Cơ chế, chính sách về hoạt động đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ TP. Hà Nội
ThS. Vũ Đức Bảo
Ths. Đào Thị Phương Liên
Ban Tổ chức Thành ủy TP. Hà Nội
Huy động tối đa các nguồn lực để tập trung xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của cả nước nói chung, của Thủ đô Hà Nội nói riêng nhằm khắc phục những điểm nghẽn của nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay đã được Đảng và Nhà nước khẳng định và nỗ lực phát huy thông qua các cơ chế, chính sách đã được ban hành. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính hiện nay vẫn khá hạn chế, đòi hỏi phải có những chính sách mang tính đột phá, chiến lược hơn nữa trong đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho phát triển hạ tầng giao thông đường bộ của TP. Hà Nội. |
KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Có thể nói, nhu cầu đầu tư vào hạ tầng giao thông đường bộ của cả nước nói chung, của Thủ đô nói riêng ngày càng lớn, nguồn vốn từ ngân sách rất khó khăn, trong khi các doanh nghiệp trong nước lại rất non yếu về nguồn lực tài chính và kinh nghiệm, nên việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ còn rất khó khăn. Chính vì vậy, Nhà nước cũng như TP. Hà Nội đã rất chú trọng trong việc ban hành các cơ chế, chính sách cho phát triển hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn Thành phố. Theo đó, đối với Hà Nội, ngày 6/1/2012, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã ban hành riêng về Luật Thủ đô (năm 2012). Vì vậy, Hà Nội có điều kiện xây dựng các cơ chế riêng cho phát triển kinh tế - xã hội và cho phát triển hạ tầng giao thông đường bộ đường bộ.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 519/QĐ-TTg, ngày 31/03/2016 phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có xác định nhu cầu vốn và phân kỳ đầu tư cho 4 loại hình giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không) như sau: giai đoạn 2016-2020 là 476.569 tỷ đồng; giai đoạn 2020-2030 là 554.709 tỷ đồng; giai đoạn sau năm 2030 là 204.101 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020 xác định, phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn là 1 trong 3 khâu đột phá.
Hà Nội cũng đã ban hành Công văn số 4550/UBND-ĐT, ngày 18/09/2017 thực hiện Chương trình tổng thể "Đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khung trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2017-2021, định hướng đến năm 2030” nhằm tích cực triển khai với các dự án khép nối hệ thống đường vành đai, cầu vượt sông, đường trên cao, đường hướng tâm, đường trục chính đô thị và hệ thống giao thông tĩnh…
Hàng năm, UBND Thành phố cũng đều ban hành kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất hàng năm và cho các giai đoạn tiếp theo để các quận, huyện, thị xã chủ động triển khai hiệu quả công tác đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn quận, huyện, thị xã nói riêng và địa bàn Thành phố nói chung.
Gần đây, ngày 10/09/2019, UBND Thành phố cũng đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND, ngày 10/09/2019 về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Với những cơ chế, chính sách nói trên, việc đa dạng hóa nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông đường bộ đường bộ của Thành phố đã đạt được những kết quả khả quan, cụ thể như sau:
(1) Hình thức huy động qua ngân sách nhà nước đối với giao thông đường bộ
Nguồn lực tài chính huy động từ ngân sách trung ương cho phát triển giao thông Hà Nội vẫn là nguồn lực tài chính chủ yếu. Sở dĩ nguồn vốn đầu tư cho Hà Nội nói chung, cho phát triển hạ tầng giao thông đường bộ đường bộ nói riêng ở mức cao là do vị thế và các chính sách đặc thù đối với Thủ đô. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính từ ngân sách địa phương cũng góp phần hết sức quan trọng. Thậm chí ngân sách từ Thành phố còn chiếm tỷ trọng cao.
Theo báo cáo của Sở Giao thông TP. Hà Nội (2012-2017), trong các năm 2012-2017, ngân sách giành cho hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn TP. Hà Nội đã lên đến 82.523,71 tỷ đồng, trong đó từ nguồn vốn ngân sách trung ương là 39.591,16 tỷ đồng; nguồn vốn từ ngân sách thành phố là 42.932,55 tỷ đồng, chiếm 52,02% tổng nguồn vốn ngân sách chi cho phát triển hạ tầng giao thông đường bộ TP. Hà Nội (Bảng).
