Dự báo thị trường lao động Việt Nam sẽ phục hồi và sớm tăng trưởng trở lại
Bức tranh thị trường lao động đã tươi sáng hơn
Chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 giúp thị trường lao động quý I năm 2022 có nhiều tín hiệu khởi sắc so với trước. Xin ông chia sẻ vài điểm mới trong bức tranh về lao động, việc làm quý I năm 2022?
Ông Nguyễn Huy Minh, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê |
Quý I/2022, số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 đã giảm mạnh, giảm 7,8 triệu người (từ 24,7 triệu người xuống còn 16,9 triệu người so với quý IV năm 2021. Số người gia nhập lực lượng lao động tiếp tục tăng 500 nghìn người so với quý trước. Lao động có việc làm tăng gần 1 triệu người so với quý trước. Điều này khác biệt với xu hướng lao động giảm nhẹ trong quý I so với quý IV năm trước của các năm khác. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đều giảm. Thu nhập của người lao động đã dần được cải thiện, bình quân đạt 6,4 triệu đồng/người, tăng 1 triệu đồng so với quý trước và tăng 110 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường lao động đã có nhiều khởi sắc và đang từng bước phục hồi. Tuy nhiên thị trường lao động vẫn đang còn tiềm ẩn một số yếu tố thiếu bền vững.
Thứ nhất, lực lượng lao động tăng so với quý trước, nhưng vẫn thấp hơn 403,3 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019, khi chưa xảy ra đại dịch. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý này vẫn thấp hơn khoảng 3,25 điểm phần trăm những năm 2019.
Thứ hai, số người có việc làm tăng nhanh nhưng tăng nhiều ở lao động phi chính thức phi hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản. Số người có việc làm phi chính thức phi hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản là 21,4 triệu người, tăng 2,0 triệu người so với quý trước và tăng 695,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, tốc độ tăng lao động phi chính thức phi hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản cao hơn so với tốc độ tăng của lao động chính thức gần 5 điểm phần trăm.
Thứ ba, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, cao hơn mức bình thường cũ là 1,59 điểm phần trăm và 0,15 điểm phần trăm.
Thứ tư, lao động tự sản tự tiêu vẫn cao hơn những năm trước đó khoảng 700 nghìn người.
Như vậy, bức tranh thị trường lao động quý I năm 2022 đã tươi sáng hơn nhưng để đạt được trạng thái bình thường như thời kỳ trước khi bùng phát đại dịch Covid-19 thì chúng ta cần phải tiếp tục nỗ lực thúc đẩy các chương trình phục hồi nhiều hơn nữa.
Một số chỉ tiêu về lao động việc làm quý I/2022 (nguồn Tổng cục Thống kê) |
Dự báo thị trường lao động sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại
Thưa ông, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam có thể trở lại mức trước đại dịch vào năm 2022 được không? Các chính sách hỗ trợ được Chính phủ đưa ra là gì?
Quý I năm 2022 chứng kiến sự lan rộng chưa từng thấy của đại dịch Covid-19. Số ca nhiễm bệnh ghi nhận được lên đến hàng trăm nghìn ca mỗi ngày. Tuy nhiên nỗ lực triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của các cấp, các ngành, các địa phương cùng với các chính sách thích ứng linh hoạt và hoàn thành tiêm vắc xin trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 đã tạo điều kiện cho thị trường lao động dần phục hồi và đạt được mức tăng trưởng khá.
Tình hình thất nghiệp ở quý I năm 2022 đã có nhiều cải thiện. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2022 là khoảng 1,1 triệu người, giảm 489,5 nghìn người so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,46% tuy vẫn còn cao hơn 0,15 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019, nhưng đã giảm 1,1 điểm phần trăm so với quý trước.
Như vậy, có thể thấy kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, chấp nhận sống chung với đại dịch dựa vào độ phủ vaccine nhanh chúng ta đã đạt được những kết quả rất tích cực. Tỉ lệ người mắc COVID-19 nhập viện và tử vong giảm sâu và gần như tạo ra cơ chế miễn dịch cộng đồng.
Trên cơ sở đó, Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách và các nhóm giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Ví dụ, Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 về “nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022”; Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”. Hàng loạt giải pháp để kích thích nền kinh tế đã được đưa ra làm đòn bẩy cho sự phục hồi phát triển kinh tế như: gói kích cầu 350.000 tỷ đồng, tăng chi cho đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công; tăng cường hỗ trợ ăn sinh xã hội; giảm lãi suất cho vay – tiếp sức cho phục hồi phát triển doanh nghiệp.
