ThS. Nguyễn Minh Thoại

Email: thoainm@uel.edu.vn

ThS. Nguyễn Thị Lài

Email: laint@uel.edu.vn

Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

ThS. Phan Thị Phương Linh

Email: ptplinh@sgu.edu.vn

Trường Đại học Sài Gòn

Tóm tắt

Bài nghiên cứu nhằm đánh giá năng lực cạnh tranh và thị phần trong hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Mỹ so với các quốc gia khác trên thế giới trong giai đoạn các năm 2004-2023. Sử dụng chỉ số năng lực cạnh tranh RCA-Revealed Comparative Advantage và chỉ số thị phần MS-Market share cùng dữ liệu thu thập từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, kết quả phân tích cho thấy, Việt Nam đã duy trì được khả năng cạnh tranh từ 2004-2018. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến 2023 vị thế năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã giảm rất nhiều do một số nguyên nhân, như: (i) Tác động của dịch bệnh và biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng cà phê của Việt Nam; (ii) Biến động về giá cả và chi phí sản xuất; (iii) Thay đổi về chính sách thương mại và thuế nhập khẩu. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng cà phê Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ trong thời gian tới.

Từ khóa: năng lực cạnh tranh, xuất khẩu cà phê, Việt Nam, thị trường Mỹ

Summary

The research evaluates competitiveness and market share of Vietnam's coffee exports to the US from 2004-2023 compared to other countries in the world. Using RCA (Revealed Comparative Advantage) and MS-Market share with data collected from the International Trade Center, the research indicates that Vietnam maintained its competitiveness from 2004 to 2018. However, from 2019 to 2023, Vietnam's competitive position decreased greatly due to (i) the impact of Covid-19 and climate change affecting Vietnam's coffee output and quality; (ii) fluctuations in prices and production costs; (iii) changes in trade policies and import taxes. From those findings, some recommendations are suggested to improve the competitiveness of Vietnam's coffee export to the US in the coming time.

Keywords: competitiveness, coffee export, Viet Nam, the US market

GIỚI THIỆU

Nhu cầu sử dụng cà phê trên thị trường thế giới nói chung và thị trường Mỹ nói riêng ngày càng tăng dẫn đến nhu cầu nhập khẩu cà phê của các nước trên thế giới tăng, trong đó có nhập khẩu từ Việt Nam. Là một trong những ngành hàng có giá trị xuất khẩu lớn, vị thế cạnh tranh của ngành cà phê của Việt Nam cũng luôn đứng trong top 12 quốc gia xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới sang thị trường Mỹ cùng với Brazil, Columbia, Indonesia trong giai đoạn từ năm 2004 đến 2023. Với giá trị đem lại của mặt hàng xuất khẩu cà phê Việt Nam rất ấn tượng như vậy, năng lực cạnh tranh và thị phần xuất khẩu cà phê của Việt Nam so với các quốc gia khác trên thế giới là vấn đề rất cần được quan tâm và nghiên cứu để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thị phần ngành xuất khẩu cà phê Việt Nam sang thị trường Mỹ, một ngành đang chiếm một tỷ lệ khá cao trong lĩnh vực xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam. Đây cũng là lý do nhóm tác giả lựa chọn nghiên cứu đề tài này.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cở sở lý thuyết và tổng quan nghiên cứu

Adam Smith (1776) cho rằng, thương mại quốc tế sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia tham gia. Ông nhấn mạnh mỗi quốc gia nên tập trung vào việc sản xuất và xuất khẩu những mặt hàng mà họ có lợi thế tương đối và nhập khẩu những mặt hàng mà họ không sản xuất hiệu quả. Liesner (1958) dựa trên lý thuyết lợi thế cạnh tranh của Ricardo mở rộng vấn đề phát triển của thương mại quốc tế, trong đó, lý thuyết của Liesner chủ yếu tập trung vào việc giải thích sự đa dạng hóa của sản xuất và xuất khẩu của các quốc gia. Sau này, nhà kinh tế học Balassa (1965) đã đưa ra khái niệm về năng lực cạnh tranh xuất khẩu của các quốc gia thông qua chỉ số năng lực cạnh tranh (Revealed Comparative Advantage – RCA) và được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu và phân tích đo lường lợi thế so sánh năng lực cạnh tranh của hàng hóa giữa các quốc gia bằng cách so sánh giá trị tính toán.

