Đề xuất giải pháp thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Sơn La
Đặt vấn đề
Trong những năm gần đây, quá trình phát triển và hội nhập kinh tế cùng với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ đã tạo ra một số lượng lớn các cơ sở sản xuất công nghiệp, hình thành nhiều khu công nghiệp (KCN) và khu dân cư đô thị tập trung. Một lực lượng lớn lao động đã di dịch cư từ nông thôn ra thành thị. Quá trình phát triển kinh tế và đô thị đã tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động, nhưng cũng tạo nên sức ép đối với môi trường, làm tăng lượng chất thải rắn phát sinh, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt.
Ở nhiều địa phương, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở lên trầm trọng và phổ biến; dẫn tới suy thoái môi trường đất, nước, không khí. Tại hầu hết các đô thị lớn, lượng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng. Trong thời gian qua, các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung, tỉnh Sơn La nói riêng đều rất quan tâm đến vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt. Số lượng các nhà máy xử lý hoặc chế biến rác thải sinh hoạt tăng lên, nhưng hiện trạng ô nhiễm môi trường từ thành thị đến nông thôn hầu như vẫn chưa được cải thiện.
1. Tổng quan về chất thải rắn sinh hoạt và tình hình xử lý CTRSH ở nước ta hiện nay
Chất thải rắn (CTR) là chất thải ở thể rắn hoặc sệt (còn gọi là bùn thải) được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc các hoạt động khác.
CTR sinh hoạt (hay còn gọi là rác thải sinh hoạt) là CTR phát sinh trong sinh hoạt thường ngày của con người.
Theo Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu; CTRSH được phân chia thành 3 nhóm như sau: (i) Nhóm hữu cơ dễ phân hủy (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); (ii) Nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh); (iii) Nhóm các vật phẩm phế thải còn lại.
Theo số liệu từ “Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia” hàng năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường; trong giai đoạn 2015-2020, tổng lượng CTRSH ở các đô thị phát sinh trên toàn quốc là 37.682 tấn/ngày (năm 2015) và 41.224 tấn/ngày (năm 2020). Nếu tính bình quân giai đoạn 2015-2020, mỗi năm Việt Nam có khoảng 18 triệu tấn rác thải sinh hoạt; trong đó có khoảng 1,8 triệu tấn thải ra môi trường; với khoảng từ 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn bị thải ra biển. Theo tính toán, trong năm 2022, riêng khối lượng CTRSH đô thị phát sinh khoảng 50.000 tấn/ngày (tăng thêm khoảng 12.000 tấn/ngày so với năm 2020). Với khối lượng rác thải quá lớn như vậy, nhưng hệ thống công trình hạ tầng đô thị và nông thôn chưa được phát triển đồng bộ; trình độ và năng lực quản lý về môi trường chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, từ đó đã làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Tương tự các quốc gia đang phát triển và trong khu vực, các nguồn CTRSH ở Việt Nam phát sinh chủ yếu từ các hộ gia đình, các khu thương mại dịch vụ, các khu du lịch, các công sở và các khu nhà ở tập trung của các cơ sở sản xuất... Ngoài các thành phần chủ yếu là các chất thải hữu cơ (chất thải thực phẩm, giấy, vải, bìa...) và chất thải vô cơ (nhựa, cao su, kim loại...); CTRSH còn có thể lẫn các chất thải khác như chất thải điện tử, chất thải có thể tích lớn, pin, dầu thải... Trong những năm gần đây, chất thải nhựa khó phân hủy đang là vấn đề thách thức trong công tác quản lý CTRSH, với số liệu ước tính tỷ lệ chất thải nhựa trong các bãi chôn lấp CTRSH chiếm khoảng 6-8%. Công tác xử lý chất thải nhựa chưa thực sự được chú trọng theo hướng giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế. Đây đang là một trong những vấn đề thách thức đối với công tác xử lý CTRSH ở Việt Nam.
Tại các đô thị, việc thu gom, vận chuyển CTRSH thường do doanh nghiệp công ích thực hiện. Thời gian qua, với chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường của Nhà nước, đã có nhiều đơn vị tư nhân tham gia vào công tác thu gom, vận chuyển CTRSH tại các thành phố và các khu đô thị, khu dân cư tập trung. Nguồn kinh phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển CTRSH đô thị hiện nay được Nhà nước bù đắp một phần, phần còn lại từ nguồn thu phí vệ sinh theo quy định.
Theo số liệu thống kê năm 2019, cả nước có 1.322 cơ sở xử lý CTRSH, gồm: 381 lò đốt CTRSH, 37 dây chuyền chế biến phân compost, 904 bãi chôn lấp (trong đó chỉ có khoảng 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh); đã góp phần xử lý lần lượt là 13%, 16% và 71% tổng khối lượng CTRSH được thu gom. Năm 2022, tỷ lệ CTRSH được thu gom tại khu vực đô thị đạt khoảng 96,37%; thêm 11 nhà máy xử lý, đốt rác phát điện được khởi công.
Mặc dù pháp luật về bảo vệ môi trường quy định việc xử lý CTR bằng phương pháp chôn lấp phải đảm bảo hợp vệ sinh, nhưng trên phạm vi cả nước chỉ có một số bãi chôn lấp hợp vệ sinh tại các đô thị lớn. Một số lượng khá lớn các bãi chôn lấp lộ thiên, bãi đổ tạm chưa đảm bảo yêu cầu. Đây là nguồn gây ô nhiễm không khí với mùi hôi thối phát tán đến các khu vực xung quanh, ảnh hưởng đến sức khỏe và làm đảo lộn cuộc sống của một bộ phận dân cư. Tuy nhiên, không chỉ các bãi lộ thiên, bãi đổ tạm gây ô nhiễm môi trường, mà ngay cả các bãi chôn lấp hợp vệ sinh cũng tồn tại nhiều vấn đề môi trường gây bức xúc, nhất là vấn đề ô nhiễm cả về nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm ở nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Sơn La.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do các địa phương chưa quan tâm đúng mức cho công tác quản lý CTR trên địa bàn: Việc đầu tư hạ tầng thu gom, lưu giữ, tập kết, trung chuyển, vận chuyển và xử lý rác thải chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; việc phân loại rác thải tại nguồn mới chỉ dừng lại ở mức thí điểm tại một số địa phương, chưa được tổng kết, đánh giá và nhân rộng mô hình; công tác truyền thông nâng cao ý thức của cộng đồng chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Tại một số địa phương, rác thải vẫn chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hoặc bằng các lò đốt cỡ nhỏ không đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các quy định về đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý hiện nay chưa thu hút được các nhà đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Về quản lý Nhà nước đối với rác thải sinh hoạt hiện vẫn còn nhiều bất cập; còn có sự giao thoa, chồng chéo giữa các bộ, ngành Trung ương. Việc phân định trách nhiệm giữa các sở, ngành và UBND cấp huyện cũng chưa thật sự phù hợp với nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm. Cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia vào công tác quản lý chất thải rắn, đặc biệt là việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt còn nhiều bất cập. Các vấn đề nêu trên đã và đang làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý môi trường nói chung và CTRSH nói riêng.
2. Thực trạng hoạt động thu gom và xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Sơn La
2.1. Thực trạng hoạt động thu gom và xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Sơn La
2.1.1. Nguồn phát sinh và thành phần CTRSH
Trong giai đoạn 2016-2022, nguồn phát sinh và thành phần CTRSH trên địa bàn tỉnh Sơn La như sau:
Nguồn: Công ty Cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La
|
Hiện nay, theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Sơn La: Khối lượng CTRSH phát sinh trong toàn Tỉnh trung bình khoảng 200.000 tấn/năm. Nguồn phát sinh vẫn chủ yếu từ các hộ gia đình, các khu sản xuất và dịch vụ công cộng; chưa hình thành các khu chung cư, cụm dân cư đô thị lớn. Chất thải khó phân hủy chiếm đến 70% và chủ yếu vẫn đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp.
2.1.2. Về công tác thu gom và xử lý CTRSH của tỉnh Sơn La
a) Về công tác thu gom CTRSH của tỉnh Sơn La
Hiện toàn tỉnh Sơn La chỉ có duy nhất một đầu mối thu gom, vận chuyển CTRSH đô thị là Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La và Chi nhánh của Công ty tại các huyện. Công ty đã triển khai thu gom rác thải sinh hoạt bằng xe cơ giới từ năm 2017. Tỷ lệ thu gom CTRSH đô thị trung bình đạt khoảng 91%. Như vậy, còn 9% khối lượng CTRSH chưa được thu gom và bị thải bỏ vào môi trường.
Các hình thức thu gom và vận chuyển CTRSH của Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La bao gồm: (1) Thu gom tại các vị trí công cộng: hình thức này sử dụng các vị trí lưu giữ chung, có diện tích lớn làm địa điểm để thu gom và nhận CTRSH; (2) Thu gom theo cụm dân cư: xe thu gom dừng tại các vị trí được quy định và người dân đổ CTRSH vào xe. Các xe thu gom đã đầy sẽ được vận chuyển đi đến trạm trung chuyển hay cơ sở xử lý; (3) Thu gom tại nhà: nhân viên thu gom chất thải đến từng hộ gia đình, sau đó mang thùng chứa chất thải đến xe thu gom, đổ sạch và trả về chỗ cũ. Đây là hình thức chưa có sự tham gia của cư dân.
Trên thực tế, do Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La và các Chi nhánh của Công ty chưa có loại xe chuyên dụng nên các loại CTRSH vẫn chưa được phân loại mà gom chung để vận chuyển đến nơi tập kết. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí cho hoạt động thu gom,vận chuyển CTRSH đô thị hiện nay do Nhà nước bù đắp một phần, phần còn lại là từ nguồn thu phí vệ sinh trên địa bàn. Vấn đề này cũng còn nhiều mặt hạn chế, bất cập.
b) Về công tác xử lý CTRSH của tỉnh Sơn La
Toàn tỉnh có 12 bãi chôn lấp chất thải rắn được phê duyệt quy hoạch đang hoạt động ổn định. Tỉnh đã đầu tư xây dựng 1 nhà máy xử lý rác trên địa bàn thành phố, với phương pháp xử lý chất thải rắn đang áp dụng là phương pháp ủ sinh học làm phân compost và chôn lấp hợp vệ sinh. Có 1 nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt trên địa bàn huyện Bắc Yên quy mô nhỏ mới đi vào hoạt động từ năm 2022. Các huyện còn lại đang xử lý bằng chôn lấp được thiết kế đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường, có hệ thống thu gom nước rỉ rác để xử lý và bổ sung chất khử mùi.
Trên địa bàn Thành phố, khu xử lý chất thải rắn bằng hình thức chôn lấp tại bản Pát, xã Chiềng Ngần, với diện tích khoảng 4,65 ha. Trong đó, khu ủ phân vi sinh khoảng 3.107m2. Toàn bộ rác thải được thu gom vận chuyển bằng xe ép rác chuyên dụng qua trạm cân điện tử, phun khử trùng, đổ rác tại bãi tập kết trước nhà sơ bộ, phun khử trùng và khử mùi. Sau đó, rác được đưa vào trong nhà sơ bộ, rồi vào phễu tiếp nhận lên băng chuyền; đồng thời, loại bỏ rác có kích thước lớn bằng thủ công. Từ đây, rác hữu cơ thu được sau băng tải chuyển vào nhà ủ để thực hiện quy trình sản xuất phân bón. Nhà máy xử lý rác thải còn có một số nhược điểm như rác lẫn quá nhiều tạp chất, chưa được cơ giới hóa trong khâu phân loại; chất lượng phân bón chưa cao vì còn lẫn tạp chất; dây chuyền chế biến, đóng gói còn thủ công, công suất thấp. Vì vậy, việc tiêu thụ phân bón của Công ty hiện rất khó khăn. Khu xử lý nước rỉ rác trên địa bàn TP. Sơn La cũng gặp khó khăn, do công suất hoạt động quá nhỏ (khoảng 10m³/ngày đêm). Vào mùa mưa, do lượng nước mưa lớn, bị hòa lẫn nước rỉ rác, công suất trạm xử lý nước rỉ rác không đáp ứng được nhu cầu cần xử lý, nên nguy cơ dẫn đến tràn ra ngoài môi trường gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La, UBND tỉnh Sơn La đang xem xét, bố trí kinh phí để triển khai Dự án “Cải tạo, nâng cấp trạm xử lý nước rỉ rác áp dụng công nghệ ôxy hóa nâng cao tại Khu xử lý chất thải rắn thành phố Sơn La” trong giai đoạn 2022-2024; đồng thời đang xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư “Khu chôn lấp và xử lý chất thải rắn huyện Mường La” tại bản Bủng, xã Mường Bú, huyện Mường La; điều chỉnh quy hoạch điểm xử lý rác thải tại xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai với diện tích 15ha, công suất 80-120 tấn/ngày về điểm tập kết và xử lý rác thải tại xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai; xem xét, bố trí kinh phí thực hiện đầu tư xây dựng dự án khu chôn lấp và xử lý chất thải rắn huyện Thuận Châu giai đoạn 2…
2.2. Những vấn đề tồn tại trong công tác thu gom, xử CTRSH trên địa bàn tỉnh Sơn La
Mục tiêu về môi trường được tỉnh Sơn La đề ra trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường (BVMT) Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (số 194/KH-UBND ngày 26/7/2022), đó là: (i) Đến năm 2030, 95% CTRSH đô thị được thu gom; 90% CTRSH nông thôn được thu gom; 50% CTRSH đô thị được xử lý bằng công nghệ không chôn lấp trực tiếp (trên tổng lượng chất thải được thu gom); 98% chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển, xử lý. 100% trung tâm thương mại, siêu thị không sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần và túi nilon khó phân hủy; 100% khách sạn, khu du lịch không sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần; (ii) Tầm nhìn đến năm 2050, môi trường của Tỉnh có chất lượng tốt, đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành và an toàn của người dân; đa dạng sinh học được gìn giữ, bảo tồn, đảm bảo cân bằng sinh thái; hình thành và phát triển xã hội hài hòa với thiên nhiên, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, các bon thấp, hướng tới mục tiêu trung hòa các bon vào năm 2050.
Như vậy có thể thấy, mục tiêu của tỉnh Sơn La đặt ra là rất rõ ràng, đến năm 2030 sẽ có khoảng 50% CTRSH đô thị được xử lý bằng công nghệ không chôn lấp trực tiếp, tức là phải được xử lý bằng công nghệ lò đốt rác hiện đại.
Nhìn chung, việc triển khai các giải pháp quản lý CTRSH của tỉnh Sơn La đã đạt được những kết quả bước đầu; tuy nhiên để có thể quản lý CTRSH một cách đồng bộ, hiệu quả và an toàn trước những yêu cầu mới; một số vấn đề tồn tại sau đây cần có định hướng và giải pháp kịp thời giải quyết:
i) Phương thức xử lý CTRSH của tỉnh hiện vẫn chủ yếu vẫn là chôn lấp, trong khi các bãi chôn lấp hầu hết đều tồn tại từ lâu, tiêu tốn quỹ đất và tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm và nguồn nước mặt cho các vùng hạ du.
ii) Việc đầu tư các cơ sở xử lý CTRSH kết hợp thu hồi năng lượng, biến rác thải thành nguồn nguyên liệu để tái đầu tư cho sản xuất, phát triển kinh tế tuần hoàn chưa được quan tâm đúng mức, thiếu nguồn lực đầu tư.
iii) Chưa tạo được thói quen và phong trào phân loại CTRSH trong các hộ gia đình. Chất thải rắn sinh hoạt hầu hết chưa được phân loại tại nguồn; chương trình phân loại tại TP. Sơn La còn mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, chưa được chính thức hóa.
iv) Thói quen xả rác tự do ra môi trường của một bộ phận dân cư vẫn còn; dẫn đến khó khăn cho việc thu gom rác thải sinh hoạt; nhất là các cụm dân cư dọc các trục, lộ giao thông.
v) Cơ sở hạ tầng, thiết bị, phương tiện thiết yếu phục vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH đều thiếu và lạc hậu; chưa được chú trọng đầu tư đồng bộ.
vi) Tỉnh Sơn La chưa có chính sách ưu đãi để khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải tập trung với các lò đốt rác sử dụng công nghệ hiện đại, kết hợp với phát điện.
vii) Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về nguy hại của CTRSH chưa đầy đủ, dẫn đến thiếu sự quan tâm đến hoạt động quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này.
viii) Nguồn tài chính cho hoạt động thu gom, phân loại và xử lý CTRSH còn rất hạn hẹp. Cơ chế định giá cho công tác thu gom, xử lý CTRSH còn nhiều bất cập, chưa thực sự khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư các lò đốt rác mini ở các cụm dân cư đô thị xa trung tâm.
3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Sơn La
Để giải quyết được những vấn đề tồn tại trên, tỉnh Sơn La cần quan tâm thực hiện một số giải pháp đồng bộ sau:
Thứ nhất, cần rà soát, bổ sung Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Sơn La (theo Quyết định số 2938/QĐ-UBND ngày 15/12/2011). Trong đó, khâu lựa chọn công nghệ cần phải được quy định theo hướng hạn chế đầu tư các bãi chôn lấp, tăng cường các nguồn lực áp dụng công nghệ hiện đại như: (i) Đốt chất thải rắn kết hợp với phát điện; (ii) Ứng dụng công nghệ hóa khí. Đây là các công nghệ có hiệu quả kinh tế và môi trường do tái sử dụng được nguồn CTRSH để thu hồi năng lượng. Tuy nhiên, để sử dụng được các công nghệ này đòi hỏi phải có nguồn vốn đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, chi phí vận hành cao, nhưng lại có nhiều ưu thế về xã hội và môi trường. Nếu so sánh với giá thành sản xuất điện từ các loại hình sản xuất điện khác, thì giá thành sản xuất điện từ rác thải có chi phí cao hơn rất nhiều. Vì vậy, để dự án đầu tư nhà máy đốt CTRSH kết hợp phát điện mang tính khả thi về mặt kinh tế, thì tỉnh Sơn La cần sớm ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư (về đất đai, vốn vay, thuế, giá bán điện…).
