Tóm tắt

Việt Nam là một trong những quốc gia sớm ban hành chương trình, chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số cùng các nước tiên tiến trên thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 mang lại. Trong quá trình chuyển đổi này, Việt Nam gặp không ít thách thức cần sự chung sức chung lòng của các cấp chính quyền để đảm bảo Chương trình Chuyển đổi số có ảnh hưởng sâu rộng và tức thời, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Từ khóa: công nghệ, chuyển đổi số, bao trùm, bền vững, Việt Nam

Summary

Vietnam is among the countries that soon promulgated a national digital transformation program and strategy, and become a country that keeps pace with the advanced countries in digital transformation awareness. This is a favorable condition for Vietnam to actively exploit the opportunities brought by the Industrial Revolution 4.0. In this transition, Vietnam faces many challenges that require the joint efforts of all levels of government to ensure that the Digital Transformation Program has a far-reaching and immediate impact, creating a foundation for sustainable socio-economic development.

Keywords: technology, digital transformation, inclusiveness, sustainability, Vietnam

CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA VÀ VAI TRÒ CỦA NÓ

Nội hàm chuyển đổi số quốc gia

Chuyển đổi số (Digital Transformation) là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, tái định hình cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau. Nghĩa là chuyển đổi số là quá trình sử dụng các công nghệ số ứng dụng vào đời sống xã hội để tác động làm thay đổi tổng thể và toàn diện cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất của cá nhân, tổ chức. Hiện nay, chuyển đổi số là một xu thế trên toàn cầu, có tác động vô cùng sâu rộng lên các lĩnh vực của nền kinh tế - chính trị - xã hội. Nội dung chuyển đổi số của các nước có khác nhau, phụ thuộc vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước. Tuy nhiên, nói chung đều hướng tới chuyển đổi số trên 3 trụ cột là Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số, trong đó có các nội dung chính sau:

- Chuyển đổi số nền kinh tế (kinh tế số) bao gồm: (i) Phát triển các doanh nghiệp số; (ii) Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp truyền thống (hướng tới sản phẩm tích hợp số; chuyển đổi mô hình kinh doanh trên nền tảng số; thay đổi quy trình sản xuất dựa trên dữ liệu số, tự động hóa, ảo hóa…); (iii) Phát triển tài chính số; (iv) Phát triển thương mại điện tử;

- Chuyển đổi số xã hội (xã hội số), trong đó tập trung vào các lĩnh vực như: ứng dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm khoảng cách xã hội (như: giáo dục, y tế, văn hóa, an toàn an ninh xã hội…);

- Chuyển đổi số trong một số ngành trọng điểm để phát triển kinh tế - xã hội (như: nông nghiệp, du lịch, điện lực, giao thông…);

- Chuyển đổi số trong cơ quan Chính phủ (Chính phủ số), hướng tới cung cấp dịch vụ công thuận tiện cho người dân, tăng cường sự tham gia người dân trong các hoạt động với cơ quan quản lý nhà nước; tăng cường hiệu quả hoạt động và đổi mới trong các cơ quan quản lý nhà nước; phát triển dữ liệu mở của cơ quan quản lý nhà nước để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Để thực hiện chuyển đổi số theo các lĩnh vực trên, cần xác định các yếu tố nền tảng cần bảo đảm, bao gồm: (i) Phát triển hạ tầng số (phát triển mạng di động thế hệ mới, kết nối cáp quang đến các gia đình, doanh nghiệp, cung cấp WiFi miễn phí tại khu vực công cộng, phát triển điện toán đám mây (cloud computing), hạ tầng IoT, BigData…); (ii) Phát triển lực lượng lao động có kỹ năng số (digital skills); (iii) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu công nghệ số mới; (iv) Xây dựng môi trường pháp lý để bảo đảm môi trường an toàn, tin cậy, thúc đẩy chuyển đổi số.

Vai trò của chuyển đổi số quốc gia

Chuyển đổi số là xu hướng toàn cầu và là điều kiện tiên quyết trong phát triển bền vững của mỗi người dân, doanh nghiệp và quốc gia. Trước hết, đối với mỗi người dân, chuyển đổi số làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và giao dịch với nhau, mang lại nhiều trải nghiệm thú vị trong công việc, học tập và đời sống hàng ngày. Còn đối với doanh nghiệp trong nền kinh tế, những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số chính là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên... Những điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của doanh nghiệp được nâng cao. Cuối cùng, đối với một quốc gia, chuyển đổi số là việc cấp bách nếu muốn phát triển; trên quy mô quốc gia, chuyển đổi số ảnh hưởng ngày càng lớn đến tăng trưởng GDP, năng suất lao động và cơ cấu việc làm. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội và nâng cao năng lực quản lý điều hành; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất - kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Theo nghiên cứu của Microsoft và IDG tại khu vực châu Á - TBD, năm 2017, các sản phẩm và dịch vụ số đóng góp 6% GDP, tỷ lệ này đã tăng lên 25% vào năm 2019 và 60% vào năm 2021; chuyển đổi số làm tăng năng suất lao động từ 15% năm 2017 lên 22% vào năm 2021; đồng thời, dự báo 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong 3 năm tiếp theo [3]. Chuyển đổi số tại Việt Nam trong thời gian tới là tất yếu nếu chúng ta muốn có những bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội và không bị bỏ lại trong cuộc CMCN 4.0.

