Kim ngạch hai chiều tăng hơn 100 lần sau 26 năm

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Công Thương và các đối tác Hàn Quốc về thực thi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), sáng nay (9/5), Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tổ chức Hội thảo về Tận dụng ưu đãi VKFTA.

Toàn cảnh hội thảo

Tại hội thảo, ông Lê An Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết: “Quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc đã phát triển mạnh mẽ trong 26 năm qua.

Việt Nam và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 22/12/1992. Hai trong số các dấu mốc quan trọng của việc nâng cấp quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Hàn Quốc cần được kể đến đó là: năm 2001, quan hệ hai nước từ đối tác thông thường được nâng lên thành “Đối tác toàn diện trong thế kỷ 21”; và năm 2009 tiếp tục được nâng lên thành “Đối tác hợp tác chiến lược”.


Năm 2017, Hàn Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam và là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Tính đến tháng 12 năm 2017, Hàn Quốc đã có 6.532 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 57,6 tỷ USD”.

Với những kết quả đáng ghi nhận, ông Hải nhận định: “Mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 100 tỷ USD vào năm 2020 là khả thi”.

Đồng tình với nhận định trên, ông Chulho Park, Tổng Giám đốc Văn phòng đại diện KOTRA tại Hà Nội cũng nhấn mạnh: “Từ năm 1992 đến nay, kim ngạch thương mại Việt Nam – Hàn Quốc đã tăng hơn 100 lần. Đặc điểm nổi bật trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc là cơ cấu hàng hóa xuất - nhập khẩu có tính bổ sung rõ nét, cơ bản không cạnh tranh trực tiếp”.

Doanh nghiệp vẫn còn lúng túng

Đánh giá về tình hình tận dụng ưu đãi VKFTA của doanh nghiệp Việt Nam, ông Lê An Hải cho biết: “VKFTA là công cụ quan trọng và là chiến lược phát triển thương mại Việt Nam – Hàn Quốc, song việc hiểu biết về VKFTA của doanh nghiệp Việt Nam chưa đạt kỳ vọng”.

Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, năm 2015, kim ngạch xuất khẩu được ưu đãi từ việc có giấy chứng nhận xuất xử hàng hóa (C/O) của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 5,75 tỷ USD, đến năm 2017 đã tăng vọt lên 7,62 tỷ USD. Trong đó, may mặc là mặt hàng có tỷ lệ tận dụng được C/O ưu đãi cao nhất, tiếp đến là thủy sản, đồ gỗ, giày dép…

Tuy nhiên, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ VKFTA trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có xu hướng chững lại. Cụ thể, tỷ lệ tận dụng ưu đãi C/O đạt 84% vào năm 2013, song từ đó đến nay liên tục giảm, đặc biệt sau khi hai nước ký kết VKFTA năm 2015. Nguyên do không phải tỷ lệ tận dụng bị giảm đi mà do có dấu hiệu bão hòa của một số mặt hàng xuất khẩu trọng điểm.

Mặt khác, ông Lê An Hải chỉ ra, việc tận dụng ưu đãi từ VKFTA mới chỉ được thực hiện tốt trong một số ngành hàng. Vẫn còn nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tận dụng được. Sự mơ hồ về các điều khoản, quy định nhất là về quy tắc xuất xứ, C/O khiến các doanh nghiệp còn lúng túng, thậm chí thực hiện sai thủ tục cấp C/O, hàng hóa không tận dụng được ưu đãi.

Bổ sung thêm, ông Hansung Kim – Đại học Ajou cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên mắc phải những lỗi rất cơ bản trong việc xin cấp C/O khi xuất khẩu sang nước ngoài. Cụ thể như lỗi về ngôn ngữ: tên công ty không được dịch sang tiếng Anh mà viết ở tiếng Việt không dấu, tên hàng hóa viết ở tiếng Việt không dấu… dễ gây nhầm lẫn. Một vài lỗi khác cũng thường gặp như việc kê khai nhiều mặt hàng trên một C/O mẫu VK, nguyên liệu mua trong nước khác với nguyên liệu sản xuất trong nước đạt tiêu chí xuất xứ VK…

Cần sự chung tay từ phía Nhà nước và doanh nghiệp

Để giải quyết tình trạng này, ông Hansung Kim khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam cần nâng cấp Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử (ECOSYS) nhằm tạo điều kiện cho việc xử lý, tiếp nhận hồ sơ một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, cần có sự hợp tác giữa các cơ quan chính phủ, liên kết chặt chẽ giữa cơ quan cấp C/O và Tổng cục Hải quan. Kinh nghiệm và hỗ trợ của Hàn Quốc cũng sẽ đem lại những kết quả tích cực cho Việt Nam trong hoạt động chứng nhận xuất xứ.

Ngoài ra, để tận dụng các ưu đãi nói chung từ VKFTA, ông Lê An Hải cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai nghiêm túc, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tối đa cam kết ưu đãi để thu hút đầu tư, phát triển xuất khẩu, đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, tích cực hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, việc này không thể thành công nếu chỉ có nỗ lực từ phía nhà hoạch định chính sách. Các doanh nghiệp và hiệp hội, ngành, hàng cũng cần chung tay tham gia, như: chủ động nghiên cứu tìm hiểu các ưu đãi thị trường (thuế, hạn ngạch…), cơ chế quản lý mới, chủ động tìm kiếm đối tác kinh doanh, nghiên cứu thị trường, quảng bá, tìm kiếm bạn hàng, tham gia xúc tiến thương mại, thuê tư vấn thị trường chuyên nghiệp, cuối cùng là nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu thị trường.

“Nếu Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng và phát huy những ưu đãi có được từ VKFTA, thì thương mại song phương cũng như xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sang Hàn Quốc hoàn toàn có cơ hội đạt được những thành tựu mới, là động lực để Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ”, ông Hải khẳng định./.