Văn bản phòng chống dịch, địa phương “vênh” với Trung ương
“Trong gần hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân. Chính phủ đã chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 thông qua việc kịp thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số nội dung khác luật hoặc luật chưa quy định hoặc vượt thẩm quyền…”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, khi trình bày trước Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội đang diễn ra Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, theo Văn phòng Quốc hội.
Cũng theo bà Nguyễn Thúy Anh, Chính phủ đã chủ động, khẩn trương, kịp thời ban hành trên 100 văn bản chỉ đạo, điều hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch với mục tiêu bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết và trước hết.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, tác động về mặt xã hội của đại dịch Covid-19 rất lớn nhưng chưa được đánh giá đầy đủ. Ảnh: Quốc hội |
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, các văn bản hướng dẫn, trả lời của các bộ, ngành trung ương để giải quyết các vấn đề, vướng mắc, phát sinh ở địa phương đôi khi còn chậm, có văn bản chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Vẫn còn tình trạng văn bản của chính quyền địa phương chưa bảo đảm tính thống nhất với hướng dẫn của Trung ương và chưa thống nhất, đồng bộ giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa các địa phương; một số trường hợp làm phát sinh thủ tục hành chính mới, chưa phù hợp với quy định pháp luật. Trong chỉ đạo, điều hành đôi lúc còn lúng túng, thiếu thống nhất; việc phân cấp cho các địa phương thời gian qua chưa thật chặt chẽ, thiếu cơ chế kiểm soát việc thực hiện…
Đề cập cụ thể những tồn tại, hạn chế, Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhìn nhận, về công tác y tế, việc ứng phó với đợt dịch thứ 4 bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là hạn chế của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Công tác đánh giá nguy cơ, dự báo tình hình dịch bệnh chưa sát... Doanh nghiệp rút khỏi thị trường và ngừng kinh doanh với số lượng lớn; thị trường lao động khu vực chính thức có xu hướng thu hẹp, lực lượng lao động phi chính thức bị mất việc làm, phải tạm ngừng làm việc chiếm tỷ lệ lớn; có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động trong và sau các làn sóng dịch...
Theo Ủy ban Xã hội của Quốc hội, việc triển khai hình thức học trực tuyến còn một số khó khăn, bất cập cả từ phía nhà trường, giáo viên, học sinh và gia đình, chất lượng khó đảm bảo, có nguy cơ gây ra một số hệ lụy không tốt cho trẻ em; hạn chế việc thực hành của học sinh, sinh viên. |
Về an ninh trật tự và tệ nạn xã hội, một số tội phạm, tệ nạn mới hoặc đã có từ trước nhưng diễn biến phức tạp hơn như: thông tin sai sự thật về dịch Covid -19; lừa đảo trên không gian mạng; tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp...
Một vài địa phương chưa làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền khi ban hành văn bản hướng dẫn, làm cho người dân bị động, bất ngờ, không có thời gian thích ứng; thiếu sự kết nối, chia sẻ giữa các ứng dụng công nghệ thông tin...
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, liên quan đến giải pháp thời tới, Ủy ban Xã hội của Quốc hội kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát, đánh giá các văn bản, quy định có liên quan đến công tác phòng, chống dịch để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc sửa đổi, bổ sung, đảm bảo chặt chẽ, khả thi, thống nhất, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, phát huy hiệu lực, hiệu quả. Cũng cần khẩn trương ban hành Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế để thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh Covid -19; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kịp thời ban hành hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, ứng phó với dịch Covid -19 trong phạm vi phụ trách…/.
Bình luận