Các lĩnh vực đầu tư trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận tăng trưởng ấn tượng
Công nhân làm việc tại nhà máy FDI trong KCN tỉnh Vĩnh Phúc

Nỗ lực vượt khó, các doanh nghiệp hoạt động ổn định và tăng trưởng

Năm 2022, trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch Covid-19, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt các giải pháp vừa phòng chống dịch, vừa bảo vệ an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các KCN được Ban Quản lý các KCN tăng cường đẩy mạnh. Ban kịp thời nắm bắt đầy đủ các chủ trương, quan điểm của Chính phủ, của Tỉnh về công tác phòng, chống dịch, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ, của Tỉnh và hướng dẫn, khuyến cáo của ngành y tế; chỉ đạo, giám sát các doanh nghiệp trong KCN thực hiện mục tiêu vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn Tỉnh đều có ý thức chấp hành nghiêm công tác phòng, chống dịch trong sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp phải thay đổi các phương án sản xuất, áp dụng biện pháp cắt ghép dây chuyền sản xuất, tổ chức làm thêm giờ, tăng ca..., để bảo đảm các hợp đồng đã ký với khách hàng, nên về cơ bản, các doanh nghiệp khắc phục được khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất bình thường, nhiều doanh nghiệp mới được thành lập khẩn trương đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Từ cuối quý II/2022, khi dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có sự khởi sắc, một số doanh nghiệp mới được thành lập từ năm 2021 bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh, một số dự án tăng quy mô sản xuất, điều chỉnh kế hoạch sản xuất hợp lý, đơn hàng ổn định, vận hành tối ưu công suất nhà máy, hoạt động hiệu quả, góp phần nâng tổng chỉ tiêu về doanh thu, xuất khẩu, nộp ngân sách nhà nước của các dự án trong KCN năm 2022 đều tăng so với năm 2021, cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Một số lĩnh vực có sự tăng trưởng tốt so với năm 2021 như: sản xuất, lắp ráp điện tử; sản xuất cơ khí chính xác, phụ tùng, linh kiện cho ngành ô tô, xe máy.

Các dự án tiêu biểu tăng doanh thu xuất khẩu từ 20-45% phải kể đến: Dự án sản xuất phụ tùng xe máy của Công ty Piaggio (KCN Bình Xuyên); Dự án sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy của Công ty VPIC (KCN Khai Quang); Dự án sản xuất linh kiện điện tử của Công ty BH Flex Vina (KCN Khai Quang); …

Các lĩnh vực đầu tư trong các KCN đạt nhiều kết quả cao

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của toàn Tỉnh. Theo đó. giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2022 chiếm khoảng 53% giá trị xuất khẩu toàn Tỉnh; nộp ngân sách chiếm 20% nộp ngân sách toàn Tỉnh; tạo việc làm cho trên 126 nghìn lao động trong và ngoài Tỉnh, trong đó lao động tỉnh Vĩnh Phúc chiếm 57%.

Một số kết quả cụ thể trong các lĩnh vực đầu tư trong các KCN của Tỉnh như sau:

Lĩnh vực công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy: doanh thu đạt 719,9 triệu USD, tăng 22% so với năm 2021; giá trị kim ngạch xuất khẩu: 566,9 triệu USD, tăng 12% so với năm 2021; nộp ngân sách nhà nước: 723,7 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2021.

Thu hút và giải quyết việc làm cho 1.599 lao động trong và ngoài Tỉnh,

Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (phụ tùng) ô tô, xe máy: doanh thu đạt: 561,5 triệu USD, tăng 20% so với năm 2021; giá trị kim ngạch xuất khẩu: 290,7 triệu USD, tăng 25% so với năm 2021; nộp ngân sách Nhà nước: 814 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2021. T

Thu hút và giải quyết việc làm cho 8.506 lao động trong và ngoài tỉnh, tăng 28 người so với thời điểm 15/12/2021.

Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ điện, điện tử, gia công linh kiện điện tử: doanh thu: 7.500 triệu USD, tăng 19% so với năm 2021; giá trị kim ngạch xuất khẩu: 6.398 triệu USD, tăng 16% so với năm 2021; nộp ngân sách nnước: 4.006 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2021.

Thu hút và giải quyết việc làm cho 83.785 lao động trong và ngoài Tỉnh, tăng 16.935 người so với thời điểm 15/12/2021.

Lĩnh vực dệt may: doanh thu: 258,5 triệu USD, tăng 16% so với năm 2021; giá trị kim ngạch xuất khẩu: 222,5 triệu USD, tăng 14% so với năm 2021; nộp ngân sách nhà nước: 142,6 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2021.

Thu hút và giải quyết việc làm cho 16.876 lao động trong và ngoài Tỉnh, tăng 330 người so với thời điểm 15/12/2021.

Lĩnh vực công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng của các doanh nghiệp trong KCN

Tập đoàn Prime Group (vốn FDI): doanh thu: 88,7 triệu USD, tăng 16% so với năm 2021; giá trị kim ngạch xuất khẩu: 10 triệu USD, tăng 24% so với năm 2021; nộp ngân sách nhà nước: 289 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2021.

Công CP Công nghiệp Á Mỹ và Công ty TNHH Vitto-VP (vốn trong nước): doanh thu: 4.204 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2021; giá trị kim ngạch xuất khẩu: 1.339,5 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2021; nộp ngân sách nhà nước: 111 tỷ đồng.

Thu hút và giải quyết việc làm cho 2.939 lao động trong và ngoài Tỉnh, giảm 857 người so với thời điểm 15/12/2021.

Trong năm 2022, thị trường tiêu thụ gạch ốp lát của hai Công ty bị thu hẹp, do thị trường bất động sản trong nước chững lại. Công ty CP Công nghiệp Á Mỹ phải điều chỉnh giảm sản lượng so với kế hoạch sản xuất và giảm 447 công nhân so với ngày 15/12/2021. Tuy sản lượng không đạt theo kế hoạch đề ra, nhưng các chỉ tiêu kinh tế của dự án tăng do Công ty đẩy mạnh được thị trường xuất khẩu, giá thành sản phẩm tăng do nguyên vật liệu đầu vào tăng nên doanh thu tăng 24%; giá trị xuất khẩu tăng 3%, nộp ngân sách tăng 7% so với năm 2021.

Lĩnh vực sản xuất thép (Công ty CP Thép Việt Đức): doanh thu: 8.889 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2021; nộp ngân sách nhà nước: 95 tỷ đồng, bằng 34% so với năm 2021 (năm 2021 có khoản nộp thuế đất lớn, năm 2022 không có).

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã thu hút và giải quyết việc làm cho 910 lao động trong và ngoài Tỉnh./.

Các lĩnh vực đầu tư trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận tăng trưởng ấn tượng
Đường vào KCN Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc