Tóm tắt

Mức thuế thu nhập cá nhân động viên vào ngân sách nhà nước phù hợp với thực tế thu nhập của người dân trong từng giai đoạn khác nhau, sẽ góp phần khuyến khích các tầng lớp dân cư làm giàu chính đáng, tăng tích lũy, từ đó có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và quay trở lại gia tăng đóng thuế cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ động viên thuế không phù hợp với thực tiễn, đồng thời thủ tục hành chính thuế rườm rà, phức tạp, sẽ gây nên những bất cập trong thực tế triển khai. Bài viết này đề cập về những tồn tại trong quá trình áp dụng Luật Thuế thu nhập cá nhân đối với điều tiết thu nhập từ tiền lương, tiền công, trên cơ sở đó tác giả đề xuất một số giải pháp, nhằm hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật về thuế thu nhập cá nhân ở nước ta hiện nay.

Từ khóa: thuế thu nhập cá nhân, tiền công, tiền lương, Luật Thuế thu nhập cá nhân

Summary

The rates of personal income tax mobilized into the state budget, if suitable to people’s real income in different periods, will contribute to encouraging people to do business and get rich legitimately, increase financial accummulation and thereby increasing more resources to invest in business and production development. This in return will increase tax payment to the state budget. However, if the tax mobilization rate is not consistent with reality, and the tax administrative procedures are cumbersome and complicated, there will exist inadequacies in practical implementation. This article discusses the shortcomings in the process of applying the Law on Personal Income Tax to regulate income from salaries and wages, thereby proposing a number of solutions to improve the legal system on personal income tax in our country today.

Keywords: personal income tax, wages, salaries, Law on Personal Income Tax

GIỚI THIỆU

Thu nhập cá nhân trong kinh tế là thuật ngữ đề cập đến tất cả các khoản thu nhập của một cá nhân kiếm được trong một niên độ thời gian nhất định (thông thường là một năm), nó là tổng hợp của tất cả các thu nhập của người lao động. Luật Thuế thu nhập cá nhân ảnh hưởng đến thu nhập thực nhận của người lao động. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ Luật này điều tiết cụ thể thu nhập từ tiền lương, tiền công như thế nào, để từ đó tuân thủ đúng theo quy định, nhất là trong bối cảnh Luật Thuế thu nhập cá nhân thường xuyên sửa đổi, bổ sung.

Luật Thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009. Việc ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, được coi là một bước tiến quan trọng trong quá trình cải cách thuế ở Việt Nam. Sau hai lần sửa đổi (Luật số 26/2012/QH13, ngày 22/11/2012 và Luật số 71/2014/QH13, ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế), các chính sách thuế thu nhập cá nhân ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Nghiên cứu của Nguyễn Vinh Hưng (2020) phân tích về sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng tại Việt Nam hiện nay đã tác động, ảnh hưởng rất lớn đến Luật Thuế thu nhập cá nhân. Trong đó, quy định về mức giảm trừ gia cảnh của Luật đang tồn tại khá nhiều vấn đề, cần được nghiên cứu, sửa đổi kịp thời, nhằm đưa ra các quy định phù hợp hơn với hoàn cảnh thực tiễn. Bài viết đi sâu đề cập những bất cập hiện nay của quy định về mức giảm trừ gia cảnh.

Trong khi đó, nghiên cứu của Lê Huỳnh Phương Chinh (2018) nêu thực tiễn áp dụng pháp luật thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công. Qua đó, bài viết nêu một số kết quả đạt được của Luật Thuế thu nhập cá nhân đối với điều tiết thu nhập từ tiền công, tiền lương bao gồm: góp phần đảm bảo công bằng trong việc điều tiết thu nhập của người lao động thuộc các tầng lớp dân cư; thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công động viên phù hợp với khả năng thu nhập của mỗi người lao động.

Còn nghiên cứu của Nguyễn Thị Thúy (2017) đã làm rõ nội dung về cơ sở thuế, phương pháp tính thuế, các mức thuế suất và quản lý thuế thu nhập cá nhân; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đánh giá xu hướng; phân tích chính sách, thực trạng chính sách thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam hiện nay, từ đó đưa ra các khuyến nghị cụ thể về chính sách thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, hiện vẫn thiếu những nghiên cứu phân tích có tính hệ thống về những tồn tại, hạn chế của Luật Thuế thu nhập cá nhân đối với điều tiết thu nhập từ tiền lương, tiền công, nên bài viết tập trung nghiên cứu làm rõ vấn đề này, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm góp phần thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về chính sách thuế thu nhập cá nhân, giúp xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng cải cách thuế trên thế giới, đảm bảo công bằng và khuyến khích người lao động làm giàu hợp pháp.

MỘT SỐ TỒN TẠI, BẤT CẬP CỦA LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN ĐỐI VỚI ĐIỀU TIẾT THU NHẬP TỪ TIỀN LƯƠNG, TIỀN CÔNG

Vai trò quan trọng của Luật Thuế thu nhập cá nhân

Luật Thuế thu nhập cá nhân điều tiết thu nhập từ tiền lương, tiền công có vai trò quan trọng, góp phần đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư. Luật này quy định, người có thu nhập thấp hơn giảm trừ gia cảnh, thì chưa phải nộp thuế. Người có thu nhập cao hơn mức giảm trừ gia cảnh, thì phải nộp thuế theo biểu thuế luỹ tiến từng phần gồm 7 bậc. Quy định này thể hiện nguyên tắc công bằng và khả năng nộp thuế của người có thu nhập. Theo đó, người có thu nhập thấp thì chưa phải nộp thuế, người có thu nhập cao hơn phải nộp thuế nhiều hơn, người có thu nhập như nhau, nhưng có hoàn cảnh khác nhau thì mức nộp thuế khác nhau. Việc quy định mở rộng diện điều tiết, góp phần điều tiết công bằng thu nhập của các tầng lớp dân cư theo hướng mọi cá nhân có thu nhập (trừ trường hợp thu nhập rất thấp và một số trường hợp đặc biệt) đều phải có nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, góp phần giảm khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp dân cư.

Một số tồn tại, hạn chế

Bên cạnh vai trò quan trọng của Luật Thuế thu nhập cá nhân đối với điều tiết thu nhập từ tiền lương, tiền công, một số quy định trong Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, chưa phù hợp với thực tiễn, thậm chí một số quy định còn phức tạp, phát sinh thủ tục hành chính, chưa tạo thuận lợi cho người nộp thuế và gây khó khăn cho công tác quản lý thuế. Thực trạng này được thể hiện trên các khía cạnh cụ thể như sau:

Thứ nhất, còn nhiều kẽ hở trong việc xác định đối tượng và thu nhập thực tế của người nộp thuế, do Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành còn thiếu các quy định cụ thể đối với người nộp thuế làm các công việc tự do, như: dạy học; bác sĩ khám, chữa bệnh ngoài giờ; người làm nghề môi giới trong các lĩnh vực... Trong khi đó, trên thực tế, những người làm các công việc này chưa nhận thức đầy đủ về nghĩa vụ đăng ký, kê khai và nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật, dẫn đến thất thu thuế của Nhà nước.

Thứ hai, còn nhiều thủ tục, giấy tờ, hồ sơ…, mà người nộp thuế cần thực hiện để đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý thuế. Điều này không chỉ khiến người nộp thuế đối mặt với các thủ tục nhiêu kê, rườm rà, mà còn phải mất nhiều thời gian để tuân thủ các thủ tục này.

Thứ ba, thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán của người Việt Nam được coi là một trở ngại đáng kể cho công tác thu thuế nói chung, thuế thu nhập cá nhân nói riêng. Việc sử dụng tiền mặt phổ biến làm cho công tác giám sát thu nhập của cơ quan chức năng bị hạn chế, đồng thời tạo cơ hội cho các chủ thể che giấu nguồn thu nhập hoặc dịch chuyển tài sản, từ đó không khai báo để nộp thuế theo quy định, trong khi quy định pháp lý thiếu cập nhật các giải pháp để ngăn ngừa tình trạng này.

Thứ tư, bất cập trong quy định về mức giảm trừ gia cảnh. Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện nay, giảm trừ gia cảnh sẽ gồm hai phần: mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm) và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Nguyên tắc giảm trừ cho người phụ thuộc là mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một đối tượng nộp thuế. Tuy nhiên, quy định về mức thu nhập được giảm trừ gia cảnh đã xây dựng khá lâu, nên không còn phù hợp với tình hình lạm phát trong một số năm gần đây. Do đó, cần xem xét xử lý vấn đề này để tránh gây áp lực nộp thuế cho người làm công ăn lương.

ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN ĐỐI VỚI ĐIỀU TIẾT THU NHẬP TỪ TIỀN LƯƠNG, TIỀN CÔNG

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trên, từ đó nâng cao hiệu quả, hiệu lực của Luật Thuế thu nhập cá nhân đối với điều tiết thu nhập từ tiền lương, tiền công, tác giả đề xuất các giải pháp trọng tâm như sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Thuế thu nhập cá nhân trên các phương tiện truyền thông, để mọi người dân hiểu rõ được ý nghĩa, vai trò của hệ thống thuế nói chung, thuế thu nhập cá nhân nói riêng đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội, từ đó giúp họ có nhận thức đúng đắn và xem việc nộp thuế là trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân yêu nước.

