3 phương án quy mô đầu tư và xây dựng Đề án

Bộ Giao thông vận tải vừa trình Chính phủ Đề án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đến năm 2020, dài 1.372 km với tổng mức đầu tư 229.829 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm khoảng 40%, còn lại là vốn nhà đầu tư huy động. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra 3 phương án về quy mô đầu tư và xây dựng Đề án. Cụ thể là:

Phương án 1, giai đoạn 1 đầu tư theo quy mô tối thiểu 4 làn xe hạn chế và giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh, trong đó, đoạn Hà Nội - Vinh và Phan Thiết - Dầu Giây có nhu cầu vận tải lớn đầu tư quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, nền đường rộng tối thiểu 22 m, giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn xe. Đoạn Vinh - Túy Loan và đoạn Quảng Ngãi - Phan Thiết có nhu cầu vận tải thấp hơn, đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế, nền đường rộng tối thiểu 17m, giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh. Kinh phí đầu tư khoảng 229.829 tỷ đồng, nhà đầu tư huy động 136.286 tỷ đồng và Nhà nước hỗ trợ 93.534 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 40,7%).

Phương án 2, giai đoạn 1 đầu tư theo quy mô tối thiểu 4 làn xe hạn chế và giải phóng mặt bằng theo quy mô hạn chế. Trong đó, đoạn Hà Nội - Vinh và Phan Thiết - Dầu Giây có nhu cầu vận tải lớn, đầu tư quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, nền đường rộng tối thiểu 22 m, giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe. Đoạn Vinh - Túy Loan và đoạn Quảng Ngãi - Phan Thiết có nhu cầu vận tải thấp hơn, đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế, nền đường rộng tối thiểu 17 m, giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe hạn chế. Với phương án này, kinh phí đầu tư khoảng 223.286 tỷ đồng, nhà đầu tư huy động 136.286 tỷ đồng và Nhà nước hỗ trợ 87.681 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 39,1%).

Phương án 3, đầu tư theo quy mô quy hoạch, trong đó, đoạn Pháp Vân - Nghi Sơn đầu tư quy mô 6 làn xe cao tốc, nền đường rộng tối thiểu 29 m, giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh. Đoạn Nghi Sơn - Dầu Giây đầu tư theo quy mô 4 làn xe cao tốc, nền đường rộng tối thiểu 22 m; giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh. Kinh phí đầu tư theo phương án 3 sẽ là khoảng 280.918 tỷ đồng, nhà đầu tư huy động 145.889 tỷ đồng và Nhà nước hỗ trợ 135.029 tỷ đồng (chiếm 48,1%).

Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, đầu tư theo quy mô phương án 1 có chi phí thấp hơn so với phương án 3 khoảng 55.000 tỷ đồng, đáp ứng được nhu cầu vận tải trong thời gian đến năm 2030. Phương án 1 cũng thuận lợi cho công tác quản lý quỹ đất và hạn chế chi phí giải phóng mặt bằng sau này so với phương án 2. Phương án 1 cũng là phương án được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Chính phủ triển khai.

Còn nhiều bất hợp lý

Sau khi Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ về Đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính đã có Công văn số 13566 gửi Bộ Giao thông Vận tải nêu ý kiến về Đề án này.

Cụ thể, liên quan đến vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện Đề án, Bộ Tài chính cho rằng, nhu cầu đề xuất vốn của Đề án khoảng 230.000 tỷ đồng (chiếm 40,7%) trong đó vốn ngân sách nhà nước lên tới 93.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2017-2020 là rất lớn so kế hoạch đầu tư công trung hạn đang được xây dựng. Khoản này cũng được cho là chưa phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015.

Cần có phương án tối ưu để triển khai Đề án tuyến cao tốc Bắc - Nam

Về khoản ngân sách 93.000 tỷ đồng trên, theo Bộ Giao thông Vận tải có thể lấy từ vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kể từ năm 2017, Chính phủ sẽ tạm ngừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới. Đồng thời, khung dự kiến tài chính ngân sách đã được xây dựng với các yếu tố đã rất sát mức trần (như: tỷ lệ nợ công, khả năng thu, cân đối chi, mức bội chi,…) nên việc huy động thêm các nguồn lực, như: trái phiếu chính phủ, ODA, vay ưu đãi là không khả thi. Trong trường hợp thực hiện, cơ quan chức năng phải cơ cấu lại các nhiệm vụ chi trong tổng dự kiến.

Về huy động nguồn vốn vay, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất hình thành gói tín dụng riêng với tăng mức dư nợ tín dụng, song theo Bộ Tài chính, đề xuất này là không phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cho vay theo cơ chế thị trường, được chủ động lựa chọn dự án có hiệu quả tài chính để cho vay, Chính phủ không nên can thiệp vào quyết định cho vay vốn của các ngân hàng thương mại để đảm bảo hiệu quả cho vay.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng chỉ ra một loạt những bất cập, không hợp lý trong các đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, như: cơ chế đặc thù trong đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư; các chính sách về giá sử dụng cao tốc, chính sách giải phóng mặt bằng;... Chẳng hạn như việc Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị áp dụng mức lợi nhuận trên phần vốn của nhà đầu tư là 14%/năm cho nhà đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính cũng đánh giá là "không hợp lý". Theo Bộ Tài chính, "mức lợi nhuận trên cao hơn nhiều so với tổng chi phí vay của khoản vay có bảo lãnh Chính phủ hiện tại, cao hơn mức lợi nhuận của nhà đầu tư trong nước".