Một số nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước dựa trên lý thuyết về năng lực cạnh tranh của Balassa (1965) đã đánh giá khả năng cạnh tranh giữa các quốc gia trong cùng một ngành xuất khẩu cà phê sang thị trường thế giới, như: Maria và cộng sự (2012) nghiên cứu về năng lực cạnh tranh trong ngành hàng cà phê của Colombia và Việt Nam, hai quốc gia xuất khẩu lớn về cà phê trên thế giới. Nghiên cứu đánh giá năng lực cạnh tranh trên các khía cạnh về cơ sở hạ tầng, vai trò của các cú sốc bên ngoài, việc áp dụng công nghệ ở các giai đoạn sản xuất khác nhau, giá trị, định vị ở cả thị trường trong nước và toàn cầu, mô hình quốc tế hóa, đổi mới tiếp thị và xây dựng thương hiệu, khung pháp lý và môi trường chính sách; Pratita và cộng sự (2021) đánh giá lợi thế so sánh và hiệu quả xuất khẩu của cà phê Indonesia và Việt Nam. Phương pháp định lượng đã được sử dụng bằng cách tính toán Lợi thế so sánh bộc lộ (RCA). Kết quả nghiên cứu cho thấy, giá trị RCA của Indonesia thấp hơn của Việt Nam, (5,52 < 8,57), nguyên nhân là do thành tích xuất khẩu cà phê của Indonesia thấp hơn so với của Việt Nam.

Ở trong nước, nghiên cứu của Trần Nho Quyết và cộng sự (2022) cho thấy, xuất khẩu cà phê Việt Nam có lợi thế thương mại lớn so với các nước Liên minh châu Âu (EU). Dựa vào chỉ số RCA, nghiên cứu đã đề xuất một số đối sách cho Chính phủ, cũng như các doanh nghiệp kinh doanh cà phê góp phần tận dụng các lợi thế để thúc đẩy xuất khẩu cà phê Việt Nam sang EU. Các đối sách tập trung vào các giải pháp, như: nâng cao chất lượng cà phê đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao của EU, tăng đầu tư chế biến sâu, sản xuất theo chuỗi, đảm bảo các điều kiện về truy xuất nguồn gốc, xây dựng và phát triển thương hiệu riêng cho cà phê Việt Nam tại EU. Bên cạnh đó, nghiên cứu của Thanh Kim và Trần Thị Hoàng Hà (2022) chỉ ra rằng, mặc dù cà phê đang là nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhưng xuất khẩu cà phê chưa có tính bền vững. Điều này thể hiện trên các góc độ: tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cà phê/GDP giảm liên tục trong những năm qua, thị phần mặt hàng cà phê Việt Nam trên thế giới cũng giảm từ mức trên 10% xuống còn 7%, chỉ số RCA của mặt hàng cà phê Việt Nam cũng giảm mạnh trong những năm qua, diện tích trồng cà phê ở Việt Nam cũng biến động, không ổn định tùy thuộc vào giá cả cà phê xuất khẩu.

Phương pháp nghiên cứu

Bài viết sử dụng chỉ số năng lực cạnh tranh - RCA của Balassa (1965) để đo lường lợi thế cạnh tranh tương đối sản phẩm cà phê của Việt Nam so với các quốc gia xuất khẩu cà phê vào thị trường Mỹ. Công thức tính RCA của nhà kinh tế học Balassa (1965) như sau:

Đánh giá năng lực cạnh tranh xuất khẩu cà phê Việt Nam vào thị trường Mỹ

Trong đó, xij là giá trị xuất khẩu mặt hàng i của quốc gia j; xj là tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của quốc gia j; xwi là tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng i của thế giới; xw là tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của thế giới.

