Chiến dịch và chiến lược phát triển thị trường tài chính Việt Nam
Trong mọi nền kinh tế, thị trường tài chính không đơn thuần thực hiện vai trò kết nối cung - cầu nguồn lực tài chính, mà đó còn là nơi khơi thông những ách tắc cho nền kinh tế - xã hội. Tại Việt Nam, phát triển thị trường tài chính cần dựa trên bối cảnh thực tiễn và cần những giải pháp có tính chiến dịch, chiến lược, nhằm tạo thêm sức mạnh, góp sức cho nền kinh tế đạt các mục tiêu Chính phủ đặt ra.
Kinh tế Việt Nam và vị thế của thị trường tài chính
Con số tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2021 được Tổng cục Thống kê công bố mới đây rất đáng để suy ngẫm: GDP 9 tháng chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Lý do trọng yếu khiến GDP suy giảm là đại dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Nhưng phía sau các con số tăng trưởng của từng ngành cho thấy, chất lượng và phương thức điều hành các thị trường có ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả tăng trưởng thực tế.
Thị trường tài chính luôn giữ vai trò trọng yếu trong mọi nền kinh tế. Đó không đơn thuần là nơi thực hiện vai trò kết nối cung - cầu nguồn lực tài chính, mà còn là nơi khơi thông những ách tắc cho nền kinh tế - xã hội. |
Theo Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Tăng trưởng âm trong 9 tháng năm 2021 của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế. Ngành bán buôn, bán lẻ giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,3 điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành vận tải kho bãi giảm 7,79%, làm giảm 0,47 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 23,18%, làm giảm 0,57 điểm phần trăm.
Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp tăng 3,32%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,3%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 0,66%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã đóng vai trò là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm vào tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm…
Thị trường tài chính là nhóm tăng cao thứ nhì, với mức tăng tới 8,37%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm, góp phần thúc đẩy tổng phương tiện thanh toán M2 tính đến ngày 07/10/2021 tăng 5,65% so với cuối năm 2020 và tăng 11,56% so với cùng kỳ 2020. Nhìn sâu vào các mảng hoạt động của thị trường tài chính, có thể thấy bức tranh như sau:
Hoạt động ngân hàng: Tăng trưởng tín dụng đến đầu tháng 10/2021 vẫn đạt 7,42% (cùng thời điểm năm 2020 chỉ tăng 5,45%), đã hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế kể từ đầu năm đến nay, đặc biệt là trong các quý I và II/2021. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các tổ chức tín dụng (TCTD) đã ban hành kịp thời và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân vượt qua khó khăn, như: Tái cơ cấu theo hướng kéo dài thời gian các khoản nợ cũ, tạo điều kiện mở ra các khoản nợ mới, miễn giảm lãi vay, giảm phí thanh toán, giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ... Việc giảm lãi suất cũng được NHNN thực hiện đến 3 lần, với tổng mức giảm tới 1,5 đến 2,0%/năm đối với lãi suất điều hành; Giảm 0,6 đến 1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; Giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 4,5%/năm). Kết quả, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và tiếp tục giảm hơn 0,55%/năm kể từ nửa đầu năm 2021 đến nay, tức là tổng cộng giảm 1,55%/năm so với trước đại dịch.
Hoạt động của thị trường chứng khoán: Thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) cho biết, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9/2021, chỉ số VN-Index đạt 1342,06 điểm, tăng 0,80% so với tháng trước, tăng 21,58% so với đầu năm 2021. Giá trị giao dịch bình quân đạt trên 19.543 tỷ đồng/phiên, khối lượng giao dịch bình quân đạt 682,42 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng tăng 294,93% về giá trị và tăng 138,29% về khối lượng so với cùng kỳ năm 2020. Đến hết quý III/2021, tổng khối lượng cổ phiếu đang niêm yết đạt trên 111,3 tỷ cổ phiếu, với giá trị vốn hóa niêm yết đạt hơn 5,13 triệu tỷ đồng, tăng 2,30% so với tháng trước, đạt tới 81,59% GDP năm 2020.