DẤU ẤN CHUYỂN ĐỔI SỐ CỦA VIỆT NAM

Kết quả chuyển đổi số trên các trụ cột

Sau hơn 30 năm thực hiện đổi mới, kinh tế - xã hội Việt Nam đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn. Năm 2022, với tốc độ tăng trưởng đạt được là 8,02%, nền kinh tế Việt Nam đã đánh dấu mốc mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2008. Việt Nam đã được các tổ chức và bạn bè quốc tế đánh giá thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất châu Á cũng như thế giới. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, quá trình đổi mới đã giúp đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Tuy nhiên, so với các nước phát triển, Việt Nam vẫn là nước có mức thu nhập trung bình, mức độ cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến mức độ thu nhập của người dân là năng suất lao động thấp, mức độ ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất kinh doanh hạn chế. Do đó, để tiếp tục có những bước phát triển đột phá trong giai đoạn mới, thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển, vượt ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, hướng tới một nền kinh tế phát triển bền vững, một trong những giải pháp căn cơ, nền tảng nhất là phải chuyển đổi số mạnh mẽ, đi đầu khu vực trong cuộc CMCN 4.0.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/06/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI). Theo đó, chuyển đổi số ở Việt Nam hướng tới 3 trụ cột là: Hạ tầng số; Chính phủ số; Kinh tế số và xã hội số, với những bước đi cụ thể:

Đối với hạ tầng số định hướng phát triển nhanh, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong thời đại số. Theo đó, hạ tầng viễn thông đã phủ rộng khắp toàn quốc hơn 600.000 km cáp quang, với tốc độ truy nhập cao (> 27 MBps). Số thuê bao băng rộng cố định hơn 13 triệu (trong đó hơn 12 triệu thuê bao sử dụng cáp quang FTTx, tốc độ truy nhập hơn 10 MBps). Tổng băng thông quốc tế đạt hơn 8,1 TBps. Mạng di động phát triển, tỷ lệ phủ sóng đạt 99,7% [2]. Mạng di động 5G đã được cấp phép thử nghiệm, khi triển khai sẽ là bước đột phá về tốc độ kết nối, là nền tảng quan trọng kết nối hạ tầng IoT trong chuyển đổi số. Tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh và có đường internet cáp quang băng thông rộng chiếm tỷ trọng lớn và gia tăng trong tương lai (Bảng). Như vậy, có thể nói mạng viễn thông đã đi trước một bước trong chuẩn bị hạ tầng cho chuyển đổi số.

Đối với Chính phủ số. Trong thời gian qua, công nghệ thông tin đã được ứng dụng trong cơ quan quản lý nhà nước để phát triển Chính phủ điện tử, góp phần cải cách hành chính. Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.699 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (nộp hồ sơ trực tuyến và nhận kết quả tại nhà); hơn 2,1 triệu tài khoản đăng ký (tăng hơn 2,8 lần so với cùng kỳ); hơn 122,7 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng hơn 2 lần). 41/63 tỉnh, thành phố triển khai 36.300 tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với gần 200.000 thành viên tham gia [2].

Đối với kinh tế số và xã hội số. Theo số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ (B2C) của Việt Nam có sự tăng trưởng đáng kể, năm 2015, doanh thu B2C đạt 5 tỷ USD, đến năm 2022, doanh thu đã tăng trưởng lên 16,4 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2021 và chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Lượng người mua sắm trực tuyến tại Việt Nam đạt mốc 60 triệu người trong năm 2022, giá trị mua sắm trực tuyến của một người dùng đạt từ 260-285 USD/người. Tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GDP tiếp tục tăng. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, theo Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, năm 2022, tỷ trọng kinh tế số của Việt Nam đạt 14,26% GDP cao hơn năm 2021 (11,91%) và mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là 20%. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đạt 67.300 doanh nghiệp, tăng gần 3.500 doanh nghiệp so với năm 2021, đạt tỷ lệ 0,69 doanh nghiệp trên 1.000 dân. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử là 100% (Bảng). Bên cạnh đó, công nghệ thông tin đã được ứng dụng khá rộng rãi trong xã hội góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giảm khoảng cách xã hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục và y tế. Nhiều ứng dụng công nghệ được triển khai trong công tác đào tạo (các bài giảng điện tử; học trực tuyến…), trong quản lý giáo dục (hệ thống thông tin quản lý tuyển sinh, quản lý kết quả học tập học sinh…). Trong lĩnh vực y tế cũng vậy, gần 100% bệnh viện các tuyến trên cả nước triển khai ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện trong hoạt động của mình.

