Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, năm 2007, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký thỏa thuận hợp tác kinh tế với Liên Đoàn kinh tế Kansai. Từ đó đến nay, hai bên đã cùng nhau tiến hành nhiều hoạt động thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước. Đồng thời, không ngừng đổi mới cơ chế hợp tác để đảm bảo hiệu quả, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của các giai đoạn phát triển của Nhật Bản và Việt Nam.

Ông Đặng Xuân Quang phát biểu tại buổi Đối thoại

Phó Cục trưởng cho biết, Nhật Bản và Việt Nam luôn là đối tác tin cậy của nhau, 2 nước đã xây dựng nhiều khuôn khổ kinh tế chung, như: Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản, Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Nhật Bản và mới đây là cũng tham gia vào TPP. Đến nay, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ 2 tại Việt Nam, với gần 3.200 dự án, với tổng vốn đầu tư trên 41 tỷ USD, chiếm 14% tổng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Trong 8 tháng năm 2016, Nhật Bản đứng thứ 3 đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký và cấp mới là 1,46 tỷ USD.

Đối với Kansai, đây là vùng kinh tế lớn thứ hai Nhật Bản. Quan hệ giữa vùng Kansai với Việt Nam phát triển mạnh theo xu thế chung của quan hệ 2 nước. Trong tổng số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam có 20% doanh nghiệp đến từ vùng Kansai, tập trung vào các lĩnh vực chế biến hải sản, sản phẩm điện và điện tử dân dụng, phụ tùng ôtô, linh kiện máy móc, vật liệu xây dựng…

Trong thời gian tới, Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản nói chung, doanh nghiệp vùng Kansai nói riêng đầu tư vào 6 lĩnh vực trong khuôn khổ hợp tác phát triển công nghiệp hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản, đó là: công nghiệp điện tử, chế biến nông lâm thủy sản môi trường, tiết kiệm năng lượng, máy nông nghiệp đống tàu, công nghiệp ô tô và phụ tùng, các dự án bảo vệ môi trường, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước... Đặc biệt là tham gia đầu tư chia sẻ kinh nghiệm đối với các dự án khởi nghiệp của Việt Nam.

Nói về cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Xuân Phú, đại diện Bộ Công Thương cho biết, hiện nay Việt Nam đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là TPP và EVFTA hứa hẹn sẽ đem lại nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp Nhật Bản.

Bà Phú mong muốn, trong thời gian tới, các doanh nghiệp Nhật Bản nói chung, doanh nghiệp vùng Kansai nói riêng tăng cường đối thoại xúc tiến đầu tư, kinh doanh hơn nữa để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hai nước phát triển.

“Cơ hội đang mở ra là rất lớn cho các doanh nghiệp Nhật Bản dịch chuyển sản xuất kinh doanh sang Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực dệt may, da giày và ô tô ”.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài nhằm đón đầu các cơ hội từ hiệp định thương mại tự do, Việt Nam cũng đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Về vấn đề này, ông Phạm An Tuấn, Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong những năm qua, môi trường đầu tư của Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực bằng việc sửa đổi nhiều đạo luật quan trọng, như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Sang năm 2016, Chính phủ Việt Nam tiếp tục nghiệp cứu về Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư kinh doanh với các tiêu chí là: cắt giảm ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; hoàn thiện chính sách bảo hộ và làm rõ hơn ưu đãi đầu tư; Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, trong đó nhấn mạnh đến việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ khác tiến hành sửa đổi các điều luật về đầu tư, kinh doanh nhằm tăng cường sự liên thông giữa các thủ tục, như: đầu tư, doanh nghiệp đất đai, xây dựng, môi trường...; Đổi mới phương thức quản lý và chuyển dần sang hậu kiểm.

Thấy được những cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, cùng với sự quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ Việt Nam, nhiều doanh nghiệp thuộc vùng Kansai, Nhật Bản bày tỏ mong muốn được tăng cường đầu tư vào Việt Nam.

Ông Shosuke Mori, Chủ tịch Liên đoàn kinh tế vùng Kansai cho biết, khi TPP có hiệu lực, Việt Nam sẽ có thể trở thành trung tâm xuất khẩu nội khối, các doanh nghiệp của Nhật Bản sẽ có nhiều cơ hội mở rộng đầu tư, sản xuất tại Việt Nam. Chính vì vậy, các doanh nghiệp vùng Kansai muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với Việt Nam.

“Với những thế mạnh là kỹ thuật tiên tiến bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng..., chúng tôi hy vọng rằng, doanh nghiệp vùng Kansai sẽ giúp Việt Nam vừa đạt về mục tiêu kinh tế, vừa đạt về mục tiêu phát triển bền vững”, ông Shosuke Mori nhấn mạnh./.

Vùng Kansai là nằm ở vị trí trung tâm của Nhật Bản, bao gồm 10 tỉnh, trong đó có 3 thành phố lớn là Osaka, Kyoto và Kobe. GDP của tỉnh đạt khoảng 1.000 USD, chiếm 20% GDP của Nhật Bản. Kansai là trung tâm kinh tế, tài chính và khoa học công nghệ lớn thứ hai của Nhật Bản, sau vùng Kanto (Tokyo), có thế mạnh là ngành công nghiệp chế tạo, là nơi đặt trụ sở chính của nhiều Tập đoàn công nghiệp chế tạo và dịch vụ nổi tiếng, như: Panasonic, Sharp, Sanyo, Kawasaki…