Tại chương trình giao lưu - trao đổi với chủ đề “Nâng tầm hợp tác, thúc đẩy hoạt động thương mại - đầu tư doanh nghiệp Việt Nam - Lào”, ngày 31/8, bà Sonechan Phoutthavong, Tham tán Kinh tế - Thương mại, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam cho biết, Chính phủ Lào có chính sách xúc tiến đầu tư trong và nước ngoài dựa theo Luật Xúc tiến Đầu tư năm 2016 và văn bản luật liên quan khác của Lào trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.

Đầu tư vào thị trường Lào: Vẫn còn nhiều dư địa!
Các diễn giả tham gia phần thảo luận (từ trái qua phải): Ông Mạc Quốc Anh, ông Đỗ Quốc Hưng, ông Nguyễn Thanh Ngữ và bà Sonechan PHOUTTHAVONG. Ảnh: Quách Sơn

Thị trường Lào còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác

Bà Sonechan Phoutthavong cho biết, các chính sách thu hút các nhà đầu tư trong và nước ngoài đến đầu tư tại Lào gồm Chính sách xúc tiến đầu tư theo ngành với 9 ngành xúc tiến, trong đó có chính sách khuyến khích đầu tư về thuế quan, sử dụng đất…

Mối quan hệ hợp tác thương mại giữa Lào - Việt Nam là hợp tác đặc biệt và có truyền thống từ lâu đời kể từ lãnh đạo cấp cao nhà nước đến các cấp Bộ, ngành. Hai bên ký Hiệp định Thương mại song phương và Thương mại biên giới từ năm 2015. Lào luôn tăng cường xúc tiến và phát triển thương mại biên giới và dịch vụ thương mại kết nối với logistics quá cảnh với Việt Nam.

Trong giữa tháng 4/2022, hai Bộ Công Thương Lào - Việt Nam đã hoàn thành tổ chức Hội nghị hợp tác phát triển thương mại biên giới lần thứ 12 tại Viêng Chăn.

"Qua đó khẳng định hai bên sẽ tiếp tục nghiên cứu đưa ra các chính sách ưu đãi hơn nữa để thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực kinh tế, sản xuất và thương mại biên giới Lào - Việt Nam; cùng nhau nghiên cứu, sửa đổi Hiệp định đã có, đặc biệt là Hiệp định thương mại song phương; Hiệp định thương mại biên giới Lào - Việt Nam và Quyết định Hà Nội năm 2007 về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện và hàng hóa cho phù hợp với thực tế; tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận thị trường lẫn nhau", bà Tham tán cho biết.

Chính sách xúc tiến đầu tư theo ngành và vùng của Lào

Chính sách xúc tiến thực hiện theo 3 vùng gồm Vùng 1: Vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, cơ sở hạ tầng không thuận lợi cho việc đầu tư; Vùng 2: Khu vực có cơ sở hạ tầng thuận lợi cho đầu tư; Vùng 3: Khu kinh tế đặc biệt.

Nếu doanh nghiệp đầu tư vào 9 ngành khuyến khích và nằm trong Vùng 1, nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi miễn thuế lợi nhuận và miễn phí thuê hoặc phí chuyển nhượng đất trong vòng 10 năm và nếu là đầu tư vào ngành 2, 3, 5 và 6 sẽ được hưởng ưu đãi như trên thêm 5 năm.

Nếu đầu tư vào Vùng 2, nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi miễn thuế lợi nhuận và miễn phí thuê hoặc phí chuyển nhượng đất trong vòng 5 năm và nếu là đầu tư vào ngành 2, 3, 5 và 6 sẽ được hưởng ưu đãi như trên thêm 3 năm.

Ngoài ra nhà đầu tư còn được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng 0% trong việc nhập khẩu trang thiết bị, nguyên liệu phục vụ việc sản xuất mà Lào không sản xuất được để tạo nên tài sản cố định và phương tiện phục vụ trực tiếp trong việc sản xuất.

Ngoài ra, hai nước đã phối hợp thực hiện ưu đãi thuế nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ hai nước cũng như danh mục hàng hóa được miễn thuế 0%, thể hiện kim ngạch thương mại giữa Lào - Việt Nam có sự tăng trưởng khá.

Kêu gọi các doanh nghiệp và nhà đầu tư của Việt Nam quan tâm đến cơ hội đầu tư tại Lào, bà Tham tán cho biết, đất nước Lào có lợi thế đất đai rộng lớn, nguồn điện dồi dào, có tiềm năng lớn trong sản xuất nông nghiệp với nhiều cơ chế chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ vào các lĩnh vực này.

