Toàn cảnh họp báo

Ông Eric Sidgwick, tân Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nhận xét: “Kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được cải thiện nhờ vào một loạt yếu tố, đặc biệt là sản lượng khu vực sản xuất công nghiệp tăng mạnh, chi tiêu tiêu dùng cũng tăng và ổn định kinh tế vĩ mô được cải thiện”.

Theo báo cáo, tiêu dùng cá nhân cải thiện nhờ lạm phát thấp, niềm tin của người tiêu dùng hồi phục và tiền lương trong khu vực phi nông nghiệp tăng lên. Một khảo sát thị trường lao động năm 2014 cho biết, mỗi năm có 800.000 lao động rời khỏi ngành nông nghiệp có năng suất thấp để chuyển sang làm việc cho các doanh nghiệp có tiền lương cao hơn hoặc làm việc cho các ngành khác.

Báo cáo cho biết, sản lượng trong khu vực sản xuất công nghiệp có tốc độ tăng trưởng tốt, tăng 9,9% trong sáu tháng đầu năm nhờ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đẩy mạnh sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Đà tăng trưởng này dự báo sẽ được tiếp tục duy trì khi tốc độ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong sáu tháng đầu năm đạt mức kỷ lục.

Trong số 84,8 tỷ USD vốn FDI cam kết mới kể từ năm 2011 đến tháng 8 năm nay, thì 70% là để mở rộng sản xuất, chủ yếu là sản xuất hàng xuất khẩu. Giải ngân FDI tăng đến 8,5 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm nay. Giá trị xuất khẩu trung bình hàng tháng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, từ gần 3 tỷ USD vào đầu năm 2010 lên 10 tỷ USD vào tháng 8/2015.

Hiện nay, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang sản xuất khoảng 70% lượng hàng xuất khẩu, cao hơn so với tỷ lệ 35% ở thời điểm 5 năm trước đây. Các doanh nghiệp trong nước chỉ xuất khẩu từ 2-4 tỷ USD mỗi tháng, kể từ tháng 1/2010 trở lại đây.

Một dấu hiệu khác về tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục tăng là chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI cho thấy sản xuất được mở rộng trong 24 tháng liên tiếp tính đến tháng 8/2015.

Triển vọng thương mại và đầu tư khả quan hơn nhờ nới lỏng quy định hạn chế đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán và bất động sản của Việt Nam, cũng như việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.

Sau một vài năm gặp nhiều thách thức, khu vực tài chính cũng đã cho thấy các tín hiệu tích cực. Tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ vượt chỉ tiêu chính thức đề ra trong năm 2015. Chính sách của Chính phủ cũng thuận lợi hơn nhờ giá cả hàng hóa thế giới giảm, giúp kiềm chế tốc độ tăng giá, tăng mức thu nhập khả dụng và giảm chi phí hoạt động kinh doanh.

ADB nhận xét, chính sách tài khóa sẽ tiếp tục theo hướng hỗ trợ tăng trưởng, mặc dù có thể sẽ thắt chặt hơn trong năm 2016. Kể từ năm 2011, Chính phủ đã tăng chi tiêu và đi vay để giúp nền kinh tế hồi phục.

Nợ công, bao gồm nợ do Chính phủ bảo lãnh, dự báo đến cuối năm 2015 sẽ tăng lên khoảng 62% GDP. Nợ nước ngoài, chủ yếu là các khoản vay ưu đãi dài hạn, vẫn giữ ở mức 28% GDP trong 3 năm qua, được kìm giữ bởi các thủ tục huy động nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức ngày càng phức tạp. Nguồn vốn trong nước với chi phí cao hơn dự báo sẽ tăng lên khoảng 33% GDP. Trả nợ dự báo sẽ chiếm khoảng 15% tổng số thu của Chính phủ trong năm 2016.

Đại diện của ADB cũng chỉ ra một số thách thức Việt Nam phải đối mặt. Đó là tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc - đối tác quan trọng của Việt Nam đang suy giảm, kéo theo triển vọng thương mại ảm đạm hơn. Giá hàng hóa thế giới ở mức thấp cũng ảnh hưởng đến việc xuất khẩu dầu mỏ và nông nghiệp.

Ông Sidgwick khuyến nghị “Để giảm nhẹ tác động của những thách thức này, Việt Nam cần tiếp tục tiến hành tái cơ cấu và cải cách khu vực tài chính sâu rộng hơn, nâng cao năng suất và đẩy mạnh năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam”./.