Chuyển đổi hộ kinh doanh: Cẩn trọng với bẫy “khoác áo doanh nghiệp”
Đây là nhận định của ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu “Chính thức hóa” hộ kinh doanh ở Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị chính sách, ngày 28/04/2017.
Hơn 11% hộ kinh doanh “né” lên doanh nghiệp
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Luyến, Trưởng Ban Thể chế, CIEM cho biết, tính đến hết năm 2015, cả nước có trên 4,754 triệu hộ kinh doanh. Đây chính là nhân tố quan trọng để thực hiện mục tiêu là đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp trong nền kinh tế. Tuy nhiên, không nhiều hộ dự kiến chuyển sang doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát của 374 hộ kinh doanh và 46 doanh nghiệp tại 6 tỉnh/thành của cả nước cho thấy, hiện nay có trên 11,3% hộ kinh doanh có quy mô từ 10 lao động trở lên (đáp ứng điều kiện quy định của Luật Doanh nghiệp), nhưng vẫn chưa đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định, trong đó, chỉ có 5,63% hộ dự kiến sẽ chuyển sang các loại hình doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Theo bà Luyến, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên liên quan đến việc hành lang pháp luật vẫn chưa tạo điều kiện cho họ lớn lên. Thực tế phỏng vấn nhiều hộ kinh doanh cho thấy, họ ngại vì phải thay đổi chế độ kế toán từ thuế khoán lên tự khai, tự nộp, tin in và sử dụng hóa đơn, các thức quản lý sổ sách, phải bổ sung nhân lực, xây dựng hệ thống quản lý, hồ sơ kế toán phát sinh nhiều chi phí và có thể gây đảo lộn hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cơ chế, chính sách vẫn chưa tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh lớn lên được |
Bên cạnh đó còn tâm lý e ngại phải thường xuyên đụng chạm đến nhiều thủ tục hành chính và quy định hiện hành về xử phát vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp cao gấp đôi hộ kinh doanh cũng làm cho nhiều hộ kinh doanh không muốn lớn.
“64,61% hộ kinh doanh cho rằng doanh nghiệp phải tuân thủ chặt chẽ hơn các quy định về kinh doanh so với hộ kinh doanh; 67,29% hộ kinh doanh cho rằng doanh nghiệp phải tuân thủ chứng từ kế toán chặt chẽ và phức tạp hơn; 52,82% sợ bị thanh tra, kiểm tra nhiều hơn từ cơ quan thuế, lao động, môi trường, an ninh…”, bà Luyến thông tin.
Một nguyên nhân khác cũng được bà Luyến nêu ra, đó là các hộ kinh doanh chưa nhận thức hết được lợi ích khi chuyển lên doanh nghiệp. Kết quả này một phần do hiểu biết của hộ kinh doanh về pháp luật đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế so với doanh nghiệp.
“Có đến 70,7% hộ kinh doanh chưa biết hoặc không biết pháp luật về đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, 89,71% hộ chưa đăng ký, chưa đóng thuế; 73,53% hộ đã đăng ký hoặc có mã số thuế; 62,87% hộ đã đăng ký và có mã số thuế”, bà Luyến cho biết.
Đánh giá về hiện trạng trên, PGS, TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, hộ không muốn chuyển lên doanh nghiệp là do tư tưởng làm ăn “cò con” và “dễ thỏa mãn” đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam nói chung, các hộ gia đình nói riêng. Do vậy, tạo ra tâm lý e ngại không muốn làm người lớn và muốn được nuông chiều ở các hộ kinh doanh.
“Tư tưởng này khiến hộ kinh doanh, doanh nghiệp, đất nước không thể phát triển được” ông Bá nhấn mạnh.
Cần khiến hộ kinh doanh tự nguyện chuyển lên doanh nghiệp
Để hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, quan trọng nhất là các biện pháp giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hộ kinh doanh.
Ông Hiếu cho biết, nếu không cải cách môi trường kinh doanh để kích thích thương nhân mở doanh nghiệp, mà dùng mệnh lệnh hành chính yêu cầu các hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp, thì rất dễ "khoác áo" doanh nghiệp lên hộ kinh doanh, hay chỉ đạt số lượng mà không có chất lượng.
“Nếu thực hiện theo mệnh lệnh hành chính, dư luận rất dễ hiểu nhầm về định hướng của Chính phủ và khiến mục đích hỗ trợ hộ kinh doanh bị hiểu nhầm, hoặc không đến được với đối tượng phục vụ”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo bà Luyến, để khuyến khích và thực hiện tốt chương trình chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, thì cơ quan quản lý nhà nước cần đơn giản hoá quy trình, thủ tục chuyển đổi.
Đồng thời, thể chế hoá cơ chế, chính sách khuyến khích hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp trong Luật Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, với nhưng cơ chế khuyến khích, như: hỗ trợ gia nhập, rút lui khỏi thị trường, miễn thuế môn bài; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; áp dụng chế độ kế toán đơn giản, được cơ quan quản lý nhà nước cung cấp phần mềm kế toán miễn phí…
Đồng ý với ý kiến trên, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh cho biết, khung pháp luật về hộ kinh doanh của Việt Nam còn đang bị bỏ ngỏ và không rõ ràng. Vì vậy, trước mặt cần hoàn thiện những quy định pháp lý về hộ kinh doanh. Phải tạo môi trường pháp lý, điều kiện phát triển để cho họ thấy được những lợi ích của việc chuyển đổi và tự nguyện chuyển đổi.
Còn theo ông Lê Xuân Bá, Nhà nước cần phải làm hộ kinh doanh tin tưởng vào môi trường kinh doanh để muốn lên doanh nghiệp. Để làm được điều này, cần phải tôn trọng, phải coi trọng kinh tế hộ nói riêng, kinh tế tư nhân nói chung, phải thực sự coi họ là động lực của nền kinh tế, phải tạo cơ chế chính sách cho kinh tế hộ phát triển, thì người ta mới cảm thấy vui vẻ, phấn khởi lên doanh nghiệp.
“Hà cơ gì cứ bắt lên doanh nghiệp? Nếu việc đó có lợi, người ta chủ động lên doanh nghiệp”, ông Bá nhấn mạnh.
Ngoài những giải pháp từ phía cơ quan nhà nước, ông Bá cũng kiến nghị cần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp nói chung, các hộ kinh doanh nói riêng về lợi ích của việc làm ăn bài bản và minh bạch để dần dần loại bỏ tư tưởng làm ăn "cò con" và "dễ thỏa mãn" của họ. "Như vậy, kinh tế Việt Nam mới có thể phát triển được", ông Bá khẳng định./.
Bình luận