Ngoài những bất hợp lý được Bộ Tài chính nêu ra, nhiều chuyên gia cũng băn khoăn về tính khả thi của Đề án này. TS Nguyễn Xuân Thủy (chuyên gia giao thông) cho rằng, Quốc lộ 1 hiện có chất lượng khá tốt, do vậy nếu sau này mức phí cho một xe ôtô lưu thông tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam lên đến hàng triệu đồng, người dân sẽ chọn đi Quốc lộ 1 hoặc đi máy bay, còn hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt, do vậy cao tốc Bắc - Nam có thể vắng khách. Hơn nữa, theo ông Thủy, việc đầu tư theo hình thức BOT cần được Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu kỹ hơn, vì thời gian qua một số dự án BOT chưa hiệu quả, gây bức xúc trong nhân dân (Đoàn Loan, 2016).

TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải chia Đề án thành 20 dự án thành phần, trong đó có 2 dự án nhà nước phải bỏ 100% vốn ngân sách là La Sơn - Túy Loan (2.400 tỷ đồng) và Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (3.800 tỷ đồng). Tuy nhiên, Đề án mới dừng lại ở Dầu Giây - Phan Thiết mà quên đi một mảng còn khá lớn là miền Tây Nam bộ. Theo TS. Sanh, cao tốc vừa qua tập trung nhiều ở phía Bắc mà không phát triển ở phía Nam. Miền Tây vốn dĩ đã không có đường sắt lại không được ưu tiên phát triển đường bộ (Mai Hà, 2016).

Nên ưu tiên từng đoạn tuyến

Trao đổi với báo Thanh niên, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, trong bối cảnh ngân sách và nợ công hiện nay, đòi hỏi vốn từ nguồn ngân sách quá lớn là không hợp lý. Vấn đề đặt ra là dồn tất cả vốn cho đường bộ trước hay tập trung cho các lĩnh vực khác nữa, nếu là ưu tiên đường bộ thì ưu tiên đoạn tuyến nào trước.

Thống nhất quan điểm này, TS. Phạm Sanh cho rằng, cần xét thứ tự ưu tiên các đoạn tuyến theo nhu cầu và phát triển kinh tế vùng là cần thiết, thay vì đầu tư đồng loạt thành đại công trường, như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 khó thành công vì thiếu vốn, năng lực quản lý lại có vấn đề. Đồng thời, không nhất thiết phải đặt mục tiêu đến năm 2022 hoàn thiện xong 20 đoạn tuyến cao tốc. Việc lựa chọn thứ tự ưu tiên từng đoạn tuyến để thực hiện trước vừa giải quyết được bài toán vốn, đồng thời cũng là tiền đề để thử nghiệm, nâng cao năng lực quản lý giám sát của Bộ Giao thông Vận tải, xóa bỏ những nghi ngờ về chất lượng, hiệu quả, lợi ích nhóm trong các dự án giao thông (Mai Hà, 2016)./.

Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đến năm 2020, dài 1.372 km với tổng mức đầu tư 229.829 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm khoảng 40%, còn lại là vốn nhà đầu tư huy động. Với chiều dài 1.372km, đề án phân chia thành 20 dự án thành phần, mỗi dự án được khai thác độc lập, phù hợp với khả năng huy động theo hình thức PPP (hợp tác công tư) có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước, thời gian thu phí nhỏ hơn 25 năm.

Tham khảo từ:

1. Bích Diệp (2016). Lấy đâu ra 230.000 tỷ đồng làm cao tốc Bắc – Nam?, truy cập từ http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/giao-thong/chuyen-gia-lo-cao-toc-bac-nam-vang-xe-3481489.htmlttp://dantri.com.vn/kinh-doanh/lay-dau-ra-230000-ty-dong-lam-cao-toc-bac-nam-20161004141248782.htm

2. Mai Hà (2016). Cao tốc Bắc - Nam: Dễ 'chặt nhỏ' dự án thu phí?, truy cập từ http://thanhnien.vn/kinh-doanh/cao-toc-bac-nam-de-chat-nho-du-an-thu-phi-753453.html

3. Đoàn Loan (2016). Chuyên gia lo cao tốc Bắc Nam vắng xe, truy cập từ http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/giao-thong/chuyen-gia-lo-cao-toc-bac-nam-vang-xe-3481489.html

4. Châu Như Quỳnh (2016). Cấp bách trình Chính phủ 3 phương án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam, truy cập từ http://dantri.com.vn/xa-hoi/cap-bach-trinh-chinh-phu-3-phuong-an-xay-dung-duong-cao-toc-bac-nam-20161012070149844.htm