Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước tính toàn thị trường đạt 102.614 tỷ đồng, tăng trưởng 23,6% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 29.592 tỷ đồng (+9,31% yoy), doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 73.022 tỷ đồng (+30,5% yoy).

Triển vọng tăng trưởng ngành bảo hiểm cuối năm 2021
6 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước tính toàn thị trường đạt 102.614 tỷ đồng, tăng trưởng 23,6% so với cùng kỳ năm 2020

Báo cáo đánh giá doanh nghiệp ngành bảo hiểm của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, tính riêng trong quý 1/2021, số người bị giảm thu nhập lên tới 6,5 triệu người (xấp xỉ 1/3 tổng số người bị ảnh hưởng trong cả năm 2020). “Thống kê này đã cho thấy túi tiền của khách hàng thực sự trở nên eo hẹp hơn rất nhiều so với năm trước, dẫn đến nhu cầu cho các sản phẩm bảo hiểm cá nhân tạm thời giảm sút trong giai đoạn này, nhất là khi các biện pháp giãn cách sẽ vẫn tiếp tục được áp dụng, và có thể kéo dài cho đến hết quý III/2021”, BVSC viết.

Thu nhập người dân giảm sút là thách thức lớn cho hoạt động khai thác bảo hiểm. Trong khảo sát mới đây nhất do Vietnam Report thực hiện về triển vọng thị trường 6 tháng cuối năm, có 4 thách thức lớn nhất mà DNBH sẽ phải đối mặt bao gồm: (1) cạnh tranh tron ngành gia tăng; (2) rủi ro từ yếu tố thiên tai, dịch bệnh; (3) thu nhập khách hàng giảm sút và (4) hiện tượng trục lợi bảo hiểm. Đây đều là 4 thách thức vẫn luôn hiện hữu trong ngành bảo hiểm trong nhiều năm qua, và đều có xu hướng gia tăng so với năm trước.

Trong khi sản phẩm cá nhân tăng trưởng chậm lại, các sản phẩm bảo hiểm bán buôn như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm hàng hóa sẽ dẫn dắt tăng trưởng toàn ngành nhờ hưởng lợi gián tiếp từ những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp; mở rộng hoạt động thương mại, tận dụng cơ hội từ FTA, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu. Tính chung cả năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đạt 58.798 tỷ đồng (+5,4% yoy).

BVSC cho rằng, trong 6 tháng cuối năm 2021, nền kinh tế sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ triển khai các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp; mở rộng hoạt động thương mại, tận dụng cơ hội từ FTA, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu, kéo theo nhu cầu cho các sản phẩm bán buôn như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm hàng hóa tăng cao. Theo đó, cho cả năm 2021, BVSC ước tính tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm sức khỏe/xe cơ giới/tài sản/hàng hóa/chạy nổ lần lượt là 1%/-2%/20%/25%/15% so với cũng kỳ. Tính chung cả năm, tổng doanh thu đạt 58.798 tỷ đồng (+5,4% yoy).

Triển vọng tăng trưởng ngành bảo hiểm cuối năm 2021
Nguồn BVSC

Cũng theo BVSC, lãi suất tiền gửi thấp ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động đầu tư tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm. Trung bình hơn 60% lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp bảo hiểm đến từ lợi nhuận hoạt động tài chính, trong đó chủ yếu là doanh thu tiền gửi (hơn 80% danh mục đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm là tiền gửi ngân hàng). “Trong điều kiện thị trường vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, chúng tôi cho rằng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tiếp tục được duy trì trong những tháng cuối năm, trong đó lãi suất huy động tiếp tục được duy trì ở mức thấp”, BVSC nhận định.

Tuy tăng trưởng doanh thu phí và lợi suất đầu tư ở mức thấp, nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm phần nào cũng được bù đắp nhờ tỷ lệ bồi thường tiếp tục duy trì ở mức thấp. Trong nửa đầu năm 2021, tỉ lệ bồi thường toàn ngành chỉ là 32,7%, thấp hơn cùng kỳ năm 2020 (33,5%). Đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

BVSC cho rằng, việc giãn cách xã hội trong quý III/2021 ở một số tỉnh thành khiến tỉ lệ bồi thường có thể còn thấp hơn trong nửa cuối năm. Do đó, ước tính tỉ lệ bồi thường cả năm 2021 có thể giảm xuống 32%, tác động tích cực đến những doanh nghiệp có tỉ trọng sản phẩm bảo hiểm cá nhân lớn.

Triển vọng tăng trưởng ngành bảo hiểm cuối năm 2021
Nguồn BVSC

Liên quan đến giá cổ phiếu của doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn chứng khoán, BVSC nhận định, quá trình thoái vốn tại các doanh nghiệp có thể tạo động lực tăng giá ngắn hạn Trong năm 2021, một số doanh nghiệp có kế hoạch thoái một phần vốn như BMI, PTI, BVH, MIG. Đây sẽ là động lực tăng giá ngắn hạn cho cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, do giá cổ phiếu trong các thương vụ ở quá khứ thường được trả mức giá trên giá trị sổ sách (PB) cao hơn so với mức giá giao dịch trên thị trường.

Triển vọng tăng trưởng ngành bảo hiểm cuối năm 2021
Việt Nam luôn nằm trong TOP những quốc gia có tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm cao nhất thế giới (Nguồn BVSC)

Đánh giá tổng quan về triển vọng ngành bảo hiểm Việt Nam so với quốc tế, BVSC cho biết, Việt Nam luôn nằm trong TOP những quốc gia có tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm cao nhất thế giới, với tăng trưởng trung bình hàng năm luôn trên 9,3%. Tuy liên tục ghi nhận tăng trưởng cao, nhưng tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm tại Việt Nam vẫn có rất thấp, chỉ ở mức 2,7% nếu tính đến năm 2019 (phi nhân thọ là 0,8%, nhân thọ là 1,9%), thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực (trung bình ở mức 3,3%). Theo đó, BVSC tin rằng, khi đại dịch Covid-19 đi qua, ngành bảo hiểm phi nhân thọ sẽ nhanh chóng quay trở lại mức tăng trưởng trung bình 15% trong giai đoạn trước, trong khi bảo hiểm nhân thọ vẫn giữ được mức tăng trưởng cao 25-30%/năm./.