Đồng thời, bài nghiên cứu cũng sử dụng chỉ số thị phần xuất khẩu (MS-Export Maket Share index) (Han và Kan, 2009) để đo lường thị phần cà phê xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường Mỹ. Chỉ số MS là một công cụ được sử dụng để đo lường thị phần của một quốc gia trong thị trường xuất khẩu toàn cầu cho một mặt hàng cụ thể, được xác định bằng công thức:

Đánh giá năng lực cạnh tranh xuất khẩu cà phê Việt Nam vào thị trường Mỹ

Trong đó, xij là giá trị xuất khẩu mặt hàng i của quốc gia j; xiw là giá trị xuất khẩu của toàn thế giới về mặt hàng i.

Nhóm tác giả sử dụng dữ liệu thống kê về giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới nằm trong top 12 quốc gia xuất khẩu cà phê sang thị trường Mỹ để tính RCA. Dữ liệu được thu thập từ website của Trung tâm Thương mại Quốc tế (International Trade Center-ITC) từ năm 2004 đến năm 2023.

THỰC TRẠNG NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA XUẤT KHẨU CÀ PHÊ VIỆT NAM VÀO THỊ TRƯỜNG MỸ GIAI ĐOẠN 2004-2023

Xét về giá trị xuất khẩu

Hình 1: Giá trị xuất khẩu cà phê của 12 nước tại thị trường Mỹ

Đánh giá năng lực cạnh tranh xuất khẩu cà phê Việt Nam vào thị trường Mỹ
Nguồn: ITC

Số liệu thống kê của ITC về kết quả xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Mỹ trong giai đoạn các năm 2004-2023 (Hình 1) cho thấy, Việt Nam đang dần gia tăng giá trị trong xuất khẩu, sản lượng cà phê tăng qua các năm từ 130.062 nghìn USD năm 2004 lên 365.751 nghìn USD vào năm 2023 và vẫn giữ vị trí thứ 9 trong 12 quốc gia hàng đầu về xuất khẩu cà phê sang thị trường Mỹ. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu đạt mức cao nhất là vào năm 2012 với 636.802 nghìn USD, do việc tăng cường thông tin thị trường tốt đã giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nắm rõ diễn biến giá cả, từ đó, chủ động bán ra để có lợi nhuận cao nhất. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm xuống khá mạnh từ 413.518 nghìn USD năm 2018 xuống 297.660 nghìn USD (2019), đến năm 2020 còn 293.859 nghìn USD và năm 2021 chỉ còn 282.620 nghìn USD, nguyên nhân là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn thế giới trong giai đoạn này. Đến năm 2022, giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam bắt đầu tăng trở lại với giá trị 353.177 nghìn USD và tăng nhẹ vào năm 2023. Mặc dù có những biến động trong hoạt động xuất khẩu cà phê sang thị trường Mỹ trong giai đoạn này, nhưng Việt Nam vẫn nằm trong top 10 quốc gia có giá trị xuất khẩu cà phê lớn nhất vào thị trường Mỹ và đứng trên 3 quốc gia xuất khẩu lớn mặt hàng này là: Indonesia, Peru và Costa Rica (ITC).

Xét về chỉ số RCA so với các quốc gia khác

Dựa theo công thức của Balassa (1965), chỉ số năng lực cạnh tranh – RCA của mặt hàng cà phê xuất khẩu Việt Nam so với các quốc gia khác tại thị trường Mỹ được tính như sau:

Đánh giá năng lực cạnh tranh xuất khẩu cà phê Việt Nam vào thị trường Mỹ

Trong đó, xij là giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Mỹ (USD); xj là tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam (USD); xwi là tổng giá trị xuất khẩu cà phê của 12 nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê vào thị trường Mỹ (USD); xw là tổng giá trị xuất khẩu của 12 nước đứng đầu về xuất khẩu cà phê sang thị trường Mỹ (USD).

