Hiệu quả của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư
Năng lực cạnh tranh của DNNN còn hạn chế
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu cho biết, đổi mới và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế.
Qua hơn 20 năm cải cách không ngừng, số lượng DNNN từ hơn 12.000 doanh nghiệp vào đầu những năm 1990, đã giảm đáng kể xuống còn 5.600 doanh nghiệp vào năm 2001 và đến nay chỉ còn khoảng hơn 500 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, chỉ còn hiện diện trong 11 ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
Dự kiến, đến năm 2020, cả nước chỉ còn khoảng hơn 100 DNNN. Từ năm 2016 đến hết tháng 10/2018, cả nước đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 136 DNNN.
“Những kết quả trên đã cho thấy quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thúc đẩy tiến trình đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại Diễn đàn
Tuy nhiên, đánh giá về hiệu quả hoạt động của DNNN trong thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, hoạt động của DNNN chưa cao, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư; một số dự án của DNNN còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn, chưa có phương án xử lý cụ thể, hiệu quả, cơ chế quản trị DNNN chậm đổi mới, chưa phù hợp với chuẩn mục quốc tế, tính công khai, minh bạch hạn chế….
Bên cạnh đó, lực lượng lao động trong DNNN còn đông, năng suất lao động thấp, lao động có trình độ tay nghề cao còn thiếu và yếu. Tình trạng thiết bị còn lạc hậu, chưa theo kịp kỹ thuật tiên tiến của thế giới và yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0.
Đồng ý kiến, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết thêm, thực tế cho thấy, năng lực cạnh tranh của DNNN còn hạn chế, như: lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh của khu vực DNNN phụ thuộc vào một vài doanh nghiệp lớn; Bình quân DNNN có nợ phải trả cao gấp 3,1 lần vốn chủ sở hữu, trong khi mức trung bình doanh nghiệp Việt Nam là 2,1 lần.
Bên cạnh đó, trong bảng xếp hạng Global 500 (2017) của Fortune, doanh nghiệp xếp cuối cùng là tập đoàn Ericsson với doanh thu 23,5 tỷ USD, cao hơn 2 lần so với các 3 tập đoàn kinh tế nhà nước lớn nhất Việt Nam là: EVN (11,9 tỷ USD); PVN (11,8 tỷ); và Viettel (10,8 tỷ USD).
Ngoài ra, mức độ sẵn sàng đối với Cách mạng Công nghiệp 4.0 của DNNN còn thấp. Cụ thể, theo điều tra Mức độ sẵn sàng đối với Cách mạng Công nghiệp 4.0 do UNDP, Trung tâm Phân tích và Dự báo CAF (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) và Bộ Công Thương thực hiện, thì chỉ có 28,7% DNNN sử dụng điện toán đám mây, 22,4% sẽ áp dụng, những doanh nghiệp còn lại không có kế hoạch và không liên quan.
Tiến trình cổ phần hóa vẫn diễn ra chậm
Đánh giá về kết quả thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn DNNN, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, cụ thể, năm 2016, theo kế hoạch sẽ cổ phần hóa 66 doanh nghiệp (trong đó có 15 doanh nghiệp cổ phần hóa cùng công ty mẹ, 35 doanh nghiệp độc lập) với tổng giá trị doanh nghiệp là 40.206 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 27.328 tỷ đồng.
Tuy nhiên, 18/35 doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch bán cổ phần đề ra, trong đó có những doanh nghiệp bán được rất ít, như: Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp; Công ty TNHH MTV Bột mỳ Vinafood; Công ty TNHH MTV Cao su Tân Biên; Công ty TNHH MTV Cấp nước Gia Lai…
Đến năm 2017, 69 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tổng giá trị doanh nghiệp của 69 doanh nghiệp là 365.953 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 160.156 tỷ đồng.
Trong số 69 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa, có 48 doanh nghiệp báo cáo tình hình thực hiện bán cổ phần lần đầu và 7/48 doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch bán cổ phần đề ra, trong đó có những doanh nghiệp bán được rất ít so với số cổ phần bán đấu giá công khai, như: Tổng công ty Phát điện 3 (GENCO 3); Tổng công ty Công ty Sông Đà; Tập đoàn Cao su Việt Nam; Công ty TNHH MTV Lệ Ninh Quảng Bình.
9 tháng đầu năm 2018, có 10 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Trong đó, đáng chú ý là Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Vạn Tường (Quân khu 5) và Tổng công ty truyền hình cáp Việt Nam (VTV cab) đã báo cáo tình hình thực hiện bán cổ phần lần đầu. Tuy nhiên, VTV cab bán đấu giá không thành công.
Tính đến tháng 10/2018, mới có 10% doanh nghiệp có kế hoạch cổ phần hóa. Theo đánh giá của ông Tiến, "như vậy là rất chậm".
Bàn về nguyên nhân khiến cho tình trạng chậm cổ phần hóa vẫn tiếp tục diễn ra, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, đó là do vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch. Hơn nữa, còn do tâm lý sợ trách nhiệm của lãnh đạo DNNN.
Một nguyên nhân khác là do tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa DNNN còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc cổ phần hóa.
Các diễn giả thảo luận tại Diễn đàn
Ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả DNNN
Ông Hoàng Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, để tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần:
(i) Sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật;
(ii) Tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các dự án, công trình đầu tư của DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài;
(iii) Đồng thời, đối với nguồn thu từ cổ phần hóa, bán vốn nhà nước, lợi nhuận sau khi phân chia các quỹ nộp về nhà nước;
(iv) Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư nhà nước, là xử lý dứt điểm DNNN yếu kém dấn đến thua lỗ, cải cách quản trị, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý DNNN;
(v) Rà soát và hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN, nâng cao hiệu quả hoạt động và quản trị, sức cạnh tranh của DNNN;
(vi) Kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban quản lý vốn nhà nước.
Trong khi đó, bà Nguyễn Minh Thảo đề xuất, Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và ứng dụng giải pháp công nghệ; Xây dựng chính sách thúc đẩy liên kết ngành phát triển và ứng dụng giải pháp công nghệ; Đồng thời, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp nói chung, trong đó có DNNN đầu tư công nghệ; Đào tạo nguồn nhân lực để có năng lực xây dựng, phát triển và ứng dụng công nghệ, nhất là trong DNNN; Nâng cao chất lượng thể chế, cơ chế quản lý DNNN nhằm tạo động lực thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Ngoài ra, áp dụng thông lệ quản trị doah nghiệp quốc tế đối với DNNN một cách đầy đủ và hiệu quả
Để thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn DNNN, theo ông Đặng Quyết Tiến, các DNNN thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật đất đai trình UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa./.
Bình luận