Điểm mới của Nghị định 132, theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Đặng Ngọc Minh, là ngoài việc nâng mức chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% lên 30% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay của doanh nghiệp, Nghị định 132/2020 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung nhằm hoàn thiện các quy định về chống chuyển giá. Nghị định 132/2020 có hiệu lực từ ngày 20/12/2020, được kỳ vọng sẽ giúp hoạt động chống chuyển giá tại Việt Nam đạt hiệu quả cao hơn.

PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính cho rằng, thực hiện chống chuyển giá như quy định tại Nghị định 132/2020 không phân biệt doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp FDI là phù hợp vì hoạt động chuyển giá không chỉ có doanh nghiệp FDI mới thực hiện mà càng ngày càng có nhiều DN nội địa cũng thực hiện “chiêu trò” chuyển giá để lẩn tránh nghĩa vụ thuế.

Chuyển giá luôn là vấn đề phức tạp diễn ra ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Theo thông tin từ Kiểm toán Nhà nước, ở Việt Nam, chuyển giá không chỉ được thực hiện bởi các công ty đa quốc gia, doanh nghiệp FDI, mà còn được thực hiện bởi các doanh nghiệp nội địa kinh doanh đa ngành nghề, địa bàn, lĩnh vực được hưởng các mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi khác nhau. Do vậy, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, hành vi chuyển giá cần hiểu theo nghĩa rộng hơn, cụ thể, đó là hành vi do các chủ thể kinh doanh thực hiện bằng cách thay đổi giá trị trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong quan hệ với các bên liên kết nhằm tối thiểu hóa tổng số thuế phải nộp của các đối tác liên kết, gồm các công ty thành viên trong một công ty đa quốc gia; các công ty hoặc đơn vi thành viên trong một tổng công ty, công ty, tập đoàn kinh tế; các công ty độc lập mà chủ sở hữu của chúng có mối quan hệ đặc biệt, thường là mối quan hệ thân nhân.

Hoạt động chuyển giá không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ thể trong nền kinh tế. Những dấu hiệu chuyển giá thường được nhận diện gồm: doanh nghiệp lỗ trên 3 năm liên tục hoặc lỗ âm nguồn vốn chủ sở hữu nhưng vẫn hoạt động và tăng doanh thu, tăng quy mô doanh nghiệp; có hiệu quả kinh doanh không đáng kể nhưng luôn có sự tài trợ từ các khoản vay của công ty liên kết, công ty mẹ hoặc các bên có góp vốn, đầu tư… Các công ty chỉ có một hoặc ít khách hàng trong nhiều năm liên tục thường bán sản phẩm chỉ bằng giá thành sản xuất; cùng một hàng hoá, dịch vụ trong doanh nghiệp nhưng giá bán thị trường nội địa cao hơn giá xuất khẩu; công ty có các khoản phải thu, phả trả nhiều năm không thanh toán nhưng vẫn có giao dịch phát sinh; xuất xứ hàng hoá có sự tham gia từ 3 nước khác nhau trở lên.

Được biết, pháp luật nhiều nước trong khu vực đều quy định biện pháp, chế tài rất mạnh đối với hành vi chuyển giá. Chẳng hạn, Singapore quy định, mức phạt chung cho các vi phạm về thuế từ 100% đến 400% khoản thuế vi phạm. Indonesia áp dụng mức phạt từ 2% đến 48%/tháng tính trên số thuế nộp thiếu bị phát hiện do gian lận qua chuyển giá. Malaysia quy định mức phạt dao động từ 1 đến 3 lần số thuế bị phát hiện gian lận, đồng thời, công khai danh tính doanh nghiệp thực hiện chuyển giá, chiếm đoạt tiền thuế. Tại Việt Nam, nếu doanh nghiệp chậm nộp thuế thì tiền chậm nộp được tính là 0,1% tính trên số tiền chậm nộp/ngày. Nếu cơ quan thuế chứng minh được doanh nghiệp gian lận thuế thì mức phạt hành chính sẽ từ 1 đến 3 lần số tiền gian lận thuế.