Cần hoàn thiện khung pháp lý để phát triển kinh tế số
Kinh tế số ngày càng phát triển
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông cho biết, trong 10 năm qua, kinh tế số đã phát triển không ngừng cả về nền tảng hạ tầng lẫn các thị trường kinh doanh. Năm 2007, số người sử dụng internet ở Việt Nam là gần 18 triệu người, thì đến năm 2017 đã tăng lên 64 triệu người, xấp xỉ 67% dân số. Xu hướng truy cập internet của người Việt là bằng điện thoại thông minh, chiếm 72% và có 50% người dùng sử dụng máy tính. Bên cạnh đó, ước tính tổng số thuê bao của cả nước năm 2016 khoảng 8 triệu thuê bao, với mức tăng trưởng 3725% đối với 210 thuê bao năm 2005. Dựa trên số liệu của tập đoàn Miniwatts Marketing, Việt Nam hiện xếp thứ 13 trong top 20 quốc gia có số dân sử dụng mạng internet đông nhất thế giới.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Chuyên gia viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông phát biểu tại Hội thảo |
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng tích cực áp dụng công nghệ số vào kinh doanh, được thể hiện ở sự chuyển dịch trong phương thức bán hàng và tỷ lệ sử dụng công nghệ điện toán đám mây. Trong 4.147 doanh nghiệp được Hiệp hội Thương mại khảo sát, có 43% doanh nghiệp đã sử dụng website, 15% sử dụng ứng dụng di động và 32% sử dụng mạng xã hội để kinh doanh. Hình thức quảng cáo cũng chuyển dịch từ các loại hình truyền thống như báo giấy (18%), truyền hình (15%) sang hình thức sử dụng mạng xã hội (43%), công cụ tìm kiếm (31%) và ứng dụng di động (11%). Điện toán đám mây, hay còn được hiểu là phương thức truyền tải các dịch vụ về máy tính thông qua internet, được ứng dụng bởi 56% các doanh nghiệp được khảo sát ở Việt Nam.
“Hiện, Việt Nam có 3 hệ thống kinh tế số nổi bật nhất là viễn thông, công nghệ thông tin và thương mại điện tử. Theo đó, năm 2016, doanh thu từ 3 hệ thống này mang lại là 5 tỷ USD, đạt tỷ trọng là 3% so với mức tăng trưởng 20%. Còn các thị trường viễn thông và công nghệ thông tin cũng đã liên tục phát triển, đạt mức doanh thu lần lượt là 6,1 và 67,6 tỷ USD”, ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông nói.
Trong hệ thống kinh tế số, đáng chú ý là thương mại điện tử, một trong những cấu phần trọng yếu nhất của kinh tế số ở Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc về doanh thu và quy mô thị trường. Quy mô ngành thương mại điện tử ở Việt Nam hiện ở mức 5,2 tỷ USD. Năm 2017, 21 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử nhận đầu tư nước ngoài với tổng số vốn lên đến 83 triệu USD, cao nhất trong tất cả các ngành nghề nhận được huy động vốn đầu tư.
Điều này cũng được thể hiện trong xu hướng sát nhập và mua lại (M&A) giữa các doanh nghiệp thương mại điện tử tại Việt Nam cũng đã tăng trưởng đều cả ở giá trị và số lượng thuơng vụ. Cùng với điều này, các rủi ro an ninh mạng cũng tăng nhanh không kém.
Song, tiềm ẩn nhiều rủi ro
Có thể nói, kinh tế số tại Việt Nam hiện nay đang phát triển một cách chóng mặt. Tuy nhiên, có một thực tế đang diễn ra đó là sự bùng nổ của kinh tế số tại Việt Nam đã và đang mạng lại những lợi ích to lớn về mặt kinh tế, nhưng kèm theo đó là tiềm ẩn những rủi ro về an ninh mạng.
Theo báo cáo của hãng bảo mật Kaskerpy, năm 2017 có 35,01% người dùng tnternet Việt Nam có khả năng bị tấn công mạng, xếp thứ 6 thế giới 15. Trung tâm ứng cứu sự cố máy tính Việt Nam – VNCERT thống kê được trong năm 2017 Internet Việt Nam đã bị đe dọa bởi 10.000 vụ tấn công mạng, gây thất thoát 12,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tập trung vào một số rủi ro, như: Rủi ro mạng xã hội: Rủi ro mã hóa dữ liệu; Rủi ro điện toán đám mây; Rủi ro đến từ dữ liệu lớn; Rủi ro đến từ công nghệ Internet vạn vật; Rủi ro đến thiết bị riêng.