Bảng: Nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ TP. Hà Nội
Đơn vị: tỷ đồng
Nguồn: Sở Giao thông TP. Hà Nội (2012-2017)
Đặc biệt, TP. Hà Nội là địa phương có thể huy động nguồn lực từ ngân sách của các huyện, thị xã, thậm chí cấp xã cho phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó có giao thông đường bộ với mức cao hơn ngân sách của Thành phố, từ 5.078,6 tỷ đồng trong năm 2016 đến 6.313,3 tỷ đồng vào năm 2017 (tương ứng chiếm 36,36% đến 46,68% tổng vốn huy động trên địa bàn). Mức độ huy động ngân sách địa phương cho phát triển hạ tầng giao thông đường bộ đường bộ chủ yếu do nguồn thu của các địa phương có nhiều thuận lợi so với các địa phương khác.
(2) Huy động qua hình thức hợp tác công – tư (BT, BOT, PPP)
Cũng theo Sở Giao thông TP. Hà Nội (2012-2017), các doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ Hà Nội chủ yếu dưới hình thức BOT, trong đó tập trung đầu tư vào các tuyến đường quốc lộ nối giao thông nội đô với các tuyến đường ngoại đô. Theo đó, nguồn vốn đầu tư cho các hình thức này ngày càng chiếm tỷ trọng cao qua các năm. Nếu như năm 2012, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông đường bộ của hình thức này là 2.732,50 tỷ đồng, thì năm 2017 đã tăng lên 5.739,43 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2012 (Bảng).
(3) Huy động qua hình thức đổi đất lấy hạ tầng
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội (2017), trong năm 2017, Thành phố đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án đường đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ dài 13,303km với tổng vốn đầu tư khoảng 5.727 tỷ đồng, theo hợp đồng BT. Theo đó, với việc đầu tư 13,303km, các nhà đầu tư sẽ được nhận lại tổng diện tích đất đối ứng là 162,71ha.
(4) Huy động qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội (2018-2019), năm 2018, TP. Hà Nội đã triển khai đấu giá quyền sử dụng đất trong 679 dự án (gồm có 666 dự án mới và 13 dự án chuyển tiếp) với tổng diện tích đất 193,41ha; dự kiến thu khoảng 13.710,62 tỷ đồng. Trong đó, có 111 dự án thuộc thành phố quản lý; 568 dự án nhỏ lẻ xen kẹt (dưới 5.000m2) do cấp huyện quản lý. Năm 2019, Hà Nội đưa ra đấu giá khoảng 197ha đất tại 635 dự án (gồm có 618 dự án mới và 17 dự án chuyển tiếp). Thu theo kết quả trúng đấu giá là 15.972,29 tỷ đồng (bao gồm 152 dự án thuộc thành phố quản lý và 483 dự án đất nhỏ lẻ xen kẹt).
Kế hoạch đấu giá năm 2020 gồm 453 dự án (395 dự án mới và 58 dự án chuyển tiếp) với tổng diện tích đất 286,93ha; dự kiến thu 23.855,58 tỷ đồng; trong đó, đấu giá các dự án thuộc thành phố quản lý là 166 dự án; đấu giá đất nhỏ lẻ xen kẹt là 287 dự án. Tổng kinh phí giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật các dự án đấu giá giai đoạn 2018-2020 dự kiến 17.518,39 tỷ đồng (UBND TP. Hà Nội, 2018).
MỘT SỐ HẠN CHẾ
Để đánh giá về cơ chế, chính sách trong đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho phát triển hạ tầng giao thông đường bộ TP. Hà Nội, tác giả tiến hành phỏng vấn sâu 162 cán bộ quản lý nhà nước, lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước và các cán bộ thực hiện huy động nguồn lực tài chính cho phát triển giao thông đường bộ của TP. Hà Nội trong năm 2017 cho thấy, hạn chế trong cơ chế, chính sách về đa dạng hoá nguồn lực tài chính phát triển giao thông TP. Hà Nội, đó là:
- Chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm báo cáo, giải trình của các cơ quan được giao thực hiện đa dạng hoá nguồn lực tài chính cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ Thành phố trước HĐND.
- Việc phân công thực hiện chức năng đa dạng hoá nguồn lực tài chính cho phát triển giao thông trong nội bộ từng cơ quan nhà nước còn phân tán, chồng chéo giữa các sở/phòng/ban.
- Chưa có quy định cụ thể tạo động lực cho tổ chức, cá nhân thuộc các cơ quan Thành phố được giao nhiệm vụ thực thiện đa dạng hoá nguồn lực tài chính cho phát triển hạ tầng giao thông đường bộ Thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ (cơ chế lương, thưởng, thù lao…).
