Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc (hàng trên) dự Lễ khởi công KCN Sông Lô II
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc (hàng trên) dự Lễ khởi công KCN Sông Lô II, ngày 25/6/2023

Trong 6 tháng đầu năm 2023, các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút được 16 dự án đầu tư và điều chỉnh tăng vốn cho 19 lượt dự án, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 328,2 triệu USD và 4.627,5 tỷ đồng.

Dự kiến đến hết tháng 6/2023, số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các KCN của Tỉnh là 460 dự án, gồm 102 dự án đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư 31.200,51 tỷ đồng và 358 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 6.139,66 triệu USD.

Cơ cấu các dự án phân theo lĩnh vực đầu tư vào KCN

Tính đến tháng 6/2023, các dự án đầu tư phân theo lĩnh vực cụ thể như sau:

Lĩnh vực xây dựng kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN: Có 15 dự án, chiếm 3,3% tổng dự án đầu tư, gồm 3 dự án FDI với số vốn đăng ký đầu tư 246,82 triệu USD, chiếm 4% tổng vốn đầu tư FDI và 12 dự án DDI với số vốn đầu tư 15.548,01 tỷ đồng, chiếm 49,83% tổng vốn đầu tư DDI.

Lĩnh vực công nghiệp: Có 442 dự án, chiếm 96,1% tổng số dự án đầu tư, gồm 352 dự án FDI với số vốn đầu tư 5.843,65 triệu USD, chiếm 95,2% tổng vốn đầu tư FDI và 90 dự án DDI với số vốn đầu tư 15.652,49 tỷ đồng, chiếm 50,17% tổng vốn đầu tư DDI.

Tập trung vào các nhóm ngành chính: sản xuất ô tô, xe máy, phụ tùng ô tô, xe máy; sản xuất, lắp ráp điện tử, máy tính; sản xuất hàng may mặc; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất chế biến các sản phẩm công nghiệp khác.

Lĩnh vực thương mại, dịch vụ: Có 3 dự án FDI, chiếm 0,6% tổng số dự án đầu tư, với số vốn đầu tư 49,2 triệu USD, chiếm 0,8% tổng vốn đầu tư FDI.

Vĩnh Phúc: 18 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào các KCN
Đoàn công tác của Ấn Độ thăm quan môi trường đầu tư trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc và chụp ảnh lưu niệm tại KCN Thăng Long Vĩnh Phúc

Các dự án FDI phân theo đối tác đầu tư vào KCN

Đến tháng 6/2023, trên địa bàn Tỉnh có 18 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào các KCN của Tỉnh, cụ thể:

Đứng đầu thu hút về vốn đầu tư là Hàn Quốc với 188 dự án, vốn đăng ký đầu tư 2.358,5 triệu USD, chiếm 38,4% tổng vốn đầu tư.

Đứng thứ hai là Nhật Bản có 49 dự án, vốn đầu tư 1.112,1 triệu USD, chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư.

Đứng thứ 3 là Đài Loan với 41 dự án, vốn đầu tư 1.032,0 triệu USD, chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư.

Thái Lan đứng thứ 4 với 10 dự án, vốn đầu tư 734,4 triệu USD, chiếm 12% tổng vốn đầu tư.

Trung Quốc đứng thứ 5 với 42 dự án, vốn đầu tư 346,7 triệu USD, chiếm 5,6% tổng vốn đầu tư.

Còn lại theo thứ tự lần lượt là các dự án đến từ các quốc gia: Italia, Singapore, Samoa, Cộng hòa Seychelles, Hà Lan, British Virgin Islands, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Belize, Tây Ban Nha, Indonesia và Pháp./.

Nghi lễ khởi công Nhà máy
Nghi lễ khởi công Nhà máy Polaris Việt Nam tại KCN Bá Thiện II, tỉnh Vĩnh Phúc