Điển hình như năm 2023, theo số liệu thống kê của ITC, giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Mỹ là 413.518 nghìn USD; tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ là 118.940.929 nghìn USD; tổng giá trị xuất khẩu cà phê của 12 quốc gia sang Mỹ là 4.953.539 nghìn USD; tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của 12 quốc gia sang Mỹ là 1.205.359.119 nghìn USD. Theo công thức RCA, chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam vào năm 2023 là:

RCA = (413.518.000/118.940.929.000)/(4.953.539.000/1.205.359.119.000) = 0,057

Tương tự, có thể tính toán chỉ số này cho 11 quốc gia từ năm 2004 đến 2023 theo dữ liệu thống kê của ITC.

Hình 2: Chỉ số RCA của 12 nước xuất khẩu cà phê tại thị trường Mỹ

Đánh giá năng lực cạnh tranh xuất khẩu cà phê Việt Nam vào thị trường Mỹ
Nguồn: Tính toán của tác giả dựa trên số liệu của ITC

Hình 2 cho thấy, Guatemala có chỉ số RCA xuất khẩu cà phê tốt nhất trên thị trường Mỹ từ năm 2004 đến năm 2014, giá trị xuất khẩu cà phê của Guatemala tăng từ 3.359.119 nghìn USD năm 2004 lên 4.536.272 ngìn USD vào năm 2014 và dao động tăng, giảm nhẹ qua các năm tới năm 2024. Kế tiếp là Nicaragua, có chỉ số RCA cà phê xuất khẩu đứng thứ 2 từ năm 2004 đến 2014. Từ năm 2015 tới 2023, Colombia đã vượt lên đứng đầu trong cạnh tranh về xuất khẩu cà phê sang thị trường Mỹ. Đặc biệt là Honduras duy trì được năng lực cạnh tranh tương đối đều qua các năm.

Chỉ số RCA xuất khẩu cà phê của Việt Nam qua các năm cũng có những thay đổi đáng kể, cụ thể giữ vị trí thứ 5/12 quốc gia về năng lực cạnh tranh xuất khẩu cà phê sang thị trường Mỹ từ năm 2004 đến năm 2007, sau đó tụt xuống vị trí thứ 8 vào năm 2008 và 2009, nguyên nhân là do tình hình khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê giảm đáng kể. Điều này đã làm giảm cả giá và lượng xuất khẩu của phê từ Việt Nam sang Mỹ. Năm 2010, năng lực cạnh tranh của Việt Nam vươn lên vị trí thứ 6, sau đó, giảm xuống lần lượt vị trí thứ 7, 8 qua các năm từ năm 2011 đến năm 2018. Nguyên nhân là do biến động về giá cả và chi phí sản xuất, sự cạnh tranh từ Brazil, Colombia và Indonesia tăng lên do các nước này có thể đã tăng cường sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu cà phê vào thị trường Mỹ. Thực trạng này dẫn tới việc các nước trên cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam; từ đó, làm giảm thị phần xuất khẩu cà phê của Việt Nam vào Mỹ. Bên cạnh đó, một số yếu tố khác cũng làm giảm năng lực cạnh tranh của cả phê xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Mỹ, đó là chất lượng cà phê từ Việt Nam chưa đáp ứng đủ yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng và thương hiệu sản phẩm chưa có một hình ảnh thương hiệu mạnh mẽ trên thị trường Mỹ.

Từ năm 2019 đến 2023, chỉ số RCA xuất khẩu cà phê vào thị trường Mỹ của Việt Nam đã bắt đầu yếu dần so với các năm trước đó do các yếu tố chính, như: tác động của dịch bệnh và biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng cà phê, biến động về giá cả và chi phí sản xuất, thay đổi về chính sách thương mại và thuế nhập khẩu.