Đặc biệt, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế qua TTCK 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 292,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Đến ngày 22/10/2021, có ít nhất 14 công ty chứng khoán công bố báo cáo tài chính quý III/2021 với hầu hết đều tăng trưởng cả về doanh số và lợi nhuận tích cực và với xu hướng đang ngày càng hởi sắc hơn so với cùng kỳ 2020.
Hoạt động của thị trường bảo hiểm: Doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng đầu năm 2021 ước tính tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (quý III/2021 tăng 7%), trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 17%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 5%. Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết tháng 8/2021, thị trường bảo hiểm có tổng tài sản ước đạt 643.588 tỷ đồng (tăng 22,10% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó các DN bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 102.222 tỷ đồng, các DN bảo hiểm nhân thọ ước đạt 541.366 tỷ đồng.
Trong bối cảnh đại dịch bùng phát, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 133.040 tỷ đồng (tăng 16,96% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đạt 38.092 tỷ đồng, doanh thu bảo hiểm nhân thọ đạt 94.948 tỷ đồng. Chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng thụ hưởng ước đạt 34.398 tỷ đồng (tăng 12,70% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó các DN bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 13.590 tỷ đồng, các DN bảo hiểm nhân thọ ước đạt 20.808 tỷ đồng.
Những số liệu trên cho thấy, trong bức tranh chung chịu thách thức từ đại dịch, thị trường tài chính duy trì được sức sống vững vàng, các mảng hoạt động chính tiếp tục tăng trưởng và có sự chia sẻ, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, cho các hộ kinh doanh và nhiều chủ thể khác trong nền kinh tế. Đây là một điểm sáng cho kỳ vọng nền kinh tế sẽ đi qua khó khăn và sớm lấy lại mức tăng trưởng cao như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Chiến dịch và chiến lược duy trì phát triển thị trường tài chính
Chính phủ cần tiếp tục thực hiện chính sách phát triển thị trường tài chính nới lỏng, để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và đạt dự kiến tăng trưởng cao năm tới |
Thị trường tài chính luôn giữ vai trò trọng yếu trong mọi nền kinh tế, bởi đây vừa là nguồn lực quan trọng, vừa là huyết mạch kết nối, thúc đẩy dòng chảy sản xuất, kinh doanh trên thương trường. Vì thế, thị trường tài chính không đơn thuần thực hiện vai trò kết nối cung - cầu nguồn lực tài chính, mà đó còn là nơi khơi thông những ách tắc cho nền kinh tế - xã hội. Tại Việt Nam, trong khó khăn của đại dịch, Chính phủ luôn kiên định thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố 12 mục tiêu kế hoạch cho năm 2022, trong đó dự kiến tăng trưởng GDP trở lại mức 6-6,5%. Để thực hiện được các mục tiêu đặt ra, việc duy trì và tiếp tục phát triển thị trường tài chính lành mạnh, hiệu quả có vai trò rất quan trọng. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:
Về chiến dịch: Trước hết và quan trọng nhất là cần phủ rộng tỷ lệ người dân được tiêm phòng vaccine phòng Covid-19 để tạo sự an toàn, an tâm trong đời sống nhân dân, từ đó, giúp các hoạt động kinh tế, xã hội, dịch vụ… trở lại nhịp sống đời thường. Chính phủ cần mạnh tay xóa bỏ hình thức khoanh vùng, ngăn sông cấm chợ, dùng vành đỏ bó cả vành vàng, vành xanh bên trong, gây ách tắc, gãy khúc, gián đoạn vì chạy dịch hơn là chống dịch tại nhiều địa phương. Cùng với đó, cần tiếp tục tăng cường các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch, để giảm thiểu tối đa sự đứt gãy của thị trường lao động, thị trường sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế. Đây là những hỗ trợ quan trọng để tạo nền tảng cho các chủ thể có sức hồi phục sau cơn bão đại dịch vừa qua.
