Từ khóa: Ấn Độ, kinh tế biển xanh, an ninh hàng hải, chiến lược

Summary

In the process of developing a blue economy, India always attaches importance to national security issues. National security here includes maritime security, energy security and food security. These pillars all play an important role in helping India ensure a peaceful environment to promote economic development. It also helps ensure India's sovereignty and maritime territory in the context of many security challenges (traditional and non-traditional) in the Indian Ocean region. The following article will clarify the relationship between the blue economy and maritime security in this new strategy, and provide implications for Vietnam.

Keywords: India, blue economy, maritime security, strategy

GIỚI THIỆU

Việc hướng tới một nền kinh tế biển xanh trên cơ sở bảo tồn và phát huy các "nguồn vốn biển tự nhiên", đặc biệt là các nguồn tái tạo năng lượng gió, nuôi biển, du lịch sinh thái... đang được xem là giải pháp căn cơ, lâu dài và bền vững đối với nhiều quốc gia có biển, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, phát triển kinh tế biển xanh cần phải gắn với đảm bảo an ninh hàng hải. Khi nói về mối quan hệ giữa kinh tế biển xanh và an ninh hàng hải, Phó Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ, Đô đốc Ashok Kumar cho rằng, kinh tế biển xanh cần một môi trường ổn định và an toàn để duy trì và phát triển. Với lợi ích hàng hải ngày càng tăng, nền kinh tế biển xanh và an ninh hàng hải của Ấn Độ sẽ gắn bó sâu sắc và phụ thuộc lẫn nhau. Kinh tế biển xanh dự báo đóng góp khoảng 4% GDP của Ấn Độ và có tiềm năng to lớn để mở rộng con số này. Cũng theo Tư lệnh này, Hải quân Ấn Độ sẽ tập trung vào việc đóng góp sức mạnh của mình để hỗ trợ các nỗ lực phát triển kinh tế biển xanh quốc gia. Hải quân cũng đặt mục tiêu trở thành người hỗ trợ nhưng đồng thời cũng là yếu tố của các nỗ lực kinh tế biển xanh quốc gia và khu vực (Shankar, 2021). Kinh tế biển xanh đóng vai trò là nhân tố thúc đẩy an ninh quốc gia, trong đó có bao gồm cả an ninh hàng hải. Ngược lại, an ninh hàng hải là yếu tố cần thiết để hỗ trợ cho kinh tế biển xanh.

KINH NGHIỆM CỦA ẤN ĐỘ

An ninh hàng hải trong kinh tế biển xanh của Ấn Độ

Là quốc gia có dân số đông nhất trên thế giới, Ấn Độ có vai trò và lợi ích trong việc đảm bảo cho an ninh của khu vực Ấn Độ Dương. Đây là khu vực tập trung của nhiều quốc gia khác nhau về kinh tế, văn hóa và xã hội. Không gian Ấn Độ Dương có tiềm năng đáng kể đóng góp vào các nỗ lực toàn cầu đối phó với tình trạng nghèo đói, tăng cường an ninh lương thực và cung cấp các cơ hội kinh tế mới cho nhiều quốc gia, trong đó có Ấn Độ. Trong khi đó, kinh tế biển xanh là một xu hướng mới nhằm thúc đẩy đổi mới và phát triển có trách nhiệm với môi trường cho sự phát triển của cả khu vực. Và trong mỗi lĩnh vực phát triển của kinh tế biển xanh, an ninh hàng hải luôn đóng một phần quan trọng không chỉ đảm bảo cho việc phát triển bền vững mà còn đảm bảo an ninh cho cả một khu vực rộng lớn của Ấn Độ. Theo các số liệu tính toán, Ấn Độ sẽ cần 18 triệu tấn sản lượng cá vào năm 2030 để đáp ứng nhu cầu trong nước (DOF, 2022). Còn theo Liên hợp quốc, khoảng 195 triệu người ở Ấn Độ đang bị suy dinh dưỡng, trong đó khoảng 47 triệu là trẻ em (Kumaraswamy, 2021). Để đảm bảo an ninh lương thực, Ấn Độ phải đảm bảo việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và điều này cần phải có sự đảm bảo về an ninh hàng hải.