Xét về thị phần xuất khẩu so với với các quốc gia khác

Chỉ số thị phần xuất khẩu (MS-Export Maket Share index) của cà phê Việt Nam được xác định bằng công thức do Han và Kan (2009) xây dựng, cụ thể như sau:

Đánh giá năng lực cạnh tranh xuất khẩu cà phê Việt Nam vào thị trường Mỹ

Trong đó, xij là giá trị xuất khẩu cà phê của từng quốc gia trong top 12 quốc gia xuất khẩu sang Mỹ; xiw là tổng giá trị xuất khẩu cà phê của toàn 12 quốc gia sang thị trường Mỹ.

Điển hình như năm 2023, theo số liệu tính toán của ITC, giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Mỹ là 413.518 nghìn USD; tổng giá trị xuất khẩu cà phê của 12 quốc gia sang Mỹ là 4.953.539 nghìn USD. Dựa vào công thức trên tính được thị phần xuất khẩu cà phê của Việt Nam vào thị trường Mỹ năm 2023 như sau:

MS = (413.518.000/4.953.539.000) x100% = 5%

Tương tự có thể tính toán cho số MS của 11 quốc gia từ năm 2004 đến 2023 theo dữ liệu thống kê của ITC.

Hình 3: Thị phần xuất khẩu cà phê của 12 nước tại thị trường Mỹ (%)

Đánh giá năng lực cạnh tranh xuất khẩu cà phê Việt Nam vào thị trường Mỹ
Nguồn: Tính toán của tác giả dựa trên số liệu của ITC

Hình 3 cho thấy, trên thị trường Mỹ, 2 quốc gia Brazil và Colombia luôn giữ vị trí hàng đầu về thị phần xuất khẩu cà phê từ năm 2004 đến 2023, Việt Nam dao động ở vị trí 5,6 về thị phần xuất khẩu cà phê từ năm 2004 đến 2018, thay đổi vị trí với Indonesia cùng là quốc gia trong khu vực Châu Á xuất khẩu cà phê sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, từ năm 2019, thị phần xuất khẩu cà phê của Việt Nam bắt đầu giảm đáng kể, một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và cạnh tranh từ các quốc gia khác trên thế giới. Mặt khác, thị phần xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm do sự thay đổi trong sở thích và nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ, những biến động về tỷ giá hối đoái và chất lượng sản phẩm và hình ảnh thương hiệu cà phê của Việt Nam.

KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý QUẢN TRỊ

Kết quả đánh giá và phân tích năng lực cạnh tranh xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Mỹ thông qua chỉ số RCA và thị phần xuất khẩu cho thấy, Việt Nam đã duy trì được thị phần xuất khẩu cà phê vào thị trường Mỹ trong Top 12 quốc gia trên thế giới xuất khẩu cà phê trong giai đoạn 2004-2023. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến 2023, vị thế năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã giảm rất nhiều với giá trị xuất khẩu có xu hướng giảm do các nguyên nhân, như: (i) Tác động của dịch bệnh và biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng cà phê của Việt Nam; (ii) Biến động về giá cả và chi phí sản xuất, (iii) Thay đổi về chính sách thương mại và thuế nhập khẩu.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu này, nhóm tác giả đưa ra một số hàm ý quản trị cho các doanh nghiệp và nhà sản xuất, xuất khẩu nhằm có các giải pháp hữu hiệu khôi phục năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu cà phê của Việt Nam vào thị trường Mỹ, một trong những thị trường lớn nhất và cạnh tranh khốc liệt nhất trên thế giới. Theo đó, các doanh nghiệp và nhà xuất khẩu cần phải nắm vững một số yếu tố quan trọng sau:

Chất lượng đạt tiêu chuẩn: Mỹ là một thị trường đòi hỏi chất lượng cao và đa dạng về sản phẩm cà phê. Các nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê Việt Nam cần đảm bảo rằng, sản phẩm của họ đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm của Mỹ.

