VEPR: GDP 2018 có thể tăng 6,83%
Đây là một trong những thông tin được đưa ra tại buổi công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý I năm 2018, được VEPR đã tổ chức vào chiều 10/04/2018 tại Hà Nội.
“Lấn cấn” về chất lượng tăng trưởng
Theo Báo cáo Tình hình kinh tế - tài chính quý I, kinh tế Việt Nam quý I/2018 tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây, đạt mức 7,38%. Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ có sự cải thiện mạnh so với các năm trước. Khu vực công nghiệp và xây dựng cũng tăng trưởng rất cao ở mức 9,7%. Ngành công nghiệp chế tác tiếp tục là động lực cho cả nền kinh tế.
Đơn cử, riêng Samsung Việt Nam đóng góp nhiều nhất cho sự tăng trưởng của ngành chế biến chế tạo. Cụ thể, giá trị hàng xuất khẩu (điện thoại và linh kiện) của Samsung Việt Nam đạt 12,3 tỷ USD, tăng tới 58,8% so với cùng kỳ năm 2017. Cùng với đó, ngành khai khoáng đã tăng trưởng dương trở lại với mức 0,40% sau hai năm liên tục suy giảm.
Quang cảnh buổi công bố Báo cáo tình hình kinh tế - tài chính quý I
Cũng theo báo cáo, quy mô việc làm tạo mới trong quý I/2018 không cao tương ứng với mức tăng trưởng cao của nền kinh tế so với năm trước. Cụ thể, tính chung cả quý I, chỉ có hơn 225.000 việc làm mới được tạo thêm, trong khi cùng thời điểm này năm 2017 nền kinh tế thậm chí tạo thêm hơn 291.000 việc làm.
Xét theo thành phần, tăng trưởng lao động ở khu vực nhà nước tiếp tục giảm 1,2%; trong khi ở khu vực ngoài nhà nước và FDI đều ghi nhận mức tăng lần lượt là 3,9% và 4,5%.
Trước hiện trạng này, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR bình luận, hiện tượng số việc làm mới tạo ra ít hơn, trong khi tăng trưởng vẫn cao, một lần nữa đặt câu hỏi về chất lượng tăng trưởng.
TS. Nguyễn Đức Thành băn khoăn, phải chăng Việt Nam đang phát triển kinh tế dựa trên áp dụng nhiều công nghệ cao, không cần dùng lao động? Nghĩa là, dù lao động giảm, nhưng GDP vẫn cao. “Nếu câu chuyện này là đúng, thì đây là điều đáng mừng. Nhưng có phải là như vậy hay không?”.
Cũng theo ông Thành, hiện Việt Nam phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI, số việc làm được tạo ra ở khu vực này, số lượng ổn định với những giá trị gia tăng phụ thuộc vào bên ngoài. Trong khi đó, khu vực nội địa không phát triển được lực lượng lao động, các giá trị lao động không được lan tỏa, thu nhập của người lao động không tăng.
Các chuyên gia vẫn "lấn cấn" về chất lượng tăng trưởng
Cùng chung băn khoăn, TS. Vũ Sỹ Cường phân tích thêm về vấn đề thu chi ngân sách. Cụ thể, TS. Vũ Sỹ Cường chỉ ra, mặc dù tăng trưởng kinh tế cao, nhưng thu ngân sách lại không cao, phải chăng tăng trưởng kinh tế không đi liền với thu ngân sách?
