Cần giải bài toán cơ chế trong phát triển khu công nghiệp
Sau 30 năm hoạt động, cơ chế phát triển các KCN, KKT đã bộc lộ nhiều bất cập

Phát triển KCN: Còn nhiều vướng mắc trong cơ chế

Tại một tọa đàm mới đây, bà Trương Tú Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại An, Chủ đầu tư KCN Đại An cho biết, KCN Đại An bao gồm khu chế xuất, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao... Đại An được hội tụ đầy đủ các loại hình phức hợp. Trong quá trình phát triển suốt 20 năm qua có những quy định liên quan việc xây dựng KCN đã được đổi mới, Luật hoá, tuy nhiên còn nhiều bất cập khó khăn”, bà Phương nói.

Theo bà Phương, quy định trước đây yêu cầu diện tích tối thiểu với một KCN là 100 ha nhưng Nghị định 82 mới đây lại đưa ra quy định tối thiểu chỉ 75ha/1 KCN.

“Với 100 ha, nhà đầu tư chúng tôi phải đầu tư tối thiểu 1.000 tỷ vì đền bù 400 tỷ và đầu tư tối thiểu 600 tỷ, thậm chí thực tế đầu tư ít nhất là mức 1.400 tỷ đồng. Do đó, quy định 75ha/KCN là không phù hợp. Một KCN cần phải có đầy đủ các các tiêu chí cả về đời sống, văn hoá, kết nối cho người lao động, bà Phương chỉ rõ.

Bên cạnh đó, bà Phương cũng cho rằng, quy trình xây dựng nhà ở cho công nhân cũng còn dài dòng, bất cập. “Chúng tôi 7 năm vừa qua vẫn chưa giải quyết được vấn đề thủ tục xây dựng nhà ở cho công nhân”, bà Phương chia sẻ.

Bà cho biết, chúng tôi có đô thị dịch vụ, có 300 chuyên gia và nhà ở công nhân. Nhưng trong 5 năm có 3 Nghị định đều không cho nhà ở trong KCN. Năm 2007 chúng ta hội nhập, thì tiên lượng được dòng đầu tư sẽ vào và lượng lao động cần thiết. “Chúng tôi đã xin quy hoạch khu đô thị dịch vụ, trong đó bao gồm khu dịch vụ cho chuyên gia, khu nhà ở cho công nhân, có trường học liên thông cấp 1-cấp 2-cấp 3, có trung tâm văn hoá…” – bà nói và cho biết thêm “Tháng 10/2018 không còn Nghị định 71 với những thủ tục đấu giá vô cùng phức tạp. Điều chúng tôi mong ước là Nghị định 82 ra đời để “cứu cánh” các KCN thì tháng 8/2020, Nghị định 82 có hiệu lực nhưng lại hoàn toàn không có từ nào cho KCN cũ và chuyển đổi mô hình. Như vậy từ KCN chúng tôi có dịch vụ đô thị nhưng lại không có tên trong nhóm đối tượng được chuyển đổi, do đó, không thể thực hiện”.

Song song với đó có điều khoản rất chéo là KCN theo Nghị định 82 nhưng nhà ở cho công nhân lại theo Luật Nhà ở, tức là phải đấu thấu. Như vậy là bất hợp lý.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến cuối tháng 4/2021, cả nước có 575 KCN trong quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 219,5 ngàn ha (chiếm 0,66% tổng diện tích đất cả nước). Các KCN được thành lập trên 61 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm.

Còn ông Đoàn Duy Hưng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến đầu tư Khu Công nghiệp Việt Nam cho biết, vấn đề nhân lực trong KCN, KCX, KKT trước nay cũng còn nhiều bất cập và càng lộ ra sau trận đại dịch vừa qua khiến chúng ta cần có biện pháp, giải pháp thích ứng.

“Trước đây chính sách của chúng ta mỗi nơi làm một kiểu, vận hành theo mô thức khác nhau nên người lao động không được hỗ trợ nhiều, bị lệch lạc trong mối liên kết”, ông Hưng nhận định.

Để giải quyết được bài toán này, theo ông Hưng cần giải pháp công nghệ để các cơ quan nhà nước hay các trường đào tạo liên quan có thể biết trước nhu cầu lao động của doanh nghiệp để có sự chuẩn bị đào tạo, kết nối. Làm sao để có thể lấy người lao động làm trung tâm, lấy chủ đầu tư KCN làm đại bản doanh để có thông tin và tất cả vận hành theo hình thức này. Nếu làm được như vậy, bài toán lấy người lao động sẽ được tốt.