Với những yếu tố như trên, dự kiến thời gian tới thị trường lao động sẽ phục hồi và sớm tăng trưởng trở lại như trước khi xảy ra đại dịch.
Tổng cục Thống kê tin rằng, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm sẽ sớm được cải thiện |
Khác với quý I/2021, quý I năm nay, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh gần như đã được mở cửa hoàn toàn, nhưng vì sao tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước?
Quý I năm 2022 so với quý I năm trước đúng là có nhiều thuận lợi cho nền kinh tế nói chung và cho thị trường lao động nói riêng hơn khi gần như mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh được mở cửa hoàn toàn. Tuy nhiên, quý I năm 2022 cũng chứng kiến sự lan rộng chưa từng có của đại dịch Covid 19. Số ca nhiễm bênh tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố. Mỗi ngày số ca bệnh ghi nhận được đến hàng trăm nghìn ca. Đó là số ca nhiễm qua báo cáo, còn số ca trong cộng đồng thực chất cao hơn rất nhiều (riêng tại Tổng cục Thống kê, vừa qua, số ca nhiễm trong toàn ngành chiếm 48% tổng số công chức người lao động). Suy rộng ra, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khác có tỷ lệ nhiễm bệnh không thấp hơn. Theo quy định, những người là F0 phải cách ly và điều trị đến khi khỏi bênh, F1 phải cách ly 5 ngày kể từ ngày tiếp xúc với F0. Điều này chắc chắn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động bình thường của các đơn vị, đặc biệt là các doanh nghiệp.
Ngoài ra, quý I năm 2022, thế giới cũng trải qua xung đột Nga-Ucraina và đặc biệt các lệnh trừng phạt cũng như trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ, phương Tây và Nga đã có tác động trực tiếp nhất định đến hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư của nước ta, đan xen cơ hội và thách thức trong ngắn hạn. Về tổng thể nền kinh tế vẫn chịu nhiều ảnh hưởng gián tiếp, tiềm ẩn rủi ro về ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát do giá xăng dầu tăng cao, ảnh hưởng đến đà phục hồi của doanh nghiệp, làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã ban hành.
Tất cả những yếu tố trên làm tỷ lệ thất nghiệp và đặc biệt là thiếu việc làm trong quý I năm 2022 vẫn còn cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê tin tưởng rằng, các vấn đề này sẽ được cải thiện nhiều hơn trong thời gian tới.
Doanh nghiệp cần đổi mới để sử dụng lao động một cách hiệu quả và tốt hơn
Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm vẫn cao trong khi rất nhiều doanh nghiệp lại thiếu lao động. Vì sao lại dẫn đến tình trạng này, phải chăng thu nhập của người lao động quá thấp khiến người lao động không mặn mà với công việc làm công hưởng lương?
Doanh nghiệp luôn thiếu lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề, lao động trình độ cao, lao động đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.
Các nền kinh tế luôn tồn tại một tỷ lệ thất nghiệp nhất định tùy theo đặc điểm thị trường. Chẳng hạn tại Bỉ là 5-6%; Thụy sĩ là 4-5%; Đức là 3-4%; Pháp là 8%; Mỹ là 4% (thời Covid lên tới 8%); Singapore, Indonesia, Malaysia khoảng 3-4%; Thái Lan, Lào, Capuchia, Mianma: <2%; Việt Nam, Philipin khoảng 2-3%.
Tỷ lệ thất nghiệp cao không có nghĩa là người lao động không muốn làm việc hay không mặn mà với công việc. Tỷ lệ này phản ánh phần trăm số người đang tìm kiếm việc làm và sẵn sàng làm việc.
Để hỗ trợ người lao động, Chính phủ bắt đầu thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà theo Nghị quyết 43/2022/QH15. Chính sách này liệu có giải quyết được tình trạng thiếu lao động của doanh nghiệp?
Ngày 11 tháng 1 năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày 30 tháng 1 năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm là một nội dung được đề cập trong chính sách tài khóa theo tinh thần Nghị quyết 43/2022/NQ-QH. Nguồn kinh phí dự trù cho gói hỗ trợ này khoảng 6,6 tỷ đồng, nằm trong gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng phục hồi phát triển kinh tế.
Theo đó, mỗi người lao động đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất được hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa là 3 tháng. Các hỗ trợ này sẽ giải quyết một phần khó khăn của người lao động.
Nhưng hỗ trợ tiền thuê nhà chỉ có thời hạn, hết thời hạn vấn đề cải thiện thu nhập cho người lao động, bảo đảm người lao động có thu nhập đủ trang trải cuộc sống tối thiếu theo Nghị quyết của Đảng phải được thực hiện đồng bộ, nếu không tình trạng nghỉ việc tập thể sẽ tiếp tục diễn ra như đã diễn ra trong thời gian vừa qua với mức độ ngày càng trầm trọng hơn?
