Bịt kín những “kẽ hở” để không thể tham nhũng
Ban Nội chính Trung ương vừa tổ chức Hội nghị sơ kết Quy chế phối hợp công tác với Ban Cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước. Qua hơn 5 năm thực hiện quy chế phối hợp, mỗi cơ quan có thêm nhiều thuận lợi để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Qua đó, phát hiện và kiến nghị xử lý nhiều vụ việc tham nhũng, sai phạm kinh tế nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm; kiến nghị thu hồi cho ngân sách nhà nước nhiều tài sản, tiền, đất đai...
Tuy nhiên, việc phối hợp thực hiện Quy chế có mặt còn hạn chế như: công tác phối hợp giữa Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy và Kiểm toán Nhà nước khu vực có nơi còn thiếu chặt chẽ, nên đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của mỗi bên…
Về hướng phối hợp trong thời gian tới, ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương lưu ý, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, nhất là phối hợp trong phát hiện, kiến nghị khắc phục những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật, góp phần bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng”.
Theo Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Ảnh: noichinh.vn |
Ông Phan Đình Trạc lưu ý, cần tăng cường phối hợp tham mưu, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; tập trung nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Ban Chỉ đạo và của Kiểm toán Nhà nước, nhất là phối hợp chỉ đạo rà soát việc thực hiện các kiến nghị của kiểm toán ở địa phương. |
Ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh, cũng cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin giữa hai cơ quan về tham nhũng, tiêu cực, nhất là cung cấp, trao đổi thông tin về lĩnh vực, địa bàn có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, giúp Ban Chỉ đạo, Kiểm toán Nhà nước lựa chọn “đúng và trúng” các vấn đề, lĩnh vực cần kiểm tra, kiểm toán; trao đổi, cung cấp thông tin về các vụ, việc vi phạm pháp luật hoặc có dấu hiệu tội phạm qua hoạt động kiểm toán để tham mưu chỉ đạo xử lý theo đúng quan điểm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, của đồng chí Tổng Bí thư là rõ đến đâu xử lý đến đó, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.
Một lưu ý nữa được ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh là phối hợp trao đổi nghiệp vụ, xây dựng cơ quan trong sạch, vững mạnh, cán bộ, công chức liêm chính; kịp thời trao đổi thông tin về những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực trong thi hành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, đảng viên của hai cơ quan để uốn nắn, chấn chỉnh hoặc xử lý kịp thời. Nâng cao hơn nữa tính chủ động và hiệu quả phối hợp giữa cấp vụ, cấp chuyên viên; chỉ đạo, hướng dẫn, tăng cường hiệu quả phối hợp giữa Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy với Kiểm toán Nhà nước khu vực, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở.
“Vụ Theo dõi công tác phòng, chống tham nhũng của Ban Nội chính Trung ương chủ trì phối hợp với Vụ Tổng hợp của Kiểm toán Nhà nước bổ sung, hoàn thiện Báo cáo sơ kết, tham mưu xây dựng kế hoạch, nội dung phối hợp và phân công trách nhiệm cụ thể thực hiện nhiệm vụ phối hợp giữa hai cơ quan trong năm tới và cho cả nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng…”, ông Phan Đình Trạc yêu cầu./.
Bình luận