Vấn đề nhà ở cho người lao động, ông Hưng cho hay, dù Thủ tướng có quyết định thành lập thiết chế công đoàn trong đó có xây dựng nhà ở và các công trình văn hóa xã hội nhưng đến nay triển khai chưa nhiều.

Về đào tạo, các chủ đầu tư chọn một bộ khung đào tạo sau đó đưa về đào tạo lại tại KCN của mình. Bà Phương cho biết, Đại An cũng đã từng xin giấy phép đào tạo để xây dựng một trường nghề nhưng các ngành nghề trong KCN là đa dạng, mỗi doanh nghiệp lại có yêu cầu đào tạo nhân lực khác nhau, do đó đã không thể xây dựng được trường nghề này. Do đó, cần bàn tới quy trình xây dựng lựa chọn nhà đầu tư cũng như các tiêu chí đi cùng và xác định đây là ngành nghề lĩnh vực đặc biệt, hội nhập được quốc tế, chuyển đổi được đất nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, cải thiện được kỹ năng và kỷ luật của người lao động.

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền cho biết, doanh nghiệp luôn luôn đón tiếp nguồn lao động. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là do cơ chế của các Bộ áp chương trình đào tạo giáo dục cho các trường đại học, cao đẳng của nhà nước theo chương trình cũ. Đến khi trao đổi với các lãnh đạo của các trường thì không có chương trình đến các doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp rất muốn đón nguồn nhân lực nhưng đang vướng cơ chế và cơ chế này cần tháo gỡ ngay”, ông nói.

Phải coi chủ đầu tư KCN là "nhà đầu tư đặc biệt”

Dưới góc độ nhà đầu tư, bà Trương Tú Phương đề xuất, Nhà nước phải thay đổi chính sách lựa chọn nhà đầu tư KCN. Cần có tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư phù hợp để họ đáp ứng được các vấn đề mang tính kết nối quốc tế, đào tạo, đời sống người lao động.

"Phải coi chủ đầu tư KCN là nhà đầu tư đặc biệt”, bà đề nghị.

Về nhà ở công nhân, ông Điệp nhấn mạnh, hiện nay đang theo mô hình cũ (4-6 người/phòng), mô hình này đã không còn hiệu quả, bởi công nhân ai cũng mong muốn ở 1 phòng. Nhưng làm thế nào để làm được điều đó? Trong tư duy tiêu chuẩn của Việt Nam phải xây dựng 4-6 người ở một phòng thì không phù hợp với xu hướng hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động - Xã hội cho rằng, trong tư duy phát triển các KCN, khu kinh tế đặc thù, chúng ta mới chú ý đến hạ tầng kỹ thuật còn toàn bộ hạ tầng xã hội không được để ý đến.

“Cái này là trách nhiệm xã hội không chỉ của doanh nghiệp không mà còn của nhà nước, địa phương để hỗ trợ phát triển các hạ tầng xã hội, chứ không phải đơn thuần là hạ tầng kinh tế”, bà nhấn mạnh.

Khi có một kênh dẫn nguồn lao động vào KCN thì doanh nghiệp có sử dụng được nguồn lao động này được không? Câu trả lời là khó và rất khó. Theo điều tra của VCCI, chi phí sử dụng lao động tăng lên rất nhiều, không chỉ là chi phí trả lương để đảm bảo điều kiện lao động mà còn liên quan đến các chi phí về đóng các nghĩa vụ về xã hội. Như vậy, gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp tạo ra nguồn lao động phải tiếp tục được chia sẻ như thế nào giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động. Điều này phải làm rõ ràng hơn và phải có bàn tay của nhà nước.

Câu hỏi tiếp theo, vai trò của công đoàn như thế nào? Bà Hương cho rằng, công đoàn có vai trò trong việc đảm bảo đời sống cho người lao động, cho xã hội. Chúng ta nhìn cảnh những KCN trong giờ đi làm chen chúc như nào, đặc biệt tại các thành phố lớn và đời sống của người lao động sau giờ đi làm như thế nào? Khá nhếch nhác và chưa có tiến triển nhiều.

