Trong chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” tối 20/9, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã cho biết, năm nay, khiếu nại tố cáo có tính chất phức tạp, gay gắt, đông người, vượt cấp, trở thành điểm nóng, thì lại cao hơn cùng kỳ năm trước.

Khiếu nại trong lĩnh vực đất đai chiếm trên 64%

Cụ thể, theo ông Huỳnh Phong Tranh, năm nay, số lượt đoàn đông người tăng hơn 11% và khiếu nại trong lĩnh vực đất đai chiếm trên 64%.

“Có thể nói rằng lĩnh vực đất đai là lĩnh vực khiếu nại nhiều nhất, nóng nhất và gay gắt nhất”, Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Song, ông Tranh cũng cho hay, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng đã được tập trung giải quyết.

Sáu tháng đầu năm 2015, trên cơ sở tập trung cao, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phát sinh đạt trên 86%. Đặc biệt, đã giải quyết được 528 vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, đạt tỷ lệ trên 98%.

“Còn một tỷ lệ nhỏ là những vụ việc khá lâu và phức tạp, đòi hỏi nhiều cấp, ngành cùng tham gia giải quyết”, ông Tranh nhấn mạnh.

Về lý do vì sao tình hình khiếu nại, tổ cáo vẫn “nóng”, người đứng đầu Thanh tra Chính phủ cho biết, do nguyên nhân như sau:

Một là, cơ chế chính sách của chúng ta đã ban hành nhiều nhưng vẫn còn bất cập, phải tiếp tục bổ sung, điều chỉnh. Cộng với đó, nhiều vụ việc đất đai do lịch sử để lại, các cấp chính quyền đã vận dụng, quan tâm, tìm mọi giải pháp để giải quyết đúng pháp luật, đúng thực tiễn, nhưng cũng chưa giải quyết hết yêu cầu của người khiếu kiện.

Thứ hai, các cấp chính quyền vừa qua tuy có nhiều nơi quan tâm giải quyết, nhưng cũng còn một số nơi, một số trường hợp giải quyết chưa dứt điểm, chưa đến nơi đến chốn.

“Thậm chí còn có tình trạng né tránh, đùn đẩy, kéo dài thời gian giải quyết nên dẫn đến bức xúc cho bà con”, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết.

Thứ ba, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của chúng ta vừa qua có làm, nhưng chưa được đầy đủ, tạo nhận thức cho người dân. Cho nên, người dân chưa hiểu đúng nghĩa vụ, quyền lợi trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.

“Tâm lý bà con hiện nay thì khiếu nại càng cao, càng tập trung đông người để gây áp lực cho chính quyền thì giải quyết càng nhanh. Điều đó hoàn toàn không chính xác mà phải đi theo thẩm quyền, giải quyết theo pháp luật. Có như vậy, vụ việc mới được giải quyết dứt điểm, bảo đảm quyền lợi của bà con đi khiếu nại”, Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.

Để có thể xử lý triệt để khiếu nại tố cáo

Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, đầu tiên là nơi nào cấp ủy Đảng lãnh đạo chặt chẽ, chính quyền các cấp quan tâm giải quyết trực tiếp khiếu nại tố cáo của nhân dân, thì nơi đó tình hình ổn định hơn, khiếu nại tố cáo của bà con được giải quyết tốt hơn.

Tiếp đó là, trách nhiệm người đứng đầu, đặc biệt trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, là rất quan trọng. Nếu ở đâu người đứng đầu trực tiếp tiếp công dân, đối thoại, trực tiếp chỉ đạo, quyết định giải quyết, thì nơi đó vụ việc sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất, thậm chí không còn những vụ việc đông người, phức tạp.

Cuối cùng, theo ông Tranh là do công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại tố cáo thì chưa làm thật tốt, nhận thức người dân chưa đầy đủ.

Từ đó, tạo ra một nguyên nhân là người dân chưa hiểu đúng nghĩa vụ và quyền lợi trong giải quyết khiếu nại tố cáo, dẫn đến khiếu nại vượt cấp.

Nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ trong giải quyết khiếu nại tố cáo

Nhằm có thể phục vụ tốt nhất cho Đại hội Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, đã ban hành kế hoạch triển khai chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về thực hiện công tác tiếp công dân.

Thứ hai, đã thành lập tổ công tác, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra và cấp ủy các cấp, để một mặt giải quyết khiếu nại, một mặt giải quyết tố cáo liên quan đến nhân sự đại hội các cấp.

“Thứ ba, chúng tôi đã cử cán bộ xuống, cùng địa phương phối hợp rà soát các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, đông người, điểm nóng, để giải quyết dứt điểm tại địa bàn”, ông Tranh cho biết.

Thực hiện tốt các nhiệm vụ trên đòi hỏi thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước các cấp phải quan tâm đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Cùng với đó, phải thể hiện trách nhiệm người đứng đầu trong quá trình giải quyết khiếu nại tố cáo, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của người đứng đầu, của các cấp chính quyền trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Ngoài ra, phải tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân, để người dân hiểu được nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm trong việc khiếu nại, tố cáo của mình để người dân thực hiện đúng trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.

“Nếu bà con đi vượt cấp ra Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thì chẳng những tốn thời gian, công sức, tiền của, mà còn ảnh hưởng tới an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn Thủ đô cũng như các đô thị”, người đứng đầu Thanh tra Chính phủ nhắn nhủ.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị, UBND các tỉnh, thành phố cần quan tâm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nơi nào có bà con khiếu nại đông người, kéo ra Ban tiếp công dân Trung ương ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hay các địa bàn trọng điểm khác, thì cần cử người có trách nhiệm cùng với Trung ương, trực tiếp đối thoại, giải quyết, tìm ra giải pháp để bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ của bà con, đặc biệt là bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội./.