WTO cảnh báo bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine cản trở phục hồi kinh tế
Phát biểu khi công bố báo cáo 6 tháng đầu năm về tình hình thương mại quốc tế, Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala nhấn, mạnh hoạt động thương mại thế giới và sản lượng đã hồi phục với tốc độ nhanh hơn dự kiến kể từ nửa cuối năm 2020, sau khi ghi nhận sự giảm sút mạnh trong đợt bùng phát dịch đầu tiên.
Theo bà Okonjo-Iweala, việc không đảm bảo sự tiếp cận vaccine toàn cầu đặt ra mối đe dọa đối với nền kinh tế thế giới và sức khỏe cộng đồng |
Gần 4 tỷ liều vaccine phòng COVID-19 đã được phân bổ trên khắp thế giới, song chỉ 0,9% được tiêm cho người dân ở 29 quốc gia nghèo nhất, chiếm 9% dân số thế giới. |
Theo bà Okonjo-Iweala, dự báo mới đây nhất của WTO ước tính lượng hàng hóa giao dịch sẽ tăng lần lượt 8% và 4% trong hai năm 2021 và 2022.
Người đứng đầu WTO nhận định hoạt động thương mại có sự khác biệt lớn giữa các khu vực, trong đó sự bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine phòng COVID-19 là nguyên nhân chính dẫn đến sự khác biệt này.
Sự bất bình đẳng thể hiện rõ ở tỷ lệ tiêm chủng thấp tại các quốc gia có thu nhập thấp với chỉ hơn 1% dân số tại các nước này mới tiêm mũi vaccine đầu tiên. Do vậy, theo bà Okonjo-Iweala, việc không đảm bảo sự tiếp cận vaccine toàn cầu đặt ra mối đe dọa đối với nền kinh tế thế giới và sức khỏe cộng đồng.
Tổng giám đốc WTO nhận định rằng, mặc dù giá trị giao thương hàng hóa toàn cầu giảm khoảng 8% trong năm 2020, nhưng thương mại trong lĩnh vực vật tư y tế lại tăng 16% và thiết bị bảo hộ cá nhân tăng gần 50%.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đưa ra cảnh báo tương tự khi cho rằng, tiếp cận vaccine đã trở thành vết nứt chính phân chia phục hồi kinh tế toàn cầu thành hai khối.
Theo thống kê, gần 4 tỷ liều vaccine phòng COVID-19 đã được phân bổ trên khắp thế giới, song chỉ 0,9% được tiêm cho người dân ở 29 quốc gia nghèo nhất, chiếm 9% dân số thế giới.
Tại cuộc họp ngày 27/7, các nước thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vẫn chưa đạt được đồng thuận về đề xuất miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với bản quyền vaccine phòng COVID-19.
Ý tưởng về tạm thời miễn trừ bản quyền vaccine phòng COVID-19 được Nam Phi và Ấn Độ đưa ra từ tháng 10/2020 nhằm tăng sản lượng vaccine, giải quyết vấn đề bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine bằng cách cho phép các nước có nhu cầu và năng lực, đặc biệt là các nước đang phát triển, có thể tự sản xuất vaccine.
Đề xuất đã nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ và Trung Quốc và nhiều tổ chức quốc tế, nhưng các hãng dược phẩm và những nước chủ nhà của các nhà máy sản xuất vaccine hiện nay phản đối vì cho rằng, bản quyền vaccine không phải rào cản lớn nhất trong việc tăng sản lượng, trong khi việc miễn trừ sẽ triệt tiêu động lực đổi mới sáng tạo.
Theo quy định của WTO, bất kỳ đề xuất nào muốn được thông qua cũng phải nhận được tất cả 164 nước thành viên chấp thuận. Dự kiến, WTO sẽ có một cuộc họp không chính thức vào đầu tháng 9 để thảo luận về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ vaccine phòng COVID-19, tiếp đó là một cuộc họp chính thức trong 2 ngày 13-14/10./.
Bình luận