Đẳng cấp phát triển của Việt Nam đang rất thấp
Tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam 2016-2020, do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, ngày 04/09/2015, các chuyên gia đã đồng tình về thực trạng nền kinh tế hiện nay, những mối quan ngại của nội tại nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu hiện nay.
Vẫn mang đậm chất nền kinh tế tiểu nông, nhỏ bé
Về cơ cấu kinh tế của Việt Nam hiện nay, PGS, TS. Trần Đình Thiên nhận định, dù có dịch chuyển, nhưng cũng phải “sòng phẳng” thừa nhận rằng, cơ cấu của Việt Nam đang ở đẳng cấp rất thấp, việc dịch chuyển lên đẳng cấp cao còn rất chậm.
Việt Nam vẫn là nền kinh tế khuyến khích nhập khẩu để gia công lắp ráp và mang tính đầu cơ. Đặc biệt, vẫn mang đậm chất nền kinh tế tiểu nông, nhỏ bé, “đóng kín”, thiếu liên kết, chưa có tầm nhìn toàn cầu. Sinh ra và nuôi dưỡng động cơ “kiếm chác”, chụp giật. Nền kinh tế GDP 200 tỷ USD, nhưng rất nhiều cảng biển và vô số khu công nghiệp.
Công nghiệp nội địa vẫn nặng về khai thác tài nguyên và gia công, lắp ráp; định hướng phi công nghệ rõ hơn định hướng công nghệ cao; không khuyến khích sản xuất nộ địa, ít có công nghệ hỗ trợ.
Nông nghiệp dịch chuyển theo kiểu “đèn cù”: chặt cây, thay con liên tục, nhưng quanh đi quẩn lại vẫn cây đây, con đấy, với định hướng xuyên suốt sản lượng cao, chất lượng thấp, tiêu tốn nhiều nguồn lực và giá trị gia tăng thấp.
“Ngành dịch vụ kém phát triển, chất lượng thấp; ngành du lịch vẫn định hướng tăng “sản lượng” khách, chứ không quan tâm tới đẳng cấp du lịch. Đa số khách (85-90%) “một đi không trở lại”’, vị chuyên gia này quan ngại.
Vẫn chưa thoát được nền hành chính hành hạ doanh nghiệp. Điển hình là nền hành chính thuế, thể hiện qua Thời gian nộp thuế của Việt Nam rất cao so với các nước trong ASEAN-6.
Theo báo cáo Môi trường Kinh doanh 2014 của WB là 872 giờ/năm, trong khi mức bình quân của ASEAN-6 chỉ là 171 giờ/năm, Singapore thấp hơn nữa với mức 82 giờ/năm.
Đồng tình với ông Trần Đình Thiên, GS, TS. Đỗ Đức Bình (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) chia sẻ: “Thời gian qua, trong phần đánh giá về thực trạng nền kinh tế, chúng ta thường chỉ tự so sánh với mình và say mê với những gì đạt được. Trong khi đó, các nước đang phát triển rất nhanh. Vì thế, chúng ta tụt hậu”.
Cụ thể, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, mặc dù nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, nhưng quy mô nền kinh tế còn nhỏ so với các nước trong khu vực.
GDP năm 2014 mặc dù đạt 186,2 tỷ USD (gấp 29 lần năm 1990), nhưng so với một số nước trong khu vực, thì con số này vẫn còn nhỏ. Theo tính toán, GDP của Indonesia gấp 4,8 lần GDP của Việt Nam, Thái Lan gấp 2 lần, Malaysia gấp 1,8 lần, Singapore gấp 1,7 lần và Philippines gấp 1,5 lần.
Từ năm 2008, Việt Nam đã chính thức trở thành quốc gia có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người đạt 1.145 USD, đến năm 2014 tăng lên 2.052 USD.
Tuy nhiên, với mức bình quân này, Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình thấp và chỉ ngang bằng mức GDP bình quân đầu người của Malaysia năm 1988, Thái Lan năm 1993, Indonesia năm 2008, Philippines năm 2010 và Hàn Quốc năm 1982.
Xét trên giác độ GDP bình quân đầu người, Việt Nam đang đi sau Hàn Quốc khoảng 30-35 năm, sau Malaysia khoảng 25 năm; sau Thái Lan khoảng 20 năm, và sau Indonesia và Philippines khoảng 5-7 năm.