"Chúng tôi có tiềm năng lớn trong việc xuất khẩu hàng hóa sang các nước như EU; Trung Quốc, trong đó có lợi thế vận chuyển hàng hóa sau khi có đường sắt Lào - Trung", bà Tham tán nói.

Khẳng định Lào là thị trường tiềm năng với dân số ổn định, trẻ (50% dưới 25 tuổi và 60% dưới 35 tuổi); GDP tăng trưởng tốt; thu nhập khả dụng tăng, tầng lớp trung lưu đang mở rộng; Chính phủ Lào cũng đặt mục tiêu trở thành “cục pin Đông Nam Á” thông qua các hoạt động khai thác các nguồn năng lượng, ông Đỗ Quốc Hưng – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương cho biết: "Dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác tiềm năng của phân khúc thị trường này còn rất lớn".

Việt Nam hiện nay đứng thứ ba trong số các quốc gia đầu tư tại Lào, với 211 dự án, có tổng vốn đăng ký 5,2 tỷ USD. Đến nay nhiều dự án của doanh nghiệp Việt đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả tốt, có đóng góp nhiều mặt cho phát triển kinh tế - xã hội của Lào và được Chính phủ hai nước ghi nhận, đánh giá cao.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư của Việt Nam sang Lào thời gian qua đã có sự phát triển tích cực. Lào đứng thứ nhất trong số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với 237 dự án, có tổng vốn đăng ký 5,34 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ ba trong số các nước đầu tư tại Lào (sau Trung Quốc và Thái Lan).

Đáng chú ý, sau một thời gian suy giảm, đầu tư của Việt Nam vào Lào đang có xu hướng tăng trở lại theo hướng bền vững hơn. Năm 2021, vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt 118,3 triệu USD, tăng 33,3% so với năm 2020.

Trong 08 tháng đầu năm 2022, có 03 dự án cấp mới và 03 dự án điều chỉnh tăng vốn. Tổng vốn đăng ký là 65,92 triệu USD, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Một số dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào có hiệu quả, tiếp tục tăng vốn đầu tư mở rộng trong thời gian tới.

Hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Lào đã có ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của Lào như: nông nghiệp, năng lượng, sản xuất, phân phối các hàng hóa thiết yếu như điện, xăng dầu, hàng tiêu dùng; cung ứng các dịch vụ quan trọng như ngân hàng, du lịch, khách sạn, trung tâm thương mại... một mặt mở rộng thị trường cho doanh nghiệp Việt Nam, giúp tạo nền tảng, cơ sở cho việc thành lập các ngành công nghiệp trong tương lai của nước bạn Lào, mặt khác góp phần củng cố quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện và cùng phát triển giữa Việt Nam và Lào.

Doanh nghiệp cần lưu ý điều gì?

Song ông Hưng lưu ý, điều quan trọng là doanh nghiệp cần chủ động tận dụng được các cơ hội từ thị trường, xây dựng chiến lược tuyên truyền quảng bá để nhanh chóng thâm nhập, khẳng định thương hiệu tại thị trường Lào.

Thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm, gia tăng xuất khẩu mặt hàng sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị dụng cụ, các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp như phân bón, thức ăn gia súc để tận dụng được làn sóng đầu tư vào thị trường Lào. Ngược lại, các mặt hàng nhập khẩu mạnh từ Lào về Việt Nam gỗ và sản phẩm gỗ, than, khoáng sản… Đây chính là nguồn nguyên vật liệu chiến lược cho sản xuất công nghiệp - năng lượng của Việt Nam.

Để thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai bên, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á Đỗ Quốc Hưng khuyến nghị, các doanh nghiệp cần nắm rõ quy định của các Hiệp định Thương mại để tránh vướng mắc khi làm thủ tục thông quan. Ví dụ như theo quy định của Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào, mặt hàng đường nhập khẩu từ Lào về Việt Nam được hưởng thuế suất 50% thuế suất ATIGA (2,5%), nhưng với điều kiện lượng nhập khẩu phải nằm trong lượng hạn ngạch Việt Nam thông báo trong WTO.

Trong khi đó Hiệp định ATIGA quy định thuế suất mặt hàng đường là 5% và không áp dụng hạn ngạch đường đối với các thành viên ASEAN (trong đó có Lào). Do vậy, một số doanh nghiệp hiểu lầm rằng có thể dùng mức thuế 2,5% (theo Hiệp định Việt Nam-Lào) và không yêu cầu về hạn ngạch (theo Hiệp định ATIGA) nên đã gặp vướng mắc khi thông quan hàng hóa.