Việc khai thác tài nguyên biển cũng đòi hỏi phải có sự đảm bảo về an ninh cho các hoạt động khai thác dầu khí, khai thác dưới đáy biển sâu, năng lượng tái tạo như năng lượng thủy triều, gió hoặc sóng. Việc đảm bảo khai thác hoặc phát triển bền vững các nguồn tài nguyên đòi hỏi về quyền tài phán của Ấn Độ nói riêng và của các quốc gia nói chung. Các hoạt động này diễn ra tại vùng đặc quyền kinh tế hoặc lãnh hải của Ấn Độ và các quốc gia ven biển. Do vậy, cũng giống như nhiều quốc gia khác, Ấn Độ đã nỗ lực để phân định ranh giới trên biển của mình, nhằm làm rõ phạm vi quyền tài phán đối với các vùng biển của mình. Trong khi đó, việc mở rộng và phát triển kinh tế biển xanh lại liên quan tới việc khai thác tài nguyên, từ đó đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến chủ quyền và quyền tài phán của Ấn Độ đối với vùng biển của quốc gia này.

Trong khi đó, việc khai thác tài nguyên sống, bao gồm nghề cá, nuôi trồng thủy sản và công nghệ sinh học biển cũng đặt ra nhiều thách thức về an ninh hàng hải. Cụ thể, việc quản lý tài sản chung, xuyên biên giới giữa Ấn Độ với các quốc gia về tài nguyên, như nghề cá đòi hỏi phải có cách tiếp cận phối hợp đa phương. Do vậy, an ninh hàng hải đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các mối đe doạ đối với việc quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên của nước này. Tại khu vực Ấn Độ Dương, nghề đánh bắt hải sản chiếm tới 14% sản lượng đánh bắt toàn cầu và liên quan trực tiếp tới an ninh của Ấn Độ (Miche và Russell, 2012). Thủy sản chiếm một phần lớn trong hoạt động kinh tế ở nhiều công ty lớn và nhỏ của Ấn Độ. Do vậy, việc đảm bảo nguồn lợi thủy sản tại khu vực được quản lý bền vững có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế, xã hội lâu dài của Ấn Độ.

Tại khu vực Ấn Độ Dương, vận tải biển được công nhận là xương sống của nền kinh tế toàn cầu, chiếm hơn 80% thương mại thế giới, khoảng 10 tỷ tấn hàng hóa vận chuyển vào năm 2015 (Onditi và Douglas, 2021). Ấn Độ Dương có một số hoạt động vận chuyển bận rộn nhất các tuyến đường trên thế giới, với 25%-30% hoạt động vận tải biển toàn cầu diễn ra trong khu vực. Mỗi năm, có khoảng 100.000 chuyến tàu đi qua khu vực này, đồng thời mang theo 1/3 lượng hàng hóa của thế giới, trong số đó có một nửa là container và hai phần ba là lượng dầu khí (Onditi và Douglas, 2021). Điều này tạo ra những cơ hội lớn, nhưng đi kèm với nó là tiềm ẩn các mối đe dọa, nhất là tình trạng khủng bố và cướp biển. Từ giữa những năm 2000, nạn cướp biển ngoài khơi bờ biển Somalia bắt đầu trở thành mối đe dọa lớn đối với các tàu chở hàng, tàu đánh cá và du thuyền tư nhân. Đỉnh điểm vào năm 2011 khi có hơn 300 vụ tấn công và gần 30 vụ không tặc đã được các cơ quan báo cáo có liên quan (Gómez và cộng sự, 2013). Trong những năm 2000, khu vực Ấn Độ Dương cũng là nơi hoạt động của nhiều phần tử khủng bố quốc tế. Nguyên nhân là do sự quản trị yếu kém tại nhiều quốc gia khiến cho lực lượng Al-Qaeda tìm cách xâm nhập và thiết lập các mạng lưới chân rết để hoạt động. Sự phát triển của ngành du lịch đòi hỏi phải có sự đảm bảo về an ninh hàng hải tại khu vực, và điều này cũng tạo ra những đòi hỏi và áp lực lên an ninh quốc gia của Ấn Độ.

