Đang có một dòng chảy khác đi ngược với Nghị quyết 19
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Huy Thắng
Thực hiện còn rất chậm
Ngày 12/03/2015, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cho giai đoạn 2015-2016.
Tại cuộc hội thảo “Thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” do Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với dự án của Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 18/6, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, ông David Aderson cho rằng, các mục tiêu của Nghị quyết 19 năm 2015 là “cụ thể hơn và tham vọng hơn” so với Nghị quyết năm 2014, phản ánh quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ.
Nghị quyết 19 năm 2015 của Chính phủ đề ra 13 nhiệm vụ, giải pháp tổng thể, 80 giải pháp cụ thể cho các bộ, địa phương. Theo yêu cầu, đến 30/4/2015 các đơn vị phải có kế hoạch, chương trình hành động.
Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, các bộ, cơ quan và địa phương lại chưa mặn mà trong triển khai Nghị quyết.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Phó Trưởng Ban môi trường kinh doanh CIEM cho biết, thống kê đến ngày 17/06/2015, mới có 11 bộ và 11 UBND tỉnh, thành phố có kế hoạch hành động.
Như vậy, còn 14 bộ, cơ quan giao nhiệm vụ nhưng chưa có kế hoạch hành động, 52 UBDN tỉnh chưa có kế hoạch hành động, trong đó có cả TP. Hồ Chí Minh - địa phương được Ngân hàng Thế giới (WB) chọn để điều tra đánh giá xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai thực hiện rà soát và đã có báo cáo kiến nghị bãi bỏ 3.299 điều kiện kinh doanh ban hành trái thẩm quyền. Tương ứng là 6.475 điều kiện kinh doanh thuộc các cấp độ khác nhau, trong đó có 3.299 điều kiện đang quy định tại 170 Thông tư, quyết định của các bộ.
Rà soát cho thấy, một số bộ và hầu hết các địa phương chưa nắm được phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết 19, do đó việc xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động chưa bám sát chỉ tiêu theo yêu cầu.
Hầu hết kế hoạch hành động của các bộ chưa cụ thể hóa cách thức triển khai thực hiện và dự kiến kết quả đạt được. Ví dụ Bộ Xây dựng “bóc nguyên xi” kế hoạch chung năm 2015 của Bộ Xây dựng là rà soát 12 nghị định, 3 đề án, 42 thông tư… trong đó các thông tư không mấy liên quan đến việc triển khai Nghị quyết 19, như: nói về thi đua khen thưởng, tinh giảm biên chế…
Các kế hoạch hành động của UBND các tỉnh chưa bám sát các chỉ tiêu và thông lệ quốc tế, chưa nêu rõ cách thức và lộ trình triển khai thực hiện.
Đặc biệt, nhiều địa phương còn lúng túng chưa hiểu rõ các chỉ tiêu đề ra, khi giao nhiệm vụ cho các đơn vị thường chung chung và không có lộ trình cụ thể. Cùng với đó, nhiều đơn vị cũng chưa chủ động triển khai, kiểm tra giám sát việc thực hiện các giải pháp.
Đồng tình với nhận định địa phương còn rất lúng túng trong triển khai Nghị quyết 19, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cung cấp thêm thông tin: Trong một hội thảo, khi chúng tôi hỏi có doanh nghiệp nào đã từng đọc Nghị quyết 19 chưa, thì không một cánh tay nào giơ lên. Họ chỉ nghe trên báo chí.
“Vì thế, chúng tôi không ngạc nhiên khi địa phương còn lúng túng không biết thực hiện Nghị quyết 19 như thế nào?”, ông Tuấn nói.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung cũng thẳng thắn thừa nhận: "Việc các địa phương còn chưa hiểu rõ các chỉ tiêu và đặt ra kế hoạch hành động cụ thể một phần do lỗi của chúng tôi và sắp tới CIEM sẽ phải phối hợp triển khai tốt hơn việc cung cấp thông tin, giải thích rõ hơn để hỗ trợ các địa phương triển khai".
