Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2021 là năm ngành chứng khoán phải đẩy nhanh việc cơ cấu lại thị trường theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, cùng với việc hoàn thiện bộ máy Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và các Sở Giao dịch Chứng khoán theo Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng lộ trình cơ cấu lại các thị trường cổ phiếu, trái phiếu và phái sinh theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa; tiếp tục tái cơ cấu hệ thống các định chế trung gian trên thị trường theo định hướng của Chính phủ.

Sàn HNX hiện có 353 doanh nghiệp niêm yết, trong đó có một số doanh nghiệp mới lên sàn năm 2020

Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành ngày 24/12/2020 chốt việc HNX sẽ tổ chức, vận hành thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh, thị trường giao dịch trái phiếu và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác. HOSE sẽ tổ chức, vận hành thị trường giao dịch cổ phiếu và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 20/02/2021, nhưng thời điểm chuyển niêm yết cổ phiếu từ HNX sang HOSE chưa được chốt rõ ràng.

Theo Quyết định số 37, sàn HNX, HOSE duy trì các thị trường giao dịch chứng khoán đã tổ chức, vận hành trước khi Quyết định này có hiệu lực cho đến khi thực hiện sắp xếp lại theo lộ trình. Điều 6 Quyết định 37 quy định, lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu, thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh và các loại chứng khoán khác theo đề nghị của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Như vậy, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ là cơ quan xây lộ trình sắp xếp lại các mảng thị trường, cấu thành nên TTCK Việt Nam.

Điểm khó khăn nhất trong việc chuyển sàn chính là sức khỏe hoạt động của các doanh nghiệp có sự khác biệt giữa sàn HOSE và HNX do định vị ban đầu sàn HOSE là sàn dành cho doanh nghiệp niêm yết lớn, còn sàn HNX là sàn dành cho DN quy mô vừa và nhỏ.

Trong Lễ trao giải Cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2020 tổ chức tháng 12 vừa qua, bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc HOSE cho biết, đây là năm thứ 3, việc bình chọn chỉ thực hiện với các doanh nghiệp đủ điều kiện trong bộ chỉ số VNX-Allshare. Theo đó, toàn thị trường niêm yết có trên 700 doanh nghiệp, nhưng chỉ có 403 doanh nghiệp có mặt trong bộ chỉ số này. Rất nhiều doanh nghiệp gọi là niêm yết nhưng thanh khoản quá thấp, hoặc tỷ lệ sở hữu của một cổ đông quá lớn… không đủ điều kiện để vào bộ tính chỉ số chung. Riêng tại HNX, có tới gần 200 doanh nghiệp niêm yết không có mặt trong rổ tính chỉ số chung toàn thị trường.

Với chất lượng niêm yết còn thấp, việc tổ chức sàn giao dịch tới đây cho 353 doanh nghiệp khi HNX không còn vai trò tổ chức sàn niêm yết sẽ thực hiện như thế nào? Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm, nhất là với cổ đông, lãnh đạo các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Năm 2020 chứng kiến một làn song chuyển sàn niêm yết của nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện từ HNX sang HOSE. Nhưng đến cuối năm 2020, vẫn còn tới 353 doanh nghiệp đang có cổ phiếu niêm yết tại HNX. Thời điểm Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam ra mắt sắp đến gần, câu chuyện tổ chức lại các mảng thị trường ra sao rất cần nhà quản lý thông tin sớm đến đại chúng.

Liên quan đến thị trường cổ phiếu niêm yết tại HNX, chỉ số HNX Index tháng 12/2020 diễn biến theo chiều hướng tăng và đạt mức cao nhất tháng 203,12 điểm tại ngày 31/12, cũng là thời điểm đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm. Như vậy HNX Index tăng 36,8% so với thời điểm cuối tháng trước và tăng 98% so với cuối năm 2019. Giá trị vốn hóa thị trường đạt hơn 212,3 nghìn tỷ đồng, giảm 22,1% so với thời điểm cuối tháng 11 và tăng 12% so với cuối năm 2019.

Tính chung cả năm 2020, khối lượng giao dịch bình quân thị trường cổ phiếu niêm yết đạt 60,6 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch bình quân đạt 720,5 tỷ đồng/phiên, tương đương khoảng 10% so với giá trị giao dịch bình quân năm 2020 tại sàn HOSE./.