Tác động đầu tiên của kinh tế chia sẻ đó là tới huy động nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế. Về lý thuyết, CIEM cho rằng, kinh tế chia sẻ giúp huy động phương tiện, tài sản nhàn rỗi vào sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực cho phát triển. Loại hình này cũng thúc đẩy và thu hút đầu tư mới, đặc biệt là vào lĩnh vực đổi mới, sáng tạo, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Tuy nhiên, mặt trái của nó là hiện tượng huy động đầu tư mới quá mức và đầu tư trong một số mô hình kinh tế chia sẻ có nguy cơ bị các tập đoàn đa quốc gia thâu tóm, lũng đoạn.

Tác động thứ hai là thúc đẩy kinh doanh, mở rộng và phát triển thị trường. Hình thái này giúp mở rộng và tăng nhanh các giao dịch kinh tế trên thị trường, bổ sung kênh kinh doanh mới bên cạnh mô hình kinh doanh truyền thống. Kinh tế chia sẻ cũng giúp mở rộng cơ hội kinh doanh, tăng số lượng các chủ thể tham gia thị trường trong nền kinh tế, đa dạng chủng loại sản phẩm, hàng hóa, mở rộng phạm vi không gian cho thị trường hàng hóa dịch vụ, nhờ các giao dịch xuyên biên giới được thực hiện. Tuy nhiên, mặt trái của hình thức này là ở việc tạo nên những thách thức mới cho các chính phủ trong việc quản lý thuế, cùng với đó là sản phẩm, dịch vụ khó được kiểm soát chất lượng, thị trường dễ phát sinh các tranh chấp trong giao dịch từ nền tảng mới này.

Tác động thứ ba là thúc đẩy tính cạnh tranh và tăng tính minh bạch của thị trường. Tuy nhiên, sự cạnh tranh quá đà có thể dẫn đến việc không công bằng giữa kinh doanh truyền thống với kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ. Một biểu hiện khác là làm nảy sinh xung đột lợi ích trong xã hội, gây ra mất việc làm ở khu vực kinh tế truyền thống và lãng phí tài nguyên đã đầu tư của các doanh nghiệp kinh doanh truyền thống, gia tăng bất bình đẳng xã hội. Hình thái này dễ làm phát sinh các rủi ro về công nghệ, rò rỉ thông tin, những biến tướng khó lường, khó dự đoán và khó kiểm soát của kinh tế chia sẻ.

Kinh tế chia sẻ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao

Tác động thứ tư của kinh tế chia sẻ là khả năng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao, đổi mới mô hình tăng trưởng. Tuy nhiên, mặt trái của loại hình này nếu phát triển quá nhanh có thể gây xâm lấn và phá vỡ kết cấu của kinh tế truyền thống, tạo ra những tổn thất nhất định đối với kinh tế truyền thống.

Tác động thứ năm là tới công tác đảm bảo độc lập, tự chủ và an ninh của nền kinh tế. Đặc thù là dựa vào ứng dụng của công nghệ số, nên loại hình này thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ, góp phần nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế. Tuy nhiên, mặt trái là ở chỗ gia tăng mức độ phụ thuộc vào bên ngoài của nền kinh tế, tiềm ẩn rủi ro về an ninh, an toàn chung của nền kinh tế. Cùng với đó là nguy cơ gia tăng các hoạt động kinh tế bất hợp pháp, gây bất lợi cho nền kinh tế và an sinh xã hội.

Tác động thứ sáu về thuế và quản lý thuế. Nguồn thu thuế có khả năng tăng lên từ loại hình kinh tế chia sẻ, nhưng có thể chịu ảnh hưởng từ loại hình kinh doanh truyền thống. Do tính đan xen giữa các ngành nên cơ quan quản lý sẽ gặp khó khăn trong phân loại thu nhập, sử dụng hóa đơn, chứng từ đối với từng bên tham gia kinh tế chia sẻ. Cùng với đó là khó có cơ chế quản lý các giao dịch thanh toán xuyên biên giới; khó kiểm tra, giám sát, thu thuế của các đối tác ở nước ngoài tham gia kinh tế chia sẻ ở Việt Nam vì đối tượng này không có sự hiện diện ở Việt Nam. Một khó khăn khác là về quản lý ngoại hối khi người cho vay là người không cư trú tại Việt Nam.

Tác động thứ bảy là tới việc làm của người lao động. Kinh tế chia sẻ tạo cơ hội cho việc làm cho lao động trẻ, những người hiểu biết về công nghệ, giúp cải thiện thu nhập, linh hoạt điều kiện làm việc…, nhưng lại gây khó khăn cho người lao động có kỹ năng thấp. Mức độ phân đoạn thị trường lao động có xu hướng ngày càng gia tăng, những người yếu thế dễ bị tổn thương và khó kiếm việc làm.

Những người lao động có kỹ năng thấp rất dễ bị tổn thương mà không được bảo vệ

Tác động tiếp theo là làm thay đổi mô hình phát triển quan hệ lao động. Mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động trở nên phức tạp và khó kiểm soát hơn. Sự biến tướng của nó (từ quan hệ người sử dụng lao động với người lao động, sang quan hệ đối tác giữa người lao động và chủ thể cung cấp nền tảng số) đòi hỏi pháp luật về lao động phải nhanh chóng điều chỉnh để thích nghi với bối cảnh mới.

Tác động thứ chin là tới việc sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường. Kinh tế chia sẻ có khả năng giúp cho việc sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, giảm phát thải, nhưng biến tướng của hình thái này lại là ở chỗ làm tăng tiêu dùng, từ đó tăng ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống.

Tác động thứ mười được CIEM nhận diện là tới thể chế quản lý nền kinh tế. Theo đó, kinh tế chia sẻ tạo ra nhu cầu, áp lực xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý loại hình kinh tế mới. Loại hình này thúc đẩy các cơ quan nhà nước phải nâng cao năng lực mới có thể quản lý và xây dựng thể chế phù hợp với tình hình mới. Tuy nhiên, từ đây cũng phát sinh chi phí liên quan đến xây dựng và vận hành thể chế quản lý loại hình kinh tế chia sẻ.

Tại Việt Nam, kinh tế chia sẻ được thể hiện ở nhiều hình thái, với sự xuất hiện chủ yếu ở ba ngành là vận tải, dịch vụ lưu trú và tài chính. Uber, Grab, Airbnb, Fintech... là những cái tên đang ngày càng phổ cập trong kinh doanh và đời sống người dân, đòi hỏi công tác nhận diện, quản lý kinh tế chia sẻ phải sớm được thực hiện để tạo nên sự phát triển cân bằng với nền kinh tế thực.

CIEM xây dựng dự thảo Báo cáo về tác động của kinh tế chia sẻ nhằm thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế tại Quyết định số 999/QĐ-TTg và Nghị quyết số 01/NQ-CP. Ông Lưu Đức Khải, Phó trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội, CIEM cho biết, CIEM đã gửi công văn đến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ đề nghị phối hợp thực hiện báo cáo. Đến ngày 30/9/2020, CIEM nhận được 24/31 phản hồi. Được biết, CIEM tiếp tục nhận báo cáo, đóng góp từ các cơ quan liên quan đến 15/12 để hoàn thiện báo cáo để trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trình Chính phủ./.