Corona tác động tiêu cực thế nào đến kinh tế Việt Nam?
Nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch cúm Corona
Du lịch và các ngành liên quan chịu tác động tiêu cực nhất
Du lịch và giao thông là những ngành chịu tác động trực tiếp. Các ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất: du lịch, lưu trú, hàng không khi nhu cầu du lịch, đi lại của người Trung Quốc lẫn cả khu vực Châu Á chịu ảnh hưởng khi người dân có tâm lý hạn chế di chuyển trong thời gian diễn ra dịch.
Hiện tại, Cục Hàng không đã dừng cấp phép đối với các chuyến bay thường lệ đến/từ Việt Nam kết nối với các tỉnh thành có dịch của Trung Quốc. Các tour du lịch từ Trung Quốc cũng bị tạm dừng khiến ngành du lịch và hàng không Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng mạnh, đặc biệt là trong mùa cao điểm quý I/2020.
HSBC đánh giá, du lịch và các ngành liên quan chịu tác động tiêu cực nhất. Với các nước như Việt Nam, Philippines và Thái Lan, sự sụt giảm 20% lượng du khách từ Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực đến 0,6-1,3% GDP.
Tính toán sơ bộ, nếu lượng khách Trung Quốc giảm 75% trong quý này, xuất khẩu du lịch đối với Trung Quốc có thể giảm bằng 0,24% GDP năm 2019. Nếu xuất khẩu tới Trung Quốc giảm 20% trong quý này, xuất khẩu hàng hóa tới Trung Quốc có thể giảm bằng 0,59% GDP năm 2019.
Bình quân 1 năm Việt Nam đón 5,8 triệu khách du lịch Trung Quốc và chi tiêu khoảng 100 USD/người/ngày , chủ yếu là lưu trú , ăn uống và mua sắm chiếm 75%. Công ty Cổ phần chứng khoán BIDV (BSC) ước tính doanh thu từ khách Trung Quốc vào tiêu dùng đạt khoảng 465.5 triệu USD/ngày. Qua đó, dịch Corona sẽ làm giảm lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam và ảnh hưởng tiêu cực ngành bán lẻ.
Thực tế, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam, với hơn 5,8 triệu lượt khách, chiếm 32,2% tổng lượt khách quốc tế năm 2019. Do bệnh dịch, ngày 28/01/2020, Tổng cục Du lịch có văn bản yêu cầu tất cả doanh nghiệp lữ hành không đón khách du lịch từ vùng có dịch vào Việt Nam. Thêm vào đó, Tổng cục Du lịch yêu cầu hạn chế di chuyển với khách Trung Quốc và du khách nước ngoài đã qua vùng dịch nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 14 ngày. Vì thế, ngành du lịch là ngành bị ảnh hưởng ngay lập tức và nặng nề nhất do dịch bệnh.
Bên cạnh đó, dịch bệnh sẽ khiến việc kiểm soát hàng hóa giao thương tại Trung Quốc trở nên chặt chẽ hơn, góp phần làm chững lại sản lượng hàng thông cảng Việt Nam trong ngắn hạn khi chưa có động lực tăng trưởng nào rõ ràng. Trong đó, các doanh nghiệp tại cụm cảng Hải Phòng như GMD, VSC, DVP, PHP, HAH sẽ gặp khó khăn do: (i) 40% lượng hàng tại đây xuất khẩu sang Trung Quốc và (ii) cung đang vượt cầu khoảng 20%.
Trong bối cảnh nhằm kiểm soát dịch, các biện pháp liên quan đến thắt chặt qua lại biên giới có thể sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Do vậy, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam và Trung Quốc có thể gặp khó khăn.
Với rủi ro nói trên, các ngành nghề xuất khẩu theo đường biên giới trên bộ và tiểu ngạch sang Trung Quốc như nông sản, thủy sản, thực phẩm… sẽ chịu tác động đáng kể trong ngắn hạn.
Bên cạnh yếu tố về giao thương khó khăn, một số ngành sản xuất tại Hồ Bắc có thể bị đình trệ, kéo theo gián đoạn nguồn cung. Do vậy, các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc hoặc các doanh nghiệp có nguồn nguyên vật liệu phụ thuộc vào nước này có thể chịu nhiều ảnh hưởng.
