Nhiều lợi thế để doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển đầu tư từ Trung sang Việt Nam

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, ông Alonso VinDas, Giám đốc một doanh nghiệp tại Costa Rica. Ông đã có rất nhiều năm làm việc với các đối tác tại Trung Quốc, nhưng đây là lần đâu tiên đặt chân đến Việt Nam để tìm hiểu thị trường.

Nhận định về thị trường Trung Quốc, ông Alonso VinDas cho biết: “Trung Quốc hiện có 2 vấn đề, một là, giá của họ hiện tại rất đắt. Cách đây vài năm tại Trung Quốc, 1 áo sơ mi chỉ có giá 2,4 USD, nhưng hiện nay đã lên 6 USD, nghĩa là tăng gần gấp 3 lần".

Ông Alonso VinDas

Ông Alonso VinDas giải thích: “Lý do là bởi thu nhập của họ đã tăng lên, nhu cầu tiêu dùng cũng tăng theo, nên thuê với giá rẻ họ sẽ không làm. Ví dụ, trước đây người công nhân đi xe đạp, còn ông chủ đi xe máy. Hiện nay, ở Trung Quốc, tất cả đều đi ô tô và mua thêm nhiều nhà. Họ có nhiều lựa chọn việc làm, dần dần giá nhân công tăng lên, nên rất khó mua được ở thị trường Trung Quốc”.

“Lý do thứ 2 là, họ có quá nhiều ngày nghỉ. Đặc biệt, có thời điểm nghỉ 20-30 ngày vào dịp Tết, nếu nghỉ dài như vậy sẽ mất nhiều thời gian cho dự án của chúng tôi”, ông Alonso nói.

Bên cạnh đó, doanh nhân đến từ Nam Mỹ cũng chia sẻ, đó là: “Xu thế ở Châu Mỹ, nước Mỹ dẫn đầu, nên Mỹ mua ở đâu các nước còn lại mua ở đấy, vì thế, hầu hết các doanh nghiệp ở châu Mỹ đều tìm đến Trung Quốc.”

“Nhưng khi giá nhân công tăng lên, chi phí tại Trung Quốc đắt đỏ, tôi phải tìm đến các thị trường mới. Nhưng tôi không hề có thông tin về các thị trường khác. Đang trăn trở vì điều đó thì tôi đã vô tình nhìn thấy tem mác trên đôi giày Nike hay Adidas của mình đang đi có ghi “Made in Vietnam”.

“Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng tìm kiếm thêm các nhãn mác trên các mặt hàng giày dép, quần áo khác nhau và tìm thêm được thị trường Ấn Độ, Bangladesh”, giám đốc người Costa Rica cho biết thêm.

Ông Alonso Vidas bộc lộ: “Qua các công cụ tìm kiếm trên Internet, tôi tìm hiểu về cả 3 thị trường trên. Lúc đầu, tôi và một vài người bạn làm doanh nghiệp cứ nghĩ Bangladesh là nơi rẻ nhất. Nhưng khi một doanh nghiệp Việt báo giá còn rẻ hơn cả Bangladesh, chúng tôi mới thấy, Việt Nam mới thực sự là thị trường hấp dẫn”.

Tuy nhiên, ông Alonso cũng quan ngại: “Lúc đầu, tìm hiểu về thị trường Việt Nam rất khó, ít thông tin. Tôi gửi email cho rất nhiều doanh nghiệp, nhưng chẳng ai trả lời. Không những thế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam rất muốn xuất khẩu hàng hóa của họ, nhưng về một số kỹ năng vẫn chưa chuyên nghiệp bằng các doanh nghiệp Trung Quốc. Họ thường bị động khi gặp các đối tác xuất khẩu trực tiếp như tôi và không biết mình phải làm gì”.