Đang còn nhiều biểu hiện trái với tinh thần Nghị quyết 19
Điều đáng lo ngại, theo TS Nguyễn Đình Cung, là việc không ít bộ ngành còn ban hành thêm nhiều thủ tục, quy định không phù hợp với tinh thần Nghị quyết 19.
Ông Cung thẳng thắn chỉ ra một vài ví dụ, như: việc xây dựng dự thảo thông tư quy định việc kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế.
Hay dự thảo thông tư về môi giới bất động sản đang được đưa ra lấy ý kiến, theo ông Cung, cũng là không phù hợp với tinh thần Nghị quyết 19 là giảm hồ sơ, giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp…
TS. Nguyễn Đình Cung cho hay, mặc dù việc xã hội hóa dịch vụ công đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rất quan tâm thực hiện, nhưng từ Nghị quyết 19 năm ngoái đến nay chưa có sự thay đổi, chưa nói đến có xu hướng, cơ quan quản lý nhà nước lại thu về.
Điển hình là vấn đề đào tạo. Hiện nay, các bộ ra thông tư, nghị định có điều kiện về hiểu biết gì đó, để có thể tổ chức lớp học để cấp chứng chỉ.
“Việc đó thì đáng lẽ bộ chỉ đưa ra tiêu chuẩn về chương trình chứ không nhất thiết tổ chức các lớp như thế làm mất thị trường của các tổ chức đào tạo. Đó là xu hướng tôi quan sát thấy rõ nét và nên chặn lại chứ không nên để nó tiếp tục như thế này”, ông Cung nói.
Hiện là thời điểm phù hợp để “thúc” triển khai Nghị quyết 19
Theo Ông Đậu Anh Tuấn, khoảng cách giữa triển khai và văn bản rất cách xa nhau, vì thế cần làm đậm những vấn đề đã thực hiện được trong thực tế.
Các địa phương rất lúng túng về nghị quyết 19, vai trò của cấp tỉnh, cấp địa phương rất quan trọng, trong khi đây là cấp hết sức quan trọng
“Vì thế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cụ thể là CIEM cần đi tỉnh nhiều hơn để thúc đẩy thực hiện Nghị quyết 19”.
Ông Tuấn cho rằng, năm nay là thời gian phù hợp nhất thực hiện Nghị quyết 19. Bởi, sang năm 2016, sau khi nhân sự và đại hội đảng các cấp đã thành công, thì sợ rằng sẽ khó thay đổi được gì, vì khi đó, quyết tâm chính trị của người đứng đầu không con như ban đâu.
Còn theo ông Trần Hữu Huỳnh, Trung tâm Trọng tài quốc tế, để thúc đẩy quá trình thực hiện Nghị quyết 19, việc đầu tiên phải làm là phê bình các bộ chưa làm, biểu dương các bộ đã làm.
“Nhiều mục tiêu Nghị quyết 19 nếu không có cải cách thực sự, thì không thể làm được. Khi tòa án chưa vào cuộc, hiệp hội chưa vào cuộc, truyền thông đưa nhưng chưa mang tính hệ thống, thì khó có thể thúc ép Nghị quyết 19 thành hành động”, ông Huỳnh thẳng thắn.
Đồng tình với quan điểm của ông Huỳnh, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng: "Bên cạnh việc rà soát các thủ tục hiện tại, cần kiểm soát chặt việc xuất hiện dòng chảy các quy định mới bồi đắp thêm, phát sinh thủ tục, chi phí ngấm ngầm đi ngược lại với tinh thần của Nghị quyết 19, vì các lợi ích cá nhân, gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp".
CIEM sẽ thu thập các ý kiến phản hồi đóng góp để tổng hợp báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 19 trong tuần tới.
Song, TS. Cung cũng lưu ý rằng, vai trò của CIEM, như bếp lửa hâm nóng quá trình cải cách và đây là hoạt động hâm nóng quá trình triển khai Nghị quyết 19. Vì thế, như một vị đại biểu đã phát biểu trước đó,“nếu có đốt, đừng đốt nóng quá, kẻo mà không chịu được thì gay”, người đứng đầu CIEM dí dỏm./.
Bình luận