Cải thiện môi trường kinh doanh: Vai trò của lãnh đạo bộ, lãnh đạo địa phương rất quan trọng!
Toàn cảnh hội nghị
Liệu các bộ này có kịp ban hành Nghị định sửa đổi trước ngày 31/10/2018?
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, Nghị quyết 19 được ban hành từ năm 2014. Sau 4 năm triển khai thực hiện, đa phần các chỉ số có sự cải thiện về điểm DTF (điểm tuyệt đối) và thứ hạng.
Tiếp nối tinh thần của các Nghị quyết 19 trước đây, Nghị quyết 19- 2018 ban hành ngày 15/5/2018 tiếp tục bám sát các tiêu chí đánh giá về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, về năng lực cạnh tranh của Diễn đàn kinh tế Thế giới, về năng lực đổi mới sáng tạo của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới, về Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc.
Theo đó, Nghị quyết yêu cầu tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm từ 8 -18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới. Đến năm 2020, chất lượng môi trường kinh doanh Việt Nam ngang hàng với trung bình các nước ASEAN 4.
Trong đầu năm 2018, theo ông Cung, tin vui là việc cải thiện môi trường kinh doanh đã có những kết quả nhất định. Cụ thể, ngay trong quý I/2018, có 738 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) được cắt bỏ và đơn giản hóa.
Tính đến tháng 5/2018, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. 4 bộ khác đã có dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung ĐKKD, nhưng chưa trình Chính phủ, gồm: Giao thông vận tải, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên môi trường, Tư pháp. Dự kiến đến ngày 31/10, 1.968 ĐKKD sẽ được cắt bỏ và đơn giản.
Các bộ đã rà soát, có phương án, nhưng chưa xây dựng, gồm: Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Văn hóa Thể Thao Du lịch, Giáo dục và Đào tạo. Các bộ chưa rà soát/chưa có phương án đơn giản hóa ĐKKD, gồm: Thông tin và Truyền thông, Khoa học công nghệ, Lao động Thương binh và Xã hội, Quốc phòng.
"Liệu các bộ này có kịp ban hành Nghị định sửa đổi trước ngày 31/10/2018? Trong 5 tháng, chắc không đủ thời gian. Nhưng nếu làm được, sẽ có thêm 403 ĐKKD được cắt giảm”, ông Cung dự báo.
Kết quả đạt được còn cách khá xa so với mục tiêu "trung bình ASEAN 4"
Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, dù năm 2018 có đạt, thì kết quả đạt được còn cách khá xa so với mục tiêu "trung bình ASEAN 4" về môi trường kinh doanh.
Đi sâu phân tích vào bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của WB, ông Cung cho biết, Việt Nam có 3 chỉ số gồm Tiếp cận điện năng, Bảo vệ nhà đầu tư, và Nộp thuế có mức độ cải thiện tốt nhất.
Song lại có 3 chỉ số không cải thiện, thậm chí còn giảm điểm và tụt hạng. Đó là: Đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản; Giải quyết tranh chấp hợp đồng; và Giải quyết phá sản doanh nghiệp. Trong đó, hai chỉ số sau rất quan trọng trong nền kinh tế thị trường.
“Một nền kinh tế thị trường hiện đại không thể không có việc phải giải quyết tranh chấp các hợp đồng thương mại một cách hiệu quả, hợp lý, đáng tin cậy. Bên cạnh đó, phá sản doanh nghiệp là sự trừng phạt của thị trường, từ đó nguồn lực sẽ được tập trung vào nơi tốt hơn. Hai chỉ số không được cải thiện là điều đang tiếc”, ông Cung nói.
Số ĐKKD thực sự được bãi bỏ còn thấp so với mục tiêu bãi bỏ ít nhất 50% số ĐKKD hiện hành. Số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành chưa giảm đáng kể so với mục tiêu giảm ít nhất ½ danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành.
“Chúng ta nói nhiều đến cách mạng công nghiệp 4.0, đến kinh tế số nhưng nhận thức về quản lý kinh tế vẫn hạn chế. Nếu không thay đổi tư duy, thì 4.0 hay 5.0 cũng chỉ là tờ giấy trên bàn hội nghị, không thể đi vào cuộc sống. Nếu vẫn muốn can thiệp vào hoạt động kinh doanh bằng giấy phép con, giấy phép cháu thì chúng ta sẽ đuổi doanh nghiệp ra khỏi Việt Nam”.
Cần làm gì để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 19-2018
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tới đây, để cắt giảm điều kiện kinh doanh hiệu quả, chương trình cắt giảm các điều kiện kinh doanh không nên giao cho các vụ, cục. Bởi, họ chính là người đang có quyền cấp phép thì sẽ không có động lực cắt giảm, mà nên giao cho bộ phận pháp chế.
“Hiện, tình trạng thanh tra, kiểm tra vẫn tràn lan, doanh nghiệp vẫn phải tiếp hàng chục đoàn thanh tra, kiểm tra hàng năm gây tốn kém cho doanh nghiệp. Do đó, giải pháp thực thi và giám sát chặt chẽ việc thực thi cắt giảm điều kiện kinh doanh là rất quan trọng”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Để đạt được mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 19-2018, ông Trương Hòa Châu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Tháp kiến nghị các bộ, ngành cần tích cực hơn nữa trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, đang tồn tại một thực tế là kết quả cải thiện môi trường kinh doanh không đồng đều. Ở đâu bộ trưởng quyết liệt, sâu sát thì kết quả rõ nét.
“Tuy nhiên, khi đến nhiều bộ, tôi thực sự thất vọng vì Bộ trưởng, người đứng đầu không nắm được yêu cầu của cải cách môi trường kinh doanh, mà như thế ở dưới sẽ không thay đổi được, bởi sự thay đổi sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của họ, không ai muốn tự mình cắt bỏ quyền lợi của mình”, ông Cung quan ngại.
Vì thế, theo vị chuyên gia này, người đứng đầu cần phải quyết liệt hơn trong cải cách ĐKKD thuộc bộ mình quản lý, nhưng muốn quyết liệt thì phải hiểu, phải nắm chắc vấn đề.
TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, để Nghị quyết đạt mục tiêu đặt ra, không thể vắng bóng sự nỗ lực hợp tác của các bộ ngành.
“Thông điệp rõ ràng là vai trò của lãnh đạo bộ, lãnh đạo địa phưong rất quan trọng. Ở đâu có vô cảm, vô trách nhiệm, vô lý phải xử ngay. Không thể chờ người bên ngoài lên tiếng. Không thể để doanh nghiệp kêu nhiều như vậy, mà lại cứ để cho chìm, chìm và chìm luôn, nếu để như vậy là lãnh đạo chưa làm hết trách nhiệm”, người đứng đầu CIEM thẳng thắn./.
Bình luận