Bứt phá trong kinh doanh để tạo niềm tin với đối tác

Sau vài ngày tới Việt Nam, ông Vidas đã làm việc với nhiều doanh nghiệp có thiện chí hợp tác, ông cho rằng: “Tôi nghĩ, đây là thời điểm tốt cho người mua khi đến Việt Nam. Nhưng, trở ngại đó là, tôi đã gặp 4 doanh nghiệp của Việt Nam thì chỉ có 2 doanh nghiệp là sẵn sàng, còn lại các doanh nghiệp của Việt Nam chưa chuyên nghiệp.”

“Việt Nam là một thị trường mới với tôi, vì chưa quen cách làm việc nên tôi kỳ vọng nhiều vấn đề, như: giá tốt, khoảng thời gian sản xuất nhanh như Trung Quốc và mong muốn, trăn trở của tôi được lắng nghe, đáp ứng. Sau khi gặp Vietgo, họ chỉ cho tôi cách làm, đưa ra nhiều nhà cung cấp khác nhau và nhiều sự lựa chọn. Việt Nam có nhiều doanh nghiệp muốn xuất khẩu, nhưng không biết làm cách nào và Vietgo đã làm tốt việc kết nối đó”, ông Vidas chia sẻ.

Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp Nam Mỹ đến thị trường Việt Nam làm ăn, ông Alonso Vidas thẳng thắn chia sẻ về những đánh giá của mình về cung cách làm việc cũng như sự tin tưởng với các doanh nghiệp Việt.

Ông nói: “Hôm qua, tôi có gặp một người tên là Hưng, tôi nghĩ đó là người rất kinh nghiệm, thông minh, hiểu chuyện. Tôi rất thích và muốn giữ mối quan hệ với công ty đó. Nhưng cuối tuần trước, tôi có gặp 1 doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh. Họ có giá ổn, cách đón tiếp nhiệt tình nhưng có làm được tốt chất lượng không thì chưa chắc, vì họ chưa tạo được sự tin tưởng với tôi. Vì nếu đặt hàng, thì tôi lại mất nhiều thời gian để kiểm soát chất lượng.”

“Một doanh nghiệp khác cũng ở TP. Hồ Chí Minh có nhà xưởng lớn, nhưng cách vận hành ở xưởng đó chưa ổn. Họ có mời tôi về nhà ăn cơm, điểm đó cho tôi thấy ít nhất có thể đặt niềm tin về con người. Tuy nhiên quá trình sản xuất thì còn lăn tăn”, vị giám đốc này chia sẻ thêm.

Tuy nhiên những điểm then chốt, quyết định đến việc hợp tác với các doanh nghiệp Việt theo vị giám đốc người Costa Rica này là: “Thái độ của họ khi tiếp tôi, tôi nghĩ rằng phải cởi mở hơn. Và đặc biệt, nhà xưởng phải sạch sẽ, ngăn nắp. Nhiều doanh nghiệp nhìn như một nồi lẩu, có doanh nghiệp làm cả dệt may lại buôn cả mặt hàng gì đó”

“Tôi nghĩ, các doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam cần phải làm sạch sẽ hơn, hay nói cách khác là tổ chức khoa học hơn. Người Trung Quốc rất cởi mở trong kinh doanh, họ có nhiều kinh nghiệm mà các doanh nghiệp Việt Nam cần học hỏi”, ông VinDas nói.

Chỉ ra khá nhiều nhược điểm của doanh nghiệp Việt nhưng ông Alonso Vidas kết luận: “Với tiềm năng sẵn có, tôi kỳ vọng doanh nghiệp Việt Nam phát triển nhanh hơn nữa. Việt Nam đang trong thời kỳ của Trung Quốc 15 năm trước. Tôi nghĩ nếu phát triển tốt, 15 năm sau sản phẩm của Việt Nam có thể lại đắt hơn Trung Quốc.”

“Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phải biết nắm bắt và chuyển hóa cơ hội để có thể hòa nhập với thế giới và mở rộng thị trường”, ông Vidas khẳng định./.