BẢNG: CHUYỂN ĐỔI SỐ TOÀN DIỆN TRÊN CÁC TRỤ CỘT

Đơn vị: %

Chỉ tiêu

2020

2021

2022

2025

Hạ tầng số

Tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh

72

75

85

100

Tỷ lệ hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng

58

65

70

100

Chính phủ số

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4

30

100

100

100

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ

38

40

80

100

Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến

24

30

50

80

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng

-

-

10

100

Tỷ lệ thống kê, báo cáo thực hiện trực tuyến (ước tính)

-

10

50

100

Tỷ lệ quản lý nhà nước cung cấp dữ liệu mở đầy đủ theo danh mục

-

5

50

100

Kinh tế số và xã hội số

Tỷ trọng kinh tế số trong GDP (ước tính)

8,2

9,6

11,5

20

Tỷ lệ doanh nghiệp SMEs sử dụng nền tảng số (ước tính)

3

10

30

50

Tỷ lệ hóa đơn điện tử

-

24

100

100

Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử (ước tính)

30

40

50

80

Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử

5,5

6-8

10

20

Tỷ lệ người dân có kỹ năng số cơ bản

-

-

10

70

Tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử

60

70

90

100

Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số cá nhân

0,4

0,4

10

50

Tỷ lệ người dân kết nối mạng được bảo vệ cơ bản

2

3

10

70

Tỷ lệ nhân lực công nghệ số trong lực lượng lao động

1

-

-

2

Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông

Một số tồn tại, hạn chế

Tại Việt Nam, ứng dụng và phát triển công nghệ cũng đã được quan tâm, đã trải đều trên các lĩnh vực cần chuyển đổi.

Tuy nhiên, đa phần các ứng dụng và phát triển công nghệ ở đây chưa thực sự là chuyển đổi số, còn tồn tại một số hạn chế nhất định, đó là:

Một là, việc xây dựng môi trường pháp lý hiện nay vẫn rất chậm, chưa theo kịp nhu cầu xã hội phát sinh, đặc biệt trong các lĩnh vực mới khi thực hiện chuyển đổi số. Cụ thể như thiếu hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế chia sẻ; chia sẻ, mở dữ liệu của cơ quan chính phủ, của doanh nghiệp; bảo vệ dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư; vấn đề quyền, đạo đức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo... Điều này gây cản trở rất lớn cho quá trình chuyển đổi số.

Hai là, các cơ sở dữ liệu quốc gia chậm được triển khai; việc kết nối, chia sẻ, mở các cơ sở dữ liệu của cả khu vực công và tư rất hạn chế, chủ yếu là cát cứ thông tin; điều này làm lãng phí nguồn lực, cản trở triển khai ứng dụng và phát triển công nghệ số. Nguyên nhân chủ yếu ở đây là do: các cơ quan nhà nước thiếu quyết tâm, quyết liệt xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia để tạo nền tảng số quốc gia; thiếu hành lang pháp lý và các quy định về quản trị dữ liệu quốc gia (vấn đề trách nhiệm, phân cấp quản lý dữ liệu; vấn đề kết nối, chia sẻ, mở dữ liệu; quản lý chất lượng dữ liệu; quản lý kiến trúc dữ liệu; quản lý vận hành dữ liệu; quản lý an ninh dữ liệu; quản lý đặc tả dữ liệu;…); nhận thức về tầm quan trọng và sự cần thiết về dữ liệu, quản trị dữ liệu còn hạn chế.

Ba là, mặc dù đã đạt được các kết quả trong việc cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số và các hình thức khác để triển khai việc định danh, xác thực điện tử, nhưng so với nhu cầu của chuyển đổi số, vẫn còn nhiều hạn chế, các tổ chức mới chỉ cung cấp các dịch vụ định danh, xác thực cho dịch vụ, hệ thống khách hàng của riêng mình, phạm vi hẹp, thiếu kết nối, liên thông. Khi mà chuyển đổi số mạnh mẽ, các chủ thể, đối tượng trong thế giới thực sẽ dịch chuyển sang thế giới ảo, thì việc định danh, xác thực điện tử hay cung cấp danh tính số càng trở nên quan trọng và cấp thiết.