Những ngành có thể chịu tác động từ sự ngưng trệ sản xuất bao gồm: dệt may (nhập khẩu sợi, vải), điện tử, tiêu dùng (linh kiện, phụ kiện nhập khẩu từ Trung Quốc), thép dẹt (nhập khẩu HRC). Tuy nhiên cũng cần chú ý rằng việc gián đoạn nguồn cung tiềm tàng này có thể chỉ mang tính tạm thời và hoạt động sản xuất tại Trung Quốc có thể sớm được phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát.
Sự thu hẹp hoạt động kinh tế của Trung Quốc có thể dẫn đến rủi ro nhu cầu xuất nhập khẩu chậm lại trên toàn châu Á và cả thế giới. Do vậy nhóm ngành thương mại có rủi ro chịu tác động gián tiếp như nhóm ngành cảng biển, cảng hàng không và logistic, vận tải. Điều này cũng phản ánh qua việc giá dầu sụt giảm 7%-8% trong tháng 1 trước lo ngại về nền kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng. Giá dầu chịu sức ép giảm có thể gây tác động không tốt về mặt tâm lý đối với nhóm ngành dầu khí Việt Nam.
Các chuyên gia cũng đánh giá, Corona ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu cho thuê bất động sản du lịch và condotel, đặc biệt trong đó các tỉnh Nha Trang, Đà Nẵng, Bình Thuận - Ninh Thuận, Hạ Long.
“Trong dài hạn, trong trường hợp Việt Nam bị lây lan từ dịch sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu mua/bán bất động sản tại Việt Nam”, báo cáo của BSC chỉ rõ.
Vẫn có một số ngành hưởng lợi trong ngắn hạn
Theo BSC, một số ngành có thể được hưởng lợi trong ngắn hạn. Cụ thể, theo BSC, các ngành nghề có thể được hưởng lợi trong ngắn hạn nhờ sự gián đoạn nguồn cung hàng hóa từ Hồ Bắc nhập khẩu vào Việt Nam là những ngành nằm ở phân khúc hạ nguồn và chịu áp lực cạnh tranh lớn từ sản phẩm từ Trung Quốc như dệt may, thép, săm lốp.
Ngoài ra, những ngành mà Việt Nam và Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu cũng có thể ghi nhận đơn hàng gia tăng trong ngắn hạ do sự chuyển dịch tạm thời từ Trung Quốc sang Việt Nam như dệt may và da giày.
Nhóm ngành dược, vật tư y tế và bán lẻ dược có thể được hưởng lợi tuy nhiên quy mô của nhóm ngành này còn nhỏ. Cụ thể hơn, các doanh nghiệp được phép nhập khẩu thuốc (đặc biệt là thuốc đặc trị) và các công ty phân phối, sản xuất vật tư y tế là các doanh nghiệp chính được hưởng lợi.
Còn lại đa phần các doanh nghiệp dược trong nước chủ yếu sản xuất các sản phẩm kháng sinh, thuốc chữa bệnh đơn giản và thực phẩm chức năng không được hưởng lợi từ sự bùng phát của dịch. Ngoài ra các cổ phiếu ngành dược cũng có đặc thù là thanh khoản thấp nên sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư nếu tầm nhìn đầu tư không quá dài.
Ngược lại, với bán lẻ truyền thống, hoạt động thương mại điện tử có thể được ưu tiên lựa chọn. Khi người dân giảm nhu cầu đi mua sắm tại cửa hàng vật lý, nhu cầu đối với hoạt động mua sắm online, giao hàng, chuyển phát có thể gia tăng.
Ở kịch bản xấu nhất, Corona có thể làm "kéo" GDP năm 2020 xuống mức 6,09%
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhận định rằng Việt Nam có nhiều ngành hàng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, nên mọi diễn biến của dịch Corona sẽ tác động không nhỏ. Đặc biệt là nông sản, như trái cây thanh long, chỉ có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nên sẽ có ảnh hưởng lớn nhất.
Ông nhận định, mặc dù dịch bệnh Corona có tác động không nhỏ tới kinh tế Việt Nam, nhưng cần phải chờ đợi xem đến khi nào thì dịch bệnh này kết thúc. Nếu dịch bệnh kéo dài vài tháng thì ảnh hưởng không đáng kể. Còn nếu dài hơn thì ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề.
Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, chúng ta chưa biết dịch bệnh Corona sẽ kéo dài bao lâu nhưng hai lĩnh vực du lịch và xuất khẩu nông sản chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu GDP. Tăng trưởng quý I/2020 có thể bị ảnh hưởng nhưng không lớn.