Các giải pháp chiến lược của Ấn Độ

Trong bối cảnh có nhiều thách thức về an ninh hàng hải như hiện nay, Ấn Độ đã tập trung vào các lĩnh vực thuộc quyền tài phán hàng hải và cụ thể hơn là thực hiện các hoạt động tái tạo và phục hồi để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững thông qua khai thác các ngành công nghiệp xanh. Theo đó, để chuẩn bị cho nền kinh tế biển xanh, Ấn Độ phải đảm bảo được an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương để khai thác tiềm năng nền kinh tế và hiệu quả tại khu vực này. Để thực hiện điều này, Ấn Độ tập trung vào việc tăng cường nhận thức về lĩnh vực hàng hải, chia sẻ thông tin và công nghệ, viễn thám, thiết bị thu thập dữ liệu đại dương. Ấn Độ thấy được sự cần thiết phải thành lập Cơ quan Hàng hải Quốc gia nhằm để giúp xây dựng tầm nhìn hàng hải, lập kế hoạch và điều phối các hoạt động kinh tế, môi trường và an ninh trong lĩnh vực kinh tế hàng hải. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng thấy phải cần xây dựng Chính sách An ninh Hàng hải Quốc gia, từ đó tích hợp với chiến lược hàng hải của mình (Singh và Rashmi, 2019).

Để đối phó với những thách thức về an ninh hàng hải, với vị trí địa chiến lược của mình tại Ấn Độ Dương, chính phủ Ấn Độ ngày càng coi trọng việc đảm bảo an ninh hàng hải và gắn nó với các mục tiêu phát triển kinh tế, trong đó có kinh tế biển xanh. Sau khi tiến hành cuộc cải cách kinh tế vào những năm 1990, Ấn Độ có được nguồn lực để hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế và an ninh - quốc phòng biển. Ấn Độ cũng chuyển sang nâng cao vai trò lãnh đạo của mình ở khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương để hướng tới nhận thức chung về an ninh, tạo bình đẳng và hợp tác trong khu vực. Trên cơ sở đó, Ấn Độ tích cực tham gia Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA), hình thành Hội nghị chuyên đề Hải quân Ấn Độ Dương (IONS). Cùng với Sáng kiến an ninh và Phát triển cho tất cả các nước trong khu vực Ấn Độ Dương (SAGAR), Ấn Độ còn đưa ra Tầm nhìn Hàng hải 2030 với mục tiêu đảm bảo an ninh hàng hải và phát triển kinh tế biển xanh.

Từ năm 2004, Ấn Độ đã xây dựng Học thuyết hàng hải 2004 và bổ sung bằng Học thuyết hàng hải Ấn Độ 2009. So với bản Học thuyết hàng hải năm 2009, bản Học thuyết năm 2015 có ba sửa đổi nổi bật. Điều quan trọng nhất trong số này là việc mở rộng các khu vực có lợi ích hàng hải của Ấn Độ về phía Đông Nam và phía Tây. Ngoài ra, Ấn Độ cũng ban hành Chiến lược an ninh hàng hải Ấn Độ vào năm 2007. Chiến lược này được xây dựng dựa trên tài liệu chiến lược: Tự do sử dụng Biển: Chiến lược Quân sự Hàng hải của Ấn Độ. Dựa trên tài liệu này, Ấn Độ cho nâng cấp lên Chiến lược an ninh hàng hải năm 2015, được được xây dựng dựa trên tập tài liệu chiến lược có tên gọi: “Đảm bảo vùng biển an toàn: Chiến lược an ninh hàng hải của Ấn Độ”. Xây dựng học thuyết và chiến lược an ninh hàng hải giúp Ấn Độ có có sở phát triển tốt hơn trong việc duy trì an ninh quốc gia, an ninh hàng hải tại các vùng biển của mình, góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu của kinh tế biển xanh của nước này.