Về chiến lược: Nền kinh tế - xã hội cũng giống như cơ thể con người, có khi khỏe, khi ốm, khỏe chỗ này yếu chỗ kia... là chuyện bình thường. Vì thế, chiến lược phát triển cần theo hướng phát huy tối đa điểm mạnh và xử lý điểm yếu, không thể chỉ vì “ốm” một bộ phận mà nghỉ toàn thân, hoặc người khỏe nghỉ cùng người ốm được! Trong vấn đề này, chính sách “chung sống an toàn với mọi hoàn cảnh đại dịch” nên được lan tỏa mạnh mẽ, để tạo sự kiên định và sẵn sàng về tâm thái cho mọi người dân. Dịch bệnh, thiên tai thời nào cũng có, nên nền kinh tế cũng như mọi chủ thể nếu được trang bị tinh thần sẵn sàng đối mặt, chấp nhận sự thật để tìm phương án xử lý bớt tổn thương nhất, sẽ giúp cho nhịp phát triển sản xuất, kinh doanh không bị đứt gãy trong mọi điều kiện. Dòng chảy tài chính sẽ đóng vai trò vừa hỗ trợ mọi hoạt động kinh tế, vừa có cơ hội để nhân lên giá trị khi hoạt động sản xuất, kinh doanh được bảo vệ và duy trì trong nền kinh tế nói chung.
Nhìn ra thế giới, sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu đang ngày một rõ nét và Việt Nam có cơ hội ngày một lớn khi dòng chảy xuất nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào những thị trường chủ lực (Hoa Kỳ, EU, Nga,Trung Quốc...) được giữ vững trong suốt thời gian đại dịch bùng phát, tạo nên một điểm tựa về niềm tin về năng lực sản xuất của Việt Nam với các nhà đầu tư quốc tế. Đây là điểm Việt Nam cần bật sáng và tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa bằng các chiến lược tiếp cận thị trường quốc tế, đồng thời với việc tái tạo lại năng lực sản xuất của những chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong nội địa thời gian vừa qua.
Với thị trường tài chính, chính sách phát triển cần tiếp tục theo tinh thần nới lỏng, thông qua các công cụ ngắn, trung và dài hạn để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi hậu đại dịch. Chính sách tài khóa phải gắn với việc đẩy nhanh triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, tạo động lực chính cho nền kinh tế trở lại guồng quay phát triển.
Kết nối lại các chuỗi sản xuất, thúc đẩy dòng chảy tài chính mạnh hơn, nhanh hơn trong nền kinh tế đòi hỏi những giải pháp có tầm chiến lược, dài hạn. Trong nỗ lực này, mọi chủ thể, từ Chính phủ, doanh nghiệp, các hộ kinh doanh, người dân…, cần phải giữ được sự cân đối, an toàn về dòng chảy tài chính. Quốc tế đã có nhiều bài học kinh nghiệm và cung cấp nhiều công cụ cho Việt Nam học tập, thực thi để đạt đến sự phát triển, nhưng an toàn. Theo đó, trong ngành ngân hàng, tiêu chuẩn Basell 2 cần được đẩy mạnh thực thi trên toàn hệ thống, vừa để đảm bảo an toàn, vừa nâng cao tính chuyên nghiệp cho các tổ chức tham gia.
Cùng với đó, Chính phủ cần thúc đẩy các mảng ngành khác như chứng khoán, bảo hiểm cải thiện tính chuyên nghiệp, bền vững thông qua việc thực thi các tiêu chuẩn cao hơn, như thực thi chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), nâng hạng thị trường, quản trị tiên tiến. Từ đó, nhân lên niềm tin về sức mạnh tài chính doanh nghiệp, tài chính quốc gia và tạo sức thu hút mới với các dòng chảy tài chính quốc tế đến Việt Nam, góp sức làm giàu cho Đất nước./.
Bình luận