Liên quan đến các khó khăn trong hoạt động kinh doanh, giống như khảo sát của năm trước, có hơn 60% doanh nghiệp đưa ra vấn đề về “lương cho nhân viên sở tại tăng” và “khó khăn trong thu mua nguyên vật liệu, linh kiện tại nước sở tại”.
Ông Atsusuke Kawada cũng chỉ ra, một khó khăn khác trong kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, đó là tỷ lệ nội địa hóa còn thấp. Dẫn khảo sát của Jetro, ông Atsusuke Kawada cho biết, mặc dù tỷ lệ nội địa hóa năm 2016 của Việt Nam đạt 34,2%, tăng 2,1% điểm so với năm trước. Song, tỷ lệ này vẫn thấp hơn Trung Quốc (68%), Thái Lan (57%), Indonesia (41%), Malaysia (37%). So sánh giữa khu vực miền Bắc và khu vực miền Nam thì ở tỷ lệ ở khu vực miền Nam (35,4%) cao hơn ở miền Bắc (34,3%).
Xét cụ thể hơn về tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam sẽ thấy, tỷ lệ cung ứng từ các doanh nghiệp nội địa là 41,1%, không có sự chênh lệch nhiều so với năm trước.
“So với các quốc gia khác, tỷ lệ cung ứng từ “doanh nghiệp nước ngoài khác” (không phải doanh nghiệp Việt Nam, Nhật Bản) còn cao. Do đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh về chi phí, Việt Nam cần tăng cường thu mua từ các doanh nghiệp trong nước”, người đứng đầu Jetro tại Hà Nội nhấn mạnh./.
Bình luận