Hai là, đặt ra những chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với các đối tượng cố tình khai man thu nhập hoặc che giấu thu nhập, để giảm bớt khoản thuế thu nhập cá nhân phải nộp hoặc trốn thuế.

Ba là, Luật Thuế thu nhập cá nhân nên thay đổi mức thuế suất theo biểu thuế lũy tiến sao cho khoảng cách giữa các mức không quá chênh lệch. Có như vậy mới khuyến khích được những người lao động có tài năng, đồng thời giảm được hiện tượng khai man thu nhập, cũng như hành vi gian lận thuế. Cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, để nâng cao tính hiệu quả trong hoạt động quản lý, giám sát người nộp thuế, từ đó góp phần chống thất thu cho ngân sách nhà nước.

Bốn là, cần nghiên cứu, tính toán lại mức giảm trừ gia cảnh cho cả người nộp thuế lẫn người phụ thuộc, để phù hợp với thực tế lạm phát hiện nay, cũng như dự báo trong thời gian tới.

Năm là, ngành Tài chính và ngành Ngân hàng, cũng như các ngành liên quan cần triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn nữa trong thúc đẩy giao dịch không sử dụng tiền mặt, để kiểm soát thu nhập của người dân tốt hơn, từ đó giảm thiểu nguy cơ trốn thuế.

Sáu là, thực hiện đơn giản hóa việc kê khai, quyết toán thuế thu nhập cá nhân. Cùng với các điều chỉnh về cơ sở tính thuế, cơ cấu biểu thuế và thuế suất, cải cách chính sách thuế thu nhập cá nhân phải hướng tới việc đảm bảo sự đơn giản và minh bạch, hiệu quả trong hành thu trên cơ sở hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý thuế thu nhập cá nhân theo các định hướng chung đặt ra trong chiến lược cải cách hệ thống thuế. Áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ mạng vào việc quản lý sẽ giúp quản lý thuế chính xác, nhanh gọn, đồng thời đơn giản hóa và tạo thuận lợi cho người nộp thuế./.

ĐẶNG THỊ CÁT TƯỜNG

Cử nhân ngành Luật học, Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo Số 08 - tháng 3/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Tài chính (2016), Thông tư số 97/2016/TT-BTC, ngày 28/06/2016 hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục miễn thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân là người Việt Nam làm việc tại cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam.

2. Bộ Tài chính (2010), Thông tư số 02/2010/TT-BTC, ngày 11/01/2010 hướng dẫn bổ sung Thông tư số 84/2008/TT-BTC, ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và hướng dẫn thi hành Nghị định số 100/2008/NĐ-CP, ngày 8/9/2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế Thu nhập cá nhân.

3. Chính phủ (2008), Nghị định số 100/2008/NĐ-CP, ngày 08/09/2008 quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân

4. Lê Huỳnh Phương Chinh (2018), Thực tiễn thực hiện pháp luật thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền công, tiền lương và một số giải pháp hoàn thiện, Tạp chí Công Thương, số 5, 11-16.

5. Nguyễn Vinh Hưng (2020), Luật thuế thu nhập cá nhân: Một số bất cập và kiến nghị, truy cập từ https:// sti.vista.gov.vn/tw/Lists/TaiLieuKHCN Attachments/302739/48300-1585-152061-1-10-20200608.pdf

6. Nguyễn Thị Thuý (2017), Thuế thu nhập cá nhân: Thực trạng và giải pháp hoàn thiện, truy cập từ https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM153226

7. Phạm Thị Kim Linh (2023), Luật Thuế thu nhập cá nhân mới nhất? Những văn bản nào hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập cá nhân 2023?, truy cập từ https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/ thoi-su-phap-luat/luat-thue-thu-nhap-ca-nhan-moi-nhat-nhung-van-ban-nao-huong-dan-thi-hanh-luat-thue-thu-nhap-ca-nhan-63177.html

8. Quốc hội (2012), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/ QH12, ngày 22/11/2012.

9. Quốc hội (2007), Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH 12, ngày 21/11/2007.

10. Quốc hội (2006) Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11, ngày 29/11/2006.

11. Tô Thị Phương Dung (2022), Thuế thu nhập cá nhân là gì? Thực trạng, kiến nghị về thuế thu nhập cá nhân?, truy cập từ https://luatminhkhue.vn/thue-thu-nhap-ca-nhan-la-gi-thuc-trang-cua-thue-thu-nhap-ca-nhan-o-viet-nam-hien-nay-kien-nghi-hoan-thien-quy-che-ve-loai-thue-nay.aspx.