Đường dây nóng ngành y tế "nguội" dần: Vấn đề nằm ở đâu?
Đã tiếp nhận trên 12.197 cuộc gọi
Để hạn chế tiêu cực trong công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện thiết lập đường dây nóng.
Thực hiện yêu cầu trên, hơn 1.200 đường dây nóng hoạt động 24/24 giờ tại các cơ sở y tế đã đi vào hoạt động và đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể, theo thống kê của Bộ Y tế, trong 10 tháng năm 2015, đường dây nóng của Bộ Y tế đã tiếp nhận trên 12.197 cuộc gọi đến qua số tổng đài 1900-9095.
Qua phân loại đối với các cuộc gọi đến tổng đài đường dây nóng có 4.595 cuộc gọi đúng phạm vi tiếp nhận, trong đó nội dung người dân phản ánh về tình trạng xuống cấp của cơ sở vật chất, nội quy cơ sở y tế chiếm nhiều nhất với gần 1.700 cuộc gọi. Tiếp đến là các cuộc gọi phản ánh quy trình chuyên môn có 1.295 cuộc gọi, phản ánh về các vấn đề liên quan đến viện phí và thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế có 695 cuộc gọi.
Đáng chú ý với các cuộc gọi phản ánh thái độ, tinh thần trách nhiệm của y, bác sĩ đối với người bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh cũng có tới 558 cuộc; cuộc gọi có ý kiến phản ánh về các vấn đề tiêu cực như vòi vĩnh, đòi hối lộ của cán bộ y tế cũng hơn 200 cuộc.
Trên cơ sở các cuộc gọi đúng phạm vi tiếp nhận của người dân phản ánh đến đường dây nóng, Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện tuyến trung ương và sở y tế các tỉnh, thành phố xử lý khẩn trương, kịp thời các vụ việc. Theo đó, từ đầu năm tới nay, toàn ngành y tế đã nhắc nhở, rút kinh nghiệm đối với 2.095 trường hợp bị phản ánh qua đường dây nóng. Đặc biệt, đã tiến hành xử lý kỷ luật 63 trường hợp, cắt thi đua 62 trường hợp. Đồng thời, các cơ sở y tế cũng tiến hành khen thưởng 80 trường hợp y, bác sĩ được người dân khen ngợi và phản ánh qua đường dây nóng.
Chưa bàn đến tính chính xác của những cuộc gọi góp ý, phản ánh về công tác khám, chữa bệnh, nhưng đường dây nóng đã “nóng thật”, thể hiện thái độ lắng nghe của các cơ sở y tế!
Không phải ngẫu nhiên, đường dây nóng của ngành y tế lại trở nên nóng. Và cũng không phải đến bây giờ các căn bệnh của ngành y mới “phát tác”, mới khiến người dân bức xúc. Có thể thấy, bằng hàng loạt công việc đã được triển khai trong một quyết tâm “xốc” lại hình ảnh người thầy thuốc, nâng cao y đức, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thực sự vào cuộc. Từ việc Bộ trưởng có trang cá nhân trên mạng xã hội đến các công việc “bếp núc” của ngành y đều được Bộ trưởng rốt ráo thực hiện. Nhiều tồn tại của ngành trong nhiều năm đã được giải quyết.
Đường dây nóng sẽ phát huy tác dụng nếu luôn có người tiếp nhận
Đang “nguội” dần: vấn đề ở bệnh viên hay người dân?
Trong khi người dân còn chưa hết vui vì những tín hiệu tích cực từ hoạt động đường dây nóng trong lĩnh vực y tế mang lại thời gian qua, thì lại buồn khi đường dây nóng lại dần ...“nguội”!
Trong tháng 11/2015, Bộ Y tế đã cử cán bộ gọi điện kiểm tra đột xuất đến đường dây nóng của hàng loạt bệnh viện từ Trung ương tới địa phương. Kết quả, có tới hơn 300 số điện thoại gọi đến 3 lần vẫn không có người nghe máy hay từ chối trả lời dù mang danh là đường dây nóng. Đáng buồn hơn có tới 40 số đường dây nóng “lạnh tanh”, tắt máy hoàn toàn. Trong số những cơ sở y tế bị “điểm mặt” có không ít bệnh viện lớn, như: Thống Nhất, Mắt trung ương, Tâm thần trung ương 1, Bệnh nhiệt đới trung ương, E trung ương, Phổi trung ương, Y học Cổ truyền trung ương... (VOVGT, 2015).
Cứu người như cứu hỏa nên thật khó chấp nhận đường dây nóng bệnh viện lại có thể "nguội lạnh" đến như vậy. Cũng vì thế mà Bộ Y tế đã phải lập tức có công văn gửi các sở y tế và giám đốc các bệnh viện, yêu cầu báo cáo. Theo đó, ngày 25/12 là hạn cuối cùng các đơn vị phải tổng hợp về lý do vì sao không tổ chức trực đường dây nóng.
Tuy nhiên, trước những bức xúc của dư luận cũng đã có một số bệnh viện, bác sĩ lên tiếng giải thích lý do đường dây nóng không kết nối được. PGS.TS, Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E Trung ương cho rằng, theo quy định, đường dây nóng do Giám đốc bệnh viện trực tiếp giữ, nhưng có lúc bận mổ hoặc khám bệnh, hội chẩn thì không thể nghe được hết các cuộc gọi. Ông Thành còn lý giải thời gian đầu, đường dây nóng cũng khá nóng, nhưng sau thời gian chấn chỉnh, hoạt động của Bệnh viện dần đi vào nền nếp nên đường dây đã “nguội” hẳn. Nhiều cuộc gọi “cầu cứu” đường dây nóng là hỏi lịch khám, chế độ hưởng bảo hiểm, hỏi đường đến Bệnh viện... (Ngọc Dung, 2015).
Bên cạnh đó, ở nhiều bệnh viện đã thành lập ban trực đường dây nóng là các bác sỹ kiêm nhiệm, áp lực của người trực đường dây nóng tại các bệnh viện cũng còn rất lớn. Lý do chính khiến bác sĩ cảm thấy “khổ sở” với đường dây nóng là nhiều cuộc gọi “trật lất” địa chỉ. Các bác sĩ kiêm cán bộ thường trực đường dây nóng chia sẻ, hầu hết các cuộc gọi đến đầu tiên là… mắng cho hả giận rồi mới nói. Có nhiều cuộc gọi chỉ để hỏi tên riêng của một nhân viên nào đó trong bệnh viện hoặc giá một loại dịch vụ y tế hoặc nhờ tư vấn dinh dưỡng. Không ít người uống say rồi gọi nói bậy.
Phạm vi cuộc gọi vào đường dây nóng vì thế chính là vấn đề cả Bộ Y tế và các đơn vị bệnh viện đang phải đau đầu tính toán. Mục đích cuối cùng là làm sao người dân nắm được số đường dây nóng và phản ánh các vấn đề thực sự nóng, chứ không phải gọi vì đủ thứ chuyện. Một số bệnh viện cho rằng, nên chăng dưới tờ thông báo đường dây nóng là nội dung khoanh vùng những điều có thể phản ánh qua đường dây này./.
Nguồn tham khảo:
1. Ngọc Dung (2015). Nguội ngắt... đường dây nóng bệnh viện, truy cập từ http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/nguoi-ngat-duong-day-nong-benh-vien-20151213224016902.htm
2. VOVGT (2015). Bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra: Đường dây nóng... không nóng, truy cập từ http://vovgiaothong.vn/duong-tin/bo-truong-bo-y-te-kiem-traduong-day-nong-khong%E2%80%A6-nong/183562
Bình luận