Tác động không nhỏ

Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào Anh đạt gần 17% trong giai đoạn 2008-2015, đạt mức kỷ lục 4,65 tỷ USD trong năm 2015, tương đương 15% giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực EU.

Xuất khẩu sang Anh, dù tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhưng chỉ chiếm 2,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2015. Việt Nam đã duy trì thặng dư thương mại với Anh ở mức 3,9 tỷ USD trong năm 2015 và 1,7 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2016. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu sang Anh, đó là: thủy sản; nông sản; thủy sản, dệt may; da giày; gỗ và các sản phẩm gỗ; máy móc, thiết bị và phụ tùng; điện thoại và linh kiện các loại...

Đánh giá về tác động của Brexit đến xuất khẩu của Việt Nam, tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016 ngày 28/06/2016, TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, đánh giá tác động của Brexit đối với Việt Nam vào thời điểm này là hơi sớm, nhưng mối quan hệ giữa Việt Nam với Anh trong đầu tư, hoạt động xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng không lớn, nên trong thời gian ngắn trước mắt không tác động nhiều.

Còn theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, xuất khẩu sang Anh chắc chắn sẽ chịu tác động tiêu cực ít nhất trong ngắn hạn khi đồng bảng Anh giảm giá. Tác động sẽ lớn hơn nếu Brexit làm cho nền kinh tế Anh rơi vào suy thoái và bất ổn trong vòng 2 năm nữa, trước khi Anh đạt thỏa thuận chính thức rời khỏi EU (Uyên Hương, 2016).

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn cả và xuất khẩu không chỉ khó khăn đối với thị trường trường Anh, mà còn đối với cả thị trường EU. Dẫn lời của ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam trên báo Bnews, sau việc Anh rời EU, khả năng đồng Euro và bảng Anh mất giá sẽ gây bất lợi với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang khối này. Brexit khiến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giảm và giảm lượng nhập khẩu vào EU. Nhiều ngành nghề có quan hệ thương mại và xuất khẩu lớn sang EU có thể sẽ chịu tác động, như: điện tử, dệt may, da giày, thủy sản…

Bên cạnh đó, việc Anh rời EU còn làm đồng USD mạnh lên, gây áp lực lên các đồng tiền khác trên thế giới và trong đó có VND. Nhận định về vấn đề này, trên báo Vietnamplus, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, giá trị của đồng Euro và đồng bảng Anh đang suy giảm so với USD. Chính vì thế, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang EU có thể sẽ trở nên đắt đỏ hơn, giảm sức cạnh tranh và doanh nghiệp Việt mất dần thị trường và khách hàng.

Ngoài ra, mối quan hệ thương mại Việt Nam – EU được cho là sẽ tăng trưởng mạnh mẽ sau khi quá trình đàm phán hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU hoàn tất từ tháng 12 năm ngoái và dự kiến sẽ được thông qua vào đầu năm 2018.

Tuy nhiên, với sự ra đi của Anh, chắc chắn Hiệp định này sẽ được thông qua muộn hơn. Kịch bản là Việt Nam có thể sẽ phải đàm phán riêng với EU mới (không có Anh) để đi đến hiệu lực của Hiệp định, đồng thời sẽ phải đàm phán Việt Nam – Anh quốc một hiệp định riêng. Hoặc, cuộc đàm phán “tay ba” Việt Nam - Anh - EU cũng có thể là lựa chọn. Hoặc thậm chí, còn có thể xảy ra kịch bản xấu nhất là hủy bỏ.

Như vậy, dù rơi vào kịch bản nào, thì những hy vọng thông thương hàng hóa tối ưu với nhiều mặt hàng được hưởng dòng thuế bằng 0% từ Việt Nam đến Anh và các quốc gia trong khu vực EU đều sẽ chậm lại.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Anh sẽ gặp khó dưới tác động của Brexit

Cần chuẩn bị sẵn tất cả các kịch bản rủi ro có thể xảy ra

Để ứng phó với hiện tượng Brexit, Bộ Công Thương khuyến cáo, đàm phán của EU với Anh dự báo diễn ra trong vòng 2 năm, nên trong khoảng thời gian này chưa rõ hàng rào sẽ như thế nào, tạm thời sẽ xử lý ra sao.

Theo Bộ Công Thương, thông thường, nhiều hàng hóa của Việt Nam không xuất khẩu thẳng sang Anh mà lại phải đi qua các nước khác, như: Hà Lan, Bỉ, Đức. Bởi, đây là 3 nước đầu mối chính để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU chứ không phải xuất khẩu thẳng sang Anh. Do đó, nếu Anh rời khỏi EU, thì hàng hóa Việt Nam sang Anh qua con đường hiện nay sẽ có thêm trở ngại.

Chính vì vậy, doanh nghiệp phải thiết kế con đường xuất khẩu khác, như: xuất khẩu trực tiếp sang Anh..., chứ nếu xuất khẩu theo con đường cũ, vô hình chung sẽ mất rất nhiều chi phí và thời gian vì phải qua một biên giới nữa.

Đối với những doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu số lượng lớn vào thị trường này, hoặc quá phụ thuộc vào thị trường này sẽ bị ảnh hưởng nhất định. Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu hàng hóa không nên quá tập trung vào một vào thị trường, mà nên đa dạng, mở rộng thị trường từ đó hạn chế đến mức tối đa những thiệt hại không cần thiết.

Cũng nhận định về vấn đề này, trên báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phan Minh Thông, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ Tiêu Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Công ty Cổ phần Phúc Sinh cho biết, việc làm ăn với các thị trường châu Âu và nước Anh, của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, cần được dự báo các kịch bản rủi ro để chuẩn bị tốt hơn với hiện tượng Brexit. Các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung của Việt Nam có lẽ ngay từ bây giờ cần quan sát kỹ và tính đến phương án điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, cũng như lộ trình mở rộng thị trường.

Nhiều chuyên gia cũng đánh giá, dù người Anh đã quyết "dứt áo" ra khỏi EU, nhưng cũng phải mất 2-3 năm nữa quyết định này mới có hiệu lực chính thức. Và đây sẽ là khoảng thời gian để các doanh nghiệp xuất khẩu cơ cấu lại sản xuất, nâng cao chất lượng, gia tăng tính cạnh tranh cho từng mặt hàng xuất khẩu sang EU, Anh..../.

Tham khảo từ:

Lê Mỹ (2016). Doanh nghiệp Việt nên đối diện với Brexit, truy cập từ http://enternews.vn/doanh-nghiep-viet-nen-doi-dien-voi-brexit.html

Uyên Hương (2016). Anh rời EU: Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sẽ thêm rào cản, truy cập từ http://bnews.vn/anh-roi-eu-xuat-khau-hang-hoa-viet-nam-se-them-rao-can/18647.html

Đức Dũng – Ngọc Quỳnh (2016). Brexit sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt Nam như thế nào?, truy cập từ http://bnews.vn/brexit-se-anh-huong-den-doanh-nghiep-viet-nam-nhu-the-nao-/19020.html

Thúy Hà (2016). Anh rời EU tạo áp lực lớn lên tỷ giá giữa Việt Nam và USD, truy cập từ http://www.vietnamplus.vn/anh-roi-khoi-eu-tao-ap-luc-lon-len-ty-gia-giua-vndusd/392783.vnp