Giải quyết khiếu nại, tố cáo, trách nhiệm không thể chung chung…
“Nóng” khiếu nại về đất đai
“Trong tháng 10/2021, qua báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 2 của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Dân nguyện đã tổng hợp được 1.707 kiến nghị của cử tri và đã kịp thời chuyển các kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết…”, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, tại phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khi thảo luận Báo cáo công tác dân nguyện tháng 9, tháng 10 của Quốc hội, theo Văn phòng Quốc hội.
Theo Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai tuy gần đây có chiều hướng giảm, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp. Ảnh: QH |
Ông Bình cho biết, tuy trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, không bố trí được việc tiếp công dân trực tiếp để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân, nhưng nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội đã vận dụng linh hoạt, ưu tiên hình thức nhận đơn thư, phản ánh kiến nghị, nên việc tiếp nhận, xử lý đơn thư được duy trì và thực hiện nghiêm túc. Đơn thư công dân gửi đến được xử lý kịp thời, đảm bảo đúng quy định của pháp luật…
Ban Dân nguyện nhận thấy tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội tuy gần đây có chiều hướng giảm, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp và tạo thành điểm nóng sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát. Nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp về ô nhiễm môi trường, cưỡng chế giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện các dự án điện gió chưa được giải quyết dứt điểm, gây bức xúc cho người dân… |
Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Dân nguyện, do tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nên việc tổ chức tiếp công dân của các Đoàn đại biểu Quốc hội bị ảnh hưởng. Số buổi tiếp công dân của các Đoàn có giảm nhiều so với chương trình, kế hoạch đề ra, thậm chí nhiều Đoàn có thời điểm đã phải tạm dừng không tổ chức tiếp công dân trực tiếp hoặc công dân không trực tiếp đến nơi tiếp dân để gửi đơn yêu cầu, trình bày, phản ánh…”, ông Bình cho hay.
Từ những hạn chế trên, Ban Dân nguyện kiến nghị UBTVQH tiếp tục chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc nổi cộm, tồn đọng, phức tạp, kéo dài để giải quyết dứt điểm.
Ban Dân nguyện đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội cần phối hợp chặt chẽ với Thường trực Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương trong việc giải quyết các vụ việc phức tạp liên quan đến lĩnh vực môi trường; việc thực hiện thu hồi, đền bù, giải phóng mặt mặt bằng đối với dự án điện gió còn vướng mắc để cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương có giải pháp giải quyết dứt điểm vụ việc, không để phát sinh thành điểm nóng phức tạp về an ninh, trật tự xã hội.
Cần làm rõ trách nhiệm
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đã có 306/536 kiến nghị cử tri gửi đến sau Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội khóa XV được giải quyết, trả lời (đạt tỷ lệ 57,1%), số kiến nghị còn lại đang được các cơ quan xem xét, giải quyết, trả lời cử tri theo quy định. Kết quả thực hiện kiến nghị giám sát của UBTVQH tại các Báo cáo kết quả giám sát kỳ trước cũng có tác động tích cực. Cụ thể, ngày 5/11/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 8105/VPCP thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các kiến nghị, đề xuất của UBTVQH nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đối với 32 vụ việc mà Tổ Công tác của Chính phủ theo dõi trực tiếp, đến nay các cơ quan chức năng đã giải quyết được 12 vụ việc, còn 20 vụ việc đang xem xét, giải quyết…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý cần rút kinh nghiệm trong công tác dân nguyện. Ảnh: QH |
“Đề nghị Ban Dân nguyện có tham mưu, làm việc với các đoàn giám sát, nhất là đoàn giám sát tối cao về giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp công dân, thống kê, kiểm đếm các vụ việc của Trung ương, các tỉnh thành phố và các bộ ngành, nhất là các vụ việc về đất đai, môi trường và các vấn đề phức tạp khác, lập danh mục, phân loại các vụ việc này và cần có kết quả giải quyết các vụ việc, trách nhiệm giải quyết thuộc về cấp nào, không thể chung chung…”, ông Vương Đình Huệ yêu cầu.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần rút kinh nghiệm trong công tác dân nguyện, rà soát lại quy chế làm việc, phân công, nên lựa chọn các vụ việc có tính chất phức tạp, đại diện để tập trung giải quyết, chú ý cách thức phân loại đơn thư. Khi đơn thư chuyển lên các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, thì giám sát việc giải quyết đơn này như thế nào? Cần có hệ thống cơ sở dữ liệu, phần mềm để quản lý, theo dõi vấn đề này. Cần quan tâm đến công tác phối hợp giữa Ban Dân nguyện và các cơ quan của Quốc hội, cũng như các cơ quan khác như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ban Dân nguyện là đầu mối, có trách nhiệm tổng hợp các vụ việc, tham mưu cho UBTVQH.../.
Bình luận