Tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế đã giảm tốc rõ rệt trong quý IV/2022.

Đâu là động lực để kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,5% trong năm 2023?

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Lê Trung Hiếu nhận định, nhiều tỉnh, thành phố trong năm qua đã phục hồi mạnh mẽ và đạt được mức tăng trưởng cao.

9 tháng đầu năm là một bức tranh tươi sáng, nhưng 3 tháng cuối năm, bức tranh đang trở nên "kém sáng"

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Lê Trung Hiếu nhận định, năm 2022, các khu vực kinh tế đều đạt những kết quả đáng khích lệ. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế với kết quả tăng trưởng ấn tượng của ngành thủy sản; ngành nông, lâm nghiệp phát triển ổn định.

Khu vực công nghiệp và xây dựng cũng đã có mức tăng trưởng tương đối cao, khi đạt 9,2% trong 9 tháng đầu năm, đặc biệt ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã phục hồi và tăng tốc với mức tăng trưởng 2 con số. Cả năm 2022, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%; khu vực dịch vụ cũng đã có sự phục hồi bắt đầu từ quý II và tăng trưởng đỉnh cao trong quý III kể từ khi Việt Nam kiểm soát và thực hiện chính sách sống chung với dịch Covid-19, tăng trưởng của khu vực dịch vụ đạt 9,99% trong năm 2022.

9 tháng đầu năm là một bức tranh tươi sáng cho kinh tế Việt Nam, nhưng 3 tháng cuối năm, bức tranh đang trở nên "kém sáng" do tác động của khu vực công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ lực có xu hướng tăng trưởng chậm, thậm chí tăng trưởng âm, như: Ngành sản xuất kim loại, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản xuất thiết bị điện, sản xuất giường tủ bàn ghế, sản xuất cao su... Tình trạng doanh nghiệp giải thể, người lao động buộc phải nghỉ việc hoặc giảm giờ làm đang phổ biến.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Hiếu, đến nhiều từ yếu tố bên ngoài và một phần yếu tố trong nước. Cụ thể có 3 yếu tố:

Các yếu tố bên ngoài gồm:

(i) Nhu cầu tiêu dùng quốc tế đang suy yếu: Chính sách tiền tệ thắt chặt ở Mỹ và các nước châu Âu nhằm kiểm soát lạm phát khiến tiêu dùng bị sụt giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, do đây là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam ngoài Trung Quốc. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bị cắt giảm đơn hàng hoặc đơn hàng lẻ tẻ, nên buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất.

(ii) Thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu: Việc Trung Quốc đóng cửa các nhà máy, đóng cửa nền kinh tế do thực thi chính sách Zero Covid đã dẫn đến làn sóng đứt gãy nguồn cung nguyên vật liệu của thế giới. Điều này tác động mạnh và trực tiếp tới Việt Nam, bởi nhiều ngành hàng của nước ta bị phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc như: dệt may, hóa chất, sản xuất kim loại, sản xuất điện tử... Việc phải tìm nguồn nguyên liệu mới thay thế cho nguồn cung đứt gãy trở nên càng khó khăn hơn, do việc tiếp cận thị trường mới bị hạn chế bởi chiến tranh Nga - Ucraina, kinh tế toàn cầu suy giảm và chi phí vận tải, logistics tăng cao.

(iii) Chi phí đầu vào tăng cao do các yếu tố phi kỹ thuật: Cuộc chiến tranh Nga – Ucraina kéo dài từ đầu năm đã chia cắt cung – cầu thế giới, đồng thời chia cắt các hướng tiếp cận thị trường quốc tế của Việt Nam. Đây là nguyên nhân đẩy giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu trên thế giới tăng cao, khiến chi phí đầu vào càng bị đội lên bởi các yếu tố phi kỹ thuật.

- Yếu tố bên trong

+ Lãi suất trong nước tăng mạnh, đặc biệt là lãi suất huy động thỏa thuận trên thị trưởng đang rất cao, chỉ sau giai đoạn 2009-2013 bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính thế giới ở Việt Nam. Lãi suất cao khiến tiêu dùng cuối cùng sẽ suy giảm, sản xuất trở nên khó khăn hơn, do chi phí sản xuất tăng cao ảnh hưởng lớn đến kế hoạch mở rộng quy mô kinh doanh của doanh nghiệp vì phải cân nhắc bởi chi phí trả lãi tăng cao, khả năng tiếp cận vốn vay khó khăn.

+ Đầu tư công triển khai chậm so với kế hoạch: Vướng mắc ở nhiều khâu triển khai thực hiện khiến đầu tư công đang bị tắc nghẽn, đặc biệt là vấn đề về thể chế, các quy định pháp lý đang cản trở việc triển khai đầu tư công ở hầu khắp các địa phương và bộ, ngành. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch khôi phục kinh tế của Việt Nam.

+ Năng lực nội tại của khối doanh nghiệp chưa phục hồi từ đại dịch, cộng với những khó khăn về thị trường, đơn hàng, nguồn hàng, khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, giãn giờ làm việc do thiếu hụt đơn hàng, sản xuất khó khăn, chi phí sản xuất ngày càng tăng cao.

Năm 2023, tăng trưởng 6,5%: Mục tiêu đầy thách thức

"Chịu ảnh hưởng lớn nhất tiếp tục đến từ khu vực công nghiệp và cụ thể là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Vấn đề đơn hàng, giá cả nguyên vật liệu, chi phí đầu vào chính là vấn đề cần giải quyết trong năm 2023 nếu muốn thoát khỏi sự trì trệ trong thời gian tới", ông Hiếu nói.