Ngoài gói hỗ trợ tiền thuê nhà, rất nhiều gói hỗ trợ khác được đề cập trong Nghị quyết 43/NQ-QH nhằm mục tiêu: (i) Phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, giữ tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn; (ii) Tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân; (iii) Phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế.
Chính sách tài khóa: (i) miễn giảm thuế (thuế GTGT giảm từ 10% xuống còn 8%); cho phép tính vào chi phí những khoản chi ủng hộ phòng chống dịch Covid 19. (ii) tăng chi đầu tư phát triển trong đó có tăng chi cho an sinh xã hội, lao động việc làm; hỗ trợ lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh; tăng chi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng
Chính sách tiền tệ: a) Điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; b) Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng; c) Điều tiết thanh khoản phù hợp, tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất; d) Điều tiết tiền tệ hợp lý, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu Chính phủ và để các tổ chức tín dụng tiếp tục đầu tư trái phiếu Chính phủ;
Chính phủ đã đề ra các giải pháp tối ưu nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. Để thực hiện hiệu quả các giải pháp đó, cần có sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần có những chính sách chủ động thích ứng; có kế hoạch thay đổi công nghệ, chuyển đổi mô hình và phát triển theo hướng bán tự động nhằm sử dụng lao động một cách hiệu quả và tốt nhất.
Kỳ vọng 90% doanh nghiệp sẽ tăng lương từ quyết sách tăng lương tối thiểu sắp tới
Một số chỉ tiêu về đời sống dân cư và công tác an sinh xã hội quý I/2022 (nguồn Tổng cục Thống kê) |
Gần 27% số hộ gia đình có thu nhập giảm so với cùng kỳ năm trước (theo kết quả khảo sát mức sống dân cư của Tổng cục Thống kê) đã cho thấy, thu nhập từ làm công hưởng lương của người lao động quá thấp so với nhu cầu. Tuy nhiên, Hội đồng tư vấn tiền lương quốc gia chỉ đề xuất tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% kể từ 1/7/2022. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hai năm qua, lương tối thiểu vùng chưa được điều chỉnh, hiện vẫn áp dụng theo mức tiền lương tối thiểu được quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ (áp dụng từ 1/1/2020) nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua những giai đoạn khó khăn của đại dịch và dần phục hồi.
Trong bối cảnh các hoạt động dần đi vào trạng thái bình thường như hiện nay, việc tăng lương tối thiểu vùng đã được tính đến để đảm bảo bù đắp chi phí tối thiểu của người lao động, tái sản xuất sức lao động.
Hội đồng tiền lương quốc gia đã thống nhất kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng 6% kể từ 1/7/2022. Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp đang gặp khó khăn, thu nhập của người lao động thậm chí không được cải thiện so với trước khi đại dịch xảy ra thì mức tăng này là hợp lý. Các chuyên gia đều nhận định, tăng lương tối thiểu vùng là nguyện vọng chính đáng của người lao động.
Lương tối thiểu vùng không phải mức tiền lương mà người lao động được nhận, hay nói cách khác, không phải cứ tăng lương tối thiếu vùng là tiền lương của người lao động lập tức tăng lên.
Tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động yếu thế, đồng thời là một trong những căn cứ quan trọng để thỏa thuận tiền lương.
Có nghiên cứu cũng chứng minh rằng, mỗi lần tăng lương tối thiểu thì số doanh nghiệp áp dụng tăng lương lên tới 90%, trừ doanh nghiệp đã chi trả mức cao nên không tăng hoặc tăng ít. Chính vì vậy, việc tăng lương tối thiểu vùng hiện nay được đánh giá là cần thiết.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng nhận định, việc tăng lương này cũng cần có những bước đi cẩn trọng để không tạo thêm quá nhiều áp lực cho doanh nghiệp, có thể làm tăng nguy cơ mất việc cho người lao động.
Ngoài ra, tiền lương là yếu tố đầu vào của sản xuất, việc tăng lương có thể dẫn đến tăng chi phí đầu vào, làm tăng giá cả hàng hóa, lạm phát sẽ khó kiểm soát hơn…, có thể dẫn đến nguy cơ lương tăng không bù đắp được chi phí do tăng giá.
Chính vì vậy, chúng ta cần làm việc cẩn trọng hơn, trao đổi khảo sát kỹ ý kiến của cả doanh nghiệp và người lao động, trên cơ sở đó để ra quyết định về mức tăng lương và thời điểm tăng lương phù hợp nhất./.
Bình luận