Bốn là, vấn đề bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng hiện vẫn là một thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt. Theo thống kê của Kaspersky, ước tính có tới 35% người dùng internet ở Việt Nam có khả năng phải đối mặt với các cuộc tấn công mạng, cao thứ 6 trên thế giới [6].

Năm là, sự hạn chế về số lượng, sự thiếu hụt nhân lực có chuyên môn cao và các kiến thức bắt kịp xu hướng thay đổi của thị trường công nghệ đã khiến cho nhân sự công nghệ thông tin cấp cao ngày càng trở nên khan hiếm, dẫn tới sự cạnh tranh về lương để thu hút nhân tài giữa các doanh nghiệp. Theo số liệu từ khảo sát gần đây của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông cho thấy, 70% sinh viên tốt nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin cần được đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Đa số các sinh viên công nghệ thông tin cũng không nắm bắt được lĩnh vực công việc của mình; 72% sinh viên thiếu kinh nghiệm thực tế trong khi 42% sinh viên thiếu kỹ năng làm việc theo nhóm. Trong số các sinh viên mới ra trường, chỉ khoảng 15% sinh viên đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; 80% sinh viên mới tốt nghiệp trong lĩnh vực lập trình máy tính cần phải đào tạo lại. Điều này làm cản trở quá trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực của nền kinh tế, khi mà yếu tố con người là then chốt và khó có thể thay thế hoàn toàn bởi máy móc, thiết bị.

MỘT SỐ HÀM Ý CHÍNH SÁCH

Để quá trình chuyển đổi số đồng bộ và bao trùm, trở thành động lực phát triển bền vững nền kinh tế, cần một số giải pháp cơ bản như sau:

- Chuyển đổi nhận thức (nhận thức số). Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số, muốn chuyển đổi số trước hết phải chuyển đổi nhận thức. Coi số hóa nền kinh tế là cuộc cách mạng chính sách, có thái độ tích cực về công nghệ và sáng tạo, chấp nhận những công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới. Các cơ quan nhà nước có vai trò dẫn dắt, định hướng, có phương thức quản lý linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chuyển đổi số.

- Phát triển hạ tầng số, nền tảng số đồng bộ. Tập trung phát triển hạ tầng số, nền tảng số là nhiệm vụ hàng đầu, là giải pháp đột phá thúc đẩy sự phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Các thành phần của hạ tầng số phục vụ Chính phủ số liên quan và tác động lẫn nhau, như: kết nối liên thông phải đi cùng chia sẻ dữ liệu và phải được bảo đảm bởi pháp luật. Công tác xây dựng hạ tầng số là việc cần kiên trì, sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân từ Trung ương đến địa phương.

- Hoàn thiện môi trường pháp lý cho quá trình chuyển đổi số, đặc biệt cần rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin và khắc phục những hạn chế, bất cập về lỗ hổng bảo mật, tình trạng lộ lọt thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

- Tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số, nhất là hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ; đào tạo, thu hút, tuyển dụng, bố trí, đãi ngộ nguồn nhân lực chuyển đổi số, nhất là nhân lực chất lượng cao, hạn chế tình trạng chảy máu chất xám./.

TS. VŨ THANH NGUYÊN - Tạp chí Kinh tế và Dự báo

ThS. PHẠM LAN ANH - Trường Đại học Tân Tạo

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo Số 11 - tháng 4/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Công Thương (2022), Báo cáo tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 ngành Công Thương.

2. Bộ Thông tin và Truyền thông (2021), Báo cáo tóm tắt đề xuất kế hoạch chuyển đổi số 2022.

3. Bích Ngọc (2019), Việt Nam chuẩn bị cho chuyển đổi số quốc gia, truy cập từ https:// consosukien.vn/viet-nam-chuan-bi-cho-chuyen-doi-so-quoc-gia.htm

4. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương (2016-2022), Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam, các năm từ năm 2016 đến năm 2022.

5. Gia Huy (2023), Đề án 06 của Chính phủ: Cắt giảm giấy tờ, thuận tiện và giảm chi phí cho người dân, truy cập từ https://baochinhphu.vn/de-an-06-cua-chinh-phu-cat-giam-giay-to-thuan-tien-va-giam-chi-phi-cho-nguoi-dan-102221226124530467.htm.

6. Hạnh Tâm (2022), 5 mối đe dọa tấn công mạng cần đề phòng trong năm 2023, truy cập từ https://ictvietnam.vn/5-moi-de-doa-tan-cong-mang-can-de-phong-trong-nam-2023-54628.html.

7. Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (2022), Báo cáo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, truy cập từ https://nld.com.vn/cong-doan/viet-nam-can-78000-nhan-luc-cong-nghe-thong-tin-moi-nam-20180610062209763.htm.