Theo TS. Vỹ Sỹ Cường, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trong dự toán ngân sách được điều chỉnh giảm trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới. Việc cắt giảm hàng rào thuế quan thương mại là điều kiện bắt buộc khi Việt Nam tham gia ký kết các FTA song phương hay đa phương. Để bù đắp cho sự suy giảm tỷ trọng thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu và từ dầu thô, Chính phủ buộc tăng các thu nội địa như thuế thu nhập cá nhân, thuế bảo vệ môi trường, thu về nhà đất…
Cũng tại buổi công bố, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ lưu ý, trong quý I kinh tế tăng trưởng rất ấn tượng, nhưng trong bối cảnh chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ đang diễn ra, tương lai của nền kinh tế Việt Nam đang chịu nhiều ảnh hưởng từ các cú sốc của thị trường thế giới. Do đó, không nên chủ quan và cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Cũng theo TS. Lưu Bích Hồ, trong ba quý còn lại của năm 2018, những khó khăn và thách thức mà nền kinh tế đất nước phải đối mặt là rất lớn. Cụ thể, đối với môi trường quốc tế, thị trường thế giới có thuận lợi, nhưng đang tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định. Cụ thể, tương lai của giá dầu chưa biết sẽ thay đổi như thế nào, cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang khởi động, chưa biết đi đến đâu nhưng chắc chắn sẽ có ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam, bởi đây là hai quan hệ đối tác thương mại quan trọng.
Còn tại môi trường trong nước, một trong những thách thức lớn là tình hình nợ xấu còn nặng nề, nợ công đã tới trần và nợ xây dựng đang tồn đọng rất lớn. Những yếu tố đó làm hạn chế gia tăng tín dụng. Cùng với đó, việc cải cách hệ thống ngân hàng của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, điều này cản trở rất lớn đến việc tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp…
GDP 2018 có thể tăng 6,83%
Trên cơ sở phân tích tình kinh tế thế giới và Việt Nam, nhóm nghiên cứu của VEPR đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế quý II, quý III, quý IV/2018 của Việt Nam lần lượt là 6,51%, 6,84% và 6,75%. Lạm phát lần lượt là 3,44%; 3,84% và 4,21%. Theo đó, VEPR dự báo tăng trưởng kinh tế của cả năm 2018 sẽ đạt 6,83%.
Theo tính toán, VEPR dự báo GDP 2018 có thể tăng 6,83%
Tuy nhiên, để có thể đạt được mục tiêu này, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, Chính phủ cần phải lưu ý một số vấn đề liên quan đến ngân sách nhà nước. Thứ nhất, việc ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng cũng tạo ra khó khăn cho nguồn thu ngân sách Nhà nước khi thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng giảm.
VEPR nhất trí với phương án giảm tỷ trọng thu từ nguồn tài nguyên thiên nhiên có sẵn như dầu thô. Tuy nhiên, để bù đắp cho sự sụt giảm tổng thu ngân sách, Bộ Tài chính đã đề xuất dự thảo tăng thuế suất VAT.
TS. Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh, việc tăng thuế suất VAT một mặt tăng gánh nặng thuế lên người dân, gián tiếp đẩy một bộ phận vào khu vực kinh tế phi chính thức; mặt khác cũng không đảm bảo sẽ tăng được tỷ trọng thu thuế VAT trong tổng thu ngân sách. Muốn đảm bảo cân đối thu chi, cần cải thiện nguồn thu thông qua tăng hiệu quả hành thu, tăng hiệu quả thu trên các loại thuế đã có và thuế suất hiện thời, thay vì vội vã áp thêm các loại thuế mới hoặc tăng thuế suất.
Chính vì vậy, cần có sự cải cách ngay trong nội bộ ngành thuế. Một giải pháp đi liền là duy trì nỗ lực kiểm soát tiêu ngân sách, đặc biệt là chi thường xuyên. Bởi chi thường xuyên luôn ở mức cao trên 70% tổng chi qua các năm, một phần nguyên nhân tới từ bộ máy Nhà nước và đoàn thể chính trị cồng kềnh, lãng phí, kém hiệu quả.
Cùng với đó, do nguồn lực cho phát triển kinh tế dài hạn là chi đầu tư phát triển chưa có nhiều cải thiện. Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt để thắt chặt chi thường xuyên như các chính sách tinh giảm biên chế, sắp xếp lại và tinh giản bộ máy, hạn chế chi tiêu cho các tổ chức đoàn thể, thoái vốn khỏi các doanh nghiệp Nhà nước như đã và đang thực hiện trong thời gian qua, TS. Nguyễn Đức Thành khẳng định./.
Bình luận