Thứ hai, việc phân loại CTRSH tại nguồn là điều kiện tối cần thiết để hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, biến rác thải thành nguồn tài nguyên quý giá, nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường. Do vậy, việc khuyến khích hay bắt buộc phải phân loại CTRSH cần có sự tham gia của các cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp của tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể; sự vào cuộc của cộng đồng dân cư và của từng người dân. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phân loại CTRSH tại nguồn; tiếp tục triển khai Dự án “Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn” trên địa bàn TP. Sơn La; đồng thời tiến hành tổng kết, đánh giá để nhân rộng trong toàn Tỉnh.
Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, ngày 07/7/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường quy định: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại CTRSH theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, đã có hiệu lực từ 25/8/2022. Tuy nhiên, do các điều kiện chưa đồng bộ về công nghệ thu gom, xử lý CTRSH, nên trong Nghị định quy định lộ trình đến ngày 31/12/2024 mới áp dụng phạt hành chính đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về môi trường của người dân cần sớm được quan tâm đúng mức.
Thứ ba, Tỉnh cần có định hướng nghiên cứu công nghệ, sớm ban hành chính sách thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện thiết yếu phục vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH. Thực tế hiện nay không chỉ tỉnh Sơn La, mà các địa phương khác trong cả nước do cơ sở hạ tầng, thiết bị và phương tiện không đồng bộ dẫn đến nhiều đơn vị sau khi thu gom đã đổ chung các loại rác thải với nhau khiến việc phân loại trước đó của người dân trở thành vô nghĩa. Việc phân loại rác tại nguồn đòi hỏi phải được tổ chức đồng bộ giữa các đơn vị tham gia, từ hoạt động phân loại ở hộ gia đình, đến thu gom, tập kết, vận chuyển và cuối cùng là công nghệ xử lý để tái sử dụng, tái chế. Hiệu quả của mô hình không đáp ứng được yêu cầu và cũng không duy trì được lâu dài nếu không có công nghệ và chính sách phù hợp. UBND Tỉnh cần hỗ trợ và yêu cầu các đơn vị dịch vụ công ích phải chuyển đổi phương tiện, công nghệ phù hợp, bảo đảm quá trình phân loại rác tại nguồn, cũng như quá trình thu gom, vận chuyển được thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả và tuân thủ các quy định hiện hành về bảo vệ môi trường.
Thứ tư, UBND Tỉnh cần có đánh giá thực trạng và nghiên cứu, trình HĐND Tỉnh điều chỉnh khung giá đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn Tỉnh. Theo quyết định số 11/2028/QĐ-UBND, ngày 15/5/2018 quy định mức thu tối đa đối với cá nhân, hộ gia đình không kinh doanh là 4.000 đồng/ nhân khẩu/tháng là thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Chính vì vậy, tỉnh Sơn La đang phải bù đắp kinh phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn Tỉnh khá cao. Bên cạnh đó, với mức thu này, để thực hiện xã hội hóa việc thu gom, vận chuyển CTRSH sẽ gặp nhiều khó khăn do không đảm bảo chi phí; vì vậy sẽ rất khó thu hút được các tổ chức và cá nhân đầu tư vào lĩnh vực này.
Thứ năm, với quá trình xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa nông thôn, thì việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn các cụm dân cư nông thôn cũng cần sớm được quan tâm. Tại nhiều khu vực nông thôn đang hình thành các bãi rác tự phát, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của một bộ phạn dân cư. UBND tỉnh Sơn La cũng cần sớm ban quy định mức thu dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tối đa đối với cá nhân, hộ gia đình ở khu vực nông thôn./.
Ths. Nguyễn Thị Yến, TS. Nguyễn Minh Đức
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2022), Báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia hàng năm.
2. Chính phủ (2015), Nghị định số 38/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu.
3. Chính phủ (2019), Nghị định số 40/NĐ-CP ngày 13/5/2019 quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ Môi trường.
4. UBND tỉnh Sơn La (2022), Kế hoạch số 194/KH-UBND, ngày 26/7/2022 về thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
5. Quốc hội (2014), Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
6. Vũ Tuấn Anh (2015), Tiến tới nền kinh tế xanh ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội.
Bình luận