7 tháng đầu năm: Mỗi ngày xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông
Tháng 07: số vụ tai nạn giảm, nhưng số người chết tăng
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng Bảy (từ 16/06 đến 15/07), trên địa bàn cả nước đã xảy ra 1.731 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 781 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 950 vụ va chạm giao thông, làm 689 người chết; 238 người bị thương và 1.097 người bị thương nhẹ.
So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 9,3% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 1,4%; số vụ va chạm giao thông giảm 15%); số người chết tăng 1,3%; số người bị thương tăng 68,8%; số người bị thương nhẹ giảm 19%.
Một trong những nguyên nhân số vụ tai nạn giảm so với cùng kỳ năm trước là nhờ công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông ngày càng được tăng cường.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng cho biết, trong lĩnh vực đường bộ, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, lập biên bản 2.438.111 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ; phạt tiền 1.571,18 tỷ đồng; tạm giữ 25.044 xe ô tô và 288.855 mô tô; tước 202.251 giấy phép lái xe.
Trong lĩnh vực đường thủy, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý 107.544 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, Kho bạc Nhà nước thu 62.068 tỷ đồng.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, tính chung 7 tháng, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 12.910 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 5.942 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 6.968 vụ va chạm giao thông, làm 5.167 người chết; 3.221 người bị thương và 8.263 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông 7 tháng năm nay giảm 12,4% (Số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 3,2%; số vụ va chạm giao thông giảm 18,9%).
Đặc biệt, bình quân một ngày trong 7 tháng năm 2015, trên địa bàn cả nước xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 28 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 33 vụ va chạm giao thông, làm 24 người chết, 15 người bị thương. Số người chết luôn cao hơn số người bị thương là một trong những cảnh báo đối với người tham gia giao thông về độ thảm khốc của các vụ tai nạn trong thời gian qua.
70% số vụ tai nạn trong khung giờ 12h-24h
Phân tích của Cục Cảnh sát Giao thông, gần 70% số vụ tai nạn giao thông xảy ra vào khoảng thời gian từ 12h-24h. Đây là khoảng thời gian người điều khiển phương tiện bị tác động tâm lý của sự mệt mỏi, căng thẳng, sự chênh lệch về nhiệt độ, ánh sáng giữa ngày và đêm đặc biệt đối với phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa. Đây là một trong những nguyên nhân gây nên các vụ tai nạn giao thông thảm khốc thời gian qua.
Tai nạn giao thông xảy ra chủ yếu ở các tuyến quốc lộ, nội thị. Đây là các tuyến đường có đặc điểm đường giao cắt nhiều, phương tiện lưu thông hỗn hợp với mật độ đông, dễ xảy ra va chạm, dân cư chủ yếu sống hai bên đường.
Mô tô, xe máy là loại phương tiện chủ yếu trong các vụ tai nạn, trong khi đó, rất nhiều mô tô, xe máy cũ hoặc không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật và an toàn. Với tình trạng giao thông hỗn hợp, kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập, việc sử dụng phương tiện cá nhân phổ biến, trong khi ý thức của người tham gia giao thông còn nhiều hạn chế, các vụ tai nạn giao thông xảy ra đối với loại phương tiện này còn có chiều hướng tăng cao.
Để giảm thiểu tai nạn giao thông trong thời gian tới, tại buổi lễ ký kết đảm bảo trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2015-2018 giữa Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và Công ty Toyota Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy Ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, trong hai năm 2015-2016 sẽ tăng cường xử lý các vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông; đẩy mạnh việc đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực nông thôn, miền núi; thực hiện chiến dịch kêu gọi không sử dụng điện thoại di động khi lái xe máy, cũng như ô tô, vận động thắt dây an toàn đối với tất cả những người ngồi trên ô tô, chứ không chỉ đối với người ngồi hàng ghế trên như quy định hiện nay.
Ngoài ra, các cơ quan cần có sự phối hợp hiệu quả trong công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức chấp hành quy định của pháp luật về an toàn giao thông; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của các cơ quan quản lý nhà nước… góp phần cải thiện tình hình an toàn giao thông, hướng tới giảm thiểu tai nạn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông./.
Bình luận