Việt Nam vẫn là nền kinh tế khuyến khích nhập khẩu để gia công lắp ráp và mang tính đầu cơ
“Đi khác để vượt lên?”
Trong khi thời đại đang chuyển nhanh sang công nghệ cao. Thời đại toàn cầu hóa, liên kết, hội nhập sâu rộng. Mạng – chuỗi toàn cầu, Luật chơi toàn cầu đẳng cấp cao. Cục diện thế giới thay đổi sâu sắc chưa từng thấy với nhiều xung đột, bất ổn, bất định, khó dự đoán, rủi ro cao.
PGS, TS. Trần Đình Thiên thẳng thắn rằng, sau kinh nghiệm thực tiễn WTO cho thấy, rất không dễ dàng, nhiều cơ hội tiềm năng, nhưng đầy rủi ro hiện thực.
Hội nhập nhiều tuyến, đẳng cấp cao nhất đang là cơ hội tiến lên về thể chế và công nghệ, nhưng câu hỏi đặt ra là “liệu Việt Nam có vượt qua được chính mình?”, vị chuyên gia này trăn trở.
Để khắc phục những hạn chế, về tầm nhìn dài hạn ông Thiên cho rằng, cần định vị tương lai. Theo đó, cần lựa chọn nước công nghiệp nào là hình mẫu cho Việt Nam.
Ông đề xuất, với tư cách là nước đi sau, nên chọn mẫu Hàn Quốc, cả về chân dung cơ bản lẫn cách thức triển khai
Song, “Đi sau, nhưng không “đi theo”, mà đi khác để vượt lên”, ông Thiên lưu ý.
Bên cạnh đó, đổi mới mô hình tăng trưởng là sống còn, phải triệt để theo hướng kinh tế thị trường hiện đại, theo chuẩn cam kết hội nhập.
Đặc biệt, kinh tế tư nhân là động lực chính, các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn là trụ cột. Nhà nước pháp quyền phục vụ thị trường và quản lý quá trình hội nhập; xây dựng xã hội dân sự.
Ở một góc độ khác, GS, TS. Nguyễn Quang Thái cho rằng, để phát triển, chúng ta không phải “thoát Trung”, “chống Trung”, mà phải có cách khác biệt để vượt gian khó.
Theo vị giáo sư này, chúng ta cần đổi mới tư duy phát triển cho phù hợp với điện kiện kinh tế thị trường toàn cầu hóa. Điều này đòi hỏi các nhà lãnh đạo, nhà nghiên cứu hoạch định chính sách phải có tư duy uyển chuyển hơn, phù hợp với thế giới đang chuyển biến nhanh.
Cần đổi mới mạnh mẽ thể chế kinh tế, bao gồm cả hệ thống luật lệ; tổ chức bộ máy, tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức, cũng như các quy chế, quy tắc của chế độ quản lý kinh tế.
Đây là các công việc khó khăn do Việt Nam đã và sẽ ký kết hàng loạt các thỏa thuận đa phương và song phương liên quan đến câc FTA thế hệ mới.
Hệ thống thể chế mới sẽ tạo điều kiện để kinh tế Việt Nam có thể chủ động tham gia thâm nhập thị trường đa dạng và cạnh tranh thành công.
“Muốn vậy, cần có những sửa đổi hệ thống luật lệ rất nhiều. Khi đó, cần có phương thức sửa đổi dưới dạng “tư chính án”, chứ không phải làm lại Luật từ đầu. Thậm chí, nếu sửa một quy định nào đó, thì các quy định tương tựu cũng phải thay đổi trong cả các Luật khác ban hành trước đó. Như vậy, nhà làm luật cần có đánh giá đâu là luật “chủ” để sửa cho thuận lợi”, ông Thái chỉ rõ.
Rất thẳng thắn, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, trong thời điểm này việc tìm đột phá 2016-2020 là hơi muộn, đáng phải tổ chức từ 2013, từ khi có ý tưởng làm văn kiện.
Ông nhấn mạnh, điều quan trọng hiện nay không phải là cải cách thể chế thế nào mà phải là cách thực thi ra sao? Đặc biệt, chính trị chúng ta chưa đổi mới.
Ông một lần nữa nhấn mạnh xây dựng 3 trụ cột của nền kinh tế: xã hội dân sự, kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền./.
Bình luận