51,8% cử tri Anh chọn rời EU
Thủ tướng Cameron từ chức
Sau thất bại trong canh bạc chính trị lớn nhất vì người dân Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu, Thủ tướng Anh David Cameron ngày 24/6 đã tuyên bố từ chức.
Trong bài phát biểu vài giờ sau khi có kết quả trưng cầu dân ý, Thủ tướng Cameron cho biết ông sẽ từ chức trước tháng 10. Ông Cameron nói một lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ sẽ tiếp quản ghế Thủ tướng, sau cuộc họp đảng vào mùa thu này.
Trong bài phát biểu từ chức của mình, David Cameron nói: "Người Anh đã chọn rời EU và mong muốn của họ phải được tôn trọng. Thế giới đều đã nhìn thấy sự lựa chọn của người Anh. Điều này đòi hỏi một sự lãnh đạo mạnh mẽ, quyết tâm và đầy cam kết.
Tôi rất tự hào vì đã được làm Thủ tướng Anh trong sáu năm qua. Người dân Anh đã có một quyết định rất rõ ràng. Tôi nghĩ đất nước cần phải có một sự lãnh đạo mới. Tôi không nghĩ tôi có thể là người đứng đầu để dẫn dắt đất nước trong hành trình tiếp theo. Theo quan điểm của tôi, chúng ta nên có một thủ tướng mới trong Hội nghị đảng Bảo thủ tháng 10 sắp tới."
Lý giải về việc vẫn giữ chức thủ tướng trong một khoảng thời gian, Thủ tướng Cameron nói: "Tôi tin rằng điều này là vì lợi ích đất nước, cần phải có một giai đoạn ổn định trước khi ban lãnh đạo mới lên nắm quyền. Tân thủ tướng sẽ là người quyết định khi nào thì áp dụng Đạo luật 50, bắt đầu quá trình rời Liên minh châu Âu".
Trước đó, Ngoại trưởng Anh Philip Hammon, một trong những người ủng hộ "ở lại", đã cho biết Thủ tướng Cameron "sẽ tiếp tục giữ chức vụ và thực hiện nguyện vọng của nhân dân Anh".
Cơn ác mộng của cả Anh và EU
Mặc dù các thăm dò trước trưng cầu nói phe “Ở lại” có lợi thế, kết quả sáng sớm 24/66 đã làm chấn động cả nước Anh, châu Âu cũng như là liên minh xuyên Đại Tây Dương giữa Anh với Mỹ.
Với EU, sau những chỉ trích về giải cứu tài chính ở Hy Lạp về việc giữ đồng tiền chung cho tới chính sách với người nhập cư, việc Anh rời khối giáng thêm một đòn mạnh với liên minh lớn nhất cựu lục địa này.
51,8% cử tri ủng hộ Anh rời EU
Thị trường tài chính, ban đầu dự đoán nước Anh sẽ ở lại, đang gồng mình cho đợt bán tháo lớn và thậm chí là hỗn loạn sau quyết định này của nước Anh. Các nhà kinh tế dự đoán việc rời EU sẽ gây tổn thất nặng tới kinh tế nước này.
Với EU, việc Anh rời đi đặt dấu hỏi lớn về đường hướng, sự toàn vẹn và tương lai của khối – vốn được xây dựng trên nền tảng chia sẻ chủ quyền giữa 28 quốc gia (cùng chung chính sách đối ngoại, tự do đi lại).
Anh là nền kinh tế lớn thứ 2 trong EU (sau Đức) và là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việc mất Anh là tổn thất vô cùng lớn với uy tín của EU, đang chịu một loạt các áp lực về tăng trưởng chậm, tỉ lệ thất nghiệp cao, khủng hoảng nhập cư, khủng hoảng nợ Hy Lạp và cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
“Ảnh hưởng lớn nhất sẽ là rối loạn lớn hệ thống EU trong hai năm tới”, Thierry de Montbrial, Chủ tịch Viện quan hệ Quốc tế Pháp, nói với New York Times. “Sẽ có tổn thất chuyển giao lớn về chính trị, làm thế nào để giải quyết việc Anh rời đi, cũng như là hậu quả domino hoặc rút tiền từ các nước khác cũng nghĩ tới việc rời đi.”
Karl Kaiser, giáo sư của Harvard và là cựu giám đốc Hội đồng Đối ngoại Đức, nói với tờ Times rằng châu Âu sẽ phải “tái cấu trúc hệ thống với mức độ gắn kết khác đi.”
Thị trường tài chính toàn cầu chao đảo
Các thị trường tài chính toàn cầu đã lập tức chao đảo khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố. Đồng bảng Anh lao dốc tới 10%, xuống mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua so với USD, trước khi phục hồi, nhưng vẫn giảm 8%, theo Reuters.
Mở cửa giao dịch ngày 24/6, các thị trường chứng khoán châu Âu đồng loạt giảm mạnh, trong đó giảm mạnh nhất là cổ phiếu ngân hàng. Cổ phiếu ngân hàng Barclays, Lloyds và Royal Bank of Scotland giảm hơn 29% vào đầu phiên giao dịch.
Thị trường chứng khoán Đức giảm mạnh gần 10%, Anh giảm 9%, Pháp giảm 11%, Tây Ban Nha giảm 17%, Hy Lạp giảm 12,7%. Thị trường chứng khoán Bồ Đào Nha giảm 9% xuống mức thấp nhất kể từ năm 1996.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương toàn cầu của Thụy Sĩ, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... đang chuẩn bị các biện pháp can thiệp thị trường để ổn định tỷ giá hối đoái.
Tình hình này buộc Ngân hàng trung ương Anh phải ra thông cáo, cam kết thực hiện “mọi bước đi cần thiết” để ổn định tình hình.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) Mark Carney cho biết, BOE sẵn sàng tung ra 250 tỷ Bảng Anh để bình ổn lại thị trường nếu cần thiết. Ông cũng trấn an dư luận rằng hệ thống ngân hàng Anh đã ổn định hơn nhiều so với trước đợt khủng hoảng 2008-2009, do các ngân hàng giờ đây buộc phải dự trữ vốn nhiều hơn 10 lần.
Ông Carney cũng không quên nhắc lại rằng quan hệ chính thức giữa Anh với EU là chưa có gì thay đổi, dù sẽ có một giai đoạn bất định sau khi có kết quả trưng cầu dân ý (gần 52% dân Anh chọn rời EU).
Một số nhà phân tích đã dự đoán rằng BOE có thể sẽ sớm cho cắt giảm lãi suất hoặc nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng trở lại, nhưng ông Carney tỏ rõ ý định rằng BOE không muốn gấp gáp trong việc đưa ra quyết định./.
Bình luận