Mới đây, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã báo cáo Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình trước Quốc hội

Dự án đang gặp nhiều khó khăn

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, trong hơn 2 năm qua, việc triển khai thực hiện Dự án đã tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả theo đúng yêu cầu của Quốc hội. Đến nay, các địa phương đã bàn giao mặt bằng đạt trên 73%. Đối với 03 dự án đầu tư công bắt đầu triển khai thi công từ tháng 9/2019, riêng cầu chính cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến triển khai tháng 8/2020. Đối với 08 dự án PPP: đã phê duyệt kết quả sơ tuyển nhà đầu tư; hiện đang chuẩn bị phát hành hồ sơ mời thầu cho các nhà đầu tư, dự kiến hoàn thành công tác đấu thầu trong tháng 11/2020.

Tuy nhiên, Dự án đang gặp một số khó khăn, ảnh hưởng đến tính khả thi huy động vốn tín dụng thực hiện Dự án.

Cụ thể, dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng cho biết, các dự án BOT, BT giao thông có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn kéo dài nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nguồn vốn của các tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn, quy định về tỷ lệ huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn ngày càng giảm dần, dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn. Hệ số an toàn vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước đã chạm ngưỡng, tổng dư nợ tín dụng đối với các dự án BOT, BT đã chạm tới giới hạn cấp tín dụng.

“Thực tế các dự án BOT vừa qua có doanh thu thực tế thấp hơn dự kiến, nguy cơ phát sinh nợ xấu, cơ cấu lại khoản vay... nên các tổ chức tín dụng sẽ rất khó khăn để cho vay vốn dự án mới”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ.

Thứ hai, theo Bộ trưởng, với tinh thần hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hệ thống ngân hàng đã dành một lượng lớn vốn tín dụng tập trung cho vay ngắn hạn, tiêu dùng thiết yếu,... nên hạn mức cho vay dài hạn sẽ giảm. Bên cạnh đó, dự báo sẽ có một tỷ lệ không nhỏ các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn, phải tạm dừng kinh doanh hoặc phá sản, dẫn tới rủi ro gia tăng nợ xấu; các ngân hàng phải tăng tỷ lệ trích lập quỹ dự phòng rủi ro nên việc cấp tín dụng càng khó khăn hơn.

Tổng mức đầu tư điều chỉnh là 100.816 tỷ đồng, trong đó: vốn NSNN khoảng 78.461 tỷ đồng (55.000 tỷ đồng đã bố trí theo Nghị quyết số 52/2017/QH14; cần bổ sung 23.461 tỷ đồng); vốn huy động ngoài ngân sách 22.355 tỷ đồng.

“Thứ ba, thực tế BOT giao thông thời gian qua cho thấy, trong điều kiện các cơ chế chia sẻ rủi ro (nhất là rủi ro về doanh thu) chưa được áp dụng nên việc huy động vốn tín dụng gặp rất nhiều khó khăn. Một số dự án rất khả thi về tài chính (Trung Lương - Mỹ Thuận) cũng rất khó khăn huy động vốn; nhiều dự án đã ký hợp đồng (Hữu Nghị - Chi Lăng, Vân Đồn - Móng Cái,...) vẫn chưa huy động được vốn”, Bộ trưởng nêu rõ khó khăn.

3 lý do cần điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là tuyến huyết mạch, có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, việc hoàn thành và sớm đưa vào khai thác sẽ tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế.

Bộ trưởng Thể cho rằng, việc chuyển đổi hình thức đầu tư sang đầu tư công sẽ giải quyết triệt để khó khăn về huy động vốn tín dụng, bảo đảm tiến độ hoàn thành theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội; Đồng thời giải quyết được “mục tiêu kép”.

Lý do thứ nhất, theo Bộ trưởng, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án gíup đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ mặt cầu cho tăng trưởng GDP.

Về tiến độ, Bộ trưởng cho hay, các địa phương đã bàn giao mặt bằng trên 73%, nếu được chuyển đổi sang đầu tư công sẽ là điều kiện rất thuận lợi để khởi công ngay trong tháng 9/2020. Trong khi nếu tiếp tục triển khai theo PPP, nếu lựa chọn được nhà đầu tư, đàm phán ký kết hợp đồng tháng 11 - 12/2020; nhà đầu tư có tối đa 6 tháng để huy động vốn tín dụng, sớm nhất giữa năm 2021 mới bắt đầu triển khai thi công, không thể hoàn thành theo tiến độ Quốc hội yêu cầu. Trường hợp không huy động được vốn tín dụng, sẽ phải chấm dứt hợp đồng và chuyển đổi hình thức đầu tư, đến năm 2022 mới có thể triển khai và nhanh nhất đến cuối năm 2024 mới có thể hoàn thành dự án.

“Trong hơn 2 năm qua chủ yếu tập trung công tác chuẩn bị dự án, thiết kế kỹ thuật, dự toán và giải phóng mặt bằng... nên giải ngân vốn đầu tư chậm. Dự kiến đến hết năm 2020 được 16.594 tỷ đồng (chiếm 30% vốn ngân sách nhà nước đã bố trí). Nếu chuyển đổi sang đầu tư công, có thể khởi công và đẩy nhanh giải ngân ngay từ tháng 9/2020”, Bộ trưởng báo cáo cụ thể với Quốc hội.