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do: chưa hình thành được một mô hình, cơ chế và chính sách đảm bảo cho đa dạng hoá nguồn lực tài chính phát triển hạ tầng giao thông đường bộ. Cụ thể là: Thành phố chưa xác định cụ thể thứ tự ưu tiên đối với mục tiêu, nhiệm vụ giao cho từng dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ; Chưa có quy định rõ ràng phương thức hạch toán chi phí để bù đắp cho các dự án do Thành phố đầu tư; Giám sát, đánh giá chủ yếu căn cứ vào các báo cáo của các dự án đầu tư về nguồn lực tài chính trong khi chưa có cơ chế thẩm định tính chính xác; Tiêu chí giám sát chưa chú trọng các chỉ tiêu tài chính; Tiêu chí giám sát khó được lượng hóa cụ thể.
Bên cạnh đó, do luật pháp hiện hành chưa đầy đủ, đồng bộ và thiếu nhất quán trong việc tách bạch các nguồn lực tài chính cho phát triển hạ tầng giao thông đường bộ với các hoạt động đầu tư phát triển khác, cụ thể là: chưa thực hiện thống nhất và tập trung các quyền và nghĩa vụ đối với các sở ban ngành trong quản lý vốn đầu tư; chưa có quy định cụ thể về nội dung quản lý nhà nước đối với các nguồn lực tài chính phá.
MỘT SỐ ĐỀ XUẤT
Nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách cho việc đa dạng hóa nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông đường bộ TP. Hà Nội, theo tác giả, cần lưu ý một số vấn đề như sau:
Một là, ban hành các quy định về đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho phát triển giao thông cần hoàn thiện theo hướng: quy định quyền chủ động huy động nguồn lực tài chính phát triển hạ tầng giao thông đường bộ cho đơn vị thực hiện; Đối với các đơn vị trển khai thực hiện đa dạng hoá nguồn lực tài chính, cần xem xét, quyết định trên cơ sở các dự án huy động vốn có hiệu quả; Phân cấp, phân quyền cho các đơn vị quận huyện Thành phố nhất là quyền thu hút nguồn lực tài chính phát triển hạ tầng giao thông đường bộ; Thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện quyền, nghĩa vụ của Thành phố được tổ chức dưới hình thức Ban quản lý tài chính thuộc UBND Thành phố.
Hai là, quản lý đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho phát triển giao thông: Cần có cơ chế điều hòa vốn trong các quận huyện, thành phố; Cần có cơ chế huy động vốn trong nội bộ quận huyện; Cần tiếp cận vốn với các quỹ mạo hiểm; Cần có đánh giá chung về quyền và nghĩa vụ của các cấp, ngành trong đa dạng hoá nguồn lực tài chính cho phát triển hạ tầng giao thông đường bộ.
Ba là, quản trị tài chính các nguồn lực tài chính cho phát triển giao thông: Giảm số lượng các công ty thành viên trực thuộc sở/ban/ngành thực hiện hoạt động đa dạng hoá cho phát triển hạ tầng giao thông đường bộ Thành phố hiện nay; Hiện đại và chuyên nghiệp cơ chế quản trị tài chính các nguồn vốn…/.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thủ tướng Chính phủ (2016). Quyết định số 519/QĐ-TTg, ngày 31/03/2016 phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
2. Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội (2015). Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020
3. UBND TP. Hà Nội (2017). Công văn số 4550/UBND-ĐT, ngày 18/09/2017 thực hiện Chương trình tổng thể "Đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khung trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2017-2021, định hướng đến năm 2030
4. UBND TP. Hà Nội (2018). Kế hoạch số 99/KH-UBND, ngày 27/04/2018 đấu giá quyền sử dụng đất năm 2018 và giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn TP. Hà Nội
5. Sở Giao thông TP. Hà Nội (2012-2017). Số liệu nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ TP. Hà Nội các năm 2012-2017
6. Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội (2018-2019). Kết quả triển khai đấu giá quyền sử dụng đất năm 2018, năm 2019
7. Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội (2017). Báo cáo tổng kết công tác năm 2017 và nhiệm vụ năm 2018
8. Vũ Đức Bảo (2017). Chuyên đề Đánh giá về thực trạng đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho phát triển hạ tầng giao thông Thành phố Hà Nội
(Đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 4 tháng 02/2020)
Bình luận