Việc sử dụng mức thuế ở một Hiệp định với quy định của một Hiệp định khác là không chính xác. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tận dụng các chương trình kết nối giao thương, xúc tiến thương mại để tìm đối tác, bạn hàng. Vừa qua, Hội chợ Thương mại Việt Nam – Lào năm 2022 đã được Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương Lào tổ chức thành công tại Vientian.

Ông Đỗ Quốc Hưng cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung tận dụng tốt thỏa thuận thương mại đầu tư. Tuy nhiên về một khu vực cụ thể, các doanh nghiệp Việt lại chưa tận dụng hết các ưu đãi.

Ví dụ, Hiệp định Thương mại Biên giới Việt - Lào có nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư tại các tỉnh biên giới Lào - Việt. Các ưu đãi này có thể bao gồm việc đưa hàng hóa về Việt Nam được miễn thuế VAT, miễn nhiều hạn chế và miễn kiểm dịch. Đây là những ưu đãi cực kỳ đặc biệt và chưa từng có.

Tuy nhiên trong 7 năm qua, số doanh nghiệp Việt Nam áp dụng được ưu đãi này chưa nhiều. Một phần do doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nắm vững thông tin về các ưu đãi này. Thứ hai, các nhà đầu tư tại các tỉnh biên giới Lào gặp khó khăn. Ví dụ như các doanh nghiệp Việt Nam có thể quan tâm tới các thị trường khác, gồm các thị trường phát triển hơn.

Thêm vào đó, Lào cũng gặp khó khăn về mặt lao động, ví dụ như mặt kỹ năng cần phải có nhiều sự cải thiện. Ngoài ra, Lào cũng có quy định về tỷ lệ lao động nước ngoài trong doanh nghiệp nước ngoài chỉ được 10%, từ đó dẫn tới hạn chế lao động nước ngoài.

"Chính phủ Lào vì vậy nên có cải thiện về mặt này, đồng thời tăng cường thông tin và tháo gỡ để doanh nghiệp Việt Nam có thể triển khai các hoạt động của mình", ông Hưng khuyến nghị với bà Tham tán.

Ở một diễn biến khác, một số doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa hiểu đúng ưu đãi của Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào, đặc biệt là về sản phẩm đường. Cam kết cắt giảm thuế quan của Việt Nam với ASEAN về đường nhập khẩu từ Lào là không hạn ngạch và hưởng thuế suất ưu đãi 5%. Tuy nhiên, theo Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào, thuế chỉ bằng một nửa với cam kết cùng ASEAN nhưng có điều kiện tùy theo phân loại đường.

"Nhiều doanh nghiệp nhầm lẫn cho rằng nhập khẩu đường từ Lào về Việt Nam là được hưởng thuế 2.5%. Nhiều lô hàng đường về tới Hải quan Việt Nam mới nhận ra sai sót, gây ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp", ông Hưng đưa dẫn chứng.

Chia sẻ dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Ngữ - Tổng Giám đốc CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa chỉ rõ, thủ tục nhập khẩu qua Lào và vào Việt Nam còn mất nhiều thời gian và chưa thông thoáng, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp. Một số mặt hàng phụ tùng nhập khẩu gặp vấn đề về hạn ngạch thương mại, một số bị loại ra, phải đóng thuế nhập khẩu cao.

Vấn đề lớn nữa là con người – lao động. Hiện theo quy định của Nhà nước Lào thì các công ty chỉ được phép sử dụng 10% lao động Việt Nam. "Quy định này đưa doanh nghiệp vào thế khó để có thể phát triển nhanh. Doanh nghiệp rất muốn sử dụng người Lào nhưng quá trình tuyển vẫn không đủ", ông Ngữ cho biết thêm.

Lấy ví dụ rằng, Malaysia và Singapore có thể sáng đi về tối đi về, nhưng giữa Việt Nam và Lào thủ tục qua lại vẫn chưa thực sự thuận tiện, đặc biệt, thời gian dịch bệnh dường như tê liệt, mọi công việc của doanh nghiệp đều phải điều hành từ xa, ông Ngữ cho biết, mong muốn của doanh nghiệp là đi sang Lào có thể như đi từ miền Tây lên Sài Gòn.

"Thủ tục nếu có thì chỉ nên có 1-2 thủ tục đơn giản, có thể xử lý trong ngày. Đồng thời cần áp dụng xử lý thủ tục qua điện tử để tiết kiệm chi phí và thời gian. Nếu được như vậy, doanh nghiệp sẽ đầu tư ồ ạt sang Lào. Như TTC Sugar sẽ đầu tư đa ngành nghề sang Lào chứ không chỉ trong nông nghiệp", ông Ngữ mạnh mẽ khẳng định./.