6 bộ chưa giải ngân đồng nào

Liên quan đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ước thực hiện 7 tháng đầu năm nay, theo Bộ Tài chính, trong báo cáo của Bộ gửi Thủ tướng Chính phủ nêu rõ tình trạng giải ngân vốn đầu tư công hiện nay vẫn chậm, khi mà mới giải ngân đạt 36,71% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 là 40,67%. Cụ thể, vốn trong nước giải ngân đạt 40,38%, vốn nước ngoài đạt 7,52%, trong khi các chỉ tiêu này đạt được trong cùng kỳ năm trước lần lượt là 44,05% và 17,15%.

Đáng báo động là đến hết tháng 7/2021, chỉ có 11 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 35% kế hoạch. Còn lại hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp: 34/50 bộ và 15/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 25%, trong đó có 6 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Theo Bộ Tài chính, 7 tháng đầu năm nay, hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp: 34/50 bộ và 15/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 25%.

Cũng theo Bộ Tài chính, kết quả giải ngân của một số dự án trọng điểm cũng thấp. Chẳng hạn như dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, luỹ kế vốn đã bố trí cho dự án này từ năm 2018 đến năm 2020 là hơn 22.885 tỷ đồng. Thế nhưng, báo cáo của Kho bạc Nhà nước cho thấy, đến nay, Dự án này mới giải ngân được hơn 10.690,1 tỷ đồng, đạt 46,77% kế hoạch đã giao, trong đó kế hoạch năm 2021 mới giải ngân hơn 835,6 tỷ đồng, đạt 17,93%. Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2017-2020, cũng có tỉ lệ giải ngân chưa tới 50% kế hoạch năm 2021. Theo đó, số vốn giải ngân đến hết ngày 22/7 của Dự án này là hơn 6.929,4 tỷ đồng/14.937,8 tỷ đồng, đạt 46,4% kế hoạch năm 2021 được giao...

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, một trong những nguyên nhân chủ yếu làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại hầu hết địa phương. Chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; vướng mắc về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bất cập trong công tác đấu thầu..., cũng là những lý do khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm. Riêng các dự án sử dụng vốn nước ngoài, tiến động giải ngân vốn chậm còn do vướng mắc trong khâu giao kế hoạch và phân bổ chi tiết; vướng mắc về thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, hiệp định vay; chậm trễ trong triển khai thực hiện dự án, xác nhận khối lượng hoàn thành, hoàn thiện thủ tục thanh toán...

“Bệnh” chậm giải ngân vốn đầu tư công thêm... nặng vì Covid-19
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội vay vốn nước ngoài có tiến độ thi công chậm

Cần sự vào cuộc đồng bộ để khắc phục chậm trễ

Để khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành, cơ quan, địa phương nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Về phần mình, ngành Tài chính đã và đang triển khai nhiều biện pháp cụ thể. Theo đó, mới đây, Kho bạc Nhà nước đã yêu cầu kho bạc nhà nước các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện các giải pháp của chủ đầu tư để tiếp tục đôn đốc, tháo gỡ và khắc phục những khó khăn, đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân kế hoạch vốn. Với nhóm dự án đã hoàn thành trước ngày 31/12/2020 vẫn còn tồn đọng quyết toán và kế hoạch vốn chưa giải ngân, chủ đầu tư cần khẩn trương liên hệ với nhà thầu để thanh toán công nợ theo quy định; hoàn tất thủ tục lập, trình phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành đối với các dự án đã hoàn thành từ trước ngày 31/12/2020 để phê duyệt trước 30/9/2021.

Kho bạc Nhà nước cũng yêu cầu các bên liên quan đẩy mạnh thực hiện đấu thầu qua mạng, bảo đảm minh bạch, lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực theo đúng quy định của pháp luật, cũng như Quyết định số 706/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định tiêu chí xác định các gói thầu trong nội bộ ngành Tài chính thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng và lộ trình thực hiện đến năm 2025. Các bên liên quan chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh kế hoạch, dự toán đầu tư, mua sắm của các nội dung chậm tiến độ sang các nội dung có tiến độ giải ngân tốt…/.