Để ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm 2 lần

Kết thúc phiên họp kéo dài hai ngày (12-13/6), FED thông báo nâng lãi suất cơ bản ngắn hạn thêm 0,25%. Như vậy, hiện mục tiêu lãi suất liên bang nằm trong khoảng 1,75%-2%. Mức lãi suất này tác động rất lớn đến nền kinh tế Mỹ bởi nó gắn chặt với các khoản nợ tiêu dùng (đặc biệt là nợ thẻ tín dụng), các khoản cho vay mua nhà và nhiều công cụ tài chính có lãi suất linh hoạt khác.

FED thông báo nâng lãi suất cơ bản ngắn hạn thêm 0,25%

Trong bản thông báo ngắn gọn chỉ với 320 từ, Ủy ban thị trường mở (FOMC) thay đổi khá nhiều câu chữ so với các bản thông báo trước đây, nêu ra quan điểm lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế cũng như kỳ vọng lạm phát.

Theo FOMC, kinh tế Mỹ gần đây đã tăng trưởng "ở tốc độ vững chắc", tỷ lệ thất nghiệp "giảm" và chi tiêu của các hộ gia đình "đã tăng lên". Trong biên bản họp hồi tháng trước, tốc độ tăng trưởng kinh tế được miêu tả là "vừa phải", tỷ lệ thất nghiệp "ở mức thấp" và chi tiêu của các hộ gia đình "ở mức vừa phải".

Với nhận định trên, FOMC cho biết sẽ là hợp lý nếu tăng lãi suất thêm 2 lần nữa, nâng tổng số lần tăng của năm 2018 lên 4 lần (lần đầu tiên là từ tháng 3).

Động thái của FED đúng như kỳ vọng của các nhà đầu tư. Nó còn thể hiện sự tự tin của các nhà chính sách vào dự báo tăng trưởng kinh tế, thất nghiệp thấp và lạm phát ổn định.

Cụ thể, FOMC dự báo, tỷ lệ lạm phát lõi sẽ đạt mục tiêu 2% vào cuối năm nay và kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,8% trong cả năm 2018. Tỷ lệ thất nghiệp cũng được dự báo giảm xuống còn 3,6% vào cuối năm nay, so với mức 3,8% ở thời điểm hiện tại. Năm 2019, lãi suất có thể tăng 3 lần.

Kinh tế Mỹ tăng trưởng vững và thị trường việc làm khả quan đã tạo điều kiện cho FED có 7 lần nâng lãi suất kể từ cuối năm 2015 đến nay. Những tuyên bố thận trọng về lãi suất trước kia của FED dần được loại bỏ các tuyên bố của ngân hàng trung ương này.

Phố Wall giảm điểm

Mặc dù vậy, việc FED tăng lãi suất làm nhà đầu tư lo ngại rằng chi phí vay vốn sẽ tăng cao, kéo tụt sự tăng trưởng của nền kinh tế, đồng thời tác động tiêu cực tới thị trường. Sau thông báo của FED, thị trường chứng khoán Mỹ ngày 13/6 đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 119,53 điểm còn 25.201,2 điểm, trong đó cổ phiếu Boeing và Caterpillar tăng, bù lại cho phần giảm của cổ phiếu Walt Disney.

Chỉ số S&P 500 giảm 0,4% và đóng cửa ở 2.775,63 điểm, trong đó chỉ có nhóm hàng tiêu dùng không thiết yếu (consumer discretionary) có diễn biến tích cực.

Chỉ số Nasdaq trong phiên có lúc tăng điểm sau khi có phán quyết cho phép thương vụ mua lại của AT&T đối với Time Warner. Tuy nhiên kết phiên chỉ số này giảm 0,11% chỉ còn 7.695,7 điểm sau quyết định tăng lãi suất của FED.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm có thời điểm vượt ngưỡng 3% sau tuyên bố của FED nhưng sau đó giảm và đóng cửa ở mức 2,977%. Chỉ số đồng USD, đo lường sức mua của đồng USD so với một rổ hàng hóa khác, có lúc tăng trên ngưỡng 94 điểm nhưng sau đó cũng giảm còn 93,57 điểm.

Trên thị trường tương lai, các chỉ số chứng khoán châu Á đã có những phản ứng trái chiều với động thái tăng lãi suất của FED. Chỉ số Nikkei 225 tương lai giảm 0,5%, trong khi các hợp đồng tương lai trên chỉ số chứng khoán Australia và Hong Kong gần như không biến động. S&P 500 tương lai trên sàn Tokyo cũng chứng kiến biến động nhẹ./.

Tham khảo từ:

https://www.cnbc.com/2018/06/13/fed-hikes-rate-by-a-quarter-point.html

http://ttvn.vn/kinh-doanh/pho-wall-giam-diem-sau-tuyen-bo-dieu-hau-cua-fed-42018146640625.htm