Cần xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất, buôn bán mặt hàng phân bón giả
Loạn thị trường phân bón
Phân bón là vật tư quan trọng, chiếm 50%-70% chi phí sản xuất và quyết định đến 40% năng suất cây trồng. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện thị trường phân bón Việt Nam đang có khoảng hơn 7.000 chủng loại, như: phân hóa học, phân hữu cơ, phân vi lượng… Trong đó, các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang quản lý gần 5.300 loại phân bón đã có trong danh mục chính thức (phân hữu cơ). Còn Bộ Công Thương đã cấp giấy hợp chuẩn, hợp quy cho gần 1.000 loại (phân bón vô cơ). Ngoài ra, tại thị trường vẫn đang lưu hành những loại phân bón truyền thống nằm ngoài danh mục ước tính cũng gần 1.000 thương hiệu.
Đánh giá về vấn đề quản lý phân bón của nước ta, trong phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 kỳ họp thứ X Quốc hội khóa XIII diễn ra sáng 02/11/2015, TS. Nguyễn Sỹ Cương, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, cho rằng, Việt Nam có quá nhiều loại phân bón, trong khi các quốc gia có tỷ trọng nông nghiệp khá lớn chỉ sử dụng 20-30 loại, ngay như Thái Lan cũng chỉ có 100 loại phân bón. Do đó, rất khó cho quản lý, sản xuất, kinh doanh.
Hơn nữa, trong “ma trận” sản phẩm phân bón đang lưu hành trên thị trường hiện nay việc hướng dẫn nông dân lựa chọn được các sản phảm chất lượng cũng là một việc hết sức khó khăn. Từ đây, cũng dẫn đến việc sản xuất phân bón giả, phân bón nhái và giả mạo thương hiệu tràn lan. Phổ biến là những loại phân kém chất lượng tới mức chỉ còn 10%-30% hàm lượng theo đăng ký và công bố. Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, phải có đến 80% số doanh nghiệp sản xuất bằng công nghệ lạc hậu nên khó đảm bảo chất lượng.
Mặc dù, việc tổ chức quản lý, sản xuất kinh doanh doanh phân bón và chống phân bón giả, phân bón kém chất lượng, phân bón nhái nhãn mác đã được Nhà nước quan tâm và có nhiều chỉ đạo quyết liệt. Song báo cáo của TW Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho biết, hơn 10 năm qua thị trường phân bón vẫn chưa được cải thiện, tình hình sản xuất trá hình tinh vi hơn đã gây thiệt hại lớn cho nông dân và cả nền kinh tế, mỗi năm làm thiệt hại 02 tỷ USD.
Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt cho biết, số vụ bắt giữ vi phạm kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng mỗi năm một cao, song việc xử lý chưa thật nghiêm minh, khởi tố hình sự quá thấp (chỉ 0,3%) nên không đủ sức răn đe.
“Có những đợt kiểm tra chất lượng phân bón trên thị trường, phát hiện có đến gần 50% số mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký và công bố trên bao bì”, ông Việt cho biết (Ngân Anh, 2015).
Cũng theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 398 Quốc gia "Các cuộc kiểm tra, thanh tra tăng lên song số vụ xử phạt vẫn ít. Nếu nói văn bản quy phạm pháp luật chưa đủ chế tài răn đe thì chưa phải bởi ngay trong các quy định về vi phạm chất lượng, nhãn mác, bao bì đều có thể quy ra trị giá sản phẩm và có thể căn cứ vào đó để xử phạt. Vấn đề là chúng ta chưa kiên quyết, lực lượng chưa thực sự vào cuộc, các địa phương chưa vào cuộc" (Lê Sơn, 2015).
Sản xuất, buôn bán phân bón giả cần xử lý hình sự
Trước thực trạng này, tại Cuộc họp về các giải pháp chống hàng giả, kém chất lượng đối với các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thuốc y, thức ăn chăn nuôi và các chất độc hại dùng trong chế biến thực phẩm, nông nghiệp, chiều ngày 02/12/2015, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, tình hình phân bón giả và kém chất lượng... diễn biến phức tạp có nguyên nhân do một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa quan tâm chỉ đạo, chưa dựa vào dân để phát hiện, lên án các hành vi vi phạm... Thậm chí, vì lợi ích cục bộ, một số cá nhân, tổ chức đã tiếp tay, bao che vi phạm, cần phải xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục.
Phó Thủ tướng yêu cầu phải ngăn chặn và kiểm soát hiệu quả, kịp thời; xử lý hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, đóng cửa cơ sở sản xuất, kinh doanh nếu vi phạm nghiêm trọng; đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, địa phương nếu để xảy ra tình trạng này. Các ngành, địa phương cần tổ chức các đợt cao điểm kiểm tra, đánh trúng, đánh mạnh vào các đối tượng sản xuất, buôn bán mặt hàng này. Các vụ việc nổi cộm, cần xử lý nghiêm, tuyên truyền công khai để răn đe, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này.
"Nếu doanh nghiệp, cơ sở nào không có giấy phép, có giấy phép nhưng không đủ điều kiện phải sớm đóng cửa. Phải lập lại trật tự trong sản xuất, kinh doanh phân bón" Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.
Tài liệu tham khảo:
1. Ngân Anh (2015). Phân bón giả làm khổ nông dân, truy cập từ http://www.nhandan.com.vn/kinhte/nhan-dinh/item/27864002-phan-bon-gia-lam-kho-nong-dan.html
2. Lê Sơn (2015). Dẹp phân bón giả, hàng kém chất lượng - đòi hỏi cấp bách của nhân dân, truy cập từ http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-cua-lanh-dao-Dang-Nha-nuoc/Dep-phan-bon-gia-hang-kem-chat-luong-doi-hoi-cap-bach-cua-nhan-dan/242873.vgp
Bình luận