Lý do thứ hai được Bộ trưởng đưa ra là điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án sẽ đem lại hiệu quả lớn về kinh tế - xã hội, tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương và vùng kinh tế: Trước mắt, việc chuyển đổi sang đầu tư công sẽ thúc đẩy giải ngân, thúc đẩy sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng, giải quyết về nguồn việc, thu nhập đối với người lao động và doanh nghiệp trong nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Về lâu dài, việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án là sự chuẩn bị rất tốt, điều kiện cần thiết để đón bắt thời cơ, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nguồn lực đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội”, Bộ trưởng nêu rõ.

Lý do thứ ba, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, thì việc chuyển đổi sang đầu tư công sẽ bảo đảm chắc chắn triển khai thành công, tổng mức đầu tư giảm do không tính chi phí lãi vay. Nếu phát hành trái phiếu chính phủ trong giai đoạn hiện nay để triển khai đầu tư công sẽ hiệu quả hơn, do mức lãi suất thấp hơn so với lãi suất huy động vốn tín dụng. Chính phủ sẽ xây dựng phương án thu hồi vốn nhà nước để tạo nguồn thu cho ngân sách, phục vụ nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng trong các giai đoạn tiếp theo.

“Việc chuyển đổi sang đầu tư công sẽ sử dụng ngay toàn bộ phần diện tích mặt bằng đã bàn giao, tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân”, người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.

Dự án được điều chỉnh như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 45, Chính phủ đã xác định tiêu chí lựa chọn các dự án chuyển đổi sang đầu tư công: (1) dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển; (2) dự án cấp bách, có nhu cầu vận tải cao, kết nối cửa ngõ các trung tâm kinh tế lớn của đất nước; (3) dự án khó có khả năng huy động vốn tín dụng và khả năng đấu thầu không thành công; (4) đảm bảo tính kết nối liên tục để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét chuyển đổi sang đầu tư công đối với 03 dự án thành phần, gồm: Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây; 05 dự án thành phần còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP.

“Tổng mức đầu tư điều chỉnh là 100.816 tỷ đồng, trong đó: vốn NSNN khoảng 78.461 tỷ đồng (55.000 tỷ đồng đã bố trí theo Nghị quyết số 52/2017/QH14; cần bổ sung 23.461 tỷ đồng); vốn huy động ngoài ngân sách 22.355 tỷ đồng”, Bộ trưởng Thể báo cáo Quốc hội.

Để khắc phục những hạn chế khi điều chỉnh chủ trương đầu tư

Bộ trưởng Thể cũng thừa nhận bên cạnh những tác động tích cực, việc chuyển đổi hình thức đầu tư cũng có những hạn chế nhất định: (1) Sử dụng nhiều hơn vốn đầu tư công; (2) Ảnh hưởng đến doanh thu các dự án PPP trên Quốc lộ 1 và các tuyến song hành; (3) Tác động đến việc huy động nguồn lực xã hội.

Để khắc phục, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đã báo cáo Quốc hội những giải pháp của Chính phủ.

Về xây dựng phương án để thu hồi vốn nhà nước, Bộ trưởng cho biết, trong điều kiện nguồn NSNN còn hạn hẹp, nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng còn rất lớn nên cần thiết xây dựng phương án để thu hồi vốn nhà nước, đặc biệt là các tuyến đường bộ cao tốc xây dựng mới, người dân có sự lựa chọn và được hưởng các dịch vụ tốt hơn. Từ đó, giảm áp lực về nguồn vốn quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ khi nguồn thu phí trên đầu phương tiện không đáp ứng đủ nhu cầu; đồng thời sẽ hạn chế ảnh hưởng đến doanh thu các dự án BOT trên tuyến song hành.

“Trường hợp được chuyển đổi sang đầu tư công, Chính phủ sẽ điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm theo đúng nguyên tắc quy định tại Luật đầu tư công; xem xét điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm, chưa cấp thiết để bổ sung cho Dự án; ứng trước dự toán ngân sách năm sau theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước…”, Bộ trưởng giải trình thêm

Về hoàn thiện cơ chế chính sách để tiếp tục thu hút nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng, Bộ trưởng cũng cho biết, giai đoạn từ 2011 đến nay, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đã thu hút khoảng 355.000 tỷ đồng từ nguồn lực xã hội.

“ Đây là sự quyết tâm, nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện chủ trương của Đảng về huy động nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hệ thống pháp luật điều chỉnh hình thức đầu tư PPP chưa hoàn thiện nên việc thu hút nguồn lực xã hội gặp nhiều khó khăn. Sau khi Quốc hội ban hành Luật PPP với những cơ chế chia sẻ rủi ro phù hợp, sẽ tạo ra hành lang pháp lý chặt chẽ giúp Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong những giai đoạn tới”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể hy vọng./.