Cùng với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gặp nhiều khó khăn, lĩnh vực xuất, nhập khẩu, cầu nối cho hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước sẽ bị ảnh hưởng khi hàng hoá xuất khẩu giảm, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất giảm bởi cầu - cung trong nước và thế giới đều giảm.

"Bên cạnh những dự báo khó khăn trong lĩnh vực sản xuất và xuất, nhập khẩu, thì có thể tiêu dùng của hộ cư dân cũng sẽ chịu ảnh hưởng khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Việc làm giảm, lao động nghỉ việc sẽ tác động lớn tới thói quen chi tiêu dùng. Cầu tiêu dùng giảm cũng sẽ tác động ngược tới cung trong nước và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa. Đó là một bài toán cần đặt ra trong năm tới", ông Hiếu lưu ý.

Thế giới đang trong thời kỳ nhiều biến động, những thay đổi về kinh tế, địa chính trị và sinh thái đều tác động đến triển vọng toàn cầu, Việt Nam sẽ không nằm ngoài sự tác động này.

Bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2023 dần hiện rõ với dự báo tăng trưởng chậm lại trước những biến động của lạm phát cao, các vấn đề địa chính trị, xung đột vũ trang, thiên tai, dịch bệnh. Một số tổ chức quốc tế đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu như: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ mức tăng trưởng từ 2,9% xuống còn 2,7% so với thời điểm tháng 7/2022. Fitch Ratings điều chỉnh so với dự báo trong tháng 9/2022, từ mức 1,7% xuống còn 1,4%. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 xuống mức 2,2% thay vì 2,8% như trong dự báo hồi tháng 6.

"Như vậy, có thể thấy, bối cảnh quốc tế sẽ trở nên khó khăn hơn trong năm 2023 và sẽ tác động không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong bối cảnh này, Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 6,5%, thấp hơn kết quả đạt được của năm 2022 là 8,02%, tuy nhiên đây là mục tiêu đầy thách thức", ông Hiếu nhận định.

Đầu tư công vẫn là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế năm 2023

Lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng, mục tiêu tăng trưởng năm 2023 được xây dựng dựa trên các động lực chính.

Một là, hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản. Năm 2022, bất chấp mọi khó khăn do ảnh hưởng của hậu dịch Covid-19, xung đột Nga và Ukraina làm đứt gãy các chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu dùng toàn cầu; nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất như: Xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn…, nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định.

Nhờ vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đã tạo bước đột phá mạnh mẽ với sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu, nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng được đưa vào sản xuất.

Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, không chỉ bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước, mà còn khẳng định vị trí là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

"Với sự nỗ lực không ngừng, năm 2023 được dự báo vẫn sẽ là một năm gặt hái nhiều thành công của ngành này", ông Hiếu lạc quan.

Hai là, mặc dù có dấu hiệu sụt giảm trong quý IV/2022, nhưng một số ngành công nghiệp chế biến vẫn duy trì được mức tăng trưởng giá trị sản xuất khá tốt, nên đã giúp kiềm chế đà rơi mạnh của toàn ngành công nghiệp, như: Sản xuất đồ uống tăng 33%, chế biến thực phẩm tăng gần 12%, chế biến gỗ tăng 19%, sản xuất phương tiện vận tải tăng 16%, sản xuất khoáng phi kim loại tăng gần 12%... Đây sẽ tiếp tục là động lực của khu vực này trong năm 2023.

Ba là, du lịch phục hồi ấn tượng, đặc biệt là đối với du lịch nội địa (dự kiến tăng gấp gần 3 lần so với năm trước) kéo theo các hoạt động du lịch lữ hành; vận tải kho bãi; lưu trú, ăn uống; bán buôn, bán lẻ tăng trưởng mạnh, đang dần về mức như trước đại dịch. Đây là các ngành dịch vụ thị trường đóng góp lớn vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ nói chung.

Bốn là, cầu tiêu dùng hồi phục sau đại dịch và được hỗ trợ tối đa từ nhu cầu du lịch trong nước tăng mạnh từ giữa và nửa cuối năm 2022, đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Năm là, 2022 tiếp tục là năm thành công trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Nhờ vào đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn năm trước, như: Cà phê tăng 28,3%; cao su tăng 1,4%; gạo tăng 6,2%; hồ tiêu tăng 2,7%; sắn và sản phẩm sắn tăng 17,1%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 7%. Đáng chú ý là lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản đạt mốc 10,9 tỷ USD, tăng 22,9% so với năm 2021.

"Tiếp tục phát huy thành quả đã đạt được, năm 2023 hứa hẹn vẫn sẽ là một năm thành công của xuất khẩu các sản phẩm nông sản", ông Hiếu đưa ra nhận định.

Sáu là, đầu tư công sẽ là vốn mồi cho các hoạt động sản xuất, kích cầu của nền kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, đầu tư công giúp tăng tổng cầu, tạo việc làm nhờ thúc đẩy hoạt động xây dựng, mở rộng năng lực sản xuất cho các ngành kinh tế.

Trong dài hạn, đầu tư công giúp phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia, thúc đẩy tốc độ hồi phục kinh tế và tạo nền tảng cho tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Khi tiêu dùng sau giai đoạn phục hồi mạnh hậu dịch Covid-19 đã có dấu hiệu chậm lại và đầu tư nước ngoài vẫn là một ẩn số khi hiện nay vốn đăng ký giảm, dù vốn thực hiện có tăng, thì đầu tư công vẫn là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế năm 2023.

"Ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội thông qua đẩy mạnh và điều chỉnh có hiệu quả Chương trình phục hồi kinh tế trong năm 2023; lạm phát được kiểm soát là yếu tố giúp cho kinh tế Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng tốt", ông Hiếu nhấn mạnh các động lực tiếp theo hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế./.