Trong thập niên qua, Chính quyền của Thủ tướng Modi đã không ngừng gia tăng sức mạnh hàng hải thông qua việc hồi sinh và củng cố các ngành, các lĩnh vực hàng hải. Đối với Ấn Độ, phát huy sức mạnh quốc gia, sức mạnh hàng hải thì cũng đồng nghĩa sẽ thúc đẩy kinh tế biển xanh phát triển với tư cách là một cường quốc tại khu vực Ấn Độ Dương. Năm 2015, khi nói về kinh tế biển xanh, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã nhấn mạnh rằng: “Đối với tôi, luân xa hoặc bánh xe màu xanh lam trên lá cờ của Ấn Độ đại diện cho tiềm năng của cuộc cách mạng xanh hoặc nền kinh tế Đại Đương” (Express News Service, 2015). Theo ông Modi, Ấn Độ nằm ở ngã tư của Ấn Độ Dương và các vùng biển đã tạo ra các liên kết thương mại, văn hóa và tôn giáo với khu vực lân cận mở rộng của Ấn Độ qua nhiều thiên niên kỷ. Ấn Độ cũng đã được định hình theo nhiều cách khác nhau bởi các vùng biển xung quanh. Ấn Độ sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các đại dương và các khu vực xung quanh. Do vậy, Ấn Độ sẽ phải đảm nhận trách nhiệm định hình tương lai của mình và coi Ấn Độ Dương là ưu tiên hàng đầu trong chính sách của mình.

Cũng theo quan điểm của Thủ tướng Modi, tầm nhìn của Ấn Độ đối với khu vực Ấn Độ Dương bắt nguồn từ việc thúc đẩy hợp tác trong khu vực của Ấn Độ và việc sử dụng các khả năng của mình vì lợi ích của tất cả mọi người dân trong ngôi nhà hàng hải chung. Điều này có nghĩa là, Ấn Độ sẽ thực hiện các bước tiến quan trọng như sau: Thứ nhất, Ấn Độ sẽ làm mọi cách để bảo vệ đất liền và hải đảo và bảo vệ lợi ích của mình; Thứ hai, Ấn Độ sẽ tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh với bạn bè trong khu vực, đặc biệt là các nước láng giềng trên biển và các quốc đảo của mình; Thứ ba, Ấn Độ sẽ hành động và hợp tác tập thể nhằm thúc đẩy tốt nhất hòa bình và an ninh trong khu vực hàng hải của mình; Thứ tư, Ấn Độ tìm kiếm một tương lai hợp tác và hội nhập hơn trong khu vực nhằm nâng cao triển vọng phát triển bền vững cho tất cả người dân; Thứ năm, người dân sống trong khu vực này có trách nhiệm chính đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương (Express News Service, 2015).

BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM

Đối với Việt Nam, phát triển kinh tế biển xanh xem ra vẫn là một khái niệm mới và chưa có sự nhận thức đầy đủ. Đến nay, vẫn chưa có một văn bản chính thức nào làm rõ định nghĩa, nội hàm, chủ trương về phát triển kinh tế biển xanh từ các cơ quan của Chính phủ. Vì vậy, các nghị quyết của Đảng và chủ trương của Chính phủ cần phải làm rõ hơn nội dung, mục tiêu và các kế hoạch triển khai gắn với chiến lược phát triển biển của Việt Nam và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. Theo đó, phát triển kinh tế biển xanh cần phải lấy môi trường làm chất xúc tác cho tăng trưởng, đảm bảo phát triển nguồn tài nguyên biển một cách bền vững, tăng cường phúc lợi cho xã hội, giữ gìn sức khỏe cho môi trường biển. Bên cạnh đó, cần phải coi khoa học và công nghệ biển là động lực cho sự phát triển kinh tế biển xanh, trong bối cảnh có sự phát triển của khoa học thế giới, nhất là khoa học về biển.

Phát triển kinh tế biển xanh cần phải gắn với công tác quy hoạch, quản lý liên ngành, liên vùng đối với các vùng biển, đảo và vùng ven biển để đảm bảo sự liên kết, hài hòa trong không gian và lợi ích phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, cần phải đảm bảo về mặt an ninh, hòa bình cho khu vực Biển Đông của Việt Nam nhằm tạo môi trường hòa bình cho sự phát triển của đất nước. Việc phát triển kinh tế biển xanh cũng đồng thời phải gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước trong bối cảnh tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Thực tế là trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, cũng như Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030 vẫn chưa có một cụm từ nào nói tới khái niệm về kinh tế biển xanh, mặc dù có đề cập tới “tăng trưởng xanh” từ tăng trưởng “dựa trên tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế”.

