Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2021 tăng 3,2%
Tổng cục Thống kê cho biết, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2021 tăng 3,2% so với năm trước.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý IV/2021 tăng 6,2%
Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội các năm giai đoạn 2017-2021: năm 2017 tăng 13,5%; năm 2018 tăng 11,0%; năm 2019 tăng 10,1%; năm 2020 tăng 5,0%; năm 2021 tăng 3,2%.
"Tuy đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua, nhưng là kết quả khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới", bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nêu rõ.
Cũng theo cơ quan thống kê trung ương, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý IV/2021 theo giá hiện hành ước tính đạt 999,8 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn khu vực nhà nước giảm 2,5%; khu vực ngoài nhà nước tăng 10,8%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 4%.
Hình 1. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội phân theo loại hình kinh tế theo giá hiện hành các năm 2017-2021 (nghìn tỷ đồng)
Đầu tư khu vực FDI giảm so với năm 2020 |
Ước tính năm 2021, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 2.891,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm trước.
Trong đó, vốn khu vực nhà nước đạt 713,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,7% tổng vốn và giảm 2,9% so với năm trước; khu vực ngoài nhà nước đạt 1.720,2 nghìn tỷ đồng, bằng 59,5% và tăng 7,2%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 458,1 nghìn tỷ đồng, bằng 15,8% và giảm 1,1%.
Hình 2. Tốc độ tăng/giảm vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành các năm giai đoạn 2017-2021 (%)
Vốn đầu tư thực hiện khu vực nhà nước giảm mạnh nhất so với các khu vực khác |
Giải ngân đầu tư công giảm 8,6% so với năm 2020
Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 ước tính đạt 423,6 nghìn tỷ đồng, bằng 84,3% kế hoạch năm và giảm 8,6% so với năm trước (năm 2020 bằng 90,5% và tăng 33,6%, ).
Vốn trung ương quản lý đạt 72,4 nghìn tỷ đồng, bằng 81,2% kế hoạch năm và giảm 8,2% so với năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 351,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85% và giảm 8,7%, trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 234,3 nghìn tỷ đồng, bằng 80,9% và giảm 9,2%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 98,5 nghìn tỷ đồng, bằng 92,4% và giảm 7,4%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 18,4 nghìn tỷ đồng, bằng 108,9% và giảm 8,7%.
Nguyên nhân giảm so với năm trước, theo Tổng cục Thống kê là do trong năm 2020, Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước, kế hoạch vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 đạt 512 nghìn tỷ đồng, gấp 1,3 lần so với năm 2019./.
Bình luận