Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với 6 tỉnh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chủ trì Hội nghị. Ảnh: MPI |
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1962/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 về thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 8183/BKHĐT-TH ngày 22/11/2021 gửi các địa phương đề nghị báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.
Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 07/12/2021, Bộ đã nhận được 06/06 báo cáo của các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam.
5/6 địa phương giao vượt nguồn ngân sách địa phương so với Thủ tướng giao
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021 cho 06 địa phương với tổng số vốn là: 26.998,874 tỷ đồng, gồm: nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương (NSĐP) là 17.849,059 tỷ đồng; Nguồn vốn ngân sách trung ương là 9.149,815 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách trung ương (vốn trong nước): 6.372,613 tỷ đồng và vốn nước ngoài (ODA): 2.777,202 tỷ đồng.
Tổng số vốn đã phân bổ chi tiết đến ngày 15/11/2021 của 6 địa phương là: 30.550,123 tỷ đồng, gồm: nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương là 21.540,308 tỷ đồng, trong đó: 05/06 địa phương giao vượt nguồn ngân sách địa phương so với Thủ tướng Chính phủ giao là thành phố Đà Nẵng (vượt 1.276,541 tỷ đồng), Quảng Nam (vượt 482,223 tỷ đồng), Đắk Lắk (vượt 1.875 tỷ đồng), Gia Lai (vượt 212 tỷ đồng), Kon Tum (vượt 380,145 tỷ đồng); riêng tỉnh Bình Định giao thấp hơn số Thủ tướng Chính phủ giao (thấp hơn 534,66 tỷ đồng).
Nguồn vốn ngân sách trung ương là 9.009,815 tỷ đồng, bằng 98,47% kế hoạch. Vốn ngân sách trung ương trong nước: 6.372,613 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch; Vốn nước ngoài (ODA): 2.637,202 tỷ đồng, bằng 94,96% kế hoạch.
Trong đó, 05/6 địa phương giao bằng số Thủ tướng Chính phủ giao, riêng thành phố Đà Nẵng giao chi tiết thấp hơn số Thủ tướng 140 tỷ đồng, do thành phố không có khả năng giải ngân và đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch 2021 nguồn ODA.
Số vốn giải ngân kế hoạch đến ngày 30/11 của 6 địa phương đạt 65,33% so với kế hoạch
Căn cứ theo số liệu báo cáo giải ngân của các địa phương, đến ngày 30/11/2021, số vốn giải ngân kế hoạch năm 2021 của 6 địa phương là 17.637,612 tỷ đồng, đạt 65,33% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm và cao hơn bình quân cả nước (63,86%). Tuy nhiên, nguồn vốn ODA giải ngân của 6 tỉnh là rất thấp. Cụ thể:
(1) Thành phố Đà Nẵng giải ngân đạt 70,11% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó nguồn vốn NSĐP đạt cao 78,43% kế hoạch, vốn ngân sách trung ương trong nước giải ngân đạt 46,67% kế hoạch, nguồn vốn ODA giải ngân đạt 45,3% kế hoạch.
(2) Tỉnh Quảng Nam giải ngân đạt 69,81% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó nguồn vốn NSĐP đạt cao 82,35% kế hoạch, vốn ngân sách trung ươngtrong nước giải ngân đạt 54,01% kế hoạch nhưng nguồn vốn ODA giải ngân thấp chỉ đạt 18,25% kế hoạch.
(3) Tỉnh Gia Lai giải ngân đạt 69% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó nguồn vốn NSĐP đạt 65,19% kế hoạch, nguồn vốn ngân sách trung ương trong nước giải ngân đạt 74,84% kế hoạch và nguồn vốn ODA giải ngân cao, đạt 80,95% kế hoạch.
(4) Tỉnh Bình Định giải ngân đạt 63,62% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó nguồn vốn NSĐP đạt 54,23% kế hoạch, nguồn vốn ngân sách trung ương trong nước giải ngân đạt cao 95,28% kế hoạch nhưng nguồn vốn ODA giải ngân chỉ đạt 44,92% kế hoạch.
(5) Tỉnh Kon Tum giải ngân đạt 56,04% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó nguồn vốn NSĐP đạt 48,69% kế hoạch, nguồn vốn ngân sách trung ương trong nước giải ngân đạt cao 84,91% kế hoạch và nguồn vốn ODA giải ngân thấp, đạt 11,2% kế hoạch.
(6) Tỉnh Đắk Lắk giải ngân đạt 55,30% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó nguồn vốn NSĐP đạt cao 60,68% kế hoạch, nguồn vốn ngân sách trung ương trong nước giải ngân đạt 58,87% kế hoạch và nguồn vốn ODA giải ngân thấp, chỉ đạt 29,45% kế hoạch.
