Lao động nhập cư chiếm khoảng 10,6% lực lượng lao động tại Anh. Do đó, Brexit hiện thực hoá sẽ khiến nước này mất đi một lượng lớn lao động. Thậm chí, ngay cả khi chính sách thắt chặt nhập cư chưa bắt đầu, thì các công ty tại Anh đã vấp phải tình trạng thiếu nhân lực trong hơn 60 ngành nghề khác nhau, bao gồm kỹ sư, chuyên gia công nghệ, y tá, kế toán...

Bên cạnh đó, vì lo sợ ảnh hưởng của Brexit, nhiều người lao động quyết định tìm những công việc ngắn hạn hoặc bán thời gian. Theo báo cáo của công ty tư vấn IHS Markit, qua dữ liệu thu thập từ 400 công ty, số người tìm được việc làm ngắn hạn hoặc bán thời gian tăng nhanh. Số lượng nhân viên tạm thời được tuyển dụng tăng vọt kể từ đầu năm đến nay.

Chính phủ Anh đang xem xét đến các biện pháp như yêu cầu các doanh nghiệp tại Anh công bố số lượng lao động người nước ngoài trong biên chế của họ. Đây là động thái cho thấy Anh ngày một khắt khe hơn đối với lao động nhập cư. Trước đây, người dân Anh trong EU được phép tự do đi lại và làm việc. Giờ đây, Brexit sẽ là rào cản lớn khiến nhiều người nhập cư phải lo lắng hơn tới việc làm, tiền lương, nhà ở và giá dịch vu công cộng. Việc cho phép công dân EU di cư tự do qua biên giới sẽ khiến Anh mất đi một số quyền tiếp cận vào khu vực thương mai rộng lớn này.

Theo cuộc khảo sát của KPMG, trong số 100 công ty lớn nhất của Anh, có tới 76% các CEO xem xét di chuyển trụ sở công ty hoặc các bộ phận kinh doanh của họ ra khỏi Anh sau sự kiện Brexit.

Các số liệu chính thức cho thấy, hiện có gần 5.500 công ty dựa vào “hộ chiếu” tài chính để triển khai hoạt động kinh doanh trên toàn EU. Tới đây, nếu quyền “tự động” trong tiếp cận tự do vào các thị trường EU bị chấm dứt vì Brexit, thì hoạt động của các doanh nghiệp này sẽ có thể tổn thất lớn.

Cũng theo khảo sát trên của KPMG, phần lớn CEO của các công ty này cho rằng, việc Anh rời khỏi EU sẽ khiến hoạt động kinh doanh bị tác động xấu. Bên cạnh đó, sự lạc quan về môi trường kinh doanh tổng thể cũng tiếp tục suy giảm mạnh từ sau khủng hoảng tài chính 2008.

Cũng cần phải nói thêm rằng, sự suy yếu của đồng Bảng Anh và tính không rõ ràng trong quy định nhập cư ở Anh khiến người lao động nước ngoài không mặn mà và e ngại ứng tuyển lao động tại “xứ sở sương mù”.

Đối mặt với vấn đề này, Thủ tướng Anh Theresa May dự định sẽ thông qua “quy chế định cư ở Anh”, cho phép người nhập cư là công dân EU đã vào sống ở Anh trong 5 năm hưởng quyền cư trú vĩnh viễn và các phúc lợi y tế, giáo dục và an sinh xã hội khác.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu các quốc gia EU khác có đảm bảo công dân Anh được hưởng quyền tương tự hay không? Và bắt đầu từ thời điểm nào, người nhập cư sẽ được hưởng lợi từ quy đinh mới này?

Ông Keir Starmer, phụ trách về Brexit của đảng Lao động đối lập Anh đánh giá đề xuất của bà May là quá chậm và quá ít so với việc đảm bảo hoàn toàn và đơn phương mà đảng Lao động sẽ làm./.

Nguồn tham khảo:

1. https://www.theguardian.com/society/2017/apr/01/saturday-jobs-brexit-labour-shortage-young-people
2. http://www.euronews.com/2017/06/23/who-s-afraid-of-brexit