Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã trình bày tờ trình dự thảo Luật Trồng trọt. Theo đó, sản xuất trồng trọt giữ vai trò quan trọng trong nông nghiệp, thu hút sự tham gia của gần 70% nguồn lực lao động xã hội, đóng góp trên 50% kim ngạch xuất khẩu của ngành Nông nghiệp. Năm 2017, giá trị xuất khẩu của toàn ngành Nông nghiệp đạt 36,2 tỷ USD, trong đó lĩnh vực trồng trọt là 18,96 tỷ USD; có 7/10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực (trên 1 tỷ USD) của ngành Nông nghiệp thuộc lĩnh vực trồng trọt.

Năm 2017, giá trị xuất khẩu trong lĩnh vực trồng trọt là 18,96 tỷ USD

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động trồng trọt ở nước ta đã xuất hiện những bất cập giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của hội nhập quốc tế. Ngoài ra, quá trình thi hành pháp luật về trồng trọt đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập…

Dự án Luật Trồng trọt được xây dựng trên cơ sở nâng cấp Pháp lệnh giống cây trồng (2004), mở rộng phạm vi điều chỉnh lên đến 10 lĩnh vực gồm: Giống cây trồng; phân bón; canh tác; thu hoạch; mua, bán; sơ chế; chế biến; bảo quản; xuất khẩu; nhập khẩu sản phẩm trồng trọt. Dự thảo Luật gồm 7 chương và 82 điều nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trồng trọt, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, khả thi để phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường; có cơ cấu quản lý, sản xuất, kinh doanh hợp lý; tạo lập được nền sản xuất hàng hoá quy mô lớn, chất lượng và từng bước hiện đại hóa, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo báo cáo thẩm định của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, đa số thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật (Điều 1) đã tương đối bao quát được các vấn đề của hoạt động trồng trọt từ khâu giống cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch, mua, bán đến sơ chế, chế biến, bảo quản, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm trồng trọt. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định điều chỉnh đối với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới trong quá trình canh tác để kiểm soát toàn diện các loại vật tư đầu vào sử dụng trong trồng trọt, bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, với phạm vi điều chỉnh như dự thảo Luật thì tên gọi Luật nên là Luật về Cây trồng hoặc Luật về Canh tác nông nghiệp...

Về chính sách của Nhà nước về trồng trọt (Điều 6), các thành viên cơ bản tán thành, song có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung, làm rõ một số chính sách: (1) Phát triển giống cây trồng mới, bao gồm cả chính sách đối với bảo tồn nguồn gen, vật liệu nhân giống; chính sách ưu tiên phát triển cây trồng chính; (2) Hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất giống gốc, giống siêu nguyên chủng, giống nguyên chủng, giống bố mẹ, cây đầu dòng, vườn giống cây lâm nghiệp, rừng giống để nâng cao chất lượng vật liệu giống; (3) Đầu tư hạ tầng, trang thiết bị ngành trồng trọt đối với vùng sản xuất giống tập trung, sản xuất nông nghiệp hàng hóa; (4) Chính sách đối với sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tránh gây ô nhiễm môi trường và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong sản xuất; (5) Chính sách về tổ chức sản xuất trong trồng trọt theo hướng liên kết giữa người nông dân với cơ sở sản xuất, chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đối với việc chỉ khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định của cây trồng (DUS) và khảo nghiệm giá trị canh tác, giá trị sử dụng của cây trồng (VCU) đối với giống cây trồng chính (khoản 1 Điều 10). Theo báo cáo thẩm tra, việc quy định này là cần thiết, vì cây trồng chính có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế nên cần phải quản lý chặt chẽ khâu giống để chất lượng sản phẩm trồng trọt được ổn định, tạo ra những sản phẩm chủ lực mang thương hiệu của Việt Nam.

Hoạt động khảo nghiệm là nhằm đánh giá lại một số chỉ tiêu quan trọng của giống cây trồng trên thực địa như tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định và về giá trị canh tác, giá trị sử dụng (như năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu với sâu bệnh và điều kiện bất thuận) của giống cây trồng. Tuy nhiên, do tính đặc thù của giống khác với hàng hóa thông thường khác nên nhiều chỉ tiêu khó có thể quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật được (như chỉ tiêu kháng bệnh, chỉ tiêu chịu hạn…) và rất khó trong việc hậu kiểm vì phải thực hiện kiểm định lại thông qua khảo nghiệm đồng ruộng. Việc khảo nghiệm giống cây trồng chính sẽ do tổ chức đủ điều kiện thực hiện độc lập để bảo đảm tính khách quan../.