Theo ông Đàm Xuân Thành Phó cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay phần lớn bà con sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản để trị bệnh là theo kinh nghiệm mà không tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Đây là vấn đề khó khăn lớn trong việc quản lý và sử dụng thuốc kháng sinh. Bên cạnh đó, việc quản lý xuất nhập khẩu thuốc kháng sinh hiện cũng còn nhiều bất cập.

Ông Đàm Xuân Thành cho biết để đảm bảo chất lượng thuốc thú y sản xuất trong nước, nhằm đạt 03 tiêu chí về chất lượng, an toàn và hiệu lực. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành quy định lộ trình triển khai áp dụng thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) trong sản xuất thuốc thú y từ năm 2012. Đến hết năm 2016 đã có 60 doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y đạt GMP.

Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y phát biểu tại Hội thảo

Về quản lý nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu, ông Thành cho biết trong năm 2016 có 39 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh làm thuốc thú y. Cục Thú y cấp giấy phép nhập khẩu 57 loại nguyên liệu kháng sinh. Đồng thời, Cục đã tạm dừng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Enrofloxacin 03 tháng nhằm tránh lạm dụng kháng sinh này trong nuôi trồng thuỷ sản và tạm dừng cấp phép nhập khẩu từ 3 đến 12 tháng đối với 6 công ty có hành vi bán nguyên liệu kháng sinh không đúng đối tượng, sai mục đích.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, cho biết, việc sử dụng kháng sinh không đúng cách, không đúng mục đích và chưa được kiểm soát chặt chẽ có thể tạo ra "thảm họa" Kháng kháng sinh. Sự kháng thuốc kháng sinh là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, trong đó thế giới đang đối mặt với kỷ nguyên hậu kháng sinh - khi mà những bệnh rất bình thường cũng có thể gây tử vong cho con người.

Các nguyên nhân cơ bản ông Đông đưa ra là: Do hệ quả tất yếu của quá trình sử dụng thuốc trong điều trị; Do nhiễm khuẩn bệnh viện; Do việc kê đơn thuốc chưa thực sự hợp lý; Do vấn đề sử dụng kháng sinh trong cộng đồng; Do các cơ sở bán lẻ thuốc chưa thực hiện nghiêm túc việc bán thuốc theo đơn; Do sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản chưa được kiểm soát đầy đủ.

Ông Lê Anh Ngọc, Phó trưởng phòng Quản lý chất lượng thủy sản, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết việc sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản sẽ dẫn đến khả năng tồn dư hoá chất, kháng sinh trong thủy sản nuôi cao. Dư lượng hóa chất, kháng sinh khi đã tồn lưu trong thủy sản nuôi thì không có phương pháp nào để loại bỏ được trong quá trình chế biến, bảo quản. Dư lượng hóa chất, kháng sinh tồn lưu trong thủy sản nuôi tùy từng loại sẽ gây hại tức khắc hoặc tích tụ sau một thời gian sử dụng và sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó việc sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản còn khiến nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam bị cơ quan thẩm quyền nước ngoài cảnh báo do tồn dư hóa chất, kháng sinh và bị trả về, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như uy tín của sản phẩm thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế. Từ đó tác động tiêu cực ngược lại ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam nói chung và chính các hộ dân có sử dụng hóa chất kháng sinh nói riêng.

Năm 2016, các cơ quan giám sát đã lấy 2.724 mẫu thủy sản nuôi, phát hiện 31 mẫu chứa dư lượng hóa chất kháng sinh cấm hoặc dư lượng hóa chất kháng sinh hạn chế sử dụng vượt mức giới hạn tối đa cho phép. Kết quả giám sát nêu trên cho thấy, tỉ lệ vi phạm hóa chất kháng sinh năm 2016 (trong 11 tháng) là 1,14% có giảm so với năm 2014 (1.24%) nhưng vẫn chưa được cải thiện rõ nét.

“Năm 2016, Cục đã nhận được thông tin cảnh báo về một số lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam không bảo đảm an toàn thực phẩm do phát hiện kháng sinh cấm hoặc do dư lượng hóa chất kháng sinh vượt mức giới hạn tối đa cho phép, cụ thể: Nhật Bản (24 lô), EU (11 lô), Úc (3 lô) và Hàn Quốc (2 lô)”, ông Ngọc cho biết thêm.

Để khắc phục tình trạng này, các đại biểu cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần giám sát, cảnh báo sớm dịch bệnh trên thủy sản để kịp thời khuyến nghị và hướng dẫn người nuôi phòng trị bệnh hiệu quả. Vận động, hướng dẫn người nuôi không sử dụng chất cấm, không lạm dụng chất xử lý cải tạo môi trường.

Ông Đàm Xuân Thành cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có lộ trình đến hết năm 2017 sẽ cấm không được sử dụng 15 loại kháng sinh trong chăn nuôi để kích thích tăng trưởng. Như vậy, sắp tới người chăn nuôi phải sử dụng kháng sinh để trị bệnh chứ không phải để kích thích tăng trưởng như lâu nay. Cần đẩy mạnh việc tăng cường tuyên truyền cho người sử dụng kháng sinh phải đúng mục đích, đúng theo hướng dẫn của bác sĩ nhằm đảm bảo nền nông nghiệp sạch.

“Mới đây, Cục Thú y và Cục quản lý dược (Bộ Y tế) đã ký kết quy chế phối hợp nhằm tăng cường quản lý việc nhập khẩu, sản xuất lưu thông thuốc kháng sinh trong nhân y và thú y”, ông Thành nhấn mạnh thêm.

Theo ông Lê Anh Ngọc cần khuyến nghị và hướng dẫn người nuôi phòng trị bệnh hiệu quả; vận động, hướng dẫn người nuôi không sử dụng chất cấm/kháng sinh nguyên liệu, không lạm dụng chất xử lý cải tạo môi trường, sử dụng thuốc thú y theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều, đúng lúc, đúng cách).

Bên cạnh đó, giám sát tồn dư hóa chất kháng sinh trong thủy sản nuôi để kịp thời phát hiện, cảnh báo và truy xuất, xử lý tận gốc đối với cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm các quy định về tồn dư hóa chất kháng sinh; theo dõi, cập nhật tình hình các lô hàng bị cảnh báo hóa chất kháng sinh để kịp thời cảnh báo doanh nghiệp, đề xuất các biện pháp kiểm soát phù hợp.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lưu thông, mua bán chất cấm, kháng sinh nguyên liệu và thuốc thú y, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường không nằm trong danh mục được phép lưu hành./.