Đến hết ngày 31/01/2022, các địa phương dự kiến giải ngân đạt 97,02% kế hoạch năm 2021 do Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm, trong đó: 3/6 địa phương dự kiến giải ngân được hơn 100% kế hoạch đầu năm do Thủ tướng Chính phủ giao (thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Gia Lai); 3/6 địa phương còn lại giải ngân từ khoảng 83-91%, cụ thể:
- Tỉnh Kon Tum dự kiến giải ngân chỉ đạt 91,12% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương đạt 111,03% kế hoạch, nguồn vốn ngân sách trung ương trong nước giải ngân đạt 94,55% kế hoạch và nguồn vốn ODA dự kiến giải ngân thấp, chỉ ước đạt 33,02%;
- Tỉnh Bình Định dự kiến giải ngân thấp, chỉ đạt 88,10% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương đạt 88,12% kế hoạch, nguồn vốn ngân sách trung ương trong nước giải ngân đạt cao 100% kế hoạch, nguồn vốn ODA dự kiến giải ngân thấp, chỉ đạt 55,11% kế hoạch;
- Tỉnh Đắk Lắk dự kiến giải ngân thấp, chỉ đạt 83,14% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương 80,18% kế hoạch, nguồn vốn ngân sách trung ương trong nước giải ngân đạt 100% kế hoạch và nguồn vốn ODA giải ngân thấp, chỉ đạt 64,62% kế hoạch.
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến tại đầu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách
Tại Hội nghị, tại các điểm cầu, đại diện các tỉnh cũng nêu các khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách, như: Về quy trình và thủ tục quản lý và sử dụng ODA: Điều 23, 25, 34 Luật Đầu tư công năm 2019, Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ còn phức tạp, khó khăn thực hiện trong thực tế... làm ảnh hưởng đến quá trình điều chỉnh chủ trương, điều chỉnh dự án, ký kết Hiệp định.
Hay trong năm 2021, hàng loạt các chính sách pháp luật mới của nhà nước đã được sửa đổi, bổ sung như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (Luật số 62/2020/QH14), Nghị định số 06/2021/NĐ-CP, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP… Theo các quy định sửa đổi, bổ sung thẩm quyền thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế điều chỉnh và một số thủ tục khác đã thay đổi, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện ở địa phương làm ảnh hưởng đến tiến độ duyệt hồ sơ, tiến độ thi công và tiến độ giải ngân của các dự án.
Quy định về chi phí mới được ban hành đã có hiệu lực ngay (Thông tư số 11/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng có hiệu lực từ 15/10/2021) nên phải điều chỉnh lại dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu, làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án.
Thời gian điều chỉnh kế hoạch hằng năm quy định thực hiện trước ngày 15/11 năm kế hoạch, tuy nhiên tại địa phương có nhiều dự án điều chỉnh phải thông qua Hội đồng nhân dân tại kỳ họp cuối năm (họp sau ngày 15/11), do đó khó khăn trong việc điều chỉnh kế hoạch để tăng tỷ lệ giải ngân.
Đặc biệt, các địa phương vẫn nhấn mạnh vướng mắc về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, công tác quản lý hiện trạng, thỏa thuận áp giá đền bù, xác nhận nguồn gốc sử dụng đất. Các dự án khởi công mới năm 2021 đã được phân bổ kế hoạch vốn triển khai thực hiện và chuẩn bị đầu tư ngay từ đầu năm; tuy nhiên, đến 30/9/2021, một số dự án vẫn chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư, nên đã bị cắt giảm kế hoạch vốn năm 2021.
Theo theo dõi, thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nguyên nhân dẫn đến các khó khăn, các địa phương đưa ra là: do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 tác động lớn đến các hoạt động của dự án (công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng, huy động nhân công, tiến độ thi công các dự án), nhất là dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, khi mà toàn bộ quá trình hoạt động của dự án chủ yếu liên quan đến yếu tố nước ngoài.
Bên cạnh đó, việc thực hiện giãn cách tại một số địa phương làm cho việc lưu thông hàng hóa, nhất là nguyên nhiên vật liệu khó khăn, giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, nguồn lao động bị hạn chế do nhiều công nhân nghỉ việc, phát sinh thêm các chi phí phòng chống dịch… ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công xây dựng công trình.
Cùng với đó là việc không thể huy động số lượng cán bộ kỹ thuật, công nhân có tay nghề và người lao động ở mức độ tối thiểu để đảm bảo khả năng thi công liên tục đáp ứng tiến độ thực hiện dự án. Các công nhân, chuyên gia, tư vấn của các nhà thầu nhất là các dự án ODA cũng phải thực hiện chính sách giãn cách của địa phương tương ứng với tình hình dịch bệnh. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên việc các chuyên gia sang Việt Nam bị ảnh hưởng; các gói thầu nhập khẩu máy móc, trang thiết bị, nguyên vật liệu cũng bị chậm tiến độ.