Còn tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo trước Chính phủ cho hay, dự kiến nếu dịch corona được khống chế kịp thời trong quý I/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% so với năm trước (thấp hơn 0,53 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra).
Trường hợp dịch corona kéo dài sang quý II/2020 thì tăng trưởng quý II là 5,81% thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP là 0,89 điểm phần trăm, dẫn tới ước tính GDP năm 2020 tăng 6,09% so với năm trước (thấp hơn 0,71 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra). Như vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 là thách thức rất lớn.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng lưu ý đây chỉ là dự báo, thực tế còn tuỳ thuộc điều kiện dịch được kiểm soát thời điểm nào, tuỳ thuộc chính sách, tác động từ điều hành của Chính phủ với nền kinh tế.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin để rà soát các kịch bản, báo cáo Chính phủ”, Thứ trưởng cho biết.
Thủ tướng: Chưa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng 2020
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng đầu tiên của năm 2020, Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, chưa đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2020. Đồng thời yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục đưa ra các giải pháp tái cơ cấu mạnh mẽ sản xuất.
“Có thể nói, những người chống dịch là những chiến sĩ xung kích bảo vệ sức khỏe nhân dân. Những người sản xuất, kinh doanh để tăng cường bù đắp sự thiếu hụt cho nền kinh tế cũng là những người dũng cảm tiên tiến. Chúng ta cương quyết và có biện pháp mạnh mẽ không để giảm sâu tăng trưởng trong điều kiện có thể”. Thủ tướng nêu rõ.
Tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh. Thích ứng với tình hình hiện nay trong phát triển kinh tế để “biến bại thành thắng”, vượt qua khó khăn một cách ngoạn mục, đưa nền kinh tế tiến bước, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.
Theo đó, các giải pháp cần tốt hơn, quyết liệt hơn với tinh thần bàn tiến không bàn lùi, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng mà phấn đấu ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm, việc hôm nay không để ngày mai.
Cụ thể, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cần khắc phục cho được các bất cập, tồn tại như giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các công trình xây dựng cơ bản lớn, vấn đề chuyển hướng thị trường, cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu, thị trường du lịch, tái cơ cấu ngành hàng không…
Ở góc độ, tư vấn chính sách, tại họp báo chính phủ thường kỳ tháng 1, ngày 05/02, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện có 2 gói giải pháp rõ ràng. Trước mắt, khi dịch đang diễn ra thì sẽ ưu tiên các giải pháp, dành nguồn lực để kiểm soát dịch trước. Ngay sau khi dịch được kiểm soát, Bộ kiến nghị gói giải pháp thứ hai là khắc phục thiệt hại, phục hồi sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng khẳng định, giải pháp cụ thể ra sao còn tuỳ thuộc một số yếu tố như nguồn lực bao nhiêu, hỗ trợ đối tượng nào, phương thức nào… cần tính toán kỹ lưỡng. Ngoài ra, có một số giải pháp khác được đề xuất như khẩn trương thúc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Trong điều kiện năm nay có nhiều về đổi mới về thủ tục, quy định nên Thứ trưởng đánh giá, khả năng giải ngân sẽ tốt hơn, tuỳ thuộc khả năng thực hiện của địa phương.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đang triển khai quyết liệt, khẩn trương, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh nCoV với tinh thần đã được Thủ tướng nhấn mạnh là "chống dịch như chống giặc".
Bộ trưởng cho biết: “Tinh thần là chúng ta chấp nhận thiệt thòi một phần lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân”.
Tuy nhiên, diễn biến dịch nCoV đến thời điểm này là rất phức tạp, được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, ảnh hưởng lớn đời sống của người dân, cũng như tác động mạnh đến mọi mặt kinh tế xã hội như tăng trưởng kinh tế, đầu tư, thương mại và du lịch… Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương không được chủ quan, lơ là; cũng không được hoang mang, dao động, quyết tâm không để dịch bệnh lây lan.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, phải nhìn nhận tổng thể, thời điểm này chưa đặt vấn đề gói giải pháp hỗ trợ, kích cầu.
“Trường hợp dịch bùng phát nghiêm trọng hơn thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới bàn đến, bởi chúng ta phải đảm bảo các chỉ số vĩ mô như lạm phát…, do đó phải cân nhắc”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ rõ./.
Bình luận