“Ngày 23/02/2015 Google Việt Nam bị tấn công bởi nhóm hacker Lizard Squad Hơn 50.000 tài khoản VNPT bị lộ thông tin bởi một nhóm hacker với tên gọi DIE Group. Tháng 04/2015 một nhóm tin tặc có tên Naikon được cho là của Trung Quốc hoạt động gián điệp mạng, lấy cắp các thông tin nhạy cảm từ các chính phủ thuộc khu vực Đông Nam Á, có Việt Nam. Tiếp đến ngày 29/7/2016, Sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài bị tin tặc tấn công. Tháng 6/2016, 841 máy chủ tại Việt Nam bị hacker rao bán quyền truy cập; 10/2017, hơn 1.900 máy tính Việt Nam có chứa WannaCry và hơn 52% máy tính tồn tại lỗ hổng có thể bị tấn công bởi mã độc này. Gần đây, ngày 19/12/2017, mã độc đào tiền ào bùng phát và lây truyền qua Facebook làm hơn 23.000 máy tính nhiễm độc”, Chuyên gia Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông cho biết.
Các diễn giả tham dự hội thảo |
Liên quan đến những rủi ro từ sự phát triển kinh tế số, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, nếu thông tin cá nhân và dữ liệu người dùng không được bảo đảm an toàn thì sẽ không có kinh tế số. Bởi hiện nay, hành lang pháp lý về bảo vệ thông tin cá nhân của Việt Nam hiện vẫn còn chung chung, chưa được chi tiết hóa nên khó áp dụng. Chẳng hạn, về dữ liệu cá nhân, Điều 38.1 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
“hiện nay không có một văn bản nào hướng dẫn thế nào là đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình nên khó áp dụng khi xảy ra các trường hợp lộ thông tin cá nhân trên mạng”, ông Dũng nói.
Cần hoàn thiện khung khổ pháp lý về an ninh mạng
Khuyến nghị hướng tới một không gian mạng an toàn cho phát triển kinh tế số, ông Nguyễn Quang Đồng, Chuyên gia viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông cho biết, Việt Nam không cần thiết phải ban hành thêm luật mới mà chỉ cần cụ thể hóa thêm các quy định pháp luật hiện hành để bảo vệ quyền riêng tư và tài sản dữ liệu người dùng (cá nhân, doanh nghiệp). Cụ thể là chi tiết hóa các quy định sẵn có trong Bộ luật dân sự 2015 (nội dung về quyền đối với đời sống riêng tư của cá nhân); trong Luật trẻ em 2016 (nội dung về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng); trong Luật Doanh nghiệp 2015 (nội dung về xử lý thông tin, dữ liệu cá nhân người dùng khi doanh nghiệp tiến hành mua bán, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập).
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Tiến Lập, Luật sư cao cấp tại Công ty Quang and Associates cho rằng, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ quyền riêng tư và tài sản dữ liệu. Do đó, không cần thiết phải ban hành thêm các luật mới, mà chỉ cần cụ thể hoá các quy định pháp luật hiện hành để bảo vệ quyền riêng tư và tài sản dữ liệu người dùng. Tuy nhiên, việc cụ thể hoá các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng cần xem xét và cân bằng với bảo đảm quyền tiếp cận thông tin trong Luật Tiếp cận thông tin 2015, bảo đảm lợi ích công cộng.
Dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Vũ Thế Bình, CEO Công ty Cổ phần Netnam bổ sung thêm kiến nghị về xây dựng chính sách an ninh: Việt Nam cần tăng cường tham gia vào các sáng kiến, diễn đàn hợp tác song phương và đa phương, từ đó học hỏi được kinh nghiệm của nước ngoài trong xây dựng các điều khoản về an ninh mạng và phòng chống tội phạm mạng.
Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong tăng cường an ninh bảo mật thông tin dữ liệu, ông Nathaniel J. Gleicher, Trưởng ban chính sách an ninh mạng Facebook cho rằng, Chính phủ cần xây dựng khung chính sách an ninh mạng bảo đảm 4 yếu tố: Rõ ràng (Clarity), Linh hoạt (Flexbility), nhất quán (Consistency) và đảm bảo sự hợp tác (Collaboration) và 4 yếu tố cốt lõi này không thể đứng tách bạch.
Ông Nathaniel J. Gleicher Trưởng ban chính sách an ninh mạng Facebook |
“Chính phủ cần phối hợp 4 yếu tố: Rõ ràng, Linh hoạt, Nhất quán và đảm bảo Sự hợp tác khi xây dựng chính sách an ninh mạng để mọi người “hưởng thụ” những điều tốt đẹp từ không gian mạng”, ông Nathaniel J. Gleicher khuyến nghị.
Ngoài khía cạnh pháp lý, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần sự xuất hiện của các thiết chế tác chiến điện tử và ứng cứu sự cố an ninh mạng. Trong đó, bao gồm sự góp mặt của Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng (Bộ Quốc phòng), Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) và Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông)... Cùng với đó là sự tham gia tích cực của khối doanh nghiệp tư nhân, mà nòng cốt là các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam hiện nay, như: Bkav, CMC.../.
Bình luận