Quý III năm 2020 giảm 6,17%, quý IV/2021 tăng trở lại mức 5,22%. Những con số này theo ông có phản ánh việc tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã xuống đến đáy và đang trên đà phục hồi trở lại?

Việt Nam sẽ “viết tiếp câu chuyện tăng trưởng
Ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê

Kinh tế Việt Nam 2021 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi khi tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dịch trên diện rộng bước đầu có hiệu quả. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các biến chủng mới khiến quá trình phục hồi kinh tế có dấu hiệu chậm lại, hoạt động giao thương còn hạn chế, các chuỗi giá trị toàn cầu bị đứt gãy… Trong nước, làn sóng dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng Tư do biến chủng mới Delta nguy hiểm hơn, tốc độ lây lan nhanh hơn, phạm vi rộng hơn khiến tình hình kinh tế - xã hội trở nên phức tạp, khó khăn hơn nhiều so với năm trước. Tình hình dịch bệnh diễn biến xấu ở nhiều địa phương, đặc biệt đầu tàu kinh tế phía Nam như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Bắc và miền Trung như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng… đã tác động nghiêm trọng tới mọi hoạt động kinh tế và an sinh xã hội. Điều này đã buộc Chính phủ phải thực thi các biện pháp phòng dịch cứng rắn hơn, thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng để kiểm soát dịch bệnh. Tác động của thực hiện giãn cách kéo dài đã làm tăng trưởng kinh tế quý III/2021 giảm sâu. Đây là sự suy giảm bất thường, nhưng thực chất lại không phải xuất phát từ nội tại của nền kinh tế mà do tác động ngoại lai bất ngờ và rất khó kiểm soát của đại dịch Covid-19.

Bước sang quý IV/2021, với chiến lược chống dịch mới của Chính phủ thay vì “đóng cửa”, “chạy theo dịch” chuyển sang giai đoạn “thích ứng”, “sống chung với dịch an toàn”, các rào cản trong thời gian giãn cách được từng bước gỡ bỏ, các hoạt động kinh tế được phép thực hiện trở lại, thậm chí cả những hoạt động có nguy cơ lây lan cao như vận tải hàng không, du lịch cũng được khuyến khích mở cửa với điều kiện phù hợp, đáp ứng an toàn phòng chống dịch. Cùng với đó là các chính sách bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ; sự thống nhất, hợp tác, phối hợp tốt giữa các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, đồng tình, chia sẻ và tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp… Theo đó, tình hình kinh tế xã hội trong quý IV/2021 đã có nhiều khởi sắc và kết quả tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 tuy thấp hơn năm 2020, nhưng là kết quả khá trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và để lại hậu quả nặng nề hơn rất nhiều so với năm trước.

Tăng trưởng kinh tế quý IV đạt 5,22%, trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,96%, đóng góp 2,01 điểm % tăng trưởng; sản xuất và phân phối điện tăng 5,48%, hoạt động bán buôn, bán lẻ phục hồi mạnh so với các quý trước với mức tăng 4,88%, vận tải kho bãi tăng 0,86%; các ngành vốn giữ được mức tăng trưởng khá trong đại dịch như: thông tin truyền thông; tài chính, ngân hàng; nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tiếp tục đạt tăng trưởng tốt hơn. Đặc biệt, ngành y tế có mức tăng trưởng quý IV/2021 rất cao, lên đến trên 90%, do tiếp nhận phần lớn nguồn lực chống dịch của xã hội. Kinh tế quý IV phục hồi tốt đã giúp tăng trưởng kinh tế cả năm đạt mức 2,58%. Tuy thấp hơn năm 2020, nhưng là điểm tích cực trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và để lại hậu quả nặng nề hơn rất nhiều so với năm trước.

Trong điều kiện nhanh chóng kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh, sớm hoàn tất bao phủ ít nhất 2 mũi vắc xin trên cả nước, đảm bảo được an toàn, an sinh xã hội, thích ứng hiệu quả với tình trạng bình thường mới và mọi người dân đồng lòng, ủng hộ Chính phủ, nâng cao ý thức cá nhân trong phòng chống dịch…, việc kinh tế Việt Nam phục hồi trong thời gian tới là khá khả quan. Đặc biệt, Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch sắp được Quốc hội thông qua sẽ là nguồn lực hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất và an sinh. Nếu được thực hiện hiệu quả, đúng và trúng mục tiêu, đây sẽ là đòn bẩy lớn cho nền kinh tế trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Theo ông, sau khi phục hồi trở lại, kinh tế Việt Nam sẽ tăng theo hình chữ U, chữ V hay chữ W?

Đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua đã gây ảnh hưởng nặng nề cho nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Năm 2020, trong khi đại đa số các quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng âm do tác động của đại dịch thì Việt Nam là quốc gia hiếm hoi nỗ lực duy trì được mức tăng trưởng GDP dương với mức tăng 2,91%. Năm 2021, trong kinh tế các quốc gia trên thế giới có xu hướng phục hồi khi đã đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vắc xin thì kinh tế Việt Nam lại bị ảnh hưởng nặng nề hơn của đại dịch với biến chủng mới Delta, nên tăng trưởng đạt 2,58%. Hiện nay, với độ bao phủ vắc xin cao, chiến lược thích ứng, linh hoạt, an toàn, năm 2022 kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và sẽ "viết tiếp câu chuyện tăng trưởng" trong những năm tiếp theo. Như vậy, kinh tế Việt Nam 2 năm cùng tăng trưởng dương ở mức thấp, hiện nay đang trên đà phục hồi và dự báo sẽ theo mô hình chữ U như hình dưới.

Việt Nam sẽ “viết tiếp câu chuyện tăng trưởng
Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt biến chủng Omicron đang hoành hành tại Hoa Kỳ, châu Âu và nhiều nước trong khu vực đã phát hiện ra biến chủng Omicron nên các nước bắt đầu có động thái thực hiện giãn cách xã hội. Với những diễn biến này, Việt Nam trông cậy vào những ngành nghề, lĩnh vực nào để đạt được tốc độ tăng trưởng 6-6,5% năm 2022, thưa ông?

Việt Nam sẽ “viết tiếp câu chuyện tăng trưởng
Một số nước bắt đầu có động thái thực hiện giãn cách xã hội để giảm phát tác của biến chủng Omicron

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước, khó khăn, thách thức vẫn nhiều hơn thuận lợi, cơ hội. Dịch Covid-19 có thể xuất hiện phức tạp, nguy hiểm hơn. Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đã xác định sống chung với dịch, mặc dù kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh được nâng lên, nhưng sức chống chịu đã giảm sút. Do vậy, nguy cơ kinh tế phục hồi chậm vẫn còn tiềm ẩn nếu dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng tới kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế; rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu là thách thức trong thời gian tới.

Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 từ 6,0-6,5% đã được xác định trong Nghị quyết của Quốc hội, đây là mục tiêu khá cao trong bối cảnh năm 2022 dự báo dịch Covid-19 có thể chưa chấm dứt hoàn toàn. Biến chủng như Omicron có thể khiến những ngành dịch vụ, thị trường chắc chắn bị ảnh hưởng ngay cả khi đã chuyển sang trạng thái hoạt động mới, thích nghi bối cảnh chung. Do vậy, tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể dự báo dựa vào các ngành, lĩnh vực và các yếu tố, động lực sau:

Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục kế thừa những kết quả đạt được từ việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 và cải thiện nhờ vào lực đẩy từ các doanh nghiệp FDI; kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn cơ bản ổn định, tạo tiền đề cho điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ linh hoạt và dễ đạt hiệu quả hơn;

Thứ hai, trong các ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chắc chắn sẽ tiếp tục là trụ đỡ cho nền kinh tế và sẽ tiếp tục phát huy vai trò này để hỗ trợ cho kinh tế phục hồi. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo năm 2022 sẽ khởi sắc hơn; một số ngành dịch vụ như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; bưu chính viễn thông; khoa học công nghệ; y tế vẫn tiếp tục là những ngành duy trì tốc độ tăng trưởng tốt.

Thứ ba, cầu nội địa sẽ phục hồi và gia tăng dần do nước ta đã đạt tỷ lệ tiêm phòng vắc xin đầy đủ 2 mũi, đảm bảo người tiêu dùng có thể tham gia thị trường mua sắm an toàn hơn. Ngoài ra, triển vọng về tiêu dùng trong nước được dự báo sẽ tươi sáng hơn, được hỗ trợ bởi sự gia tăng thu nhập, mở rộng việc làm khi người lao động trở lại các nhà máy, khu công nghiệp sau thời gian trở về địa phương tạm lánh dịch bệnh;

Thứ tư, những sửa đổi gần đây trong Luật Đầu tư công sẽ giúp cải thiện hoạt động đầu tư công bằng cách đẩy nhanh các quy trình, đơn giản hóa thủ tục, và tạo điều kiện để giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn;

Thứ năm, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều ngành, lĩnh vực chuyển hướng sang ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó tạo ra các hình thức hoạt động sản xuất kinh doanh mới tích hợp công nghệ đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn;

Thứ sáu, cải cách về thể chế của nền kinh tế sẽ phát huy hiệu quả; các gói kích thích kinh tế, hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ giúp khu vực này dần đi vào ổn định, phát triển sản xuất;

Thứ bảy, hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu gần đây và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương hứa hẹn sẽ mở ra khả năng tiếp cận thị trường cho các hoạt động thương mại và đầu tư lớn hơn;

Thứ tám, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được dự báo sẽ duy trì và có thể mở rộng hơn 2 năm 2020-2021; hoạt động du lịch quốc tế sẽ khởi sắc khi Việt Nam mở cửa trở lại các đường bay thương mại quốc tế trong thời gian tới.

Tốc độ kinh tế thế giới và các nền kinh tế lớn tăng trưởng không như kỳ vọng, trong khi Hoa Kỳ, EU, Anh quốc... bắt đầu thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ: nâng lãi suất, giảm gói hỗ trợ tài khóa, giảm mua trái phiếu... để kiểm soát lạm phát. Việt Nam chọn một cách khác khi đầu năm 2022, Quốc hội xem xét thông qua gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế. Ông nhận định thế nào về động thái chính sách này?