Về thời điểm giao vốn, các dự án khởi công mới trong năm 2021 được giao chi tiết sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (ngày 15/9/2021) nên các địa phương không có nhiều thời gian để triển khai thực hiện các dự án khởi công mới.
Ngoài ra đặc thù khí hậu vùng Tây nguyên mùa mưa kéo dài (bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 10), hầu hết dự án xây dựng sau khi lập xong hồ sơ và bắt đầu khởi công vào mùa mưa, tiến độ thi công chậm.
Không thể đổ hết cho nguyên nhân khách quan
Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung thẳng thắn bày tỏ quan điểm trước các báo cáo nhanh của địa phương rằng: “Vướng mắc toàn khách quan, nghe báo cáo không biết gỡ gì”. Ông cho rằng, cần nhìn thẳng vào nguyên nhân: năng lực tư vấn, năng lực ban quản lý yếu vì sao? Đội ngũ tư vấn không đồng đều ở các địa phương. Bởi, theo ông Trung, phải xác định rõ nguyên nhân mới có giải pháp đúng.
Ông Trung cũng trả lời trước các đề xuất xin kéo dài, điều chuyển vốn hay cắt giảm vốn ODA của các địa phương. Ông khẳng định, theo Luật quy định, đã bố trí rồi không giải ngân được thì thu và trừ trong trung hạn, chứ không phải bố trí tiếp.
Ông Nguyễn Đức Tâm – Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, với mức giải ngân hiện nay của các tỉnh là rất thấp, trong khi thời gian còn lại của năm rất ngắn.
Theo Nghị quyết 63/NQ-CP, ngày 29/6/2021 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 thì mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 95%-100% kế hoạch.
“Trong cùng mặt bằng, nhiều địa phương giải ngân tốt, nguyên nhân chính chỉ đạo điều hành”, ông Tâm nêu vấn đề.
Ông Nguyễn Đức Tâm – Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, với mức giải ngân hiện nay của các tỉnh là rất thấp, trong khi thời gian còn lại của năm rất ngắn. |
Theo chỉ đạo của Thủ tướng các địa phương phải có văn bản cam kết trong giải ngân năm 2021. Quyết định số 1962 nêu rõ kiểm điểm trách nhiệm tập thể cá nhân, đặc biệt người đứng đầu. Vì thế, ông Tâm cho rằng, các địa phương phải nêu cao tinh thần đẩy mạnh giải ngân các tháng còn lại.
Đồng tình với các khó khăn từ phía khách quan của các địa phương, song đại diện phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, nguyên nhân chủ quan lại chiếm vị trí quan trọng.
Nguyên nhân chủ quan quy trình thủ tục nhiều bước, có địa phương làm tốt, có địa phương chuẩn bị dự án chưa tốt nên khi triển khai thực hiện nhiều vướng mắc. Ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị tư vấn chưa đáp ứng yêu cầu; các địa phương suy nghĩ thông thường như các năm trước cứ đăng ký giải ngân được hay không tính sau.
Đặc biệt về nguồn vốn ODA, ông Tâm chỉ rõ, năm 2021 địa phương đề nghị rất cao. Các bộ tổng hợp báo cáo Chính phủ trên cơ sở đề nghị của địa phương.
“Một số dự án gặp vướng về chuyên gia, máy móc thiết bị thôi, còn lại chủ yếu là do chuẩn bị dự án chưa tốt và đề nghị vốn quá cao... Xây dựng kế hoạch vốn ODA chưa sát với nhu cầu và khả năng giải ngân; một số dự án ODA kết dư do đấu thầu giảm dẫn đến kế hoạch cao hơn thực tế giải ngân. Công tác chuẩn bị đầu tư dự án còn sơ sài, chất lượng kém, phê duyệt dự án chưa bảo đảm đầy đủ các quy định hiện hành; vẫn còn tình trạng một số dự án chuẩn bị đầu tư và phê duyệt dự án chỉ mang tính hình thức để có điều kiện ghi vốn. Khi dự án đã được quyết định đầu tư và triển khai thực hiện mới phát sinh nhiều vấn đề, không phù hợp với thực địa thi công dẫn đến phải điều chỉnh dự án, nhất là đối với các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài”, ông Tâm điểm qua những tổng kết qua theo dõi của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Về đề xuất điều chuyển vốn, gia hạn vốn, ông Tâm cũng nêu rõ quan điểm là không thể. Đặc biệt, về kiến nghị cắt giảm vốn ODA, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ đã báo cáo, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý. Vì vậy, yêu cầu các địa phương triển khai tốt.
“Nếu không giải ngân thì thu hồi về ngân sách trung ương và cắt luôn ở trung hạn, chứ không bố trí lại”, ông Tâm nhấn mạnh.