Trong thời gian tới, phát triển kinh tế Việt Nam và thế giới không còn những KCN có hàng nghìn, hàng vạn công nhân vào. Việt Nam không nên phát triển theo hướng đó mà phải đảm bảo mục tiêu xã hội. Những vấn đề về an sinh xã hội nếu chỉ nói chung chung thì không được giải quyết. Do vậy, cần xây dựng các đề án an sinh xã hội cho người lao động trong KCN, KKT. Đề án này phải tính trong chi phí để tạo ra năng suất lao động.

Cũng theo bà Hương, có một thực tế là thời gian làm việc bình quân của người lao động trong các KCN như Bình Dương, Đồng Nai chưa được 6 năm. Cuộc đời của một người lao động qua các KCN, khu chế xuất rất là ngắn.

Chất lượng lao động trong KCN, KKT có thể chia làm 3 giai đoạn: trước khi vào, trong quá trình làm việc và sau khi ra khỏi KCN. Bà Hương chỉ rõ, hiện, chúng ta chưa có một kế hoạch nào để sử dụng lao động này khi họ ra khỏi KCN. Họ ra và tan biến trong thị trường lao động.

Do vậy, bà Hương cho rằng, phải có biện pháp để sử dụng đừng để họ tan biến trong thị trường lao động. Nếu làm được điều đó, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào năng suất lao động của người lao động sẽ tăng lên; đời sống của người lao động cũng được nâng cao.

Ông Điệp đề nghị cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu kỹ và nghiên cứu xu hướng tiêu dùng của người lao động trong thời đại mới để ban hành tiêu chuẩn giúp các doanh nghiệp đầu tư nhà ở cho công nhân được.

Còn ông Hưng thì đề xuất, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam phải xây dựng chính sách có thể và đưa vào luật hay nghị định. Với những KCN đã triển khai, nhưng chưa có đất, Tỉnh có thể lấy đất ra, cấp đất đó cho chủ đầu tư KCN hay các doanh nghiệp. KCN lớn mà chưa thu hút đầu tư hết thì có thể điều chỉnh lại đất trong KCN, các phần đất chưa sử dụng có thể làm nhà ở.

Tạo khung pháp lý mới cho các KCN, KKT

Trên bình diện chung, trong thay đổi tư duy chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP nhằm tạo khung pháp lý cho hoạt động đầu tư phát triển các KCN, KKT.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cùng với sự phát triển của các KCN, KKT, khung pháp lý điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực này cần được rà soát, hoàn thiện nhằm tạo thuận lợi, đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực này.

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các quy định mới về đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng, bảo vệ môi trường cũng như các lĩnh vực khác. Trong đó, nhiều quy định liên quan trực tiếp tới hoạt động đầu tư, phát triển các KCN, KKT như trình tự, thủ tục đầu tư, thẩm quyền, trách nhiệm của các bên có liên quan.

Trong bối cảnh đó, việc xây dựng và ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP nhằm tạo khung pháp lý cho hoạt động đầu tư phát triển các KCN, KKT là hết sức cần thiết.

Để sửa đổi Nghị định này, ngày 08/7/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức các cuộc họp trực tuyến với các đối tượng có liên quan để góp ý cho Dự thảo Nghị định mới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mục tiêu xây dựng Nghị định mới là phải đảm bảo được sửa đổi, cập nhật, phù hợp với các quy định tại các văn bản pháp quy mới liên quan được ban hành, nhất là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, đồng thời kế thừa các quy định pháp luật đã được quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP, mà không phát sinh vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Việc ban hành Nghị định mới sẽ tạo hành lang pháp lý cho các loại hình KCN mới để tăng tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư của các KCN, hoàn thiện mô hình KCN, KKT và giải quyết các quy định còn chưa phù hợp với văn bản pháp luật mới được ban hành, tiếp tục phân cấp ủy quyền cho Ban quản lý KCN, KKT theo cơ chế “một cửa tại chỗ”, thuận lợi thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.

Nghị định mới được kỳ vọng sẽ giải tỏa những vướng mắc, hạn chế trong cơ chế phát triển KCN, KKT, để các thiết chế này sẽ phát huy được thế mạnh, huy động được nhiều nguồn lực hơn nữa cho phát triển đất nước./.