Giá cả cạnh tranh: Các nhà sản xuất cà phê Việt Nam cần có chiến lược giá cả phù hợp để có thể cạnh tranh được với các đối thủ từ các quốc gia xuất khẩu lớn khác trong khu vực và trên thế giới, như: Brazil, Colombia hay Indonesia.

Tiếp thị, xây dựng thương hiệu và nắm bắt xu hướng thị trường Mỹ: Các doanh nghiệp xuất khẩu cần đầu tư vào chiến lược tiếp thị, xây dựng thương hiệu một cách hiệu quả và nắm bắt kịp thời xu hướng tiêu dùng của thị trường Mỹ.

Tăng cường hợp tác trong chuỗi cung ứng: Xây dựng mối quan hệ tốt với các đối tác trong chuỗi cung ứng cà phê cũng rất quan trọng. Việc hợp tác với các nhà nhập khẩu, nhà phân phối và các đối tác kinh doanh khác có thể giúp các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cà phê Việt Nam tối ưu hoá cơ hội và giảm thiểu rủi ro trong xuất khẩu vào thị trường Mỹ./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Balassa, B., (1965), Trade liberalization and revealed comparative advantage. Manchester Sch, 33(2), 99-123, https://doi.org/10.1111/j.1467-9957.1965.tb00050.x.

2. Dian, G. P. and Rahmat, B (2021), Comparative Advantage and Export Performance of Indonesia and Vietnam Coffee to the US Market during 2001-2019, Agriekonomika, 10(2),137-144, http://doi.org/10.21107/agriekonomika.v10i2.10507.

3. Han, X.W. Y. and Kan, S. (2009), The global competitiveness of the Chinese wooden furniture industry, Forest Policy and Economics, 11(8), 561-569.

4. International Trade Center - ITC, Trade Statistics 2004-2023, retrieved from: https://intracen.org/resources/data-and-analysis/trade-statistics#export-of-goods.

5. Liesner, H.H. (1958), The European common market and British industry, The Economic Journal, 68(270), 302-16; https://doi.org/10.2307/2227597.

6. Maria‐Alejandra Gonzalez‐Perez, Santiago Gutierrez‐Viana (2012), Cooperation in coffee markets: the case of Vietnam and Colombia, Journal of Agribusiness in Developing and Emerging Economies, Emerald Group Publishing Limited, 2(1), 57-73, DOI: 10.1108/20440831211219237.

7. Perez, M.A.G. and Santiago, G.V. (2012), Cooperation in coffee markets: The case of Vietnam and Colombia, Journal of Agribusiness in Developing and Emerging Economies, 2(1), 57-73.

8. Pratita, Dian Galuh and Budiarto, Rahmat (2021), Comparative Advantage and Export Performance of Indonesia and Vietnam Coffee to the US Market during 2001-2019, AGRIEKONOMIKA, 10(2),137-144, ISSN 2301-9948.

9. Smith, A., (1776), An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations, The Glasgow edition of the works and correspondence of Adam Smith, William B. Todd (ed), Vol 2, https://doi.org/10.1093/oseo/instance.00043218.

10. Thanh Kim, Trần Thị Hoàng Hà (2022), Phát triển bền vững xuất khẩu nông sản Việt Nam - nghiên cứu điển hình mặt hàng cà phê, Tạp chí Khoa học thương mại, số 166.

11. Trần Nho Quyết, Guang Ji Tong và Nguyễn Thị Thanh Hiền (2022), Lợi thế thương mại xuất khẩu cà phê Việt Nam sang EU, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Lâm nghiệp, 2(137-142); https://doi.org/10.55250/jo.vnuf.2022.2.137-142.

Ngày nhận bài: 8/5/2024; Ngày phản biện: 15/5/2024; Ngày duyệt đăng: 31/5/2024