So với Ấn Độ, các mục tiêu của Việt Nam khá rõ ràng, thậm chí là rất toàn diện với các mục tiêu cụ thể, như: các chỉ tiêu tổng hợp; về kinh tế biển; về xã hội; về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và đánh giá được tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng. Chiến lược cũng đề ra tầm nhìn tới năm 2045, đó là Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương. Tuy vậy, để đạt được các mục tiêu và thúc đẩy phát triển kinh tế biển xanh, Việt Nam cần phải xây dựng một chiến lược riêng về phát triển kinh tế biển xanh. Chiến lược này bao gồm các mục tiêu cụ thể hơn cho kinh tế biển xanh và các kế hoạch chiến lược, giải pháp để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong chiến lược biển xanh này.

Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra một số chủ trương lớn. Tuy nhiên các chủ trương, cùng với một số khâu đột phá và các giải pháp còn quá chung chung. Nếu so sánh với khung chính sách phát triển kinh tế biển xanh của Ấn Độ thì Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 còn khá chung chung, chưa đề cập đến tất cả các khía cạnh của kinh tế biển xanh. Mặc dù Ấn Độ có các chính sách, chiến lược riêng để phát triển các ngành riêng biệt của nền kinh tế biển, song nước này vẫn xây dựng một khung chính sách quốc gia thống nhất để phát triển kinh tế biển xanh, tích hợp tất cả các nội dung chính của nhiều chiến lược khác theo một đường lối chỉ đạo chung.

Việt Nam cần coi trọng hơn nữa vai trò của kinh tế biển xanh gắn với chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước. Phát triển kinh tế biển xanh nhưng đồng thời phải tạo cả thế và lực trong việc bảo vệ Tổ quốc, xây dựng thế trận kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh trên biển và vùng ven biển phải trở thành nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Do vậy, việc bố trí phòng thủ trên biển, đảm bảo an hàng hải, tăng cường sức mạnh bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, chống lại mọi âm mưu và hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia trên biển và vùng ven biển; bảo đảm hòa bình để phát triển kinh tế biển. Điều này đòi hỏi phải huy động tối đa lực lượng lao động của các ngành kinh tế biển mà đặc trưng nghề nghiệp của họ rất khác nhau, trong đó ngư dân là lực lượng đông nhất và liên tục bám biển. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng một chiến lược an ninh hàng hải phù hợp với điều kiện và vị thế của Việt Nam trong khu vực hiện nay, góp phần vào việc đảm bảo phát triển kinh tế biển xanh quốc gia và cả khu vực./.

Phạm Cao Cường - Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 29, tháng 10/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. David Miche, Russell Sticklor (2012), Plenty of Fish in the Sea? Food Security in the Indian Ocean, The Diplomat, retrieved from https://thediplomat.com/2012/08/plenty-of-fish-in-the-sea-food-security-in-the-indian-ocean/.

2. DOF (2022), Sea Cage Farming, Department of Fisheries, Department of Fisheries (DOF), retrieved from https://dof.gov.in/sites/default/files/2020-07/Sea_Cage_Farming.pdf

3. Express News Service (2015), For the Record: ‘To me, the blue chakra or wheel in India’s flag represents the potential of the blue revolution, or the ocean economy”, retrieved from https://indianexpress.com/article/opinion/columns/for-the-record-to-me-the-blue-chakra-or-wheel-in-indias-flag-represents-the-potential-of-the-blue-revolution-or-the-ocean-economy/.

4. Francis Onditi, Douglas Yates, eds (2021), Illusions of location theory: Consequences for blue economy in Africa, Vernon Press, 2021.

5. Gómez, Fernando Ibáñez, M. Ángel, and E. Navarro (2013), Analysis of the Somali Pirate Attacks in the Indian Ocean (2005-2011): Evolution and Modus Operandi, Journal of the Spanish Institute of Strategic Studies, 1, 1-28.

6. Kumaraswamy, P. R., ed (2021), Facets of India’s Security: Essays for C. Uday Bhaskar, Taylor & Francis.

7. Ravi Shankar (2021). Harnessing India’s Blue Economy: Role of Indian Navy. Bharatshakti, April 24, retrieved from https://bharatshakti.in/harnessing-indias-blue-economy-role-of-indian-navy/.

8. Singh, Rashmi (2019), India’s Maritime security and policy: an imperative for the blue economy, India in South Asia: Challenges and Management, 269-289.