Phát huy vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp công tác giải ngân vốn
Trên cơ sở theo dõi thực tế triển khai giải ngân của các địa phương, ông Tâm đề xuất các UBND các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Chính phủ: số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021, số 45/NQ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2021, số 63/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2021; các Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ; Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.
Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư đặc biệt là đơn vị tư vấn và tổ chức thực hiện dự án, hạn chế tình trạng điều chỉnh trong quá trình triển khai, bảo đảm hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực và quy định của pháp luật, gắn trách nhiệm của tổ chức cá nhân.
Thứ ba, điều chuyển vốn các công trình không triển khai được hoặc chậm triển khai, không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn đã bố trí sang các công trình đã có Quyết định phê duyệt quyết toán, có khối lượng hoàn thành, các công trình trọng điểm, động lực và các công trình cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân.
“Thường xuyên rà soát, kịp thời có văn bản báo cáo các Bộ, ngành Trung ương để xử lý những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân kế hoạch vốn hàng năm nhằm đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành kế hoạch năm 2022”, ông Tâm chỉ rõ nhiệm vụ.
Để phấn đấu giải ngân năm 2021 ở mức cao nhất, giải ngân năm 2022 đạt 100% kế hoạch Quốc hội quyết định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, cơ quan trung ương phân tích, đánh giá kỹ lưỡng thực trạng, xác định nguyên nhân khách quan và chủ quan, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và của người đứng đầu. |
Đặc biệt, ông Tâm cũng nhấn mạnh giải pháp tăng cường trách nhiệm thực hiện và xử lý vi phạm đối với công tác hoàn ứng, thanh toán, quyết toán dự án hoàn thành. Đẩy mạnh chế độ thông tin, báo cáo về tình hình thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Gắn tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 với đánh giá cuối năm về vai trò của người đứng đầu, các cá nhân có liên quan và công tác thi đua khen thưởng tập thể, cá nhân.
“Đề cao kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; kiểm điểm, xử lý kịp thời các cán bộ yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao”, ông Tâm nhấn mạnh.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, giải ngân đầu tư công là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế cả nước và mỗi địa phương trong năm 2021. Thời gian giải ngân niên độ ngân sách nhà nước năm 2021 chỉ còn gần 2 tháng. Để phấn đấu giải ngân năm 2021 ở mức cao nhất, giải ngân năm 2022 đạt 100% kế hoạch Quốc hội quyết định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, cơ quan trung ương phân tích, đánh giá kỹ lưỡng thực trạng, xác định nguyên nhân khách quan và chủ quan, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và của người đứng đầu.
“Từ đó, chúng ta mới có biện pháp quyết liệt, căn cơ để giải quyết. Căn cứ nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1962/QĐ-TTg ngày 22/11/2021, trên cơ sở ý kiến của các bộ, cơ quan trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định”, Thứ trưởng phát biểu.
Thứ trưởng đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phát huy vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp công tác giải ngân vốn.
“Đây là yếu tố quyết định đến kết quả giải ngân của dự án dù là dự án quy mô lớn hay nhỏ”, Thứ trưởng chỉ rõ.
Về các vấn đề được địa phương đề xuất, Thứ trưởng cũng lưu ý lại các địa phương rằng, những phần vốn nào trong kế hoạch 2021 không giải ngân hết sẽ bị hủy dự toán, không kéo dài được. Dù có đủ hồ sơ thuyết minh dự án là bất khả kháng, thì cũng quá thời gian rồi. Nếu bị hủy dự toán, mà muốn để dự án không bị dừng giữa chừng thì phải bố trí dự toán năm 2022 cho các dự án này. Điều đó có nghĩa là dùng dự toán của dự án khác, như vậy dự án khác sẽ bị ảnh hưởng. Có thể phải cắt giảm dự án khởi công mới trong kế hoạch để khắc phục việc giải ngân chậm trước đây.
“Luật đã quy định rồi. Bộ Kế hoạch và Đầu tư không thể giải quyết được”, Thứ trưởng tái khẳng định.
Thứ trưởng cũng lưu ý các địa phương về việc triển khai kế hoạch năm 2022. Năm 2022 phải rút kinh nghiệm từ năm 2021.
“Nếu năm 2021 còn có lý luận năm đầu tiên kế hoạch 5 năm, năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025… , thì năm 2022 không còn viện dẫn lý do này nữa. Các địa phương phải rất chú ý trong thực hiện. Công tác chỉ đạo điều hành về đầu tư công năm 2022 sẽ rất quyết liệt, hàng tháng hàng quý. Vì thế, các địa phương phải đẩy nhanh việc triển khai thực hiện ngay từ đầu năm”, Thứ trưởng nhấn mạnh./.
Bình luận