Việt Nam sẽ “viết tiếp câu chuyện tăng trưởng
Tại kỳ họp đầu năm 2022, Quốc hội đã bàn về gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế
Nửa sau năm 2021, nước ta đã phải hứng chịu những khó khăn, thách thức khi dịch bùng phát, lây lan sâu rộng đến nhiều tỉnh, thành... Theo đó, các gói hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ tác động vào cả phía cung và phía cầu sẽ là cú hích kích thích kinh tế phát triển.

Năm 2020, Mỹ và các nước châu Âu chịu hậu quả tàn khốc của dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ giảm 3,64% so với năm trước, Anh giảm 9,69% và EU giảm 6,4%[1]. Ngược lại, Việt Nam năm 2020 đã thực hiện kiểm soát dịch chặt chẽ, gần như hoàn toàn không để dịch lan rộng và kéo dài. Kết quả thể hiện rõ sự trái ngược, trong khi các nước trên đều có mức tăng trưởng âm thì Việt Nam có mức tăng trưởng dương 2,91%.

Năm 2021, các nước Hoa kỳ, EU, Anh quốc… đã cơ bản khống chế được lây lan của dịch, độ bao phủ tiêm chủng vắc xin cao, cùng với năng lực nội tại sẵn có nên nền kinh tế các nước trên đà phục hồi tốt. Dự báo của các tổ chức thế giới đều nhận định, năm 2021, tăng trưởng của Mỹ khoảng 5,5%; khu vực EU khoảng 5,2%; Anh quốc khoảng 7,0%… Để phục hồi và phát triển kinh tế cũng như hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng, các nước đã đưa ra những gói hỗ trợ lớn. Cụ thể, EU có Quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 là một phần trong gói ngân sách dài hạn đến năm 2027 của EU với tổng trị giá 1.800 tỷ Euro (2.190 tỷ USD), nhằm giải quyết những hậu quả về kinh tế và xã hội sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát và tháng 8/2021. EU đã giải ngân khoản tiền đầu tiên trong gói phục hồi sau đại dịch Covid-19 trị giá 800 tỷ euro (hơn 949 tỷ USD) cho các quốc gia thành viên.

Mỹ trong vòng 3 tháng đã có 2 gói cứu trợ với tổng trị giá gần 3.000 tỉ USD được thông qua giúp thúc đẩy thu nhập và chi tiêu của người dân. Gói cứu trợ đầu tiên trị giá 900 tỉ USD được thông qua vào cuối tháng 12/2020, theo đó, cấp cho mỗi người Mỹ 600 USD. Trong tháng 3/2021, gói cứu trợ tiếp theo trị giá 1.900 tỉ USD cũng được thông qua và cấp thêm cho mỗi người 1.400 USD. Với các gói hỗ trợ lớn, dòng tiền mặt ồ ạt từ các gói ngân sách trên sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp và thúc đẩy chi tiêu. Những quyết sách trên là nguyên nhân chính khiến các nền kinh tế lớn phải đối với lạm phát gia tăng.

Như vậy, hiện nay, việc các nước trên áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ là cần thiết để giảm áp lực lạm phát. Với Việt Nam, nửa sau năm 2021, chúng ta đã phải hứng chịu những khó khăn, thách thức khi dịch bùng phát, lây lan sâu rộng đến nhiều tỉnh, thành, ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Sức khỏe của doanh nghiệp bị bào mòn, đời sống người dân hết sức bấp bênh, tinh thần chung bi quan. Do vậy, vai trò của Nhà nước rất quan trọng, việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân là cấp thiết để vực dậy nền kinh tế, các gói hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ tác động vào cả phía cung và phía cầu sẽ là cú hích kích thích kinh tế phát triển.

Để thực hiện tốt và đạt hiệu quả chính sách cao, cần tập trung vào công tác giám sát thực thi chính sách, kích cầu kinh tế theo phương châm từ xa, từ sớm; giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện được diễn ra song song với quá trình triển khai chính sách. Cách làm này đặc biệt phù hợp với chính sách kích cầu kinh tế, bởi nó cho phép chính sách được cập nhật, điều chỉnh kịp thời khi gặp những vướng mắc, vấn đề phát sinh trong thực tiễn, tránh sự bất cập không được giải quyết trong quá trình triển khai khiến cho việc giải ngân bị gián đoạn và làm giảm hiệu quả của chính sách. Điều này đảm bảo hiệu quả cao nhất việc đưa chính sách vào đời sống của người dân, tránh sai lầm trong quá khứ khi thực hiện kích cầu năm 2008, tuy chính sách đúng đắn nhưng việc thực hiện thiếu đồng bộ, thiếu giám sát dẫn tới thất thoát, tiêu cực, thậm chí là tác dụng ngược và không đến đúng đối tượng, làm lạm phát tăng cao gây bất ổn nền kinh tế vĩ mô, kìm hãm sự hồi phục kinh tế./.

[1] Nguồn: https://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.MKTP.KD.ZG